Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hùng - Bác sĩ điều trị bệnh Nội tiết - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Viêm niệu đạo là tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu, thường gặp ở nam giới và cần được phát hiện, điều trị sớm để giảm thiểu những biến chứng nguy hiểm. Khi chữa viêm niệu đạo bằng thuốc thì thường gặp phải tình trạng viêm niệu đạo kháng thuốc, vì vậy cần nắm vững một số nguyên tắc khi dùng kháng sinh chữa viêm niệu đạo.
1. Viêm niệu đạo ở nam giới
Viêm niệu đạo ở nam giới là bệnh lý nhiễm trùng tiết niệu sinh dục ở nam giới, nguyên nhân gây ra bởi một số loại vi khuẩn như Chlamydia Trachomatis, lậu cầu... Những dấu hiệu đặc trưng của viêm niệu đạo như tiểu buốt, tiểu nhiều lần, mỗi lần lương ít, sốt, ớn lạnh, rét run... Lúc này, bệnh nhân được tiến hành thăm khám, thực hiện một số xét nghiệm như phân tích 10 thông số nước tiểu, cấy nước tiểu định danh vi khuẩn và làm kháng sinh đồ. Một số bệnh nhân nặng hơn có thể được thực hiện thêm kỹ thuật cấy máu.
Một số biến chứng nguy hiểm mà viêm niệu đạo để lại trên bệnh nhân đó là nhiễm khuẩn ngược dòng gây viêm thận bể thận, viêm bàng quang, sốc nhiễm khuẩn... Việc xác định nguyên nhân viêm niệu đạo ở nam giới rất quan trọng vì mỗi loại vi khuẩn khác nhau thì sẽ có những chỉ định dùng thuốc khác nhau.
2. Kháng sinh chữa viêm niệu đạo
Chữa viêm niệu đạo bằng thuốc là một phương pháp rất thường xuyên được sử dụng để điều trị viêm niệu đạo ở nam giới. Vì đây là bệnh lý nhiễm khuẩn nên việc chọn kháng sinh chữa viêm niệu đạo là cực kỳ quan trọng và cần chú ý để không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh.
Trước tiên, kháng sinh chữa viêm niệu đạo và thời gian sử dụng những loại kháng sinh này trên bệnh nhân phải phụ thuộc vào một số yếu tố như:
- Hoạt phổ kháng sinh kháng vi khuẩn đã định danh hoặc những vi sinh vật có thể lây bệnh nhiều nhất.
- Viêm niệu đạo đơn thuần hay phức tạp.
- Những tác hại, hiệu quả và chi phí thuốc đối với người sử dụng
- Tình trạng viêm niệu đạo kháng thuốc trên bệnh nhân có hay không, ở mức độ nào...
Khi sử dụng kháng sinh chữa viêm niệu đạo thì cần bám sát các nguyên tắc sử dụng cơ bản như sau:
- Nồng độ kháng sinh chữa viêm niệu đạo có trong nước tiểu đóng vai trò quan trọng hơn nồng độ kháng sinh trong huyết thanh nên có thể chữa khỏi viêm niệu đạo khi thuốc đủ nồng độ cần thiết trong nước tiểu. Đối với viêm niệu đạo nặng, kèm theo tình trạng nhiễm trùng máu thì cần chú trọng đến nồng độ kháng sinh có trong máu và lúc này, kháng sinh sẽ được đưa vào cơ thể bằng đường truyền tĩnh mạch.
- Bệnh nhân viêm niệu đạo có dấu hiệu sốt cao, rét run, xét nghiệm máu thấy bạch cầu tăng thì ban đầu nên dùng kháng sinh chữa viêm niệu đạo bằng đường tĩnh mạch.
- Thời gian chữa viêm niệu đạo bằng thuốc kháng sinh là 10 ngày – 2 tuần.
- Sau khi sử dụng thuốc bằng đường uống thì có thể truyền tĩnh mạch kháng sinh khi bệnh nhân viêm niệu đạo đơn thuần đã hết sốt được vài ngày, thường là kháng sinh nhóm Fluoroquinolones.
- Một số bệnh nhân không bị nhiễm độc nhưng hệ miễn dịch bị suy giảm, bị nôn mửa thì nên điều trị bằng đường uống trước tiên.
- Nếu xét nghiệm vẫn còn vi khuẩn trong nước tiểu sau 24- 48 giờ sau dùng thuốc thì bệnh nhân có thể đã gặp phải tình trạng viêm niệu đạo kháng thuốc, cần đổi kháng sinh khác để hiệu quả điều trị được tốt nhất.
- Một số kháng sinh phổ rộng như Cephalosporins thế hệ 3, Aztreonam, Aminopenicillins được dùng cho những viêm niệu đạo nhiễm từ cộng đồng.
- Nếu đã dùng kháng sinh nhưng vẫn còn sốt hay có dấu hiệu nhiễm độc thì tìm những nguyên nhân bệnh lý khác như áp xe.
- Nếu bệnh nhân có tiền sử viêm niệu đạo kháng thuốc thì cần điều trị kháng sinh phổ rộng trước tiên, sau đó dựa vào bằng chứng vi khuẩn học và tình trạng viêm niệu đạo kháng thuốc trên bệnh nhân để điều chỉnh kháng sinh khác.
- Chú ý một số trường hợp nhiễm đa vi khuẩn
- Khi dùng kháng sinh chữa viêm niệu đạo thì không có chứng cứ khoa học cho rằng kháng sinh diệt khuẩn thì hiệu quả điều trị cao hơn kháng sinh kìm khuẩn.
- Không nên phối hợp một cách không chọn lọc nhiều loại kháng sinh.
- pH nước tiểu có ảnh hưởng rất lớn đến kháng sinh chữa viêm niệu đạo nên việc kiềm hóa nước tiểu sẽ có tác dụng nâng cao hoạt tính của một số nhóm kháng sinh như Aminoglycosides, Benzylpenicillin, Erythromycin, và nếu toan hóa nước tiểu thì những nhóm kháng sinh bao gồm Tetracyclines, Nitrofurantoin, Methenamine Mandelate cũng sẽ tăng hiệu quả hơn.
Thông thường khi nói về nguyên nhân gây ra viêm niệu đạo ở nam giới thì sẽ phân thành 2 nhóm chính là không do lậu và do lậu. Nếu xét nghiệm cận lâm sàng cho kết quả nguyên nhân gây bệnh không do lậu mà do một số loại vi khuẩn khác như Chlamydia Trachomatis thì có thể dùng kháng sinh Azithromycin. Nếu là vi khuẩn Mycoplasma Genitalium gây bệnh thì có thể phải kéo dài thời gian sử dụng Azithromycin hơn hoặc chuyển sang một loại kháng sinh khác.
Trong trường hợp vi khuẩn gây bệnh ở một số địa phương là trùng roi hay còn gọi là Trichomonas thì phác đồ điều trị cần có thêm thuốc Metronidazole hoặc Tinidazole. Một số trường hợp viêm niệu đạo có biểu hiện lâm sàng nhưng không cho kết quả dương tính với vi khuẩn thì dùng kháng sinh Azithromycin vẫn có khả năng giảm được triệu chứng bệnh, thậm chí trong những trường hợp viêm niệu đạo do vi khuẩn giang mai trên bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS. Khi dùng kháng sinh chữa viêm niệu đạo với nguyên nhân được xác định là do lậu cầu thì có thể dùng phác đồ bao gồm Azithromycin hay Doxycycline, Cefixim đường uống hay Ceftriaxone tiêm bắp. Vì tình trạng viêm niệu đạo kháng thuốc ngày càng nhiều nên kháng sinh Fluoroquinolon không được chỉ định trong những phác đồ chữa viêm niệu đạo. Cuối cùng, sau khi đã dùng kháng sinh khoảng 3 tháng thì bệnh nhân cần tái khám đúng hẹn theo bác sĩ, sử dụng phác đồ gồm Azithromycin/5 ngày hoặc Doxycycline/7 ngày và Metronidazol liều duy nhất.
Chữa viêm niệu đạo bằng thuốc là phương pháp nhằm giảm những triệu chứng của bệnh viêm niệu đạo, đồng thời tiêu diệt những vi khuẩn gây bệnh và giảm thiểu tình trạng bệnh lây lan qua đường tình dục. Sử dụng kháng sinh chữa viêm niệu đạo giúp có những mục tiêu điều trị trên được thực hiện một cách hiệu quả và bệnh nhân sẽ được điều trị một cách dứt điểm hoàn toàn nếu sử dụng thuốc hợp lý và đúng cách.
Video đề xuất:
Khám sức khỏe định kỳ tại Vinmec: Bảo vệ bạn trước khi quá muộn!
- Điều trị viêm niệu đạo mãn tính
- Vì sao viêm niệu đạo dễ tái phát?
- Nguyên nhân viêm niệu đạo khi mang thai