Bài viết của Thạc sĩ 51009 - Kỹ thuật viên Âm nhạc trị liệu- Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Rối loạn phổ tự kỷ là tình trạng bệnh lý làm suy yếu hành vi, khả năng giao tiếp và tương tác với người khác. Rối loạn phổ tự kỷ có thể nhẹ hoặc nặng. Tuy nhiên, âm nhạc có thể giúp trẻ rối loạn phổ tự kỷ phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội. Dưới đây là một số hoạt động âm nhạc giúp trẻ rối loạn phổ tự kỷ phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội
1. Hoạt động với khăn voan
Hoạt động với khăn voan là một trong những hoạt động âm nhạc phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ.
Chuẩn bị:
- Một số bản nhạc không lời êm dịu, nhẹ nhàng, có tempo từ 60-80 nhịp/ phút (gần với nhịp đập của trái tim)
- Thiết bị phát âm thanh
- Một chiếc khăn voan (hoặc khăn lụa, khăn quàng cổ mềm, mỏng)
- 2 miếng thảm xốp kích thước 50 x 50 cm.
Thực hiện:
- Xếp 2 miếng thảm xốp cách nhau khoảng 10- 15cm
- Hướng dẫn trẻ ngồi khoanh chân lên thảm xốp, người lớn ngồi ở tư thế đối diện với trẻ
- Bật nhạc với âm lượng vừa phải
- Làm mẫu và hướng dẫn trẻ nắm tay vào 2 cạnh của thảm xốp. Nếu trẻ chưa tự nắm tay và giữ thăng bằng, người lớn có thể hỗ trợ bằng cách cầm tay bé nắm vào 2 cạnh của thảm xốp.
- Đung đưa sang hai bên (trái/ phải) theo nhịp điệu của bản nhạc.
- Thể hiện cảm xúc thông qua ánh mắt, chia sẻ nụ cười và cảm xúc trên khuôn mặt với trẻ khi nghe giai điệu của bản nhạc
- Tiếp tục và duy trì tương mắt- mắt với trẻ
- Sử dụng khăn voan để che giấu khuôn mặt và hé mở khăn ở cuối mỗi đoạn nhạc, chia sẻ cảm xúc thông qua ánh mắt với trẻ mỗi lần hé mở khăn
- Tạo sự thu hút với trẻ bằng cách hé khăn từ dưới lên trên hoặc nghiêng sang trái, sang phải để bé luôn tìm kiếm, phán đoán và tạo bất ngờ cho bé mỗi lần hé mở khăn
- Thể hiện các biểu cảm hài hước, đáng yêu sau mỗi lần trẻ mở khăn (ví dụ như: Chu môi, mỉm cười, chớp chớp mắt...)
- Có thể dùng khăn chạm nhẹ hoặc che mặt trẻ nếu trẻ chấp nhận
- Nên thực hiện theo nhịp điệu của bản nhạc để tạo cảm giác an toàn khi trẻ có thể đoán được thời điểm sẽ che hoặc mở khăn
- Hướng dẫn trẻ tự sử dụng khăn đung đưa theo nhịp điệu và chơi ú òa với các thành viên khác trong gia đình
- Hướng dẫn trẻ cùng gấp khăn và cất thảm xốp sau khi kết thúc hoạt động.
2. Hát cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ nghe
Hát cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ nghe bằng các bước sau:
Chuẩn bị:
- Bài hát thiếu nhi có nội dung về con vật, đồ vật mà trẻ yêu thích
- Một chiếc trống nhỏ hoặc tự tạo đồ chơi phát ra âm thanh (ví dụ: cho vài hạt đỗ, hát sỏi và chai nhựa và lắc).
Thực hiện:
- Cố gắng tiếp cận bằng cách tham gia hoạt động mà trẻ đang làm
- Hát và sử dụng nhạc cụ phát ra âm thanh đệm theo nhịp của lời bài hát với âm lượng vừa phải
- Thu hút sự chú ý của trẻ bằng giọng hát với sắc thái biểu cảm khác nhau
- Sử dụng một tiết tấu và gõ lặp đi lặp lại
- Dừng lại và chờ đợi phản ứng ngỏ ý muốn tiếp tục từ trẻ
- Đáp ứng bằng bài hát và chơi nhạc cụ ngay khi trẻ có tương tác mắt- mắt hoặc cử chỉ hành động
- Tiếp tục hát và dừng lặp đi lặp lại nhiều lần kết hợp dạy trẻ cách thể hiện mong muốn bằng cử chỉ, điệu bộ, lời nói phù hợp với mức độ phát triển của trẻ
- Hướng dẫn trẻ gõ trống hoặc sử dụng đồ chơi tự chế để tạo ra âm thanh
- Cùng trẻ hát và chơi nhạc cụ. Thay đổi sắc thái, tốc độ của bài hát để tạo ra những biểu cảm phong phú và hấp dẫn.
Tóm lại, tự kỷ có nhiều dạng khác nhau cũng như biểu hiện mức độ khác nhau. Do vậy, việc chẩn đoán phát hiện sớm và lộ trình can thiệp trở nên khó khăn. Biểu hiện bệnh có thể bắt đầu xuất hiện từ sớm và trở nên rõ nét từ 2-3 tuổi. Việc chẩn đoán càng sớm càng tốt (kể từ 18 tháng trở đi) thì hiệu quả điều trị mới tích cực.
- Rối loạn phổ tự kỷ là gì, nguyên nhân và điều trị
- Rối loạn phát triển lan tỏa: Những điều cần biết
- Yếu tố di truyền trong rối loạn phổ tự kỷ