Mục lục
Hệ tiêu hóa của bé kém phát triển sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sức khỏe. Do đó, để trẻ phát triển toàn diện, phụ huynh cần quan tâm, tìm hiểu về hệ tiêu hóa của trẻ, từ đó có chế độ chăm sóc và dinh dưỡng phù hợp.
1. Dấu hiệu hệ tiêu hóa của bé kém
Tình trạng hệ tiêu hóa của bé kém là khi không hấp thu các chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống hàng ngày một cách toàn diện. Cụ thể, nguồn thức ăn mà bé đưa vào cơ thể có thể có đầy đủ các loại dưỡng chất, tuy nhiên tình trạng cơ thể bé lại luôn rơi vào trạng thái thiếu hụt dinh dưỡng, dẫn đến sức khỏe suy yếu, dễ mắc bệnh vặt.
Quá trình tiêu hóa thức ăn giúp chuyển hóa và cung cấp các chất dinh dưỡng để nuôi sống tế bào trong cơ thể. Những chất dinh dưỡng được ruột non hấp thu từ thức ăn, sau đó vận chuyển đến máu, cơ, các mô và cơ quan khác để xây dựng, phát triển cũng như duy trì một cơ thể khỏe mạnh. Hệ tiêu hoá của trẻ sơ sinh kém khiến trẻ không thể hấp thu các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển cơ thể.
Hầu hết các dưỡng chất đều có thể được hấp thu một cách dễ dàng thông qua nhiều hoạt động cơ học trong khoang miệng (như cắn, nhai, nghiền nát thức ăn) và các phản ứng biến đổi hóa học (như thủy phân enzyme trong dạ dày, tuyến tụy, bài tiết dịch mật đến ruột non). Đôi khi, những loại chất dinh dưỡng khó hấp thụ như lipid, protein sẽ dẫn đến tình trạng cơ thể không thể hấp thụ hết các dưỡng chất từ thức ăn được đưa vào. Ngoài ra, hệ tiêu hóa của bé kém cũng là một yếu tố dẫn đến quá trình tiêu thụ thức ăn không đạt hiệu quả cao.
2. Nguyên nhân khiến hệ tiêu hóa của bé kém
Tình trạng hệ tiêu hóa của trẻ kém là một trong những vấn đề phổ biến mà mỗi ông bố bà mẹ đều lo ngại. Nguyên nhân dẫn đến việc tiêu hóa kém ở trẻ em và trẻ sơ sinh thường bắt nguồn từ:
- Hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện: Khả năng hoạt động của hệ thống các cơ quan, tế bào, cơ, mô tiêu hóa ở trẻ nhỏ chưa phát triển hoàn thiện và không thể hoạt động hết công suất như với người trưởng thành. Do đó, khả năng hấp thụ thức ăn của trẻ thường gặp nhiều khó khăn.
- Chế độ ăn uống không hợp vệ sinh: Nếu bé thường xuyên ăn phải các loại thực phẩm không vệ sinh (chẳng hạn như các loại thức ăn chưa nấu chín, đồ ăn vặt vỉa hè, thực phẩm không rõ nguồn gốc,...) thì hệ tiêu hóa của bé sẽ bị ảnh hưởng. Việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ khiến bé bị đau bụng, tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường ruột, viêm nhiễm đường tiêu hóa,... dẫn tới hệ tiêu hoá của bé kém đi.
- Trẻ ăn phải những loại thực phẩm có tính kỵ nhau: Đôi khi các món ăn có hàm lượng chất dinh dưỡng rất phong phú và chất lượng, tuy nhiên khi cho chúng kết hợp với nhau trong một bữa ăn thì có nguy cơ xảy ra tương kỵ, làm cho hệ tiêu hóa không thể hấp thu. Một số cặp thực phẩm thường xuyên xảy ra tương tác với nhau như: tỏi và cá trắm, cua và mật ong.
- Ảnh hưởng từ việc điều trị những bệnh lý tiêu hóa: Một số loại thuốc điều trị bệnh ở trẻ em có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, đặc biệt là khi điều trị các bệnh có liên quan đến hệ tiêu hóa. Ngoài ra, việc kiêng khem quá kỹ hay không đúng cách khi đang điều trị bệnh cũng ảnh hưởng không tốt đến quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng của bé.
- Ăn uống không điều độ: Trẻ thường xuyên bỏ bữa, biếng ăn, ăn một lúc quá nhiều thức ăn hoặc ăn quá nhiều món ăn chỉ chứa duy nhất một loại dinh dưỡng nhất định được xem là nguyên nhân thường gặp khiến hệ tiêu hóa của bé kém đi.
Tất cả những trường hợp trên đều có nguy cơ khiến các cơ quan trong bộ máy tiêu hóa bị tổn thương, viêm nhiễm, suy giảm hiệu quả hoạt động,... làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc hấp thụ thức ăn của trẻ.
3. Làm thế nào để hệ tiêu hóa của bé hoạt động tốt nhất?
Để chăm sóc và duy trì hoạt động hệ tiêu hóa của trẻ tốt nhất, bố mẹ hãy tham khảo một số bí quyết dưới đây.
3.1. Chọn thời điểm ăn dặm phù hợp cho trẻ
Việc cho trẻ ăn dặm sớm thường không tốt đối với dạ dày của trẻ nhỏ vì lúc này hệ tiêu hóa của trẻ chưa thật sự hoàn thiện. Nhìn chung, dạ dày trẻ sẽ không thể hấp thụ ngay các chất như protein hay lipid.
Nếu bé ăn dặm từ sớm, hệ tiêu hóa sẽ trở nên nhạy cảm hơn, dẫn đến nguy cơ bị đầy bụng, khó tiêu, thậm chí là rối loạn tiêu hóa. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bình thường của con.
3.2. Lựa chọn nguồn thực phẩm sạch
Nhìn chung, để hệ tiêu hóa của trẻ em được phát triển và hoàn thiện, bố mẹ hãy ưu tiên lựa chọn những loại thực phẩm sạch, bảo đảm vệ sinh. Tốt nhất nên cho trẻ ăn chín, uống sôi để hạn chế tình trạng rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy.
Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng trẻ bị táo bón, phụ huynh nên bổ sung nhiều thực phẩm chứa chất xơ vào bữa ăn hàng ngày của trẻ. Đa phần các bé không thích ăn rau xanh, do đó hãy cố gắng chế biến, bày trí món ăn thật hấp dẫn, bắt mắt để bé có hứng thú. Ngoài ra, bố mẹ nên chia nhỏ các bữa ăn với lượng thức ăn vừa đủ để giảm tải áp lực cho hệ tiêu hóa và cho bé uống thật nhiều nước.
Thông thường, hệ tiêu hóa của trẻ khá nhạy cảm, do đó bố mẹ cần quan tâm, chăm sóc bé đúng cách để hạn chế tình trạng hệ tiêu hóa của bé kém phát triển. Nếu nhận thấy trẻ gặp phải các vấn đề liên quan tới hệ tiêu hóa, bố mẹ hãy theo dõi cẩn thận và đưa con đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.
Bên cạnh việc chăm sóc đúng cách, lựa chọn thực phẩm phù hợp,... bé cũng nên được bổ sung thêm các vi chất cần thiết như: Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt cũng như ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Để có thêm kiến thức về việc chăm sóc trẻ theo từng độ tuổi, bạn hãy thường xuyên truy cập website (vinmec.com) và đặt hẹn với các bác sĩ, chuyên gia Nhi - Dinh dưỡng khi cần tư vấn nhé.
- Các tác dụng phụ của thuốc xương khớp
- Ăn hạt tiêu có tác dụng gì?
- Bổ sung thực phẩm chức năng thế nào cho đúng?