17-01-2024 12:20

Mẹ bầu nên bổ sung vitamin khi mang thai với liều lượng như thế nào?

Mẹ bầu nên bổ sung vitamin khi mang thai với liều lượng như thế nào?

Bài viết của Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Thu Hà - Bác sĩ Sản phụ khoa - Trung tâm Sức khỏe phụ nữ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Việc bổ sung vitamin khi mang thai đặc biệt quan trọng bởi các dưỡng chất không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của người mẹ mà còn giúp thai nhi phòng ngừa được các dị tật bẩm sinh thường gặp. Vậy liều lượng bổ sung vitamin cho bà bầu như thế nào? Nếu lượng vitamin bổ sung cho bà bầu quá liều có gây ảnh hưởng gì hay không?

1. Mẹ bầu nên bổ sung vitamin khi mang thai với liều lượng như thế nào?

Các vitamin và yếu tố vi lượng đóng vai trò rất quan trọng đối với thai kỳ. Hiện nay, việc sử dụng các loại viên uống, bổ sung vitamin khi mang thai đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo rằng, bà bầu chỉ nên bổ sung đúng liều lượng và theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Với mỗi loại vitamin bổ sung cho bà bầu cần có liều lượng cụ thể. Quá liều lượng khuyến cáo có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe và ảnh hưởng đến thai nhi.

Sau đây là liều lượng khuyến cáo các loại vitamin và khoáng chất mẹ có thể tham khảo:

1.1. Acid folic

Nhu cầu acid folic trong thai kỳ là 0,4 mg (400 mcg) mỗi ngày. Nếu thai phụ đã có tiền sử sinh em bé có dị tật ống thần kinh thì cần bổ sung lượng acid folic lớn hơn 0,4 mg/ngày ( 800 mcg). Đặc biệt, mẹ nên bổ sung acid folic 1 tháng trước khi có kế hoạch mang thai và trong suốt 3 tháng đầu của thai kỳ.

Việc sử dụng quá nhiều acid folic có thể làm che dấu đi các dấu hiệu của bệnh thiếu vitamin B12.

1.2. Sắt

Nhu cầu sắt nguyên tố là 30 - 60 mg/ngày – gấp đôi nhu cầu sắt của một người không mang thai. Vì vậy, các thai phụ cần phải được bổ sung sắt qua viên uống và chế độ ăn giàu chất sắt. Theo đó, để cơ thể hấp thu sắt được tốt thì mẹ bầu cần bổ sung thêm một lượng lớn vitamin C. Mẹ bầu nên ăn thức ăn giàu vitamin C cùng với thức ăn giàu sắt để cơ thể hấp thu sắt tốt hơn. Các thức ăn chứa sắt cao như các loại thịt đỏ, gia cầm, cá, đậu hũ, cải bó xôi, trái cây khô, các loại hạt như hạnh nhân, hạt điều và đậu phộng.

Tuy rằng rất quan trọng nhưng việc dung nạp quá liều sắt có thể gây táo bón, buồn nôn, nôn, kích thích tiêu hóa, phân và nước tiểu sẫm màu.

bổ sung vitamin khi mang thai
Bổ sung vitamin khi mang thai là điều quan trọng

1.3. Canxi

Nhu cầu canxi mỗi ngày là 1000 -1500mg/ngày, nhiều hơn 40% so với nhu cầu của một người trưởng thành. Vì vậy, trong thai kỳ các thai phụ thường được bổ sung thêm viên canxi uống ở vùng có chế độ ăn chứa canxi thấp. Theo đó, mẹ bầu nên sử dụng canxi có dạng muối canxi cacbonat hoặc canxi citrat để cơ thể hấp thu tốt nhất. Tuyệt đối, mẹ không sử dụng bột canxi từ vỏ sò hay bột xương, vì nguy cơ nhiễm chì và các hóa chất độc hại khác rất cao. Các thức ăn chứa nhiều canxi như sữa, bơ, yogurt, cá hồi, cá sardine đóng hộp, rau bó xôi, bông cải xanh, các loại hạt, cam và các loại nước ép khác.

Việc sử dụng quá liều canxi có thể gây ra những tác dụng phụ khó chịu như: đầy hơi, táo bón. Đặc biệt, nếu cơ thể không hấp thu được hết lượng canxi nạp vào, một phần sẽ tự đào thải ra ngoài và có thể gây thêm áp lực cho dạ dày cũng như hệ tiết niệu. Đối với thai nhi, nếu dư thừa canxi cũng ảnh hưởng không tốt cho bé.

1.4. DHA

DHA có vai trò quan trọng trong phát triển não bộ và thị giác của thai nhi. Theo đó, bà bầu cần cung cấp 200 -300mg DHA mỗi ngày.

Hiện nay chưa có khuyến cáo về việc quá liều DHA gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của thai nhi. Vì thế, mẹ có thể yên tâm bổ sung DHA, nhưng tốt nhất nên tham khảo liều lượng theo đúng khuyến cáo của bác sĩ.

1.5. Vitamin A

Nhu cầu vitamin A được khuyến cáo trong thai kỳ là 800 mcg RE/ngày (RE: retinol equivalent). Phụ nữ mang thai: trung bình là 1.232 đơn vị (đv)/ngày và mức khuyến cáo an toàn là 2.664 đv (IU)/ngày. Nguồn cung cấp vitamin A chủ yếu trong rau củ như: cà rốt, đu đủ, bí ngô, gan, dầu cá và các sản phẩm từ sữa: sữa chua, phô mai.

Tuy rằng rất quan trọng nhưng vitamin A cũng có thể gây độc cho mẹ và thai nhi khi hàm lượng đưa vào cơ thể vượt quá 10.000 IU/ngày. Vitamin A liều cao có thể gây dị tật nặng về xương, tim, não, đầu mặt cho thai nhi.

1.6. Iod

Nhu cầu khuyến nghị Iod ở phụ nữ có thai là 220 mcg/ngày. Việc bổ sung quá liều sẽ gây ra các triệu chứng dư thừa iốt thường gặp như: buồn nôn, đau bụng, sổ mũi, đau đầu và tiêu chảy.

1.7. Magie

Nhu cầu cần bổ sung magie hàng ngày cho phụ nữ có thai và cho con bú khoảng 400 mg/ ngày. Tác dụng phụ Magie trong thai kỳ có thể gây buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón.

Rõ ràng, việc sử dụng các loại vitamin tổng hợp cho bà bầu đem lại tác dụng rất tốt. Tuy nhiên, việc sử dụng quá liều lượng khuyến cáo có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Vì thế, mẹ bầu chỉ nên bổ sung theo đúng hàm lượng được khuyến cáo kết hợp với việc duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh khi mang thai, hoạt động thể chất nhẹ nhàng để cơ thể hấp thu tốt nhất.

Xem ngay: Vắc - xin cho mẹ: Một phần của thai kỳ khỏe mạnh

bổ sung vitamin khi mang thai
Nhu cầu cần bổ sung magie hàng ngày cho phụ nữ có thai và cho con bú khoảng 400 mg/ ngày

2. Trước khi mang thai, mẹ bầu có nên kiểm tra sức khỏe để bổ sung vitamin và khoáng chất một cách hợp lý hay không?

Trước khi mang thai, để chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh mẹ bầu nên đi khám sức khỏe tổng quát, kiểm tra xem có mắc bệnh nền gì không? Bởi vì, một số căn bệnh có thể ảnh hưởng đến quá trình mang thai, ví dụ, nếu mẹ mắc bệnh tiểu đường, bệnh lý tuyến giáp...có thể gây sảy thai, nhiễm trùng thai kỳ..

Người mẹ đi khám lần đầu nên khám tổng thể và kiểm tra các xét nghiệm cơ bản như xét nghiệm công thức máu, glucose, xét nghiệm chức năng tuyến giáp T3, T4, TSH, FT3, FT4, định lượng sắt, canxi, vitamin D3, ferritin và dùng thuốc theo sự tư vấn của bác sỹ nếu cần.

Đối với phụ nữ trước khi mang thai nên uống Axit folic hay còn gọi là Vitamin B9, bởi đây là một loại vitamin hết sức cần thiết cho sự phát triển của thai nhi. Việc uống acid folic với liều lượng thích hợp từ 3 tháng trước khi mang thai đến hết 3 tháng đầu của thai kỳ làm giảm đáng kể tỷ lệ thai nhi mắc các dị tật của ống thần kinh. Đây là một loại dị tật khá phổ biến ở thai nhi như tật nứt đốt sống gây liệt chi dưới, đại tiểu tiện không kiểm soát, mất cảm giác chi dưới v.v.. hoặc nặng nề hơn như dị dạng thai vô sọ v.v...

Do đó, ngoài việc bổ sung axit folic từ thực phẩm, ngay từ trước khi có kế hoạch mang thai chị em nên sử dụng thêm viên uống axit folic để bổ sung vitamin và dự phòng loại dị tật nghiêm trọng này. Bác sĩ sẽ giới thiệu liều uống cụ thể hằng ngày 400-800 mcg, liều phổ biến hiện nay (được Bộ Y Tế Mỹ khuyên dùng) là 0,8mg (800 mcg)/ngày, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử thai bất thường (dị tật ống thần kinh).

Sắt cũng là yếu tố vi lượng rất quan trọng mà chị em phụ nữ nên uống trước khi chuẩn bị mang bầu để phòng ngừa thiếu máu cho mẹ trong thời gian mang thai. Thiếu máu không chỉ gây nguy hiểm cho mẹ bầu mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi khi lượng oxy trong máu đến thai nhi không đầy đủ.

Bên cạnh đó, một lượng canxi lớn cũng cần được huy động để hình thành và phát triển hệ xương của thai nhi trong giai đoạn mang thai và sau sinh (kéo dài đến 6 tháng sau sinh nếu bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu). Nếu chỉ duy trì chế độ dinh dưỡng, ăn uống bình thường mà không bổ sung thêm canxi theo liều lượng khuyến cáo thì mẹ bầu có nguy cơ bị mất canxi dẫn đến bệnh loãng xương về sau.

Thông thường, phụ nữ trước và trong khi mang thai mỗi ngày cần bổ sung 400mcg axit folic, 27mg sắt, 1000mg canxi. Trường hợp cần dùng liều cao hơn nên tham vấn ý kiến của bác sĩ sản khoa.

Từ những thông tin trên, có thể thấy việc chuẩn bị kế hoạch mang thai và bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng là vô cùng quan trọng. Việc này không chỉ giúp tăng cường sức khỏe cho mẹ mà còn giúp thai nhi phòng ngừa dị tật, từ đó phát triển khỏe mạnh, thông minh vượt trội.

Ngoài ra, để chuẩn bị một thai kỳ khỏe mạnh, cả vợ và chồng nên kiểm tra sức khỏe sinh sản từ 3-5 tháng trước khi mang thai.

Người vợ nên:

  • Tiêm chủng trước khi mang thai (đặc biệt là ngừa rubella vì rubella trong thai kỳ cực kỳ nguy hiểm)
  • Xét nghiệm gen để sàng lọc các bệnh lý di truyền trước khi mang thai
  • Kiểm tra tình trạng viêm nhiễm phụ khoa tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi
  • Đặc biệt là phụ nữ trên 35 tuổi nếu muốn mang thai (nhất là chưa mang thai lần nào) sẽ phải kiểm tra sức khỏe rất chi tiết do mang thai ở tuổi này thường gặp các vấn đề: Suy buồng trứng, sinh non, nguy cơ dị tật thai nhi, rau tiền đạo, tiền sản giật cao hơn.

Người chồng nên:

  • Kiểm tra sức khỏe sinh sản, phát hiện các bệnh lý teo tinh hoàn, yếu sinh lý, tinh trùng yếu...
  • Các bệnh lây qua đường tình dục nhất là những bệnh không thể chữa khỏi vô cùng nguy hiểm

XEM THÊM:
  • Các dấu hiệu có thai bạn có thể tự nhận biết
  • Bảng cân nặng và chiều dài thai nhi theo tiêu chuẩn của WHO
  • Nên bổ sung DHA cho bà bầu vào tháng thứ mấy?

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan