Mục lục
Bài viết được viết bởi bác sĩ Huyết học - Truyền máu - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Thiếu máu là bệnh thường gặp, thiếu máu nhẹ thường không có triệu chứng và được phát hiện tình cờ qua kiểm tra sức khỏe hoặc xét nghiệm một bệnh lý khác.
1. Thiếu máu là gì?
Thiếu máu là bệnh thường gặp, thiếu máu nhẹ thường không có triệu chứng và được phát hiện tình cờ qua kiểm tra sức khỏe hoặc xét nghiệm một bệnh lý khác. Thiếu máu nặng, nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe. Thông thường, thiếu máu sẽ dẫn đến cảm thấy mệt mỏi khi gắng sức hoặc khi thực hiện các công việc hàng ngày, mất tập trung, da xanh xao nhợt nhạt.
Thiếu máu là giảm lượng huyết sắc tố lưu hành trong máu ngoại vi của một người so với người khỏe mạnh, cùng giới, cùng lứa tuổi, chủng tộc, cùng điều kiện sống.
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh thiếu máu. Ở các nước kém phát triển, thiếu máu do dinh dưỡng kém và thiếu vi chất là nguyên nhân thường gặp. Ở các vùng địa lý và chủng tộc đặc biệt, thiếu máu do khiếm khuyết gen di truyền chiếm tỷ lệ cao trong dân số. Ngoài ra, các nguyên nhân như ung thư hệ tạo máu hoặc ung thư đường tiêu hóa làm mất máu, gây thiếu máu rất trầm trọng.
2. Các yếu tố nào làm tăng nguy cơ thiếu máu
- Chế độ ăn uống thiếu một số vitamin và khoáng chất: Một chế độ ăn uống ít chất sắt, vitamin B12 và folate làm tăng nguy cơ thiếu máu.
- Rối loạn đường ruột: Bị rối loạn đường ruột ảnh hưởng đến việc hấp thụ các chất dinh dưỡng trong ruột non dẫn đến bị thiếu máu.
- Kinh nguyệt: Nhìn chung, phụ nữ chưa mãn kinh có nguy cơ thiếu máu thiếu sắt cao hơn nam giới và phụ nữ sau mãn kinh. Kinh nguyệt gây mất nhiều hồng cầu.
- Thai kỳ: Nếu bạn đang mang thai và không dùng vitamin tổng hợp với axit folic và sắt sẽ làm tăng nguy cơ bị thiếu máu thiếu sắt. Tình trạng thiếu máu này còn kéo dài cả sau khi sinh gọi là thiếu máu sau sinh
- Bệnh mãn tính: Khi bị ung thư, suy thận, tiểu đường hoặc một tình trạng mãn tính khác, có thể làm tăng nguy cơ bị thiếu máu. Những bệnh này có thể dẫn đến sự thiếu hụt các tế bào hồng cầu. Mất máu chậm, mãn tính do vết loét trong cơ thể có thể làm cạn kiệt sắt của cơ thể, dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt.
- Yếu tố gia đình: Nếu gia đình bạn có tiền sử thiếu máu di truyền, chẳng hạn như thiếu máu hồng cầu hình liềm, Thalassemia, bệnh huyết sắc tố E...
- Những yếu tố khác: Tiền sử nhiễm trùng, bệnh về máu và rối loạn tự miễn dịch làm tăng nguy cơ thiếu máu. Nghiện rượu, tiếp xúc với hóa chất độc hại và sử dụng một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất hồng cầu và dẫn đến thiếu máu.
- Tuổi tác: Những người trên 65 tuổi có nguy cơ thiếu máu cao.
3. Những dấu hiệu của thiếu máu là gì?
- Da xanh xao, niêm mạc nhợt, dễ mệt, hay cáu gắt,
- Ù tai, hoa mắt, chóng mặt, ngất,
- Chán ăn, rối loạn tiêu hóa,
- Hay hồi hộp, nhịp tim nhanh,
- Rối loạn hệ nội tiết, nữ có thể vô kinh,
- Sốc do mất máu cấp (ví dụ: Hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, nhợt nhạt, thở nhanh, vã mồ hôi, lú lẫn)...
4. Tại sao nên quan tâm về bệnh thiếu máu?
Thiếu máu nặng hoặc kéo dài có thể tổn thương tim, não và các cơ quan khác trong cơ thể. Thậm chí tình trạng thiếu máu rất nghiêm trọng có thể gây tử vong.
Nếu có các dấu hiệu được đề cập ở trên, hay có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy thảo luận, tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn xét nghiệm, chẩn đoán, tìm nguyên và lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất.
Nếu không điều trị, thiếu máu có thể gây ra nhiều biến chứng, bao gồm:
- Mệt mỏi nghiêm trọng: Khi thiếu máu nặng, cơ thể mệt mỏi, yếu.
- Vấn đề về tim: Thiếu máu có thể dẫn đến tim đập nhanh hoặc không đều (rối loạn nhịp tim). Trái tim phải bơm nhiều máu hơn để bù đắp cho sự thiếu oxy trong máu khi đang bị thiếu máu. Điều này thậm chí có thể dẫn đến suy tim sung huyết.
- Tử vong: Một số thiếu máu di truyền, chẳng hạn như thiếu máu hồng cầu hình liềm, Thalassemia, có thể nghiêm trọng và dẫn đến những biến chứng đe dọa tính mạng. Mất quá nhiều máu sẽ nhanh chóng dẫn đến thiếu máu cấp tính nặng và có thể gây tử vong.
5. Làm thế nào để phát hiện thiếu máu?
Thiếu máu có thể được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe hoặc xét nghiệm máu cho một bệnh khác. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy thiếu máu thì sẽ được bác sĩ tư vấn và làm thêm xét nghiệm để tìm nguyên nhân thiếu máu. Nếu bị thiếu máu bẩm sinh thì sẽ kiểm tra xét nghiệm cho các thành viên khác trong gia đình.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ đầu ngành, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại. Bệnh viện cung cấp dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp, không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi lựa chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.
- Chiều cao và cân nặng của trẻ 6 tháng tuổi
- Công dụng thuốc Agicetam 400
- Vì sao nên sàng lọc nguy cơ bệnh hồng cầu hình liềm?