Mục lục
- 1. 1. Uống đồ ấm
- 2. 2. Sử dụng thuốc NSAID
- 3. 3. Sử dụng thuốc thông mũi
- 4. 4. Thuốc trị ho
- 5. 5. Súc miệng bằng nước muối
- 6. 6. Dùng nước muối để rửa mũi
- 7. 7. Nâng cao đầu khi ngủ
- 8. 8. Sử dụng máy tạo độ ẩm
- 9. 9. Tắm nước ấm
- 10. 10. Tránh uống nhiều rượu
- 11. 11. Giữ cho phòng ngủ luôn thoáng mát
- 12. 12. Sử dụng thuốc mỡ bôi ngoài da
- 13. Đánh giá
Khi bị cảm lạnh hoặc cảm cúm, người bệnh thường gặp phải các triệu chứng khó chịu như nghẹt mũi, khó thở hoặc ho. Khi những vấn đề này xảy ra vào ban đêm, chúng có thể gây gián đoạn và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng giấc ngủ của người bệnh. Vậy làm thế nào để giải quyết tình trạng này?
1. Uống đồ ấm
Thói quen uống nước ấm trước khi đi ngủ có thể làm dịu cơn đau họng và các triệu chứng cảm cúm khác, giúp bạn có một giấc ngủ ngon khi bị cảm. Bạn có thể uống các loại trà đã khử caffeine cùng với mật ong, chẳng hạn như trà hoa cúc, trà gừng hoặc trà bạc hà. Những loại trà này đều có đặc tính chống oxy hóa cao, giúp bạn dễ thở, thư giãn và chống lại nhiễm trùng rất hữu hiệu.
Ngoài trà ấm, bạn cũng có thể thử nhâm nhi một số loại đồ uống khác sau đây:
- Súp nóng.
- Nước nóng pha nước chanh và mật ong.
- Nước dùng chứa ít natri.
Theo các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, những người bị cảm lạnh mất ngủ nên cố gắng uống đồ ấm khoảng 60 – 90 phút trước khi đi ngủ. Việc uống chất lỏng quá sát giờ đi ngủ có thể khiến bạn phải thức dậy để đi vệ sinh trong đêm.
>>> Xem thêm: Liều dùng Tamiflu cho trẻ em
2. Sử dụng thuốc NSAID
Nếu các cảm cúm khiến bạn bị đau nhức khắp người và làm gián đoạn giấc ngủ, bạn có thể giải quyết nhanh chóng tình trạng này bằng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) không kê đơn. Những loại thuốc này có tác dụng cải thiện một số triệu chứng do cảm lạnh gây ra, bao gồm đau cơ, sốt, nhức đầu hoặc đau tai.
Một số thuốc NSAID phổ biến không kê đơn mà bạn nên lựa chọn để khắc phục tình trạng cảm cúm của mình, bao gồm:
- Ibuprofen, chẳng hạn như Motrin, Midol và Advil.
- Aspirin.
- Naprogen (Aleve).
Tuy nhiên, đối với bất kỳ loại thuốc không kê đơn nào, bạn cũng cần uống theo đúng liều lượng được khuyến nghị và thực hiện theo các hướng dẫn sử dụng thuốc một cách cẩn thận. Trong trường hợp bị sốt cao, bạn nên tránh dùng NSAID trong vòng 3 ngày liên tiếp. Hoặc nếu cảm thấy đau nhức cơ thể, hãy tránh uống nhóm thuốc này trong vòng hơn 10 ngày và đi khám bác sĩ nếu các triệu chứng vẫn tiếp tục xảy ra.
3. Sử dụng thuốc thông mũi
Cảm cúm bị mất ngủ là một nỗi lo lắng thường gặp ở nhiều bệnh nhân. Để giải quyết tình trạng này, người bệnh có thể sử dụng thuốc thông mũi để đẩy lùi hiệu quả các triệu chứng cảm cúm.
Thuốc thông mũi hoạt động chủ yếu bằng cách làm giảm tình trạng sưng ở những mô trong mũi, đồng thời làm giảm sản xuất chất nhầy. Điều này có thể giúp bạn cảm thấy dễ thở hơn, nhất là khi ngủ.
Hiện nay, các loại thuốc thông mũi đều được bán ở hầu hết các hiệu thuốc, gồm 3 dạng chính, bao gồm dạng xịt, viên uống hoặc thuốc nhỏ. Tuy nhiên, loại thuốc này thường không được khuyến cáo sử dụng trẻ trẻ em dưới 3 tuổi. Ngoài ra, bạn cũng không nên quá lạm dụng thuốc thông mũi vì khi dùng lâu dài có thể khiến các triệu chứng cảm cúm bùng phát trở lại nặng nề hơn.
4. Thuốc trị ho
Để ngủ ngon khi bị cảm, người bệnh cần điều trị các cơn ho về đêm ngay khi chúng xuất hiện. Ho do cảm lạnh thường khiến cho giấc ngủ bị gián đoạn và gây mệt mỏi, kiệt sức cho bệnh nhân vào sáng hôm sau. Vì vậy, các thuốc trị ho không kê đơn thường được khuyến nghị sử dụng để giảm ho tạm thời trong trường hợp này.
Nếu cơn ho của bạn có lẫn đờm, hãy cân nhắc sử dụng thuốc long đờm, giúp làm loãng chất nhầy trong phổi và giúp bạn dễ thở hơn. Một số thuốc ho long đờm phổ biến, chẳng hạn như Mucinex DM hoặc Mucinex.
Một lựa chọn điều trị triệu chứng ho do cảm cúm khác là thuốc ức chế phản xạ ho, hay còn được gọi là thuốc chống ho. Loại thuốc này là một lựa chọn lý tưởng đối với những người cảm cúm bị mất ngủ vào ban đêm do cơn ho ập đến, chẳng hạn như thuốc Robitussin DM.
Một số loại thuốc ho cũng có chứa thuốc giảm đau, thuốc thông mũi hoặc thuốc kháng sinh. Sự hiện diện của những thành phần này có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ nếu được sử dụng với liều lượng cao hơn khuyến nghị.
5. Súc miệng bằng nước muối
Súc miệng bằng nước muối trước khi đi ngủ sẽ giúp bạn xoa dịu cơn đau họng, đồng thời ngăn chặn sự tiến triển của tình trạng nhiễm trùng, từ đó đem lại giấc ngủ ngon khi bị cảm.
Bạn có thể áp dụng cách súc miệng với nước muối tự pha đơn giản dưới đây:
- Pha 9g muối với 1 lít nước ấm để đạt được nồng độ chuẩn là 0,9%.
- Sau khi muối hoà tan hết trong nước, hãy súc miệng hỗn hợp này ở phía sau cổ họng trong một lúc đủ lâu.
- Sau đó súc nước muối xung quanh miệng trước khi bạn nhổ ra.
6. Dùng nước muối để rửa mũi
Theo một nghiên cứu mới đây cho biết, rửa mũi bằng nước muối có thể giúp làm giảm tình trạng nghẹt mũi do cảm cúm, đồng thời làm sạch chất nhầy, vi trùng và giúp bạn dễ thở hơn.
Bạn có thể rửa đường mũi bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối loãng tự pha. Tuy nhiên, nếu tự pha tại nhà, bạn cần sử dụng nước cất, nước vô trùng hoặc nước đã đun sôi trước đó để loại bỏ vi khuẩn. Ngoài ra, FDA cũng không khuyến nghị cha mẹ tự ý sử dụng nước muối rửa mũi cho trẻ dưới 2 tuổi, trừ trường hợp được bác sĩ nhi khoa cho phép.
7. Nâng cao đầu khi ngủ
Tình trạng cảm cúm bị mất ngủ có thể xảy ra do chất nhầy tích tụ trong cổ họng khi bạn nằm gối đầu quá thấp. Điều này sẽ làm kích hoạt cơn ho và gây trằn trọc về đêm.
Để cải thiện các triệu chứng ho, nghẹt mũi và giúp ngủ ngon khi bị cảm, bạn có thể xếp thêm gối phụ để nâng cao đầu lên một chút. Khi đó, đờm trong cổ họng sẽ thuyên giảm đáng kể. Tuy nhiên, bạn nên tránh sử dụng quá nhiều gối vì nó có thể khiến bạn bị đau cổ và khó chịu thêm khi ngủ.
8. Sử dụng máy tạo độ ẩm
Không khí khô có thể là nguyên nhân gây kích ứng vùng xoang mũi và làm trầm trọng thêm các triệu chứng cảm cúm. Do đó, bạn nên bổ sung độ ẩm cho không khí bằng cách sử dụng máy tạo độ ẩm.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên dùng nước tinh khiết hoặc nước cất cho máy tạo độ ẩm. Ngoài ra, cần thay nước hàng ngày cũng như vệ sinh thường xuyên máy nhằm ngăn ngừa vi khuẩn phát triển và tấn công vào cơ thể qua đường mũi
9. Tắm nước ấm
Hơi nước ấm phả ra từ vòi hoa sen có thể giúp làm loãng và loại bỏ các chất nhầy trong xoang, từ đó giúp bạn dễ thở hơn. Mặt khác, tắm nước ấm cũng là một biện pháp tuyệt vời giúp thư giãn trước khi đi ngủ, giúp bạn ngủ ngon khi bị cảm.
Để có trải nghiệm giống như ở spa, bạn có thể dùng một số viên tắm thơm có chứa dầu khuynh diệp hoặc bạc hà. Khi hít vào, tác dụng làm mát của các thành phần này có thể góp phần giúp bạn cải thiện triệu chứng nghẹt mũi của mình.
10. Tránh uống nhiều rượu
Mặc dù rượu là một tác nhân có thể khiến bạn cảm thấy buồn ngủ hơn, tuy nhiên tốt nhất bạn nên tránh uống rượu trước khi ngủ. Điều này là do rượu có thể làm gián đoạn chất lượng giấc ngủ của bạn, đặc biệt là lúc cảm cúm.
Ngoài ra, rượu còn là một chất lợi tiểu, làm ngăn chặn các hormon chống bài niệu và kích thích thận sản xuất ra nhiều nước tiểu hơn. Khi đó, bạn sẽ có xu hướng đi tiểu thường xuyên hơn vào ban đêm, gây mất ngủ trầm trọng.
11. Giữ cho phòng ngủ luôn thoáng mát
Theo một nghiên cứu gần đây cho biết, nhiệt độ phòng ngủ là một trong những yếu tố hàng đầu có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bạn. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn đang đối phó với sốt và cảm lạnh.
Để tạo môi trường ngủ thoải mái và giúp bạn ngủ ngon khi bị cảm, hãy giữ nhiệt độ phòng ở mức 60 - 67 ° F (15,6 và 19,4 ° C). Để thực hiện được điều này, bạn có thể áp dụng một số chiến lược sau:
- Sử dụng bộ điều nhiệt và điều chỉnh nhiệt độ phòng thích hợp trong phạm vi 60 - 67 ° F (15,6 và 19,4 ° C) là tốt nhất trong lúc ngủ.
- Mở cửa sổ hoặc bật máy lạnh nếu nhiệt độ tăng lên.
- Để quạt gần cửa sổ đang mở, giúp không khí lưu thông tốt hơn.
12. Sử dụng thuốc mỡ bôi ngoài da
Bạn cũng có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ cũng như đẩy lùi các triệu chứng nghẹt mũi hoặc ho thông qua thuốc mỡ bôi ngoài da cho vùng cổ và ngực. Trong các loại thuốc này thường có chứa những thành phần như:
- Tinh dầu bạc hà: Có tác dụng làm dịu và mát cổ họng, giúp bạn dễ thở hơn khi ngủ.
- Dầu khuynh diệp: Có chứa cineole, giúp làm lỏng các chất nhầy dính và đặc trong cổ họng.
- Long não: Giúp ngăn chặn cơn ho và làm lỏng các chất nhầy ở vùng họng.
Mặc dù những thành phần này có thể không điều trị khỏi chứng cảm lạnh, tuy nhiên chúng có tác dụng giúp bạn dễ thở hơn và thoải mái hơn khi ngủ. Khi thoa thuốc mỡ, bạn chỉ nên thoa vào vùng ngực và cổ, tránh bôi nó bên trong mũi vì có thể được hấp thụ vào cơ thể qua các màng bên trong đường mũi của bạn.
Ngoài ra, bạn cũng nên thử một lượng nhỏ thuốc mỡ lên vùng da dưới cánh tay trước khi sử dụng diện rộng. Đôi khi, loại thuốc này có thể gây kích ứng da ở một số người có cơ địa da nhạy cảm.
- Cách chữa ho có đờm cho trẻ sơ sinh
- Cách kích thích trẻ sơ sinh đi ngoài
- Lợi ích của việc uống nước nóng là gì?