Mục lục
Người bị mộng du có thể di chuyển và thậm chí là lái xe như thể họ đang thức. Điều này có thể khiến bạn và những người khác sợ hãi. Điều trị cho người bị mộng du là rất cần thiết trước khi có những nguy hiểm tiềm ẩn. Trong nhiều trường hợp người bệnh có thể sử dụng thuốc kê đơn để điều trị hoặc các mẹo để ngăn ngừa.
1. Mộng du nghĩa là gì?
Mộng du hay còn gọi là somnambulism. Mộng du được biết đến như một rối loạn giấc ngủ. Người bị mộng du có thể đi khi đang ngủ, hay thực hiện một số hành động thông thường như: ăn uống, mặc quần áo, lái xe,...
Cơn mộng du thường xuất hiện khoảng một đến hai giờ sau khi ngủ và chúng thường kéo dài trong khoảng 30 phút. Người bị mộng du sẽ có nét mặt trống rỗng và đôi mắt mở, điều này có thể khiến cho nhiều người thấy sợ hãi hoặc lo lắng. Những người này rất khó đánh thức, tuy nhiên khi thức giấc họ có thể không nhớ những điều mà mình làm đêm hôm trước.
2. Nguyên nhân gây ra tình trạng mộng du
Các chuyên gia ước tính tỷ lệ mộng du chiếm khoảng 1-15% dân số. Bệnh thường phổ biến ở trẻ em được biệt trong độ tuổi từ 3-7 tuổi. Đối với trẻ em bệnh có liên quan đến chứng đái dầm. Chứng này sẽ biến mất và diễn biến tốt hơn sau khi trẻ lớn, lúc đó hệ thần kinh của trẻ đã hoàn thiện và trẻ có thể ngủ suốt đêm. Theo tổ chức Sleep có đến 29% trẻ em từ 2-13 tuổi bị mộng du và 4% người lớn bị bệnh này.
Chứng mộng du có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành hoặc xuất hiện muộn đối với người lớn tuổi. Nguyên nhân gây bệnh có thể khác nhau ở mỗi người. Nguyên nhân phổ biến của chứng rối loạn này là các yếu tố gây căng thẳng về cả thể chất và tinh thần, môi trường ngủ ồn ào hoặc phải di chuyển qua nhiều múi giờ và đặc biệt là tình trạng thiếu ngủ. Các tác nhân khác có thể kể đến như chứng ngưng thở khi ngủ và thuốc ngủ theo toa.
Mộng du là một phần trong các rối loạn kích thích bất thường. Ngoài ra có thể đi kèm với các kích thích nhầm lẫn như: thức dậy mà không có trí nhớ, kinh hoàng khi ngủ, thức dậy với tiếng la hét dữ dội,... Các loại này đều có thể xảy ra ở người lớn và trẻ nhỏ nhưng đa phần là ở trẻ em.
3. 5 bước để ngăn chặn mộng du
Đa phần các trường hợp mộng du là vô hại nhưng trong một số trường hợp mộng du có thể gây hại cho chính bản thân họ và những người xung quanh. Nếu bạn hoặc người thân mắc chứng mộng du cần phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn:
- Bắt đầu bằng cách tập trung vào thói quen ngủ của bạn và tạo thói quen đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày
- Hãy chắc chắn rằng có một "giờ tắt điện" trước khi đánh gối. Tìm cách để thư giãn trong ngày. Hãy thử tắm nước ấm và đọc sách nhẹ.
- Tạo môi trường an toàn, đặc biệt cho trẻ mộng du. Loại bỏ các vật sắc nhọn, khóa cửa ra vào và cửa sổ, lắp cổng trên cầu thang.
- Báo động cửa thường có thể hữu ích.
- Hỏi bác sĩ về các lựa chọn khác nếu vấn đề vẫn tiếp diễn.
4. Các biện pháp cho điều trị chứng mộng du
Với các trường hợp mộng du là do bệnh lý có từ trước, khi bệnh lý được điều trị cơ bản thì tình trạng mộng du cũng sẽ biến mất, chẳng hạn như:
- Trào ngược dạ dày thực quản
- Tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ
- Co giật
- Cử động chân định kỳ hoặc hội chứng chân không yên
Có thể cần dùng thuốc nếu người mộng du có nguy cơ bị thương, nếu mộng du gây ra sự gián đoạn đáng kể trong gia đình hoặc buồn ngủ quá mức vào ban ngày và khi các lựa chọn điều trị khác không có tác dụng.
Bác sĩ có thể kê đơn cho bạn một số loại thuốc hữu ích bao gồm:
- Estazolam
- Clonazepam ( Klonopin )
- Trazodone (Oleptro)
Thường có thể ngừng thuốc sau vài tuần mà không bị mộng du tái phát. Đôi khi, mộng du tăng lên trong thời gian ngắn sau khi ngừng thuốc.
5. Các lựa chọn điều trị mộng du khác
Các kỹ thuật thư giãn, hình ảnh tinh thần và đánh thức dự đoán là những lựa chọn điều trị ưu tiên để điều trị lâu dài cho những người bị rối loạn mộng du. Đánh thức dự đoán bao gồm đánh thức trẻ hoặc người khoảng 15-20 phút trước thời điểm thông thường của cơn mộng du, và sau đó giữ cho họ tỉnh táo trong suốt thời gian mà cơn mộng du thường xảy ra.
Các kỹ thuật thư giãn và hình ảnh tinh thần có hiệu quả nhất khi được thực hiện với sự trợ giúp của nhà trị liệu hành vi hoặc nhà thôi miên có kinh nghiệm.
Theo dõi với chuyên gia về rối loạn giấc ngủ của bạn nếu các triệu chứng vẫn tiếp tục, hoặc nếu xảy ra thương tích cho bản thân hoặc cho người khác.
Chứng mộng du có thể gây ra các chấn thương cho người bệnh, vì vậy để đảm bảo bảo an toàn trước tiên cần điều chỉnh các chuyển động bất thường trong giấc ngủ cũng như các vật sắc nhọn có thể gây ra thương tích. Một khi tình trạng bệnh trở nên nặng tốt nhất nên đưa người bệnh đến các trung tâm y tế để nhận sự giúp đỡ từ các bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra bạn cần cải thiện giấc ngủ, do chúng có khả năng nâng cao sức khỏe tổng thể của bạn.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Nguồn tham khảo: webmd.com, health.clevelandclinic.org
- Công dụng thuốc Sifrol
- Hội chứng chân không yên là gì? Biểu hiện thế nào?
- Nỗi kinh hoàng ban đêm của trẻ: Những điều cần biết