Mục lục
Bài viết của Bác sĩ chuyên khoa I Võ Khắc Khôi Nguyên - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Tình trạng mệt mỏi khá phổ biến trong cuộc sống, nhất là trong xã hội hiện đại. Mệt mỏi là cảm giác chủ quan của người bệnh, nhưng có thể biểu hiện ra bên ngoài qua nhiều triệu chứng về thể chất và tinh thần. Bạn có thể mệt mỏi vào cuối một ngày làm việc và tình trạng này có thể tái diễn và lặp lại trong nhiều ngày, hay thậm chí nhiều tháng. Vậy mệt mỏi có phải bệnh lý không?
Trước đây, hội chứng mệt mỏi kéo dài nhiều tháng được gọi là bệnh viêm cơ não tủy. Bệnh lý này lần đầu tiên được mô tả ở Mỹ vào năm 1934, nó đã bị gọi nhầm thành chứng cuồng loạn, bệnh tâm thần, bệnh tâm lý, rối loạn dạng cơ thể. Việc có nhiều bệnh danh cho thấy giới y học còn chưa thống nhất trong việc chẩn đoán. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy người bệnh có thể điều trị khỏi, hòa nhập trở lại với cuộc sống bình thường chứ không giống như người bệnh tâm thần. Hiện nay, hội chứng mệt mỏi mạn tính làm suy giảm khả năng thể chất và tinh thần của người bệnh. Mặt khác, việc mô tả đặc điểm của hội chứng mệt mỏi như một bệnh tâm thần đã dẫn đến tình trạng người bệnh có thể bị kì thị, xa lánh và bị bỏ rơi. Với cách tiếp cận như vậy, điều trị bệnh phải bao gồm liệu pháp hành vi nhận thức và liệu pháp tập thể dục.
1. Hội chứng mệt mỏi một bệnh lý phức tạp
Hội chứng mệt mỏi thường dễ bị bỏ qua bởi chính người bệnh. Việc bỏ qua này một phần do người bệnh thiếu sự quan tâm đến chính mình, hoặc những người xung quanh cho rằng người bệnh bị “thay tính đổi nết”.
Hội chứng mệt mỏi mạn tính rất khó điều trị do thái độ xa lánh của người thân, nhân viên y tế và thiếu sự hỗ trợ của cộng đồng đối với bệnh nhân. Khó khăn còn thể hiện ở việc các bác sĩ có thể không tìm thấy các bất thường trong các xét nghiệm cận lâm sàng để giúp xác nhận chẩn đoán. Do không tìm ra tác nhân gây bệnh nên phương pháp điều trị cũng không nhất quán và chuyên biệt. Người bệnh có thể lui tới rất nhiều bác sĩ, nhiều bệnh viện, nhưng mỗi nơi sẽ cho một cách nhìn nhận vấn đề khác nhau. Từ đó có thể dẫn tới sự mất lòng tin và tuân thủ điều trị của người bệnh. Đây cũng chính là rào cản lớn nhất giữa nhân viên y tế và người bệnh.
Cho đến hiện tại, các bác sĩ đều nhận định hội chứng mệt mỏi là một bệnh lý phức tạp, có thể diễn tiến mãn tính. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng khó chịu sau gắng sức, mệt mỏi nghiêm trọng, gây suy nhược cơ thể, rối loạn các vấn đề về nhận thức, chức năng giấc ngủ, đau và hệ miễn dịch, thần kinh, nội tiết và các triệu chứng tiêu hóa. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng thay đổi theo từng ngày ở bệnh nhân và khác nhau giữa các bệnh nhân. Mức độ nghiêm trọng của bệnh được phân loại bị ảnh hưởng nhẹ, bị ảnh hưởng trung bình đến người bị ảnh hưởng nặng. Những người bị ảnh hưởng nghiêm trọng thường ở nhà hoặc nằm trên giường, có thể không thể di chuyển, không muốn nói chuyện, tiếp xúc hoặc không chịu được ánh sáng. Tình trạng khó chịu sau gắng sức là một trong những triệu chứng chính của bệnh. Tình trạng này được định nghĩa là sự trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh nhân sau hoạt động thể chất hoặc tinh thần tối thiểu, xảy ra vài giờ, vài ngày hoặc vài tuần sau khi hoạt động kích hoạt và kéo dài sau đó (ngày, tuần hoặc tháng).
Chẩn đoán hội chứng mệt mỏi mạn tính khá khó khăn. Cho đến hiện nay, không có bộ xét nghiệm tiêu chuẩn nào giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh. Khi không có xét nghiệm hoặc dấu hiệu sinh học cụ thể về bệnh, các bác sĩ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chẩn đoán dựa trên các triệu chứng mà bệnh nhân khai báo. Một số triệu chứng được coi là bắt buộc để chẩn đoán, trong khi những triệu chứng khác được coi là hỗ trợ. Việc chẩn đoán ở người lớn còn khá miễn cưỡng cho đến khi họ bị bệnh ít nhất 6 tháng và các bệnh đồng mắc của họ đã được giải quyết. Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, thời gian mắc bệnh đã được rút ngắn xuống còn 3 tháng, nhưng bác sĩ điều trị tùy theo tình trạng cụ thể mà quyết định.
Từ những mô tả trên, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng việc điều trị bệnh cũng gặp nhiều khó khăn. Công tác điều trị sẽ liên quan đến nhiều chuyên khoa và cần có sự phối hợp đồng bộ. Cho đến nay chưa có một phác đồ điều trị nhất quán. Bất kỳ phương pháp điều trị nào được sử dụng để giảm bớt các triệu chứng đều được coi là "giảm nhẹ".
2. Cần phân biệt hội chứng mệt mỏi với các bệnh lý khác
Hội chứng mệt mỏi có biểu hiện nhiều triệu chứng ở nhiều hệ cơ quan. Vì vậy, cần có cái nhìn tổng thể về người bệnh hơn là chỉ chú ý từng hệ cơ quan riêng lẻ.
Trước hết, cần phân biệt hội chứng mệt mỏi với chứng suy nhược cơ thể. Suy nhược được định nghĩa là tình trạng thiếu sức lực hoặc cảm giác không có khả năng thực hiện các công việc hàng ngày, cơn đau dữ dội hơn vào cuối ngày, và thường cải thiện sau một thời gian ngủ. Mặt khác, suy nhược cơ thể làm giảm hoặc mất sức mạnh cơ bắp, và là triệu chứng quan trọng trong các bệnh về cơ bắp.
Ngoài mệt mỏi, hội chứng mệt mỏi còn có liên quan đến một loạt các triệu chứng, bao gồm đau khớp, đau cơ, đau đầu, lo lắng, các triệu chứng trầm cảm, rối loạn nhận thức, rối loạn giấc ngủ hoặc không chịu được gắng sức. Các triệu chứng này có thể xuất hiện trong bệnh lý của từng hệ cơ quan tương ứng.
Những hiểu biết chưa rõ ràng về nguyên nhân gây bệnh, cùng với những khó khăn trong đánh giá khách quan và định lượng các triệu chứng, đã khiến các bác sĩ gặp khó khăn trong chẩn đoán hội chứng mệt mỏi. Hệ quả là hội chứng mệt mỏi đã từng được xác định với nhiều bệnh danh khác nhau bao gồm: viêm não tủy dị ứng, hội chứng rối loạn chức năng miễn dịch, hội chứng rối loạn chức năng miễn dịch nội tiết thần kinh, hội chứng sau virus, bệnh Iceland, suy nhược thần kinh, bệnh Royal Free.
Tóm lại, hội chứng mệt mỏi là một bệnh lý đầy thách thức và mới nổi, nhưng vẫn có hy vọng điều trị và phục hồi cho những người bị ảnh hưởng. Hiện tại, không có biện pháp đặc trị. Điều trị chỉ nhằm mục đích làm giảm các triệu chứng. Nhìn chung, những bệnh nhân mắc hội chứng mệt mỏi được chẩn đoán trong 2 năm đầu kể từ khi xuất hiện các triệu chứng sẽ đáp ứng với điều trị tốt hơn. Phương pháp điều trị để giảm các triệu chứng phải được cá nhân hóa cho từng bệnh nhân. Chế độ ăn uống khoa học, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, sinh hoạt lành mạnh, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý là vấn đề cốt lõi của bất kỳ phương pháp điều trị nào. Đây cũng là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa hội chứng mệt mỏi xuất hiện trong cuộc sống hiện đại.
- Hội chứng mệt mỏi: Kẻ gây hậu quả thầm lặng
- Có nên dùng thuốc bổ cho người già suy nhược cơ thể?
- Cách chuẩn bị bữa ăn khoa học, mất ít thời gian