Mục lục
Chế độ dinh dưỡng trong thời gian mang thai có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của thai nhi. Phụ nữ mang thai cần có chế độ ăn uống điều độ và đầy đủ. Vì vậy, mẹ bầu thường nhịn ăn hay bỏ bữa không những làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
1. Vai trò của chế độ dinh dưỡng lành mạnh ở phụ nữ mang thai
Vai trò của chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đầy đủ trong thời gian mang thai là một trong yếu tố giúp trả lời câu hỏi bà bầu nhịn đói có sao không. Theo đó, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chế độ dinh dưỡng của mẹ trong thời gian mang thai ảnh hưởng đến thai nhi như sau:
- Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng đến cân nặng của trẻ khi chào đời: Trong thời gian thai kỳ mẹ bầu được bổ sung chế độ ăn uống đầy đủ và cân đối sẽ giúp thai nhi tăng cân tốt, kể cả khi người mẹ thiếu cân hay suy dinh dưỡng. Ngược lại mẹ bầu không được bổ sung chế độ ăn uống đầy đủ, thiếu ăn hay ăn uống không cân đối sẽ làm tăng nguy cơ trẻ sinh ra thiếu cân, sinh non. Cân nặng khi mới sinh phản ánh cơ hội sống sót, khả năng phát triển về thể chất và trí tuệ. Theo đó, trẻ sinh ra thiếu cân hay bị suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ sẽ có có hệ miễn dịch suy yếu, nguy cơ bị nhiễm bệnh tăng cao, khả năng nhận thức và chỉ số thông minh thấp làm ảnh hưởng đến khả năng học tập, các cơ hội việc làm khi trưởng thành;
- Chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ liên quan đến một số dị tật bẩm sinh: Trong thời gian thai kỳ, đặc biệt là giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên nếu mẹ bầu không được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ làm sức đề kháng, tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm và các dị tật bẩm sinh cho con trẻ khi sinh ra như sứt môi hở hàm ếch, tim bẩm sinh,... Bổ sung không đầy đủ lượng axit folic trong thời gian mang thai là nguyên nhân của bệnh lý dị tật ống thần kinh ở trẻ sau sinh;
- Chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ: Sự phát triển của não bộ trẻ khi còn trong bụng mẹ quyết định đến trí nhớ và khả năng tiếp thu về sau. Quá trình phát triển trên cần đến các nhóm chất như vitamin B6, vitamin B12, axit folic, kẽm và sắt... Giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ là thời điểm não bộ tăng trưởng và trưởng thành nhiều nhất, mẹ bầu cần được bổ sung năng lượng, chất dinh dưỡng với hàm lượng cao hơn. Vì vậy, mẹ bầu nhịn ăn có ảnh hưởng đến thai nhi về cả cân nặng, sự phát triển trí tuệ do không được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho sự phát triển;
- Chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ liên quan đến một số bệnh mạn tính không lây nhiễm của trẻ khi trưởng thành: Nhiều nghiên cứu cho thấy mẹ bầu thiếu dinh dưỡng trong thời gian đầu thai kỳ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mạn tính không lây nhiễm cho trẻ khi trưởng thành như tim mạch, béo phì. Chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng trong thời gian cuối thai kỳ làm tăng nguy cơ rối loạn dung nạp glucose ở trẻ khi sinh ra.
2. Mẹ bầu nhịn đói có sao không?
Vai trò của chế độ dinh dưỡng đầy đủ và đảm bảo của mẹ bầu khi mang thai ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ của trẻ khi sinh ra. Vì vậy, mẹ bầu cần xây dựng chế độ ăn uống điều độ và không bỏ bữa hay nhịn đói. Bên cạnh đó, trong thời gian thai kỳ năng lượng cần bổ sung cho mẹ bầu tăng lên khoảng 300 calo mỗi ngày. Đối với các mẹ bầu thừa cân hay suy dinh dưỡng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về chế độ dinh dưỡng bổ sung để tránh trường hợp bổ sung thừa hay thiếu chất.
Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu cần đảm bảo cân bằng và nên chia thành nhiều bữa trong ngày để giúp duy trì năng lượng cao nhất và mức đường huyết ổn định, chế độ ăn chia thành nhiều bữa cũng giúp mẹ bầu giảm triệu chứng buồn nôn, nôn do ốm nghén trong giai đoạn đầu của thai kỳ.
Tình trạng ốm nghén làm cho nhiều mẹ bầu nhịn ăn, bỏ bữa và thường đặt ra câu hỏi bà bầu nhịn ăn sáng có sao không? Câu trả lời là bữa sáng đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với mẹ bầu. Bữa ăn sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, bổ sung năng lượng dồi dào cho một ngày hoạt động mới, bổ sung dinh dưỡng cho thai nhi sau một đêm dài. Bên cạnh đó, bữa ăn sáng còn giúp mẹ bầu giảm các triệu chứng của ốm nghén. Trường hợp mẹ bầu bỏ bữa, nhịn ăn sáng có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe như sau:
- Hạ đường huyết, dễ gây sảy thai: Trong thời gian mang thai, sức khỏe của mẹ bầu yếu hơn so với bình thường, đặc biệt là trong giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên. Vì vậy, mẹ bầu nhịn ăn, bỏ bữa sáng dễ dẫn đến nguy cơ hạ đường huyết, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và làm tăng nguy cơ sảy thai;
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh về tiêu hóa: Mẹ bầu nhịn ăn sáng đồng nghĩa với việc để trống dạ dày trong một thời gian dài (từ đêm hôm trước đến trưa hôm sau), dẫn đến việc tăng tiết axit dạ dày và làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày;
- Mệt mỏi, thiếu tập trung: Bữa sáng giúp bổ sung nguồn năng lượng dồi dào cho ngày làm việc mới, vì vậy việc mẹ bầu bỏ bữa ăn sáng sẽ dẫn đến thiếu năng lượng, mệt mỏi, phản ứng chậm và thiếu tập trung;
- Ảnh hưởng đến thai nhi: Nếu không được bổ sung bữa sáng, mẹ bầu không đủ năng lượng và dưỡng chất để bổ sung cho thai nhi, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Sự ảnh hưởng này cũng là yếu tố quan trọng khi trả lời câu hỏi có bầu nhịn đói có sao không?
- Dễ bị táo bón: Mẹ bầu nhịn ăn sáng làm tăng nguy cơ rối loạn phản xạ đường tiêu hóa và dễ dẫn đến nguy cơ táo bón.
3. Các biện pháp cải thiện việc bỏ bữa ở mẹ bầu?
Bên cạnh các vấn đề liên quan đến câu hỏi bà bầu hay nhịn đói có sao không thì các biện pháp giúp cải thiện việc bỏ bữa ở bà bầu cũng được quan tâm nhiều. Theo đó, tình trạng bỏ bữa ở bà bầu có thể được cải thiện bằng các biện pháp sau:
- Thiết lập chế độ ăn uống đúng giờ và điều độ;
- Lựa chọn các loại đồ ăn lành mạnh, chứa nhiều chất dinh dưỡng;
- Dinh dưỡng mỗi ngày cần được luân phiên thay đổi để tránh tình trạng ngán khi ăn một món kéo dài;
- Có thể để báo thức cho mỗi bữa ăn nhỏ để tránh tình trạng bị quên.
4. Chế độ ăn uống lành mạnh cho bà bầu
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp mẹ bầu bổ sung đầy đủ dinh dưỡng trong thời gian mang thai và hạn chế được tình trạng chán ăn hay bỏ bữa. Theo đó, chế độ ăn uống lành mạnh ở bà bầu có thể được thực hiện như sau:
- Thực phẩm lựa chọn phục vụ cho nhiều mục đích: Bà bầu nên lựa chọn những loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng, vì chúng sẽ đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cho mẹ bầu cùng một lúc. Chẳng hạn như sữa bổ sung nhiều canxi, protein; thịt bò bổ sung nhiều sắt, kẽm, vitamin B và protein;
- Hạn chế ăn các loại đồ ăn chỉ chứa calo đơn thuần: Bánh quy, kẹo, kem... chỉ chứa calo đơn thuần và các loại đồ ngọt chứa nhiều đường mẹ bầu chỉ nên ăn với mức độ vừa phải, bởi tiêu thụ quá nhiều calo sẽ làm giảm khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng khác;
- Không quá chú trọng chế độ ăn uống cho hai người: Chế độ ăn quá nhiều cũng gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe cho phụ nữ mang thai. Mẹ bầu chỉ cần bổ sung thêm 300 calo mỗi ngày là đủ, chế độ ăn quá nhiều có thể dẫn đến nguy cơ cao mắc đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật;
- Uống nhiều nước, ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ: Mẹ bầu cần uống đủ 8 ly nước mỗi ngày, bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ (khoảng 24 – 36g chất xơ mỗi ngày) giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc táo bón;
- Không ăn thức ăn chưa được nấu chín hoặc chưa được tiệt trùng: Ăn các loại thức ăn chưa được nấu chín như gỏi sống, cá đóng hộp... tăng nguy cơ bị các bệnh lý về tiêu hóa.
- Chế độ dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ
- Ăn đậu phộng khi mang thai có được không?
- Nhiễm trùng tiết niệu khi mang thai: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, cách phòng tránh