Mục lục
Nhu cầu năng lượng và trao đổi chất ở trẻ đang lớn cũng dựa trên các nguyên tắc cốt lõi giống như người lớn. Nếu một đứa trẻ không tăng cân trong khoảng hai tháng liên tục, điều này có nghĩa là nhu cầu năng lượng của trẻ chưa được đáp ứng đầy đủ. Vấn đề cha mẹ cần thực hiện lúc này là cân bằng lại chế độ dinh dưỡng cũng như vận động cho trẻ.
1. Tầm quan trọng của nhu cầu năng lượng đối với trẻ đang lớn
Trẻ đang lớn luôn có nhu cầu năng lượng đặc biệt để phát triển tốt và tăng cân nhanh chóng. Trẻ chỉ bú sữa mẹ trong khoảng 6 tháng đầu đời thường phát triển tốt trong thời gian này. Bú sữa mẹ giúp bảo vệ trẻ khỏi các bệnh thông thường và đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu năng lượng của trẻ, giúp trẻ tăng trưởng và phát triển tốt về thể chất cũng như tinh thần.
Như vậy, để nhận biết nhu cầu năng lượng của trẻ có được đáp ứng một cách đầy đủ và hiệu quả hay không thì cần đặt ra một số câu hỏi quan trọng như sau:
- Trẻ ăn đủ cữ mỗi ngày chưa? Trẻ cần ăn từ 3 đến 5 lần một ngày. Trẻ khuyết tật hay mắc bệnh lý bẩm sinh có thể cần thêm sự trợ giúp và thời gian cho ăn.
- Trẻ có ăn đủ thức ăn không? Nếu trẻ ăn hết và muốn ăn thêm thì trẻ cần được cho ăn nhiều hơn.
- Bữa ăn của trẻ có quá ít thức ăn cần thiết cho sự tăng trưởng hoặc giàu năng lượng không? Thực phẩm cần thiết cho trẻ đang lớn là thịt, cá, trứng, đậu, các loại hạt, ngũ cốc và đậu. Một lượng nhỏ dầu sẽ tiếp thêm năng lượng. Dầu cọ đỏ hoặc các loại dầu ăn giàu vitamin khác là những nguồn năng lượng tốt.
- Trẻ không chịu ăn? Nếu trẻ có vẻ không thích mùi vị của một loại thức ăn cụ thể thì nên cho trẻ ăn các loại thức ăn khác. Thức ăn cho trẻ mới lạ nên được giới thiệu dần dần để trẻ tập làm quen.
- Trẻ có bị ốm không? Trẻ bị bệnh cần được khuyến khích ăn nhiều bữa nhỏ. Sau khi ốm, trẻ cần được ăn thêm mỗi ngày hay trẻ cần được bú thêm sữa mẹ trong ít nhất một tuần. Nếu trẻ thường xuyên bị ốm, trẻ nên được thăm khám toàn diện.
- Trẻ có được cung cấp đủ vitamin A để ngăn ngừa bệnh tật không? Sữa mẹ rất giàu vitamin A. Các thực phẩm khác chứa vitamin A là gan, trứng, các sản phẩm từ sữa, dầu cọ đỏ, trái cây, rau màu vàng và cam....
- Trẻ có được bú sữa mẹ không? Nếu trẻ dưới 6 tháng, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn. Từ 6 đến 24 tháng, sữa mẹ tiếp tục là loại sữa tốt vì đây là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng.
- Thức ăn và nước uống cho trẻ có sạch sẽ không? Nếu không, trẻ sẽ thường xuyên bị ốm. Thực phẩm sống nên được rửa sạch hoặc nấu chín. Thức ăn đã nấu chín nên được ăn ngay lập tức, thức ăn thừa phải được hâm nóng kỹ. Tương tự như vậy, nước cho trẻ uống cũng phải được lấy từ một nguồn an toàn và luôn được giữ sạch sẽ.
2. Các nhóm thực phẩm cần thiết cho nhu cầu năng lượng của trẻ đang lớn
Trẻ em, thanh thiếu niên cần có nhu cầu năng lượng và quá trình trao đổi chất đặc biệt để tăng trưởng, học tập và phát triển. Điều này có nghĩa là trẻ cần thực phẩm và đồ uống có nhiều chất dinh dưỡng, không quá nhiều calo, chất béo hoặc đường để tạo nền tảng vững chắc cho một cuộc sống lành mạnh.
Bí quyết để nuôi dưỡng trẻ đang lớn là cung cấp các món ăn ngon giàu chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ cho trẻ. Dưới đây là một số nhóm thực phẩm có thể được lựa chọn và chế biến một cách nhanh chóng, dễ dàng để cung cấp dinh dưỡng cho trẻ qua các bữa ăn sáng, trưa và tối:
- Thực phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt với Carbohydrate, chất xơ, vitamin B
Ngũ cốc nguyên hạt có rất nhiều giá trị dinh dưỡng và lượng carbohydrate của chúng sẽ cung cấp nhiên liệu cho cơ thể trẻ phát triển và duy trì hoạt động.
Cha mẹ nên cho trẻ ăn ngũ cốc nguyên hạt vào bữa sáng, bánh mì nguyên cám, bánh mì sandwich, bánh quy giòn cho bữa ăn nhẹ và mì ống cho bữa tối. Để thêm phần đa dạng, hãy thử các loại ngũ cốc nguyên hạt khác như hạt mì nguyên cám và gạo lứt.
- Trái cây và rau quả có vitamin A, C, kali và chất xơ
Đối với trẻ em và người lớn, ăn nhiều trái cây và rau quả hơn trong mỗi bữa ăn là điều quan trọng đối với sức khỏe. Vào bữa sáng, cha mẹ nên cho trẻ ăn các loại quả mọng tươi với ngũ cốc hoặc sinh tố, một ly nước cam 100%; vào bữa trưa, trẻ có thể ăn cà rốt giòn hoặc táo thái lát; đối với bữa tối, hãy sắp xếp các loại rau có màu sắc rực rỡ (bông cải xanh, ngô, ớt cắt lát, đậu Hà Lan đông lạnh hoặc salad lá xanh) trong đĩa của trẻ.
- Thực phẩm từ sữa ít béo với Protein, Canxi, Kali, Magiê và Phốt pho
Các chất dinh dưỡng trong nhóm này rất quan trọng đối với trẻ đang lớn nhưng hầu hết các trẻ lại không nhận đủ canxi hoặc kali trong trao đổi chất.
Tuy vậy, may mắn là nếu trẻ có thể uống đủ 3 ly sữa hàng ngày thì vẫn có thể nhận được các chất dinh dưỡng cần thiết. Có rất nhiều sản phẩm từ sữa ít béo, giàu chất dinh dưỡng để cha mẹ lựa chọn cho trẻ, như một ly sữa vào bữa sáng, bữa trưa và bữa tối; một cốc sữa chua trong bữa ăn nhẹ sau giờ học hoặc một miếng phô mai khi trẻ hoạt động ngoài trời
- Thịt nạc, thịt gia cầm, cá, trứng, đậu hoặc các loại hạt có protein, sắt, kẽm và vitamin B
Cho dù trẻ đang lớn về thể chất hay trí não, những chất dinh dưỡng này đều rất quan trọng. Bổ sung đủ protein trong mỗi bữa ăn chính và nhẹ giúp kéo dài cảm giác no trong ngày.
Mặc dù hầu hết trẻ em ăn nhiều protein vào bữa trưa và bữa tối, nhưng việc bổ sung protein trong bữa sáng hoặc đồ ăn nhẹ cũng cần được chú trọng.
3. Cung cấp nhu cầu năng lượng phù hợp theo từng giai đoạn của trẻ
Trẻ đang lớn khỏe mạnh sẽ có cơ hội trở thành một người lớn khỏe mạnh hơn trong tương lai. Nhu cầu năng lượng của trẻ cần được đảm bảo cùng với sự phát triển nhanh chóng trong thời thơ ấu. Vì vậy, dinh dưỡng cho trẻ em hợp lý sẽ giúp hình thành các nền tảng thể chất và thói quen ăn uống lành mạnh cho cả cuộc đời.
- Chế độ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh
Trong 6 tháng đầu đời, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ cần được đảm bảo bằng sữa mẹ. Nếu không thể, sữa công thức có thể cung cấp dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh đến 6 tháng tuổi.
Vào khoảng 6 tháng tuổi, trẻ sơ sinh cần một số chất dinh dưỡng quan trọng, đặc biệt là sắt. Hàm lượng khoáng chất thiết yếu này trong sữa mẹ bắt đầu giảm và trẻ sẽ cần bổ sung sắt thông qua chế độ ăn dặm. 11 miligam (mg) sắt mỗi ngày được khuyến nghị cho trẻ từ 7-12 tháng tuổi. Vì vậy, ngũ cốc giàu chất sắt, trái cây hoặc rau xay nhuyễn và các lựa chọn khác có thể cung cấp thêm chất dinh dưỡng mà trẻ cần bên cạnh sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Ngoài ra, trẻ sơ sinh cũng cần kẽm, canxi và vitamin D. Cụ thể là bé cần nhận được 260 mg canxi từ 6 đến 11 tháng và 400 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D. Cặp vitamin và khoáng chất này kết hợp với nhau để hỗ trợ xương chắc khỏe.
Ngoài ra, chất béo rất quan trọng cho sự phát triển của não và hệ thần kinh. Vì vậy, đừng giới hạn lượng chất béo cho trẻ, đặc biệt là những chất béo có nguồn gốc thực vật.
- Chế độ dinh dưỡng cho trẻ tập đi
Nhu cầu calo của trẻ đang lớn khi vào giai đoạn tập đi (từ 1 đến 3 tuổi) có thể khác nhau, thường là từ 1.000 đến 1.400 calo. Theo nguyên tắc chung, để tính nhu cầu năng lượng cho trẻ trong mỗi ngày, hãy đặt mục tiêu khoảng 40 calo cho mỗi inch chiều cao cho trẻ. Ví dụ, một đứa trẻ mới biết đi có chiều cao 30 inch nên ăn khoảng 1.200 calo mỗi ngày. Hơn nữa, nhu cầu năng lượng của trẻ có thể thay đổi tùy thuộc vào mức độ hoạt động.
Ngoài ra, trẻ đang phát triển vẫn tiếp tục cần khoảng 700 mg canxi mỗi ngày để hỗ trợ xương chắc khỏe. Mặt khác, để hệ tiêu hóa hoạt động thuận lợi, trẻ em cần cung cấp đủ chất xơ. Nguồn gốc chất xơ phù hợp cho trẻ là từ rau, trái cây, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt.
- Chế độ dinh dưỡng cho trẻ từ 4 đến 10 tuổi
Những đứa trẻ khỏe mạnh trong nhóm tuổi này có thể ăn 1.200–2.000 calo mỗi ngày. Đối với những đứa trẻ năng động, quá trình trao đổi chất nhanh hơn thì nhu cầu năng lượng cũng sẽ cao hơn.
Trong đó, canxi vẫn là yếu tố cần thiết đối với sự phát triển của xương. Trẻ em trong độ tuổi này cần 1.000 mg canxi và 600–1.000 IU vitamin D. Hơn nữa, trẻ cũng cần bổ sung đầy đủ các vitamin và khoáng chất thiết yếu, đặc biệt là vitamin E và folate.
Ngoài ra, trẻ em trong độ tuổi đi học sẽ có nhiều lựa chọn thực phẩm hơn mà không có giới hạn. Trẻ có thể tự chọn bữa trưa cho mình tại trường hay mỗi khi ra ngoài chơi. Mặt khác, trẻ em ở độ tuổi này có thể bắt đầu giúp đỡ cha mẹ nhiều hơn trong nhà bếp. Vì vậy, nên cho trẻ tham gia vào việc lập kế hoạch và chuẩn bị bữa ăn để tạo ra cơ hội giáo dục và giúp xây dựng thói quen ăn uống tốt.
- Chế độ dinh dưỡng cho trẻ lớn hơn
Cuộc sống của lứa tuổi tiền thiếu niên và thiếu niên có thể rất bận rộn và đa dạng, cần cân bằng giữa gia đình, trường học, các hoạt động và cuộc sống xã hội.
Vào lứa tuổi bận rộn này, trẻ vẫn đang phát triển và tuổi dậy thì mang đến những thay đổi cũng như thách thức riêng. Chế độ dinh dưỡng tốt cho trẻ trong độ tuổi này cần được duy trì với 1.300 mg canxi mỗi ngày để phát triển xương. Đồng thời, trẻ vẫn cần đảm bảo các bữa ăn có nhiều chất xơ và thêm chất sắt cho các trẻ em gái (15 mg) khi bắt đầu hành kinh.
- Chế độ dinh dưỡng cho trẻ khi bị bệnh
Trong thời gian bị bệnh, trẻ cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Sau khi ốm, trẻ cần được ăn thêm ít nhất một bữa mỗi ngày trong ít nhất một tuần. Khi trẻ bị nhiễm trùng, đặc biệt là tiêu chảy hoặc sởi, trẻ sẽ giảm cảm giác thèm ăn và cơ thể trẻ sử dụng thức ăn kém hiệu quả hơn. Nếu điều này xảy ra nhiều lần trong năm, sự phát triển của trẻ chậm hoặc dừng lại.
Như vậy, việc khuyến khích trẻ ăn uống khi bị bệnh là điều cần thiết. Tuy nhiên, cha mẹ có thể gặp khó khăn vì trẻ bị bệnh có thể không thèm ăn. Điều quan trọng là tiếp tục cho trẻ ăn thức ăn mà trẻ thích, mỗi lần một ít và càng thường xuyên càng tốt. Việc cho con bú thêm là đặc biệt quan trọng.
Ngoài ra, mất nước là một vấn đề nghiêm trọng đối với trẻ bị tiêu chảy. Uống nhiều chất lỏng sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước.
Nếu tình trạng ốm, kém ăn kéo dài thì cần đi khám dinh dưỡng cho trẻ để được bác sĩ hướng dẫn và điều trị phù hợp.
- Trẻ không chịu ăn có nên bỏ đói?
- Trẻ hơn 1 tuổi không chịu ăn, nôn nhiều có sao không?
- Cân nặng và chiều cao bé gái 7 tuổi như thế nào là bình thường?