Mục lục
Bài viết của Dược sĩ Dương Thu Hương - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Vắc xin COVID-19 AstraZeneca (AZD 1222, Vaxzervria) hiện đang là loại vắc xin được nhập chủ yếu về Việt Nam qua chương trình COVAX của WHO. AZD 1222 là vắc xin được nghiên cứu và phát triển tại Anh với sự hợp tác của Đại học Oxford và hãng Dược phẩm AstraZeneca. Đây là loại vắc xin hiện được sử dụng rộng rãi ở các nước châu Âu và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
1. Thông tin về vắc xin COVID-19 AstraZeneca
AZD 1222 sử dụng vector (phương tiện vận chuyển) là adenovirus từ tinh tinh mang DNA chứa thông tin protein vỏ gai của COVID-19. Adenovirus là virus gây cảm cúm thông thường, chúng từ loài tinh tinh không có khả năng sinh sản và không gây bệnh cho người. Thông thường, một người có thể phơi nhiễm với nhiều adenovirus trong đời và sử dụng những virus adeno thông thường này sẽ làm giảm hiệu quả vắc xin, vì cơ thể người đã chứa kháng thể chống lại virus. Do đó, sử dụng adenovirus từ tinh tinh làm giảm nguy cơ gây bệnh, vì người thường không tiếp xúc với virus này trước đây và không có kháng thể chống lại nó.
Cơ chế: Khi được tiêm vào cơ thể, adenovirus mang bộ mã gen chứa thông tin protein vỏ COVID-19 vào trong nhân tế bào chủ. Bộ gene được phiên mã và dịch mã tạo thành protein vỏ được biểu hiện ở bề mặt tế bào chủ. Protein này được các tế bào miễn dịch trong cơ thể nhận diện như là kháng nguyên và kích thích tạo miễn dịch, sinh ra kháng thể và các tế bào nhớ. Khi bị virus thực sự tấn công, cơ thể sẽ huy động tế bào nhớ và tạo kháng thể chống lại virus.
Hiệu quả: Vắc xin rất hiệu quả (100%) trong việc bảo vệ cơ thể khỏi những biến chứng nguy hiểm từ COVID-19 như nhập viện thở máy, nằm ICU hay tử vong. Theo đó, vắc xin có hiệu quả ~62% trong việc bảo vệ cơ thể khỏi triệu chứng nhẹ - trung bình với 2 liều tiêu chuẩn.
Chỉ định: Độ tuổi chỉ định tiêm vắc xin Covid-19 AstraZeneca là 18-65 tuổi. Dữ liệu sử dụng cho người >65 tuổi hiện nay còn hạn chế. Vậy vắc xin covid 19 Astrazeneca có an toàn không? Thực tế, không có nhiều dữ liệu của vắc xin trên phụ nữ có thai, có ý định mang thai, hay cho con bú. Tuy nhiên, vẫn có thể cân nhắc sử dụng vắc xin nếu bác sĩ nhận định lợi ích tiêm vắc xin cao hơn nguy cơ cho người tiêm.
Cách tiêm: Vắc xin AstraZeneca được chỉ định tiêm 2 liều, có thể tiêm liều thứ 2 sau 4 tuần. Tuy nhiên khoảng cách khuyến cáo giữa 2 liều là 12 tuần sẽ cho hiệu quả miễn dịch cao hơn.
Bảo quản: Vắc- xin được bảo quản lạnh ở nhiệt độ 2-8°C trong vòng 6 tháng. Khi để ở nhiệt độ phòng <25°C vắc xin có thể dùng được trong vòng 6 tiếng.
Tác dụng phụ: Các tác dụng phụ phổ biến bao gồm các triệu chứng tại chỗ như đau tại chỗ tiêm, các triệu chứng giả cúm như sốt, ho, mệt. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường tự hết sau 1-2 ngày.
Tác dụng phụ nguy hiểm bao gồm:
- Shock phản vệ: thường khởi phát ngắn sau khi tiêm vắc xin với triệu chứng: khó thở, nổi mày đay, phù.
- Các triệu chứng liên quan đến đông máu (hiếm gặp): còn được gọi là hội chứng tăng đông máu giảm tiểu cầu (VITT – vắc xin-induced immune thrombotic thrombocytopenia) với triệu chứng đau ngực, khó thở, sưng chân, đau đầu không đỡ với thuốc giảm đau. Tỷ lệ ca tiêm vắc xin bị hội chứng < 0.0004%, thấp hơn rất nhiều so với nguy cơ bị đông máu gây ra bởi COVID-19 (16.5%). Lưu ý tỷ lệ biến chứng mắc phải ở nữ giới nhiều hơn nam giới (65% nữ) và người trẻ (< 60 tuổi) cao hơn người lớn tuổi. Triệu chứng có thể xảy ra 5-30 ngày sau tiêm vắc xin.
2. Vắc xin AstraZeneca có thể làm thay đổi DNA người?
Do vắc xin AstraZeneca chứa DNA của virus COVID-19 và bộ gene này đi vào nhân tế bào vật chủ để hoạt hoá quá trình nhân lên của protein gai S, do đó có nhiều người quan ngại DNA virus này có thể sáp nhập với bộ gene người gây biến đổi gene. Tuy nhiên, adenovirrus ngay ở dạng tự nhiên cũng không có khả năng biến đổi DNA. Không giống như HIV hay lentivirus, adenovirus không chứa bộ máy cần thiết để sát nhập vào bộ gene vật chủ. Hơn nữa, bộ gene của adenovirus trong vắc xin đã được biến đổi không còn khả năng sinh sản, làm tăng tính an toàn của nó.
Tài liệu tham khảo: thông tin sản phẩm AstraZeneca vắc xin, NHS
- Tế bào miễn dịch là gì? Vai trò của tế bào miễn dịch?
- Kích hoạt tế bào T trong cơ thể
- Đau trong và sau khi tiêm vắc xin Covid-19: Những điều cần biết