Mục lục
Cảm giác đau buốt, nóng rát nhiều khi đi tiểu khiến các mẹ bầu vô cùng khó chịu. Nếu bạn chưa trải qua cảm giác này, chắc hẳn bạn sẽ không tưởng tượng nó gây phiền toái đến thế nào? Tuy nhiên các mẹ bầu cùng đừng lo lắng, trong video sau đây ThS. BSCKII Phùng Thị Lý, BS Sản phụ khoa, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City sẽ mách bạn các mẹo chữa tiểu rắt tại nhà.
Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi ThS. BSCKII Phùng Thị Lý, BS Sản phụ khoa, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City
1. Tiểu rắt và tiểu buốt khi mang thai
Đi tiểu rắt là một trong những dấu hiệu nhận biết sớm của thai kỳ. Bởi sự thay đổi của nội tiết tố trong thời gian mang thai. Triệu chứng này có thể bắt đầu sớm trong những tháng đầu và kéo dài cho đến ba tháng cuối. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể xảy ra do yếu tố bệnh lý.
Nguyên nhân thông thường: thường gặp trong 3 tháng đầu do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể sẽ làm tăng lượng máu và chất lỏng bài tiết qua thận. Đồng thời, trong giai đoạn đầu thai nhi sẽ gây chèn ép lên bàng quang. Lúc này, bàng quang sẽ bị căng, mẹ bầu phải đi tiểu nhiều hơn nhưng lượng nước tiểu rất ít. Kèm với đó là cảm giác đau rát, khó chịu khi đi tiểu.
Thông thường tình trạng tiểu rắt ở phụ nữ mang thai sẽ thuyên giảm khi thai nhi bước sang tháng thứ tư.
2. Nguyên nhân bệnh lý gây nên vấn đề tiểu rắt, tiểu buốt
Chứng tiểu rắt ở phụ nữ mang thai cũng có thể xảy ra do các bệnh lý trong cơ thể. Các căn bệnh mà chị em phụ nữ có thể gặp như bệnh xã hội, viêm đường tiết niệu, bệnh phụ khoa...
Tình trạng tiểu rắt sẽ không gây nguy hiểm nếu xảy ra do nội tiết tố thay đổi. Tuy nhiên, nếu tình trạng này đi kèm một số dấu hiệu dưới đây thì mẹ bầu nên thận trọng.
- Cảm giác đau buốt, nóng rát nhiều khi đi tiểu.
- Kèm theo triệu chứng sốt, ớn lạnh, mệt mỏi
- Đau bụng, đau lưng, đi tiểu nhiều lần và không kiểm soát được.
- Cảm giác đi tiểu cấp bách trong khi chỉ đi được một lượng nước tiểu rất ít.
- Thậm chí, khi cười, hắt hơi hoặc ho cũng khiến nước tiểu rỉ ra một ít.
- Có máu trong nước tiểu.
- Nước tiểu có mùi hôi hoặc có màu đục bất thường.
- Nôn, buồn nôn và giảm cân đột ngột.
Theo BS ThS. BSCKII Phùng Thị Lý, BS Sản phụ khoa, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City..., để chữa tiểu rắt, ngoài áp dụng các bài thuốc dân gian, mẹ bầu cũng có thể thực hiện các cách điều trị bệnh tiểu rắt không dùng thuốc như:
Đi tiểu nghiêng người về phía trước: Nghiêng người về phía trước giúp cho lượng nước tiểu trong bàng quang được thải hết ra ngoài. Điều này giúp phụ nữ mang thai cải thiện được tình trạng tiểu rắt, đi tiểu nhiều lần.
Hoặc các mẹ có thể áp dụng bài tập Kegel. Đây là bài tập giúp tăng cường sức mạnh ở vùng xương chậu và cải thiện tình trạng tiểu rắt.
Cách thực hiện:
- Chị em thực hiện co cơ âm đạo (tương tự như nhịn tiểu) và giữ trong 10 giây.
- Bạn nghỉ 10 giây rồi tiếp tục lặp lại khoảng 10 lần.
- Khi đã quen dần, bạn có thể tăng dần số giây mỗi lần thực hiện.
- Tuyệt đối không được tập khi đang đi tiểu vì có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu.
Mang thai là quá trình vô cùng thiêng liêng với người phụ nữ. Nhưng các mẹ bầu cũng không tránh khỏi những rắc rối, trong đó có tiểu rắt, tiểu buốt. Hy vọng rằng thông qua sự tư vấn của bác sĩ, video có thể đem đến cho các mẹ bầu những kiến thức bổ ích, giúp cho quá trình mang thai thoải mái và thuận lợi hơn.
- Bệnh trĩ sau sinh có tự khỏi không?
- Xì hơi âm đạo khi quan hệ hay hành kinh là dấu hiệu bệnh gì?
- Phòng ngừa sa tử cung sau sinh