Mục lục
Bài viết của Bác sĩ khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Bệnh động kinh là bệnh lý về não bộ, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đa số tập trung ở trẻ em. Các cơn động kinh thường diễn ra đột ngột, không kiểm soát soát được. Nếu tình trạng này không được xử trí tại chỗ nhanh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
1. Định nghĩa động kinh
Bệnh động kinh trong dân gian thường gọi là "giật kinh phong", " phong xù",... Trong y khoa cần phân biệt, cơn động kinh (seizure) là biểu hiện do sự phóng lực quá mức và đồng bộ của các neuron vỏ não. Mặt khác, bệnh động kinh (epilepsy) là một tình trạng rối loạn của não, đặc trưng bởi những cơn động kinh (seizure) lặp lại mà không có yếu tố khởi phát (unprovoked). Như vậy, động kinh (seizure) lặp lại nhưng có yếu tố khởi phát, ví dụ: hội chứng cai rượu, đột quỵ, u não,... không phải bệnh động kinh.
2. Các đặc điểm giúp nhận biết cơn động kinh
Đặc điểm chìa khoá của cơn động kinh là cơn xảy ra không dự đoán trước được. Cơn thường ngắn (kéo dài tối đa vài phút), có tính định hình (stereotype), thường là triệu chứng dương tính. Cơn động kinh cũng có thể xảy ra trong giấc ngủ hoặc khi tỉnh giấc. Ngoài ra còn có thể có tình trạng lú lẫn sau cơn, yếu liệt sau cơn ( liệt todd), tiêu tiểu không kiểm soát trong cơn, có thể kèm theo chấn thương, gãy xương hay trật khớp....
Biểu hiện của cơn động kinh rất đa dạng, tuỳ thuộc vào vị trí của phóng lực động kinh trong vỏ đại não và sự lan rộng của nó trong não. Vì vậy triệu chứng của động kinh có thể là co giật, co cứng, mất ý thức hay thay đổi tình trạng tri giác-ý thức, thay đổi hành vi, những cử động tự động như chớp mắt hay nhai miệng, cảm giác tê rần nửa người,... Do đó, bất kỳ triệu chứng về thần kinh nào có tính chất định hình, lặp đi lặp lại, thời gian xảy ra cơn ngắn đều cần phải nghĩ tới động kinh.
Cơn động kinh dễ nhầm lẫn với cơn ngất, các rối loạn tâm lý, đột quỵ, migraine... Hỏi kỹ bệnh sử, thăm khám lâm sàng và chú ý các đặc điểm của động kinh có vai trò rất quan trọng giúp phân biệt động kinh với các rối loạn nêu trên.
3. Cách điều trị động kinh
Khi bắt gặp một người đang lên cơn động kinh, bạn cần nắm các nguyên tắc sau sau để xử trí ban đầu tại chỗ như sau:
- Nới lỏng cổ áo bệnh nhân
- Khi bệnh nhân đang co giật, không cố gắng giữ chặt hay đè bệnh nhân xuống vì có thể gây chấn thương, gãy xương hay trật khớp cho bệnh nhân.
- Không nhét muỗng, que gỗ, đổ nước chanh hay bất cứ thư gì khác vào miệng bệnh nhân vì có thể gây chấn thương, hít sặc cho bệnh nhân.
- Trấn an những người xung quanh
- Dọn dẹp những vật sắc nhọn xung quanh bệnh nhân (vật dụng bằng thuỷ tinh, các đồ dùng xung quanh...)
- Sau cơn giật, cho bệnh nhân nằm nghiêng, lau sạch dịch tiết ở họng miệng, đảm bảo thông thoáng đường thở, tránh hít sặc, hút đàm nhớt, đảm bảo ABC, cho thở oxy khi cần.
- Sau cơn giật bệnh nhân thường lú lẫn nên cần có người trông giữ, tránh để bệnh nhân một mình.
- Sắp xếp đưa bệnh nhân đến bệnh viện sớm nhất có thể để được chẩn đoán nguyên nhân và điều trị phù hợp.
Thời điểm cần cắt cơn bằng thuốc tĩnh mạch: Do đặc điểm của cơn động kinh thường ngắn và tự giới hạn nên thông thường không cần cắt cơn bằng thuốc tĩnh mạch. Chỉ cần dùng thuốc chống động kinh đường uống để kiểm soát cơn giật tái phát là đủ. Chỉ dùng thuốc cắt cơn tĩnh mạch (midazolam, diazepam,...) khi bệnh nhân có trạng thái động kinh hoặc cơn giật đe doạ vào trạng thái động kinh.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!
- Công dụng thuốc Valparin 200
- Bé 5 tháng tuổi gồng người và run tay chân, duỗi thẳng chân có sao không?
- Vai trò của xét nghiệm phát hiện alen HLA-B*1502 trước khi điều trị Carbamazepine cho bệnh nhân trong việc phòng chống dị ứng thuốc