Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Cẩm - Bác sĩ Nhi khoa- Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Bệnh thiếu men G6PD là bệnh rối loạn chuyển hóa khá phổ biến. Đối với trẻ em bị mắc căn bệnh thiếu men G6PD, cha mẹ cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học cần thiết giúp trẻ có một cuộc sống lành mạnh. Vậy cha mẹ cần phải lưu ý gì khi sử dụng thực phẩm cho trẻ mắc bệnh thiếu men G6PD.
1. Thiếu men G6PD là bệnh gì?
Thiếu men G6PD được xác định là bệnh di truyền lặn trên nhiễm sắc thể X, trẻ bị bệnh này do nhận gen lặn bất thường trên nhiễm sắc thể giới tính từ bố và mẹ. Bởi vậy con trai có nguy cơ dễ mắc bệnh hơn con gái. Sự thiếu hụt men G6PD được các bác sĩ xác định do đột biến gen G6DP tại điểm Xq28, tại đây có hơn 140 loại đột biến dẫn đến sự thiếu hụt men G6PD. Các thay đổi cấu trúc này phá vỡ cấu trúc bình thường của men, làm giảm số lượng các men này trong tế bào và gây ra rối loạn chuyển hóa cơ thể.
Khi thiếu men G6PD thì các tế bào hồng cầu có thể bị phá vỡ bởi các tác nhân oxy hóa, dẫn đến tình trạng thiếu máu. Ngoài ra khi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ sẽ giải phóng ra một lượng lớn bilirubin, nếu chất này không kịp đào thải sẽ dẫn đến tình trạng vàng da, nặng hơn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ.
2. Các triệu chứng nhận biết trẻ bị mắc bệnh thiếu men G6PD
- Trẻ đột ngột tăng nhiệt độ cơ thể và có màu vàng ở da và niêm mạc
- Nước tiểu: màu vàng đậm, có thể vàng cam
- Trẻ có dấu hiệu mệt mỏi
- Hơi thở nhanh, nặng, mạch yếu nhanh
3. Lưu ý thực phẩm khi trẻ mắc bệnh khi thiếu men G6PD
Đối với trẻ sơ sinh bị thiếu men G6PD nên cho trẻ dùng sữa mẹ, bởi vì sữa công thức được bổ sung sắt – cơ thể khó tiêu hóa và hấp thu nên gây ra tình trạng thừa sắt, làm nặng hơn bệnh tình của trẻ.
Vì lo ngại nhiều hậu quả nặng nề mà bệnh có thể gây ra cho trẻ, nhiều bậc cha mẹ cho trẻ ăn kiêng quá mức. Điều này không cần thiết. Trẻ cần được ăn uống đa dạng để đảm bảo dinh dưỡng và lưu ý một số thực phẩm như dưới đây.
Tùy vào thể trạng chung và mức độ thiếu men G6PD của mỗi trẻ mà cần tránh hoàn toàn hoặc hạn chế sử dụng các thực phẩm có chứa tác nhân oxy hóa.
Danh sách một số thực phẩm cần lưu ý đối với trẻ thiếu men G6PD
Tên thực phẩm | Mức độ ảnh hưởng |
Đậu dâu tằm | Kiêng tuyệt đối |
Đậu tương, đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ, đậu phộng, đậu Hà Lan, đấu ván trắng, đậu đũa, đậu rồng,… | Hạn chế sử dụng |
Việt quất | Hạn chế sử dụng |
Mướp đắng | Hạn chế sử dụng |
Khoai tây chiên | Hạn chế sử dụng |
Sốt cà chua | Hạn chế sử dụng |
Rau diếp | Hạn chế sử dụng |
Nước Tonic | Hạn chế sử dụng |
Bạc hà | Có thể sử dụng một lượng nhỏ |
Vitamin K | Hạn chế sử dụng |
Hành tây | Hạn chế sử dụng |
Trẻ em bị thiếu men G6PD nên hạn chế sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ đậu
Trên đây là một số thực phẩm cần hạn chế đối với trẻ mắc bệnh thiếu men G6PD. Các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng, có thể tham vấn bởi các bác sĩ có chuyên môn dựa trên các kết quả xét nghiệm sàng lọc và chẩn đoán để xây dựng một chế độ dinh dưỡng với các thực phẩm phù hợp cho trẻ mắc bệnh thiếu men G6PD.
Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.
Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Các dấu hiệu bé thiếu kẽm
Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ
- Thiếu men G6PD: Bệnh có thể phát hiện nhờ sàng lọc sơ sinh
- Các xét nghiệm sàng lọc sơ sinh có thể cứu sống em bé của bạn
- Kết quả xét nghiệm G6PD 9,5 (u/DL) có ý nghĩa gì?