Mục lục
Bài viết của Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thu Hoài - Trưởng đơn nguyên Phòng khám Sản phụ và Nội trú phụ khoa - Trung tâm Sức khỏe phụ nữ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Đại dịch Covid-19 không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm tăng nguy cơ biến chứng nặng ở phụ nữ mang thai. Vì thế, đây là đối tượng cần đặc biệt quan tâm, xét nghiệm và điều trị sớm tránh nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi và sau khi ra đời.
1. COVID ảnh hưởng như thế nào đến thai phụ và em bé?
Nếu bạn đang mang thai, trong tình hình đại dịch COVID như hiện tại, bạn có thể lo lắng về tác động của bệnh coronavirus 2019 (COVID-19) đối với bạn và con bạn. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), phụ nữ mang thai có COVID-19 có nhiều khả năng bị các biến chứng hô hấp cần chăm sóc đặc biệt hơn so với phụ nữ không mang thai. Phụ nữ mang thai cũng có nhiều khả năng cần hỗ trợ bằng thở máy hơn. Trong thai kỳ, vấn đề lây truyền dọc từ mẹ sang con cũng là một yếu tố được đặc biệt quan tâm. Các chia sẻ dưới đây sẽ giúp các bạn nắm được một số thông tin cần thiết để hiểu rõ các nguy cơ có thể xảy ra với mẹ và bé.
Phụ nữ mang thai có các bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, cũng có thể có nguy cơ bị bệnh nặng do COVID-19, thậm chí còn cao hơn. Một số nghiên cứu cho thấy rằng phụ nữ mang thai với COVID-19 cũng có nhiều khả năng sinh non và sinh mổ hơn và trẻ sơ sinh cũng có nhiều khả năng được đưa vào đơn vị sơ sinh hơn.
Trong một báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đánh giá hơn 23.000 người mang thai bị nhiễm virus SARS-CoV-2, so với các phụ nữ không mang thai, bệnh nhân COVID mang thai có nguy cơ cao hơn nhập viện ICU (10,5 so với 3,9 trên 1000 trường hợp), thông khí xâm nhập (2,9 so với 1,1 trên 1000 trường hợp), ECMO (0,7 so với 0,3 trên 1000 trường hợp), Tử vong (1,5 so với 1,2 trên 1000 trường hợp)
Nguy cơ truyền virus từ mẹ sang con khi mang thai và thời gian đầu sau sinh chưa rõ ràng, một vài báo cáo mới cho thấy có tình trạng truyền virus từ mẹ sang con trong 3 tháng cuối thai kỳ và 14 ngày sau sinh, tỷ lệ nhiễm trùng bẩm sinh không phổ biến (khoảng 2% các trường hợp nhiễm trùng ở mẹ). Trong một đánh giá có hệ thống về trẻ sơ sinh được sinh ra từ 936 bà mẹ bị nhiễm COVID-19, xét nghiệm RNA virus sơ sinh cho kết quả dương tính ở 27 trong số 936 (2,9%) mẫu mũi họng được lấy ngay sau khi sinh hoặc trong vòng 48 giờ sau khi sinh, 1 trong 34 mẫu máu cuống rốn và 2 trong số 26 mẫu nhau thai. Ngoài ra, 3 trong số 82 huyết thanh sơ sinh có immunoglobulin M (IgM) dương tính với SARS-CoV-2. Các con đường lây truyền từ mẹ sang con có thể là qua hàng rào rau thai, qua dịch tiết âm đạo của mẹ trong giai đoạn sinh (hiếm), nhiễm virus qua tầng sinh môn, qua sữa mẹ, qua đường hô hấp của mẹ.
Các bằng chứng cho thấy rằng nguy cơ sảy thai không tăng lên trên mức cơ bản, nhưng dữ liệu về nhiễm trùng trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ còn hạn chế.
Tỷ lệ sinh non và sinh mổ nhận thấy có tăng lên trong nhiều nghiên cứu và nguy cơ gia tăng dường như chỉ giới hạn ở những bệnh nhân mắc bệnh nặng hoặc nguy kịch. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu không đủ dữ liệu để đánh giá nguyên nhân sinh non là tự phát hay có nguyên nhân thực thể rõ ràng. Sốt và giảm oxy máu có thể làm tăng nguy cơ sinh non, vỡ ối non và nhịp tim thai bất thường, nhưng sinh non cũng xảy ra ở những bệnh nhân không có bệnh hô hấp nặng. Tính đến tháng 8 năm 2021, báo cáo của CDC Hoa Kỳ chỉ ra rằng trong số những người mang thai ở Hoa Kỳ nhiễm COVID-19, tỷ lệ sinh non là 11,6% (2697 trong số 23.265) trong số các ca sinh đã biết tuổi thai và tỷ lệ sinh mổ lấy thai là 33,1% ( 8077 trong tổng số 24.373). Một phân tích gộp các nghiên cứu quan sát về nhiễm SARS-CoV-2 trong thời kỳ mang thai cho thấy tỷ lệ phát triển tiền sản giật ở những bệnh nhân bị nhiễm cao hơn 62%, tỷ lệ tiền sản giật nặng và hội chứng HELLP tăng hơn. Cả bệnh nhân không triệu chứng và bệnh nhân có triệu chứng đều tăng nguy cơ, trong đó nguy cơ cao hơn ở những bệnh nhân có triệu chứng.
Đối với thai nhi, hiện chưa có báo cáo nào cho thấy nhiễm virus SARS-CoV-2 làm tăng nguy cơ bất thường bẩm sinh của thai nhi. Một phân tích dữ liệu từ các bệnh nhân mang thai bị nhiễm SARS-CoV-2 được xác nhận hoặc nghi ngờ ở 12 quốc gia (bao gồm cả Vương quốc Anh và Hoa Kỳ) cho biết tỷ lệ thai chết lưu từ 0,4 đến 0,6%, tỷ lệ này tương tự như tỷ lệ quần thể bình thường. Một đánh giá hệ thống cũng cho thấy tỷ lệ thai chết trong tử cung là tương tự ở những người có kết quả xét nghiệm dương tính so với người âm tính với SARS-CoV-2 khi được nhận vào chuyển dạ và sinh nở. Với các trường hợp sau khi thai phụ được điều trị khỏi COVID 19, mặc dù chưa có dữ liệu báo cáo về tình trạng thai chậm tăng trưởng trong tử cung, tuy nhiên thai nhi cần được theo dõi để đánh giá nguy cơ thai chậm tăng trưởng trong tử cung.
Tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ sơ sinh (ví dụ, cần thở máy) phần lớn liên quan đến sinh non và do COVID-19 nguy kịch của người mẹ. Trong một nghiên cứu bao gồm dữ liệu về bà mẹ và trẻ sơ sinh đối với 92% số ca sinh ở Thụy Điển trong thời kỳ đại dịch, trẻ sơ sinh của những bà mẹ dương tính với SARS-CoV-2 có tỷ lệ rối loạn hô hấp tăng nhẹ so với trẻ sơ sinh của những bà mẹ không bị nhiễm bệnh (2,8 so với 2%), tỷ lệ nhập viện chăm sóc sơ sinh (11,7 so với 8,4). Đẻ non xảy ra ở 8,8% bà mẹ bị nhiễm bệnh và 5,5% bà mẹ không bị nhiễm trùng, có thể giải thích khoảng 89% mối liên quan giữa nhiễm trùng mẹ và bệnh đường hô hấp ở trẻ sơ sinh. Tỷ lệ tử vong sơ sinh và thời gian nằm viện không có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm.
Trên đây là một số ảnh hưởng quan trọng của virus SARS-CoV-2 tới thai nhi và bà mẹ, các ảnh hưởng trên có thể được hạn chế nhiều nếu mẹ được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Vì thế bà bầu cần theo dõi sát sức khỏe của mình, xét nghiệm sớm đánh giá tình trạng nhiễm virus và được theo dõi sát tại các cơ sở y tế.
Xem ngay: Kiến thức cơ bản về COVID-19 mà phụ nữ mang thai nên biết
2. Các triệu chứng nhiễm COVID ở phụ nữ mang thai và thai phụ cần làm gì khi phát hiện COVID dương tính?
Nếu bạn đang mang thai, trong tình hình dịch COVID như hiện tại, bạn có thể lo lắng liệu mình có nhiễm virus và nếu nhiễm virus thì các triệu chứng cơ thể bạn sẽ ra sao. Bài viết này cung cấp cho bạn các thông tin cơ bản về các dấu hiệu lâm sàng, các nguyên tắc điều trị và chăm sóc sức khỏe cơ bản cho phụ nữ mang thai nhiễm virus SARS-CoV-2.
Về triệu chứng, tất cả những người mang thai cần được theo dõi sự phát triển của các triệu chứng và dấu hiệu của COVID-19 đặc biệt nếu họ đã tiếp xúc gần với một ca bệnh đã được xác nhận hoặc những người đang được điều tra. Trong một báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ đánh giá hơn 23.000 người mang thai bị nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng, tần suất các triệu chứng phổ biến nhất là
● Ho - 50,3%
● Nhức đầu 42,7%
● Đau nhức cơ 36,7%
● Sốt 32%
● Đau họng 28,4%
● Khó thở 25,9%
● Mất vị giác hoặc mất khứu giác 21,5%
● Các triệu chứng khác xảy ra ở > 10% bao gồm buồn nôn, nôn, mệt mỏi, tiêu chảy.
Nhiều người mang thai không có triệu chứng, nhưng tỷ lệ các trường hợp không có triệu chứng không được xác định rõ. Trong một đánh giá có hệ thống, 7% phụ nữ mang thai được sàng lọc COVID-19 trên toàn cầu cho kết quả dương tính và 73% những người này không có triệu chứng. Những người mang thai có nhiều khả năng không có triệu chứng hơn những người không mang thai trong độ tuổi sinh sản với COVID-19. Một số biểu hiện lâm sàng của COVID-19 trùng lặp với các triệu chứng của thai kỳ bình thường (ví dụ, mệt mỏi, khó thở, nghẹt mũi, buồn nôn / nôn), cần được xem xét khi đánh giá những người mang thai có triệu chứng bất thường.
Việc điều trị cho thai phụ nhiễm virus sẽ nhằm mục đích làm giảm các triệu chứng và có thể bao gồm uống nhiều nước và nghỉ ngơi, cũng như sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau hoặc giảm ho. Tùy tình hình dịch tại địa phương và chính sách để kiểm soát dịch, phụ nữ mang thai nhiễm virus không triệu chứng có thể được tự cách ly và theo dõi tại nhà. Nếu tình trạng nặng hơn, thai phụ cần được điều trị trong bệnh viện với hỗ trợ hô hấp và các thuốc đặc hiệu khác. Trong bất kỳ tình huống nào, việc đảm bảo an toàn chống lây truyền virus cũng như việc được theo dõi y tế (telehealth hoặc khám điều trị trực tiếp) đối với thai phụ là vô cùng cần thiết.
Nếu thai phụ khỏe mạnh khi đến cuối thai kỳ, đa phần quá trình chuyển dạ và sinh nở của bạn có thể diễn ra như bình thường. Tuy vậy, thai phụ cần nắm được các thay đổi có thể xảy ra trong quá trình chuyển dạ như tình trạng suy hô hấp của mẹ có thể tăng lên. Đồng thời, nguy cơ mổ lấy thai cao hơn một chút, việc sinh nở có thể được thực hiện tại các cơ sở y tế chuyên sâu về sản khoa và truyền nhiễm.
Phụ nữ trong giai đoạn mang thai cần được chăm sóc y tế cẩn thận, với các phụ nữ mang thai nhiễm COVID điều này còn quan trọng và cần thiết hơn. Hãy theo dõi các dấu hiệu cơ thể của bạn, thăm khám và xét nghiệm sớm để phát hiện sớm tình trạng bệnh, liên hệ với các cơ sở y tế hoặc đơn vị quản lý thai cho bạn để được tư vấn và theo dõi tốt nhất, an toàn nhất.
Xem ngay: Một số câu hỏi liên quan đến Covid 19 đối với phụ nữ đang mang thai
3. Các điều cần lưu ý với các bà mẹ sau sinh bị nhiễm COVID-19
Sau sinh, nếu bạn bị COVID-19 hoặc đang chờ kết quả xét nghiệm do có các triệu chứng lâm sàng, sản phụ nên đeo khẩu trang trong khi chăm sóc trẻ sơ sinh. Giữ nôi của trẻ sơ sinh bên cạnh giường khi bạn ở trong bệnh viện là được, bên cạnh đó bạn cũng nên duy trì khoảng cách hợp lý với trẻ khi có thể, điều này sẽ giúp giảm nguy cơ trẻ sơ sinh bị nhiễm vi rút COVID-19. Tuy nhiên, nếu mẹ bị bệnh nặng với COVID-19, sản phụ có thể cần phải tạm thời tách khỏi trẻ sơ sinh.
Về vấn đề cho con bú, nghiên cứu cho thấy rằng sữa mẹ rất ít khả năng lây lan virus SARS-CoV-2 cho trẻ sơ sinh. Điều cần quan tâm hơn là liệu một người mẹ bị nhiễm bệnh có thể truyền virus sang con qua các giọt đường hô hấp trong quá trình cho con bú hay không? Nếu bạn có COVID-19 hoặc đang chờ kết quả xét nghiệm do có các triệu chứng, hãy thực hiện các bước để tránh lây lan virus cho con bạn. Điều này bao gồm rửa tay bằng xà phòng đúng cách trước khi chạm vào em bé và nếu có thể hãy đeo khẩu trang trong khi cho con bú. Nếu bạn đang hút sữa mẹ, hãy rửa tay trước khi chạm vào bất kỳ bộ phận nào của máy hút sữa hoặc bình sữa và làm theo các khuyến nghị về cách vệ sinh máy hút sữa đúng cách. Nếu có thể, hãy nhờ một người hỗ trợ cho trẻ bú sữa mẹ đã vắt ra.
Việc chăm sóc trẻ sơ sinh có nhiều áp lực với các bà mẹ, nhất là với người nhiễm COVID có thể càng tăng áp lực và nhiều lo lắng hơn. Trong trường hợp này, bạn cần được sự giúp đỡ của người thân trong quá trình chăm sóc bé, đừng ngại chia sẻ những lo lắng của mình với chuyên gia y tế, bạn bè... Điều đó sẽ giúp bạn giảm trầm cảm sau sinh, đồng thời giúp cho bạn và bé bớt khó khăn khi vượt qua giai đoạn này.
- Những thông tin bạn cần biết về thuốc favipiravir
- Cần chăm sóc tâm lý nếu trẻ không muốn đi học
- Cách lây lan của virus Corona