Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trần Quốc Vĩnh - Bác sĩ Cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Suy giảm hệ miễn dịch là những khiếm khuyết trong cơ chế đáp ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể mà bệnh nhân mắc phải có thể do suy giảm chức năng lách hoặc cắt lách gây ra. Điều này sẽ khiến lách không thể loại trừ được vi khuẩn trong máu dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm khuẩn huyết bởi các vi khuẩn có vỏ.
1. Chẩn đoán nhiễm khuẩn do suy giảm miễn dịch như thế nào?
Có thể dựa vào các yếu tố sau để chẩn đoán suy giảm miễn dịch ở người bệnh:
- Sốt và có các triệu chứng biểu hiện không rõ do tình trạng ức chế miễn dịch
- Mắc chủng vi khuẩn được coi là bội nhiễm ở cá thể miễn dịch đầy đủ nhưng là căn nguyên của người suy giảm miễn dịch
- Khoảng thời gian từ khi cấy ghép tạng và mức độ ức chế miễn dịch
- Điều trị kháng sinh phổ rộng có hiệu quả ở những bệnh nhân có nguy cơ cao hay không có triệu chứng khu trú
Tuy nhiên cũng cần lưu ý không phải mọi trường hợp sốt đều do nhiễm khuẩn, cần quan tâm tới các vấn đề khác như thải ghép, thiếu máu tổ chức và hoại tử, viêm tắc tĩnh mạch, ung thư hạch để chẩn đoán phân biệt.
Nếu bệnh nhân còn sốt mà không tìm được ổ nhiễm khuẩn có thể theo dõi hướng nhiễm virus, tìm các ổ áp-xe, tìm nhiễm nấm Candida toàn thân hoặc các vấn đề có liên quan đến gan hoặc lách hoặc nhiễm nấm aspergillus.
Người bệnh cần được theo dõi mọi dấu hiệu khu trú cẩn thận và làm các xét nghiệm phù hợp với các biểu hiện khu trú như cấy nước tiểu, cấy đờm, cấy máu ngoài các xét nghiệm thường quy như công thức máu, chụp X-quang, siêu âm. Các thủ thuật khác như sinh thiết gan, da, tủy xương có thể giúp ích cho việc chẩn đoán xác định.
Ở các bệnh nhân ghép tạng, hầu hết các nhiễm khuẩn xuất hiện trong 2-4 tuần đầu sau khi ghép, liên quan đến thủ thuật và điều trị nội trú ở bệnh viện hoặc liên quan đến các cơ quan ghép tạng.
Sau khi ghép phổi đặc biệt hay bị viêm phổi và viêm trung thất, ghép gan thì dễ bị áp xe trong ổ bụng, viêm đường mật, viêm phúc mạc, còn ghép thận hay nhiễm trùng đường tiết niệu, áp xe quanh thận và u nang bạch huyết nhiễm khuẩn. Ngược lại các bệnh nhân cấy ghép tủy xương thì nguyên nhân gây sốt không xác định được ở 60-70%.
2. Các nguyên nhân có thể gây ra suy giảm miễn dịch
Những bệnh nhân suy giảm miễn dịch không chỉ tăng nguy cơ nhiễm trùng mà nhiễm trùng đó thường nặng, diễn tiến nhanh và đe dọa đến tính mạng. Một số nguyên nhân có thể gây ra suy giảm miễn dịch gồm:
- Suy giảm miễn dịch dịch thể: thường do bẩm sinh, dù vậy giảm gama globulin có thể xuất hiện ở bệnh nhân đa u tủy xương, leukemia mạn tính dòng lympho và ở những bệnh nhân cắt lách
- Giảm bạch cầu hạt: thường phổ biến sau cấy ghép tế bào tạo máu (cấy ghép tế bào gốc), sau hóa trị liệu ức chế tủy xương ở bệnh nhân có khối u hoặc ở leukemia cấp
- Suy giảm miễn dịch tế bào: là một nhóm lớn và không đồng nhất, có cả HIV, các bệnh ác tính hệ lympho bạch huyết (Hodgkin), bệnh nhân sử dụng thuốc ức chế miễn dịch corticosteroids và các thuốc gây độc tế bào
- Người nhận cấy ghép tế bào máu: bệnh nhân có nguy cơ biến chứng nhiễm trùng từ giai đoạn đầu sau cấy ghép tới tận 3 tháng sau, đặc biệt ở những bệnh nhân ghép đồng loài và đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch để điều trị bệnh mảnh ghép chống chủ mãn tính
- Người nhận ghép tạng: nhiễm trùng có thể do tạng được ghép hoặc cách thức phẫu thuật và thời gian nằm viện
- Các trạng thái suy giảm miễn dịch khác: là nhóm các bệnh nhân không phải thiếu hụt miễn dịch riêng biệt mà có nguy cơ tăng nhiễm trùng do sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, suy nhược, tổn thương, thủ thuật xâm lấn, rối loạn hệ thần kinh trung ương hoặc các tổn thương bít tắc ở phổi, niệu quản, đài bể thận
3. Đề phòng nhiễm khuẩn ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch như thế nào?
Một vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong dự phòng nhiễm khuẩn là sử dụng kháng sinh dự phòng, tuy nhiên hiện vẫn chưa có quan điểm thống nhất về việc sử dụng loại thuốc và liều lượng thuốc. Một số kháng sinh có thể được dùng để dự phòng như:
- Trimethoprim: dự phòng nhiễm peumocytsis ở bệnh nhân ghép tạng, giảm tỷ lệ mắc viêm phổi do vi khuẩn, nhiễm trùng đường niệu do nhiễm nocarida và toxoplasma
- Acyclovir: dự phòng nhiễm virus herpes simplex và thủy đậu ở bệnh nhân ghép tạng
- Gancyclovir: dự phòng nhiễm cytomegalovirus ở bệnh nhân ghép tạng hoặc bệnh nhân cấy ghép tủy xương
- Các loại kháng sinh không hấp thụ đường uống và quinolon: tránh lây nhiễm vi khuẩn từ đường tiêu hóa, làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn huyết ở các bệnh nhân có giảm bạch cầu
Ngoài ra rửa tay vẫn là một biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để giảm nhiễm khuẩn bệnh viện ở tất cả những bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân có suy giảm miễn dịch.
- Các giai đoạn của ung thư máu
- Đa u tủy xương nguy hiểm thế nào?
- Tế bào lympho T: Những điều cần biết