Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Nhất Nguyên - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Nếu dịch tiết có màu xanh, nâu vàng kèm các triệu chứng phụ khoa như ngứa rát thì đây là khí hư bệnh lý, dấu hiệu của bệnh phụ khoa.
1. Nhận biết khí hư bình thường và khí hư bệnh lý
Có thể nhận biết khí hư bình thường và khí hư bệnh lý qua một số đặc điểm sau:
1.1 Khí hư bình thường
Khí hư bình thường có màu trắng trong như lòng trắng trứng hoặc có thể hơi ngả vàng, không có mùi hoặc mùi tanh nhẹ, không gây ngứa. Số lượng và tính chất của khí hư sinh lý thay đổi tùy theo từng độ tuổi, giai đoạn trong chu kì kinh nguyệt cũng như những thời điểm đặc biệt của người phụ nữ.
Khí hư thay đổi thường xuyên theo chu kỳ kinh nguyệt. Ở giai đoạn trước và sau khi trứng rụng thì khí hư thường ít và không dai. Ở thời điểm rụng trứng, khí hư thường ra nhiều, loãng và dai. Khí hư ở giai đoạn này có độ dai có thể kéo dài ra được.
Lượng khí hư cũng thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của người phụ nữ. Khí hư được hình thành do tác dụng của nội tiết tố nữ estrogen, lượng tiết nhiều hay ít ở mỗi người phụ nữ các độ tuổi vì thế mà khác nhau. Ở các bé gái, hệ thống sinh dục chưa phát triển đầy đủ, nhìn chung trong âm đạo thường không có nội tiết nên không có khí hư.
Bước đến tuổi dậy thì, buồng trứng dần phát triển hoàn thiện hơn, tiết ra chất kích thích khiến hệ thống sinh dục sản sinh ra nội tiết tố, vì thế mới có khí hư.
Đến tuổi trưởng thành, buồng trứng phát triển hoàn thiện nên hàng tháng đều tiết ra lượng estrogen và progesteron, vì thế khí hư xuất hiện và thay đổi theo chu kỳ, tùy vào hàm lượng tiết ra của estrogen nhiều hay ít. Sau khi hết đợt hành kinh, bạn có thể thấy không có dịch tiết âm đạo, khô ở cửa mình.
Còn khoảng thời gian giữa chu kỳ kinh nguyệt, đặc biệt là trước thời điểm rụng trứng 12-24 giờ lượng estrogen cơ thể tăng lên, dịch tiết ra nhiều, vì thế khiến phụ nữ cảm thấy ẩm ướt, khó chịu ở cửa mình.
Do đó, trong khoảng thời gian này, nếu thấy dịch tiết âm đạo ra nhiều mà không kèm theo mùi hôi, ngứa cửa mình thì bạn gái không cần quá lo lắng. Sau khi rụng trứng, lượng estrogen giảm, lượng progesteron tăng lên, vì thế ức chế tiết ra chất nhầy cổ tử cung, khiến khí hư mất đi độ ướt, trở nên đặc dính.
1.2 Khí hư bệnh lý
Sự thay đổi đầu tiên và dễ nhận biết nhất của khí hư bất thường, cảnh báo tình trạng sức khỏe phụ khoa gặp vấn đề đó là việc tăng lượng dịch tiết (khí hư ra nhiều) cùng những thay đổi về màu sắc, mùi hay tính chất.
Một số trường hợp còn có thể kèm theo có các triệu chứng bất thường phổ biến khác như vùng kín bị kích thích, ngứa hay nóng rát xung quanh vùng kín và âm đạo.
1.3 Đặc điểm khí hư thường gặp, nguyên nhân và triệu chứng kèm theo
- Khí hư tiết nhiều, có màu trắng hoặc đặc như phô mai
Trình trạng: Nhiễm nấm âm đạo
Triệu chứng kèm theo: Âm đạo, âm hộ bị ngứa, nóng rát, đau nhức hoặc đau. Một số bệnh nhân có thể bị đau khi quan hệ tình dục, tiểu tiện cùng với hiện tượng đỏ, sưng vùng kín, âm hộ.
- Khí hư có màu trắng, vàng hoặc xám
Tình trạng: Viêm âm đạo do vi khuẩn
Triệu chứng kèm theo: Vùng kín có mùi tanh, ngứa, sưng.
- Khí hư có màu vàng hoặc xanh, dày
Tình trạng: Nhiễm trùng roi Trichomonas
Triệu chứng kèm theo: Mùi hôi
- Khí hư có màu nâu, đẫm máu
Tình trạng: Kinh nguyệt không đều hoặc các bệnh lý liên quan đến tử cung, buồng trứng.
Triệu chứng kèm theo: Đau vùng chậu, chảy máu âm đạo
- Khí hư có màu vàng hoặc xanh nõn chuối
Tình trạng: Bệnh lậu
Triệu chứng kèm theo: Đau vùng xương chậu, nước tiểu có lẫn máu, mủ
2. Khí hư thế nào thì cần đi khám
Khí hư sinh lý ở mỗi người phụ nữ là không giống nhau, thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt và thời điểm mang thai, bị kích thích... Do đó, phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ để kiểm tra dịch tiết âm đạo của mình, kiểm tra dịch tiết có bất thường không.
Nếu khí hư bất thường có kèm theo triệu chứng khác như: đau, ngứa, tiểu rắt, tiểu buốt...nên sớm tới cơ sở y tế chuyên khoa, để chia sẻ thẳng thắn với các bác sĩ, tìm nguyên nhân và điều trị. Việc chậm trễ trong khám và điều trị bệnh phụ khoa có thể dẫn tới nhiều hệ lụy sau này.
- Huyết trắng ra nhiều màu trắng đục, vón cục, mùi hôi phải làm sao?
- Khí hư là gì? Vai trò và phân loại
- Khí hư ở tuổi dậy thì: Những điều cần biết