Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Phương - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Thiếu máu não thường được coi là dấu hiệu tuổi già, xảy ra do thời gian làm lão hóa các mạch máu, các mạch co hẹp dần cản trở việc lưu thông máu. Hiện nay, với lối sinh hoạt không khoa học và ít vận động thì tình trạng thiếu máu não xuất hiện ngày càng nhiều ở giới trẻ.
Ban đầu, các dấu hiệu thiếu máu lên não có thể mờ nhạt và dễ bị nhầm lẫn với mệt mỏi thông thường. Lâu dần, những triệu chứng thiếu máu lên não ngày càng lộ rõ và gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người bệnh.
Theo Th.s, B.s Nguyễn Thị Minh Phương - Vinmec Times City, thiếu máu não là tình trạng giảm lưu lượng máu lên não, dẫn tới cơ thể không cung cấp đủ lượng oxy và dưỡng chất cần thiết cho não bộ. Thiếu máu não dẫn đến não không được nuôi dưỡng kịp thời sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến cả sức khỏe tâm sinh lý người bệnh.
Một số dấu hiệu của bệnh thiếu máu lên não chính là:
- Đau đầu;
- Chóng mặt, buồn nôn;.
- Rối loạn giấc ngủ;
- Rối loạn cảm giác;
- Cơ thể mệt mỏi, trí nhớ suy giảm.
Nếu các biểu hiện bệnh thiếu máu lên não chỉ ở mức nhẹ và xuất hiện hiếm hoi thì người bệnh không cần lo lắng vì lúc đó cơ thể chỉ đang bị kiệt sức và mệt mỏi thông thường. Hãy dành thời gian nghỉ ngơi và ăn uống điều độ để sạc lại năng lượng cho cơ thể và não bộ.
Trường hợp những dấu hiệu thiếu máu não xảy ra thường xuyên hàng tuần thậm chí hàng ngày thì cần sớm đi khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh để có phương pháp điều trị bệnh thiếu máu lên não phù hợp.
Khi bị thiếu máu lên não, người bệnh cần chú ý:
- Chú ý đến biểu hiện sức khỏe bản thân, không nên mất cảnh giác bỏ qua với những biểu hiện mệt mỏi thông thường diễn ra thường xuyên;
- Khám bệnh và làm theo lời khuyên của bác sĩ;
- Duy trì cho mình một lối sinh hoạt, ăn uống và ngủ nghỉ lành mạnh để nâng cao hiệu quả điều trị thiếu máu não.
- Các dấu hiệu của thiếu máu não
- Phải làm gì khi có dấu hiệu đột quỵ?
- Tác dụng của thuốc Somazina