Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Chỉ số đường huyết không ổn định, quá thấp hay quá cao đều có thể gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người bệnh. Trong trường hợp hạ đường huyết xuống dưới mức cho phép, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng hôn mê, thậm chí dẫn đến tử vong. Đối với trường hợp đường huyết cao vượt mức, có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm tới các bộ phận trong cơ thể.
1. Tầm quan trọng của việc giữ ổn định đường huyết
Giữ ổn định đường huyết đóng vai trò cốt lõi trong việc ngăn ngừa hay làm chậm tốc độ phát triển của bệnh đái tháo đường cũng như biến chứng do bệnh gây ra.
Theo nghiên cứu của Hiệp hội Đái Tháo Đường Mỹ, độ đường huyết an toàn đối với bệnh nhân đái tháo đường là:
- Trước bữa ăn: 90 – 130 mg/dL (5,0 – 7,2 mmol/L).
- Sau bữa ăn 1 – 2 giờ: nhỏ hơn 180 mg/dL (10 mmol/L).
- Trước lúc đi ngủ: 110 – 150 mg/dL (6,0 – 8,3 mmol/L).
2. Nguy hiểm tiềm tàng đối với người bệnh khi đường huyết không ổn định
2.1. Trường hợp hạ đường huyết
Hạ đường huyết có thể lý giải khi nồng độ đường trong máu giảm xuống dưới mức an toàn, không đủ cung cấp cho cơ thể hoạt động. Hạ đường huyết thường xuất hiện ở những người mắc bệnh đái tháo đường do biến chứng trong việc điều trị bệnh gây ra. Khi xuất hiện tình trạng hạ đường huyết, các cơ quan trong cơ thể không đủ năng lượng khiến cho các hoạt động bị đình trệ.
Mặc dù vẫn có thể duy trì các hoạt động thông qua năng lượng lấy từ một số nguồn khác như protid và lipid, tuy nhiên việc này chỉ mang tính chất tạm thời. Mặt khác, việc hạ đường huyết gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của nào và hồng cầu, 2 bộ phận vận hành phụ thuộc hoàn toàn vào năng lượng do đường glucose cung cấp. Vì vậy, việc hạ đường huyết cần được phát hiện và chữa trị kịp thời, nếu kéo dài có thể dẫn đến những biến chứng gây tổn thương não nặng, thậm chí gây tử vong.
2.2. Trường hợp tăng đường huyết
Tăng đường huyết là tình trạng khi nồng độ đường trong máu cao vượt ngưỡng an toàn, nếu không có biện pháp điều trị kịp thời, khả năng cao gây tổn thương tới những bộ phận quan trọng trong cơ thể như tim, thận, mắt hay thần kinh. Trong đó, nhiễm toan ceton ở người bệnh đái tháo đường và hội chứng tăng áp lực thẩm thấu được đánh giá là hai biến chứng nghiêm trọng nhất mà tăng đường huyết gây ra.
Nhiễm toan ceton xảy ra do nồng độ glucose trong máu tăng cao, cơ thể không đủ insulin để hoạt động, vì vậy huy động năng lượng bằng cách phá vỡ cấu trúc chất béo, khiến cho hình thành các sản phẩm thải hay còn gọi là ceton. Việc ceton tích tụ quá nhiều sẽ gây ra các biến chứng cấp tính nhiễm toan ceton. Nhiễm toan ceton thường xuất hiện phổ biến ở những người mắc bệnh đái tháo đường tip 1, khiến cho cơ thể người bệnh bị mất nước, thậm chí lú lẫn, đầu óc không minh mẫn.
Hội chứng tăng áp lực thẩm thấu xảy ra khi nồng độ đường vượt quá 600mg/dl (33 mmol/l), phổ biến ở những người mắc bệnh đái tháo đường type 2. Hội chứng này khiến cho cơ thể không sử dụng được đường, đường khi đi vào cơ thể lập tức bị đào thải thông qua tiểu tiện. Người mắc hội chứng tăng áp lực thẩm thấu thường đi tiểu thường xuyên, gây mất nước trầm trọng, ngoài ra có thể xuất hiện triệu chứng co giật, mất thị lực, ảo giác.
3. Nguyên nhân khiến đường huyết không ổn định
3.1 Chế độ ăn uống không hợp lý
Chế độ ăn uống là một trong những nguyên nhân cốt lõi gây mất ổn định đường huyết. Chú ý theo dõi và điều chỉnh liều lượng thích hợp khi sử dụng các loại đồ uống có chứa caffeine, đồ uống thể thao, thực phẩm có thành phần carbohydrate, các loại trái cây khô; vì đây đều là các loại thực phẩm có nguy cơ làm tăng đường huyết trong máu.
Cần tăng cường sử dụng các loại thực phẩm từ thực vật có chứa carbohydrate thường có trong các loại rau củ, ngũ cốc nguyên cám... nhằm giúp giảm áp lực cho cơ thể do chúng làm tăng đường huyết chậm, giảm tốc độ đường vào máu, ngoài ra giúp tăng năng suất hoạt động của tuyến tụy và phục hồi sức khỏe.
3.2 Áp lực, căng thẳng
Việc bị áp lực, stress trong thời gian dài khiến cho cơ thể sản xuất ra các chất làm cho đường huyết tăng lên. Tình trạng này khá phổ biến ở những người mắc bệnh đái tháo đường tip 2.
3.3 Chế độ sinh hoạt không hợp lý
Việc sinh hoạt, ăn ngủ, nghỉ ngơi không đúng giờ trong thời gian dài khiến nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 tăng cao.
Thiếu ngủ khiến cho đồng hồ sinh học của cơ thể bị rối loạn, dẫn tới gia tăng hormone cortisol – nguyên nhân gây stress và mất ổn định đường huyết.
Thường xuyên bỏ bữa sáng sẽ khiến cho lượng đường trong máu giảm, dẫn tới tình trạng thèm đồ ngọt. Việc nạp nhiều đồ ngọt sẽ khiến lượng đường trong máu tăng cao, đồng thời gia tăng khả năng mắc bệnh đái tháo đường.
3.4 Sử dụng thuốc điều trị bệnh
Một số loại thuốc như corticosteroid, prednisone có thể điều trị nổi ban da, viêm khớp, hen suyễn; thuốc trầm cảm; thuốc tránh thai; ngoài việc điều trị bệnh thì có thể làm gia tăng lượng đường huyết trong máu, vì vậy cần chú ý và sử dụng thuốc chỉ khi có chỉ định của bác sĩ.
Tóm lại, đường huyết không ổn định có thể gây ra những hệ lụy cho sức khỏe người bệnh. Do đó, ngay khi nhận thấy những dấu hiệu đường huyết không ổn định, người bệnh nên đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn, chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.
- Niêm mạc ruột là gì và vai trò với sức khỏe?
- Tiêu chuẩn chẩn đoán tiểu đường type 1
- Chẩn đoán hội chứng chuyển hóa thế nào?