Mục lục
Một câu hỏi được quan tâm là những người đã từng bị đột quỵ não có được tiêm vắc-xin Covid-19 không? Cùng giải đáp thắc mắc này cùng ThS. BS Vũ Duy Dũng, Bác sĩ Nội Thần kinh, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City.
Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Duy Dũng - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
1. Người từng bị đột quỵ não có nên tiêm vắc xin Covid-19?
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Duy Dũng, những người đã từng bị đột quỵ não KHÔNG NẰM TRONG NHÓM CHỐNG CHỈ ĐỊNH TIÊM VẮC-XIN COVID-19.
Theo hướng dẫn mới nhất được cập nhật ngày 10/8/2021 của Bộ Y tế, những đối tượng sau đây cần trì hoãn tiêm chủng Covid-19:
- Đang mắc bệnh cấp tính hoặc đợt cấp của bệnh lý mạn tính;
- Có tiền sử rõ ràng đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng;
- Phụ nữ mang thai dưới 13 tuần.
Những đối tượng cần thận trọng khi tiêm vắc-xin Covid-19:
- Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác.
- Người có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định.
- Người mất tri giác, mất năng lực hành vi.
- Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu.
- Phụ nữ mang thai lớn hơn hoặc bằng 13 tuần.
- Người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống:
2. Những đối tượng chống chỉ định tiêm vắc-xin Covid-19
- Tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc-xin phòng Covid-19 cùng loại (lần trước).
- Có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.
- Riêng với vắc-xin Sputnik V thì có thêm chống chỉ định với phụ nữ mang thai và đang cho con bú.
Như vậy, người từng bị đột quỵ não đã điều trị ổn định thì vẫn có thể tiêm vắc xin COVID-19 vì KHÔNG NẰM TRONG NHÓM CHỐNG CHỈ ĐỊNH TIÊM VẮC XIN COVID-19. Mặc dù những người đã từng bị đột quỵ não có thể phải dùng thuốc chống đông máu, chống ngưng tập tiểu cầu, thuốc mỡ máu, huyết áp, đái tháo đường... nhưng đều có thể tiêm vắc-xin Covid-19 mà không cần ngừng những thuốc này.
Trường hợp bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông hoặc thuốc chống ngưng tập tiểu cầu thì có thể dễ bị tụ máu tại vị trí tiêm. Do vậy, trước khi tiêm thì bệnh nhân cần được tư vấn và xin ý kiến từ bác sĩ đang theo dõi và điều trị, để tránh hiểu lầm đây là do tác dụng phụ của vắc-xin.
Ngoài ra, những bệnh nhân đột quỵ não di chứng nặng nề, sống phụ thuộc, không ra khỏi nhà nhưng vẫn có thể lây bệnh từ những người thân trong gia đình thì cũng cần tiêm vắc-xin. Các cụ già có nhiều bệnh nền, tuổi cao nên sức chống đỡ rất kém nếu không may nhiễm Covid-19, dễ diễn tiến nặng và tỉ lệ tử vong cao khi mắc Covid-19. Do vậy, người cao tuổi luôn là đối tượng ưu tiên tiêm ngừa khi có nguồn vắc-xin thích hợp.
Bác sĩ Vũ Duy Dũng khuyến cáo, mọi người sau khi tiêm vắc-xin cần theo dõi các tác dụng phụ như đau, đỏ hoặc nóng tại vị trí tiêm, mệt, sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau ngực, khó thở, đau cơ và khớp, buồn nôn, nôn.
Lưu ý, mọi người đi tiêm cần bảo vệ bản thân bằng cách tuân thủ 5K của bộ Y tế và các biện pháp phòng ngừa, tuân thủ nguyên tắc sàng lọc tại điểm tiêm. Kiểm soát tốt bệnh nền trong thời gian giãn cách.
- Tin Covid ngày 05/6: Trẻ em dưới 15 tuổi thực hiện cách ly tại nhà
- Khó thở kèm đau tức ngực sau khi tiêm vacxin Covi-19 có sao không?
- Tiêm vắc-xin Covid-19 cách tiêm vắc-xin HPV bao lâu?