Mục lục
- 1. 1. Răng của mỗi người là độc nhất
- 2. 2. Răng có hình thù như tảng băng trôi
- 3. 3. Con người có tổng 32 chiếc răng
- 4. 4. Men răng là phần cứng nhất trên cơ thể
- 5. 5. Men răng dù cứng vẫn có thể bị phá vỡ
- 6. 6. Răng vàng là do mất men răng
- 7. 7. Răng mọc bên trong, men răng không mọc
- 8. 8. Miệng là nơi cư trú của 300 loại vi khuẩn
- 9. 9. Mảng bám là kẻ thù của răng
- 10. 10. Cơ thể sản xuất lên tới 10.000 gallon nước bọt
- 11. 11. Florua giúp ngăn ngừa sâu răng
- 12. 12. Kem đánh răng nên được nhổ ra, nhưng không nhất thiết phải nhổ sạch
- 13. 13. Răng là một chỉ số về sức khỏe tổng thể
- 14. Đánh giá
Hàm răng con người ẩn chứa nhiều bí mật mà bạn có thể chưa biết đến. Răng người có 32 chiếc, răng người lớn hay răng trẻ em đều độc nhất, nghĩa là mỗi người đều có hàm răng khác biệt đối với người khác và nhiều thông tin thú vị khác.
1. Răng của mỗi người là độc nhất
Răng cũng giống như dấu vân tay, dù là răng người lớn hay răng trẻ em thì mỗi người có một cấu tạo răng khác nhau. Đây là lý do giải thích cho việc bệnh án nha khoa đôi khi được sử dụng để xác định hài cốt của con người. Ngay cả những cặp song sinh giống hệt nhau cũng có hàm răng khác nhau.
2. Răng có hình thù như tảng băng trôi
Có khoảng 1⁄3 mỗi chiếc răng nằm bên dưới nướu, đây là lý do tại sao các nha sĩ luôn khuyên bạn chăm sóc nướu thật tốt để đảm bảo răng được chắc khỏe. Nướu có màu hồng và săn chắc được xem là nướu khỏe mạnh.
3. Con người có tổng 32 chiếc răng
Hàm răng con người có 32 chiếc, xét từ trước ra hai bên, mỗi người đều có 8 răng cửa, 4 răng nanh, 8 răng tiền hàm và 12 răng hàm.
4. Men răng là phần cứng nhất trên cơ thể
Men răng là lớp ngoài cùng của răng, có tác dụng như một lớp vỏ cứng, bảo vệ các phần bên trong của răng. Thành phần của nó cũng giống như xương, chủ yếu được cấu tạo từ canxi và phốt phát, nhưng cứng hơn xương do các protein và chất kết tinh đặc biệt cấu tạo nên.
5. Men răng dù cứng vẫn có thể bị phá vỡ
Mặc dù là bộ phận cứng nhất cơ thể nhưng men răng vẫn có thể bị nứt hoặc vỡ do sự tấn công của đường và axit, kết hợp với vi khuẩn. Lớp men răng mất là dấu hiệu cảnh báo sâu răng, trong đó thức ăn và đồ uống ngọt là yếu tố tác động lớn nhất thường gặp.
6. Răng vàng là do mất men răng
Men răng chịu trách nhiệm cho vẻ ngoài trắng sáng của răng, do đó, khi nó bị phân hủy, răng sẽ bắt đầu ngả vàng.
7. Răng mọc bên trong, men răng không mọc
Ngà răng là lớp nằm dưới men răng và cũng có cấu tạo cứng hơn xương. Ngà răng được tạo thành từ các kênh nhỏ và đường dẫn truyền tín hiệu thần kinh và dinh dưỡng qua răng. Có 3 loại ngà là ngà nguyên phát, ngà thứ phát và ngà thứ ba. Men răng không thay đổi, trong khi đó, ngà răng tiếp tục phát triển và thay đổi trong suốt cuộc đời.
8. Miệng là nơi cư trú của 300 loại vi khuẩn
Miệng có nhiều mảng bám, các mảng bám này chứa hàng triệu vi khuẩn, trong đó từ 200 - 300 loài khác nhau. Thủ phạm chính gây ra các bệnh lý về răng là vi khuẩn Streptococcus mutans, vi khuẩn này chuyển hóa đường và các loại carbohydrate khác thành axit ăn mòn răng.
9. Mảng bám là kẻ thù của răng
Các mảng bám khi dính vào răng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, lâu ngày sẽ cứng lại tạo thành cao răng, nếu không được gỡ ra có thể gây các bệnh lý răng miệng. Vì vậy, bạn nên đánh răng và dùng chỉ nha khoa ít nhất 2 lần/ngày và đến gặp bác sĩ thường xuyên để được lấy cao răng.
10. Cơ thể sản xuất lên tới 10.000 gallon nước bọt
Cơ thể sản xuất được khoảng 1 lít nước bọt mỗi ngày, trong suốt cuộc đời có thể tiết ra khoảng 10.000 gallon nước bọt. Nước bọt đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể như chứa các enzyme khởi động quá trình tiêu hóa thức ăn, bôi trơn thức ăn, làm sạch các mảnh thức ăn còn sót lại, chứa canxi và phốt phát giúp trung hòa axit có trên mảng bám.
11. Florua giúp ngăn ngừa sâu răng
Khoáng chất fluor có trong tự nhiên có thể giúp ngăn ngừa sâu răng. Florua được bổ sung thường xuyên vào nước sinh hoạt, ngoài ra, chúng còn có trong nước súc miệng, kem đánh răng. Ở Mỹ, từ năm 2010, lượng florua trong nước uống công cộng đã giảm từ mức 0.7 - 1.2 miligam/lít xuống còn 0.7 miligam/lít.
Nhiều người lo ngại về việc tiếp xúc với nồng độ fluor cao có thể gây các đốm trắng trên răng, nhưng hầu hết đều ở mức nhẹ đến rất nhẹ. Tuy nhiên, không vì thế mà coi thường việc vượt ra khỏi nồng độ an toàn của florua trong nước.
Đối với trẻ lên 3, chỉ nên sử dụng một lượng kem đánh răng có chứa fluor cỡ hạt gạo, trẻ từ 3 - 6 tuổi chỉ nên sử dụng một lượng nhỏ bằng hạt đậu.
12. Kem đánh răng nên được nhổ ra, nhưng không nhất thiết phải nhổ sạch
Nuốt kem đánh răng có thể khiến nồng độ fluor quá cao gây độc cho cơ thể. Tuy nhiên, việc không súc miệng sạch hết kem đánh răng lại không như vậy. Khi súc bớt hàm lượng fluor không còn cao, mà lúc này nó được xem là tương tự phương pháp điều trị tại phòng khám, nơi các nha sĩ bôi một loại gel giàu fluor lên răng và để yên trong 30 phút. Fluor tiếp xúc với răng càng lâu càng có tác dụng ngăn ngừa sâu răng. Do đó, bạn có thể cân nhắc không súc miệng hết sạch kem đánh răng.
13. Răng là một chỉ số về sức khỏe tổng thể
Cứ 7 người lớn từ 35 - 44 tuổi thì có một người bị viêm nướu, con số này tăng lên 1 trong mỗi 4 người đối với người lớn trên 65 tuổi. Đó có thể là một vấn đề lớn vì sâu răng và các bệnh lý răng miệng khác có thể có mối liên quan với các bệnh lý tim mạch, đột quỵ và tiểu đường. Một số nghiên cứu cho rằng sức khỏe răng miệng là một phần không thể thiếu của sức khỏe tổng thể, những người có tần suất mắc viêm nướu cao cũng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn và tỷ lệ sinh con nhẹ cân, sinh non cao hơn.
Các nhà khoa học đang tiếp tục tìm hiểu về mối liên hệ giữa khả năng chống lại vi khuẩn gây bệnh răng miệng và khả năng chống lại bệnh tật ở những vùng khác trên cơ thể.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Nguồn tham khảo: healthline.com, webmd.com
- Vì sao miệng sạch sẽ mà hơi thở vẫn có mùi hôi?
- Trắc nghiệm: Cách nào để có nụ cười tỏa nắng?
- Có thể trị mụn bằng kem đánh răng không?