Mục lục
Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Bác sĩ nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Hội chứng đau mãn tính có thể thay đổi cách các tế bào thần kinh hoạt động, khiến chúng trở nên quá nhạy cảm với các thông điệp về cơn đau.Vì một số tình trạng nhất định có thể dẫn đến hội chứng đau mãn tính, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm hình ảnh để xác định xem có tổn thương khớp hoặc mô trong cơ thể bạn hay không.
1. Hội chứng đau mãn tính là gì?
Hầu hết các cơn đau sẽ thuyên giảm sau khi chấn thương lành hoặc một cơn bệnh tiến triển. Nhưng với hội chứng đau mãn tính, cơn đau có thể kéo dài hàng tháng, hàng năm sau khi cơ thể lành lại, thậm chí là xảy ra khi không có nguyên nhân nào gây ra.
Theo Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe Bổ sung của Mỹ, cơn đau mãn tính được định nghĩa là kéo dài từ 3 đến 6 tháng và nó ảnh hưởng đến khoảng 25 triệu người Mỹ.
2. Các triệu chứng của hội chứng đau mãn tính
Hội chứng đau mãn tính ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn. Các triệu chứng bao gồm:
- Đau khớp và cơ
- Đau rát
- Mệt mỏi
- Ảnh hưởng đến giấc ngủ
- Mất sức chịu đựng và tính linh hoạt do giảm hoạt động
- Các vấn đề về tâm trạng, bao gồm trầm cảm, lo lắng và cáu kỉnh
3. Nguyên nhân của hội chứng đau mãn tính
- Bệnh xương khớp: Loại viêm khớp này nói chung là kết quả của sự hao mòn trên cơ thể và xảy ra khi lớp sụn bảo vệ giữa xương bị mòn đi.
- Viêm khớp dạng thấp: Đây là một bệnh tự miễn dịch gây ra tình trạng viêm đau ở các khớp.
- Đau lưng: Cơn đau này có thể xuất phát từ căng cơ, chèn ép dây thần kinh hoặc viêm khớp cột sống (gọi là hẹp ống sống).
- Đau cơ xơ hóa: Đây là một tình trạng thần kinh gây ra hội chứng đau mỏi mãn tính ở các bộ phận khác nhau của cơ thể (được gọi là điểm kích hoạt).
- Bệnh viêm ruột: Tình trạng này gây ra viêm mãn tính đường tiêu hóa và có thể gây đau ruột, chuột rút.
- Chấn thương phẫu thuật.
- Ung thư giai đoạn cuối.
Ngay cả khi những tình trạng này được cải thiện (thông qua thuốc hoặc liệu pháp), một số người vẫn có thể bị đau mãn tính. Loại đau này nói chung là do thông tin liên lạc giữa não và hệ thần kinh bị sai lệch. Vì những lý do không giải thích được, một số người có thể gặp phải loại đau này mà không có bất kỳ tác nhân nào được biết đến.
Hội chứng đau mãn tính có thể thay đổi cách các tế bào thần kinh (tế bào thần kinh trong não truyền và xử lý đầu vào cảm giác) hoạt động, khiến chúng trở nên quá nhạy cảm với các thông điệp về cơn đau. Ví dụ, theo Tổ chức Viêm khớp, 20% những người bị viêm xương khớp được thay đầu gối (và có lẽ không còn các vấn đề về khớp gây đau nữa) sẽ vẫn bị đau mãn tính.
4. Các yếu tố rủi ro dẫn đến đau mãn tính
Nghiên cứu cho thấy một số người dễ mắc hội chứng đau mãn tính hơn những người khác. Họ gồm những đối tượng sau:
- Những người mắc các bệnh mãn tính và đau đớn, chẳng hạn như viêm khớp.
- Trầm cảm lo lắng: Các chuyên gia không chắc chính xác lý do tại sao lại như vậy, nhưng có một giả thuyết cho rằng trầm cảm làm thay đổi cách não bộ tiếp nhận và giải thích các thông điệp từ hệ thần kinh.
- Những người hút thuốc: Hiện vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn, nhưng các chuyên gia đang tìm hiểu lý do tại sao hút thuốc dường như làm cho cơn đau tồi tệ hơn ở những người bị viêm khớp, đau cơ xơ hóa và các rối loạn đau mãn tính khác.
- Những người béo phì: Theo nghiên cứu, 50% những người tìm cách điều trị béo phì cho biết họ bị đau từ nhẹ đến nặng. Các chuyên gia không chắc liệu điều này có phải là do căng thẳng mà trọng lượng thêm vào cơ thể hay là do cách thức phức tạp của bệnh béo phì xen kẽ với hormone và sự trao đổi chất của cơ thể.
- Những người là nữ: Phụ nữ có xu hướng nhạy cảm hơn với cơn đau. Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết đó có thể là do hormone hoặc sự khác biệt về mật độ sợi thần kinh của nữ và nam.
- Những người trên 65 tuổi: Khi bạn già đi, bạn dễ mắc phải tất cả các loại bệnh có thể gây ra đau mãn tính.
5. Chẩn đoán hội chứng đau mãn tính thế nào?
Điều đầu tiên bác sĩ của bạn sẽ làm là xem xét bệnh sử kỹ lưỡng. Bạn sẽ được hỏi những điều như:
- Cơn đau của bạn bắt đầu khi nào?
- Cảm giác như thế nào (ví dụ: bỏng rát và buốt hoặc âm ỉ và đau nhức)
- Đau ở đâu
Vì một số tình trạng nhất định có thể dẫn đến hội chứng đau mãn tính, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm hình ảnh để xác định xem có tổn thương khớp hoặc mô để giải thích cơn đau của bạn hay không. Ví dụ, bác sĩ có thể yêu cầu chụp MRI để xác định xem cơn đau của bạn có bắt nguồn từ thoát vị đĩa đệm hay không, chụp X-quang để phát hiện thoái hóa khớp hoặc xét nghiệm máu để kiểm tra viêm khớp dạng thấp.
6. Điều trị hội chứng đau mãn tính
Đau mãn tính có thể khiến bạn mệt mỏi, chất lượng cuộc sống trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, hội chứng đau mãn tính có thể điều trị được. Các phương pháp điều trị đau mãn tính bao gồm:
6.1. Điều trị bằng nội khoa
- Thuốc giảm đau: Chúng có thể là thuốc chống viêm, steroid, thuốc giãn cơ, thuốc chống trầm cảm cũng có tác dụng giảm đau và trong trường hợp nghiêm trọng là thuốc phiện (đây là biện pháp cuối cùng).
- Vật lý trị liệu để tăng tính linh hoạt và phạm vi chuyển động.
- Các khối dây thần kinh để làm gián đoạn các tín hiệu đau.
- Liệu pháp tâm lý/ hành vi: Mặc dù chúng có thể không ảnh hưởng lớn đến cơn đau, nhưng một số liệu pháp tâm lý có thể có tác động tích cực đến tâm trạng. Ví dụ, liệu pháp hành vi nhận thức (một loại liệu pháp trò chuyện giúp bạn kiềm chế suy nghĩ tiêu cực) đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc thúc đẩy tâm trạng, thậm chí lên đến một năm sau khi điều trị kết thúc. Trong một nghiên cứu khác, phản hồi sinh học có lợi trong việc giảm căng cơ, trầm cảm và cải thiện khả năng đối phó với cơn đau mãn tính. Phản hồi sinh học là một loại liệu pháp dạy bạn sử dụng tâm trí để kiểm soát các phản ứng của cơ thể, chẳng hạn như thở nhanh.
6.2. Phương pháp thay thế
- Châm cứu: Theo một phân tích của các nghiên cứu, châm cứu làm giảm mức độ đau ở 50% của những người đã thử, so với mức giảm 30% cơn đau ở những người không được châm cứu.
- Thôi miên: Nghiên cứu báo cáo rằng 71% đối tượng mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) cho biết các triệu chứng đã được cải thiện nhiều sau một khóa học thôi miên. Những tác động này kéo dài đến năm năm sau khi điều trị.
- Yoga: Bởi vì nó giúp thư giãn cơ bắp, khuyến khích thở sâu, phục hồi và tăng cường chánh niệm, nghiên cứu cho thấy yoga có thể có lợi trong việc giảm trầm cảm và lo lắng đi kèm với cơn đau mãn tính, do đó cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn.
Khi bạn cảm thấy không khỏe, việc kiểm soát cơn đau mãn tính có thể khó khăn. Căng thẳng cảm xúc có thể khiến cơn đau thậm chí trở nên tồi tệ hơn. Do đó, để hạn chế và phòng ngừa đau mãn tính, bạn hãy tham gia vào các hoạt động tập th tìm kiếm sự giúp đỡ cả về tâm lý và thể chất.
Các thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định bất kì phương pháp điều trị nào.
Tài liệu tham khảo:
- Gonsalkorale WM, et al. (2003). Long term benefits of hypnotherapy for irritable bowel syndrome. gut.bmj.com/content/52/11/1623.full
- Janke EA, et al. (2007). Overview of the relationship between pain and obesity: What do we know? Where do we go next? ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/17551876
- Rayner L, et al. (2016). Depression in patients with chronic pain attending a specialised pain treatment centre: Prevalence and impact on health care costs. DOI: 10.1097/j.pain.0000000000000542
- Sielski R, et al. (2017). Efficacy of biofeedback in chronic back pain: A meta-analysis. link.springer.com/article/10.1007/s12529-016-9572-9
- Điều trị đau mãn tính
- Công dụng thuốc Ausvair 75
- “Đối phó” với hội chứng sương mù não trong đau cơ xơ hoá