17-01-2024 11:42

Nâng cao đề kháng lúc giao mùa, giúp trẻ tránh bệnh đường hô hấp

Nâng cao đề kháng lúc giao mùa, giúp trẻ tránh bệnh đường hô hấp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Thu Phương - Bác sĩ Nhi- Sơ sinh, Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Bệnh đường hô hấp ở trẻ em có thể xảy ra quanh năm nhưng phổ biến hơn vào thời điểm giao mùa. Khi bị bệnh, trẻ có những biểu hiện như sốt kéo dài, ho, sổ mũi, thở khò khè,... Nếu cha mẹ chủ quan không cho trẻ đi khám và điều trị sớm, bệnh hô hấp của trẻ có thể trở nặng và dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

1. Các bệnh đường hô hấp ở trẻ em thường gặp lúc giao mùa

  • Cảm lạnh: Khi virus gây cảm lạnh xâm nhập cơ thể thì sẽ có những biểu hiện trên đường hô hấp như sốt, ho, sổ mũi, kém ăn và đau họng. Các triệu chứng trên thường kéo dài khoảng 1 tuần. Đôi khi, cảm lạnh thông thường có thể tăng nặng, để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.
  • Cảm cúm: Triệu chứng gồm sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, đau nhức cơ bắp. Trẻ bị cúm thường quấy khóc nhiều, khó chịu, bỏ ăn hoặc đau bụng, tiêu chảy, viêm long đường hô hấp (biểu hiện hắt hơi, chảy nước mũi trong, ho, ngạt mũi).
  • Bạch hầu: Là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Các triệu chứng bệnh thường xuất hiện trong 2 - 5 ngày sau khi phơi nhiễm. Ban đầu trẻ có biểu hiện đau họng, ho, sốt, ớn lạnh. Về sau, bên trong cổ họng và amidan của trẻ xuất hiện các lớp màng dày có màu trắng xám, mọc theo mảng lớn, khiến trẻ bị ho khan, tắc nghẽn đường hô hấp. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ có thể bị viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh,...
  • Viêm tiểu phế quản: Gây ra bởi virus, có các triệu chứng gồm sổ mũi, thở nhanh, khó thở, thở khò khè, ho và sốt.
  • Nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV: Nếu trẻ bị viêm đường hô hấp do nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV thì bệnh thường nặng hơn, dễ bị suy hô hấp, bệnh kéo dài và hay tái phát. Trẻ có nguy cơ bị biến chứng viêm tai giữa hoặc hen suyễn sau khi bị viêm đường hô hấp.

2. Nguyên nhân trẻ thường mắc bệnh về đường hô hấp lúc giao mùa

Những nguyên nhân thường gặp gây các bệnh đường hô hấp ở trẻ em vào thời điểm giao mùa gồm:

  • Sức đề kháng của trẻ em còn yếu, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện để bảo vệ cơ thể. Vì thế, virus dễ tấn công cơ thể, gây các bệnh về đường hô hấp.
  • Do các tác nhân bên ngoài như môi trường, khí hậu, thời tiết, miễn dịch cộng đồng thấp hoặc khói thuốc, ô nhiễm,... Hơn nữa, trẻ có khả năng thích ứng kém với thời tiết nên khi giao mùa, thời điểm nóng - lạnh thất thường thì trẻ dễ ốm, mắc bệnh đường hô hấp.
Sức đề kháng của trẻ em
Sức đề kháng của trẻ em là một trong những nguyên nhân gây bệnh vào thời điểm giao mùa

3. Nên làm gì khi trẻ mắc bệnh đường hô hấp?

Khi trẻ bị viêm đường hô hấp và có các biểu hiện như ho, hắt hơi, sổ mũi nhưng không bị sốt hoặc chỉ sốt nhẹ thì gia đình có thể theo dõi trẻ tại nhà, chưa cần dùng kháng sinh và thuốc hạ sốt. Nếu trẻ ho nhiều, mệt mỏi, sốt trên 38°C và có khó thở, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được khám bệnh, xử trí kịp thời, đề phòng nguy cơ trẻ bị viêm phổi cấp tính.

Khi chưa đưa trẻ đi khám, nếu trẻ sốt trên 38°C không nên cho trẻ mặc nhiều quần áo mà nên mặc đồ rộng, thoáng, dễ thoát nhiệt. Nên lau mát cho trẻ bằng cách nhúng khăn sạch vào chậu nước sạch có nhiệt độ thấp hơn thân nhiệt của trẻ 2°C, sau đó lau ở trán, nách, bẹn (vài giờ lau một lần) hoặc đắp khăn ướt lên các vị trí trên. Nếu lau mát mà trẻ vẫn sốt trên 38°C cha mẹ có thể cho trẻ uống hoặc đút hậu môn thuốc Paracetamol với liều lượng được bác sĩ khuyến nghị (10 – 15 mg/kg cân nặng/lần, không quá 60 mg/kg cân nặng/ngày).

Hằng ngày, nên cho trẻ ăn các món lỏng, ấm và uống đủ nước. Nếu trẻ còn bú mẹ thì cho trẻ bú như bình thường hoặc có thể tăng số lần và thời gian bú mẹ. Nếu trẻ sốt vừa hoặc sốt cao mà chưa kịp đưa đi khám thì nên cho trẻ uống dung dịch oresol (ORS), pha theo liều lượng được khuyến nghị.

4. Biện pháp phòng bệnh đường hô hấp ở trẻ em lúc giao mùa

Để phòng tránh bệnh đường hô hấp cho trẻ, biện pháp tốt nhất là tăng cường sức đề kháng, miễn dịch hô hấp của trẻ. Phụ huynh có thể áp dụng những bí quyết sau:

  • Giữ ấm cho trẻ: Cha mẹ nên giữ ấm đường thở cho bé trong mùa đông bằng cách mặc ấm, giữ ấm cổ họng, đội mũ kín tai, đeo khẩu trang khi ra đường, ăn và uống đồ nóng,... để giảm nguy cơ viêm đường hô hấp.
  • Vệ sinh thân thể và môi trường: Vi khuẩn, virus có thể tồn tại ở mọi nơi, tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh hô hấp cho trẻ nhỏ. Để bảo vệ trẻ khỏi các nguy cơ, cha mẹ nên giữ gìn vệ sinh thân thể cho bé và tích cực giữ vệ sinh môi trường sống. Với trẻ lớn, cần rèn luyện ý thức vệ sinh cá nhân để bé tự chăm sóc bản thân kể cả khi không có cha mẹ ở bên.
Sức đề kháng của trẻ em
Cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ vào thời điểm giao mùa để tránh mắc bệnh đường hô hấp
  • Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ: Trẻ 0 - 6 tháng tuổi nên bú mẹ hoàn toàn để được phát triển toàn diện, có sức đề kháng trước nhiều bệnh tật. Nếu không có điều kiện, cha mẹ cũng nên cố gắng cho trẻ bú sữa ít nhất trong 2 - 3 tháng đầu để củng cố hệ miễn dịch của bé. Với bé lớn, cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm đa dạng để tăng cường hệ miễn dịch. Ngoài bữa chính, cha mẹ nên cho trẻ ăn thêm trái cây và nước trái cây. Những loại rau củ giàu vitamin và chất xơ, thực phẩm giàu kẽm,... rất có lợi cho hệ miễn dịch của trẻ vào thời điểm giao mùa;
  • Tiêm vắc-xin: Ngoài các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng quốc gia, cha mẹ có thể lựa chọn tiêm cho trẻ một số loại vắc-xin để phòng ngừa bệnh hô hấp. Nên tiêm vắc-xin phòng cúm, vắc-xin phế cầu để ngừa cúm và bệnh hô hấp do phế cầu gây ra, đặc biệt là viêm phổi.
  • Chú ý sức khỏe của trẻ: Nếu bé có biểu hiện bất thường như ăn uống ít, bú kém, bỏ bữa, sốt, nôn trớ, ngủ không ngon,... có thể bé đang bị bệnh, cần theo dõi chặt hơn và đưa đi thăm khám đầy đủ, điều trị đúng theo phác đồ được bác sĩ đưa ra.
  • Lưu ý khác: Cha mẹ không tự ý dùng kháng sinh cho trẻ nếu chưa có chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, phụ huynh cũng không nên tự ý đặt khí dung cho trẻ tại nhà.

Cải thiện sức đề kháng là biện pháp giúp phòng ngừa bệnh đường hô hấp ở trẻ em hiệu quả. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần chú ý theo dõi sức khỏe của trẻ, đưa trẻ đi khám ngay khi mới có triệu chứng đầu tiên của bệnh để được điều trị kịp thời, hiệu quả.

XEM THÊM:
  • Điều trị mu bàn chân bị sưng phù
  • Tuổi 50 cần bổ sung gì để tăng cường sức khỏe?
  • Ăn rau gì tốt cho phổi, thận?

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan