Mục lục
Bài viết của Thạc sĩ Đặng Thị Thanh Tùng - Kỹ thuật viên Tâm lý - Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục
Hàng ngày đến trường được tiếp xúc với bạn bè, thầy cô, được học tập và vui chơi trong một không gian rộng lớn là niềm vui của hầu hết các trẻ em trong độ tuổi đến trường. Việc đột ngột dừng học tập trung, ở nhà nghỉ dịch, học online và bị nhốt trong 4 bức tường cũng làm không ít trẻ gặp khó khăn vì thay đổi thói quen này. Có nhiều trẻ có thích nghi kém có thể gây nên những suy nghĩ lo âu, buồn chán.
1. Nhóm đối tượng trẻ cần quan tâm trong mùa dịch
Cụ thể có các nhóm đối tượng trẻ em cần quan tâm trong mùa dịch như sau:
- Nhóm trẻ em gặp khó khăn về mặt tâm lý như:
Nhóm lo âu, trầm cảm: với trẻ có lo âu thì mùa dịch với những thông tin hàng ngày hàng giờ về dịch bệnh, nếu không được cung cấp và định hướng chính xác thêm từ phía phụ huynh, truyền thông... có thể gây ảnh hưởng lớn đến trẻ bởi trẻ có thể sẽ kích hoạt trạng thái lo lắng, hoang mang khi mỗi ngày nhận được những thông tin diễn biến phức tạp về dịch bệnh: lo lắng nguy hiểm, lo lắng bệnh tật có thể làm cho mình bị mệt, người thân có thể bị bệnh, lo lắng việc có thể bị chết... kích hoạt hàng loạt các suy nghĩ tiêu cực vốn có của trẻ trước đó về những lo âu liên quan đến sức khoẻ, sự sống. Điều này cũng có thể kích thích trẻ sẽ kiếm tìm nhiều hơn các thông tin về dịch bệnh và nguy cơ khác. Trong khi các tin tức dạng không chính thống, tin giả rất nhiều. Trẻ cũng có thể bộc lộ các lo lắng qua các hành vi: bối rối, mất bình tĩnh, mệt mỏi, cáu kỉnh, khó ngủ, mất ngủ, quăng ném đồ dùng, khó chịu với người thân...
Đối với các nhóm trầm cảm, hoặc có khó khăn về cảm xúc khác thì việc dịch giã không phải đi đến trường, không cần đến các nơi đông người nhiều khi là một phần lợi ích mà trẻ có. Trẻ sẽ nằm lì trong nhà, trong phòng một phần vì điều đó làm trẻ cảm thấy đỡ khó khăn hơn với việc phải thích nghi, đi ra ngoài, đến nơi đông người. Nhưng mặt khác, do dịch kéo dài ở trong phòng, trong nhà quá lâu– điều đó cũng có thể kích hoạt các suy nghĩ tiêu cực của trẻ về những người xung quanh và về cuộc sống của chính bản thân. Trẻ thu mình hơn trong thế giới của mình, càng ít chia sẻ, ít cơ hội giao lưu, chia sẻ càng làm cho vấn đề của trẻ trở nên khó khăn hơn.
- Nhóm can thiệp chuyên biệt
Với các trẻ chuyên biệt như: chậm phát triển, tự kỷ, bại não... thì cần được sự hỗ trợ thường xuyên, liên tục không chỉ của gia đình mà còn các nhà chuyên môn. Trước dịch thì cha mẹ gửi con ở các trung tâm chuyên biệt hoặc cho con can thiệp cá nhân, nhóm tại các cơ sở sau đó về nhà cha mẹ hỗ trợ được ít, nhiều tuỳ hoàn cảnh. Nhưng trong bối cảnh dịch, trẻ không đến trường, không đến các trung tâm thì việc không được can thiệp liên tục ảnh hưởng lớn đến phát triển của trẻ. Trẻ cũng bị thay đổi không gian và phương pháp hỗ trợ sẽ khiến khả năng thích nghi hạn chế
- Trẻ bình thường:
Nhóm hiếu động/hoạt bát hướng ngoại: Nhóm trẻ em này thường có đặc điểm ưu chỗ đông người, thích chạy nhảy, hoạt động nhóm, và ưa các hình thức giải trí. Khi đến trường trẻ được chạy nhảy vui chơi cùng bạn bè, chia sẻ cùng bạn bè. Khi ở nhà trẻ lại bị bó buộc trong không gian hẹp mấy chục – đến hơn trăm mét vuông. Trẻ sẽ cảm thấy bức bối, khó chịu, luôn tìm kiếm các hoạt động và sẽ khó chịu khi không thực hiện được các mong muốn của mình như: ra hàng lang chơi, sang nhà bạn, đi ăn, đi chơi siêu thị...Tâm lý bức bối dẫn đến có nhiều hành vi: cãi lời cha mẹ, trêu tức em, trêu cha mẹ để gây sự chú ý. Nhiều trẻ còn luôn than vãn như: chán quá, bực mình quá, cái này cũng không được, cái kia cũng không được... bất lực và quay ra chán ghét bản thân và người xung quanh, hành vi bực tức, quăng ném khó chịu,...Nhóm ôn nhu/ nhẹ nhàng hướng nội: Nhóm này là nhóm các trẻ gái hoặc trai nhẹ nhàng hiểu chuyện, dễ thích nghi với các môi trường nhẹ nhàng, vừa phải không nhất thiết phải chỗ đông vui ồn ã, nên có thể sẽ không cảm thấy quá mức bức bối khó chịu với việc phải ở nhà trong mùa dịch. Tuy nhiên, nếu chỉ là 1 tháng trẻ cũng có thể chịu được, tình hình dịch kéo dài cả 4 tháng hè vẫn sẽ có thể làm cho trẻ xuất các lo lắng, mệt mỏi khó chịu. Vì nhu cầu của trẻ trong giai đoạn này là giao lưu và học hỏi. Trẻ khó mà chỉ ngồi yên hoặc chịu đựng sự cô lập/cách ly quá dài.Nhóm tâm lý này cũng có thể phân ra thành nhóm: học sinh theo cấp: mầm non, tiểu học, trung học hay trung học phổ thông. Bởi vì mỗi một giai đoạn tuổi trẻ cũng sẽ lại có những đặc trưng tâm sinh lý riêng để Phụ huynh nắm bắt, xem xét kỹ và tìm hiểu, hiểu biết để hỗ trợ trẻ
2. Tư vấn cho phụ huynh hỗ trợ trẻ trong mùa dịch
Trước hết để có thể giúp đỡ được trẻ cùng vượt qua khó khăn giai đoạn mùa dịch và nghỉ hè sắp tới thì phụ huynh phải là người tìm hiểu, nắm bắt được tâm sinh lý của con mình thuộc các dạng/kiểu hình nào trong các trường hợp nêu trên. Từ đó phụ huynh sẽ có các cách hỗ trợ trẻ hợp lý
Đối với nhóm lo âu: cha mẹ cần có những nắm bắt và thấu hiểu những lo lắng cụ thể của trẻ. Cha mẹ dành thời gian ngồi cùng trẻ, chia sẻ với trẻ các lý do tại sao lại phải cách ly trong mùa dịch, chia sẻ các thông tin tích cực có thể có về dịch. Tìm hiểu các liệu pháp: yoga, thiền, các liệu pháp vận động tại chỗ, các bài tập vận động nâng cao sức khoẻ, chăm sóc cơ thể và giấc ngủ cùng trẻ thực hiện và trấn an để trẻ nhận thấy khi có các hoạt động nâng cao sức khoẻ, thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch thì các nguy cơ, các lo âu về bệnh tật giảm nhẹ. Tìm hiểu các cách tương tác: chát với bạn bè, nhóm bạn thông qua các chương trình vui khoẻ bổ ích, luyện tập bổ ích cùng nhau để trẻ có thêm các tương tác tích cực từ bạn bè khác ngoài gia đình. Cho trẻ tham gia các hoạt động giúp đỡ gia đình để trẻ giảm thời gian thừa suy nghĩ tiêu cực và lo âu.
Đối với nhóm trầm cảm: Việc kích hoạt hành vi, lôi kéo trẻ tham gia các hoạt động nhóm, tương tác vận động là rất cần thiết. Tuy nhiên, dịch bệnh lại khiến việc này khó khăn hơn. Gia đình phải là chỗ dựa vững chắc, cha mẹ và người thân phải vận động và càng phải tích cực hơn nữa trong việc kéo trẻ ra khỏi phòng riêng. Yêu cầu, khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động cùng các thành viên trong gia đình như làm một số việc phụ giúp bố mẹ: giặt/gấp quần áo, lau nhà, nấu cơm, nhặt rau, ...Hoặc các thành viên cũng lôi kéo, khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động: game vui cùng gia đình, xem tivi cùng gia đình, đi bộ hoặc chạy bộ... cùng mẹ/bố/anh/chị em...Hoặc cùng trẻ tìm hiểu các cách để có thể làm một món ăn mới, yêu thích một bộ môn thể dục/nghệ thuật nào đó...và tham gia cùng trẻ. Chia sẻ tích cực và động viên trẻ nhiều hơn.
Nhóm trẻ chuyên biệt nói chung: cần có sự đồng hành sát sao hơn. Cha mẹ cần học thêm các lớp học online để có thêm kỹ năng hỗ trợ trẻ. Việc kiên nhẫn, hiểu trẻ dù chưa hỗ trợ được nhiều cũng giúp cha mẹ giảm căng thẳng và hỗ trợ trẻ được thích nghi và luyện tập lại các kỹ năng sẵn có của trẻ cũng là một thành công. Giảm kỳ vọng về việc tiến bộ vượt bậc trong thời gian này, giảm lo lắng và tăng tương tác giúp trẻ học thêm được nhiều hơn các kỹ năng chăm sóc bản thân tại gia đình mà mùa dịch trẻ mới có được trải nghiệm này.
Nhóm trẻ bình thường nói chung: nhóm này chính là nhóm dễ mà khó. Tại chúng đều là các trẻ bình thường, hiểu biết và linh hoạt. Nhưng chính vì chúng như thế lẽ ra chúng đến trường để giao lưu, chơi cùng bạn bè, thầy cô. Nhưng vì dịch lại ngồi một chỗ sẽ không tránh khỏi trẻ buồn chán, bực bội, cáu gắt. Tuy nhiên, để trẻ không chán, không cáu gắt, bức bối thì cha mẹ cần vận dụng nhiều hơn: sự lắng nghe, thấu hiểu trẻ để tìm ra chìa khoá chơi cùng trẻ để vượt qua mùa dịch. Các hình thức cha mẹ có thể giúp trẻ bao gồm: tìm kiếm các khóa học online phù hợp: lớp tiếng anh, lớp dạy vẽ, dạy đàn... hoặc cùng trẻ xây dựng một loạt danh sách các hoạt động mà trẻ muốn làm như: xem tivi, chơi game, thí nghiệm, chơi cùng em, khám phá làm đồ ăn/đồ dùng mới, ... Sau đó cùng trẻ xác định thời gian cùng nhau làm việc trên. Cùng xác định việc gì làm trước việc gì làm sau và nêu các mong muốn khác nếu có. Ví dụ: để thực hiện việc nhà thì hình thức: sao thưởng, quy đổi thưởng hay hình thức mà trẻ và bố mẹ mong đợi là gì? Bên cạnh đó bố mẹ cũng cần tham khảo các trò chơi các hoạt động bổ ích khác nhau để có thể làm cùng con trong mùa dịch: ví dụ: cho trẻ tự thuyết trình cha mẹ ghi hình lại và cùng con xem lại học tập, cho trẻ tự chế tạo một món đồ từ đồ cũ: giấy/vải...khen ngợi, ghi nhận khi trẻ làm tốt... Nếu trẻ có băn khoăn thắc mắc lý do bị cách ly vì dịch/ khó khăn không thể cho trẻ tham gia các hoạt động bên ngoài thì cha mẹ cần ngồi xuống lắng nghe và giải thích đầy đủ cho trẻ bằng hiểu biết và thông tin khoa học chính xác.
Những điều phụ huynh cần tránh:
+ Tránh nổi giận và đánh, mắng trẻ khi trẻ không làm theo ý mình, quấy khóc, bày bừa đồ đạc...
+ Tránh áp đặt nguyện vọng của cha mẹ/yêu cầu trẻ ngồi yên một chỗ, không hoạt động
+ Đặc biệt tránh sa vào bẫy tức giận khi trẻ cố tình chọc tức – mà cha mẹ luôn
niệm câu thần chú rằng: “mình cần bình tĩnh, mình không được nóng”. Bởi khi trẻ đang gây chú ý, đang cáu giận tức là trẻ đang có gì muốn truyền đạt đến mình, cần mình hiểu. Để lắng nghe và giải toả cùng trẻ.
Chúc quý vị thành công cùng con vượt qua mùa dịch và mùa hè kéo dài đầy khó khăn này.
- Tránh các kích hoạt hội chứng ruột kích thích trong tình huống xã hội
- Trầm cảm ở phụ nữ sau sinh có chữa được không?
- Công dụng thuốc Rexulti