Mục lục
Khi chăm sóc một em bé từ giai đoạn sơ sinh, hầu hết phụ huynh đều có xu hướng đánh giá sức khỏe của bé thông qua quá trình bài tiết phân và nước tiểu. Tuy nhiên ở mỗi giai đoạn, phân của bé sẽ không giống nhau và còn khác nhau giữa từng em bé cụ thể. Vậy tình trạng phân của trẻ như thế nào là bình thường?
1. Đặc điểm phân của trẻ sơ sinh
1.1. Tần suất đi ngoài
Từng trẻ riêng biệt, ứng với mỗi giai đoạn phát triển và chế độ dinh dưỡng khác nhau sẽ có số lần đi tiêu trong ngày khác nhau. Những trẻ bú sữa mẹ thường sẽ đi ngoài nhiều lần hơn trẻ bú sữa ngoài. Tần suất đi ngoài bình thường ở trẻ nhỏ dao động từ 7 lần 1 ngày cho đến 1 lần trong 7 ngày, với điều kiện phân của trẻ vẫn mềm và không đau khi đi ngoài.
1.2. Số lượng phân của trẻ sơ sinh
Giống với tần suất, số lượng phân của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mỗi lần đi ngoài cũng rất khác nhau. Trẻ sơ sinh vài ngày tuổi có lượng phân tỷ lệ thuận với lượng sữa trẻ nạp vào cơ thể. Tuy nhiên nhiều mẹ vẫn lo lắng vì mặc dù bổ sung nhiều sữa nhưng số lượng phân của trẻ lại không tương xứng, lúc này cha mẹ chỉ cần quan tâm đến mức độ tăng trưởng của con. Nếu bé vẫn phát triển tốt, không gặp rắc rối nào và bụng không to lên quá nhiều sau bú sữa thì vấn đề đi ngoài của con vẫn diễn ra bình thường.
1.3. Màu sắc phân của trẻ
Trẻ sơ sinh vài ngày tuổi chủ yếu đi tiêu phân su, có đặc điểm màu đen, sệt, dính và được tạo ra khi bé hấp thu các chất dinh dưỡng khi còn trong bụng mẹ. Sau giai đoạn đầu, phân của trẻ sơ sinh chuyển thành màu khác nhau như xanh, nâu sẫm hoặc vàng. Một số màu sắc phân bất thường cha mẹ cần lưu ý là phân màu đỏ, đen và trắng xám và cần đưa bé đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Trong quá trình phát triển, màu sắc phân của trẻ sẽ thay đổi khác nhau ứng với từng giai đoạn, như màu phân của trẻ ăn dặm sẽ khác biệt so với khi trẻ bú mẹ hoàn toàn.
1.4. Kết cấu phân của trẻ
Giai đoạn đầu đi tiêu phân su, phân của trẻ sơ sinh có độ sệt dính nhất định. Sau đó, kết cấu phân của trẻ bú mẹ hoàn toàn thường mềm hơn trẻ bú sữa công thức. Một số trường hợp phân của trẻ sơ sinh có các hạt nhỏ nhưng việc này hoàn toàn bình thường và bản chất là chất béo không được tiêu hóa hết. Kết cấu phân của trẻ sẽ thay đổi theo độ tuổi, như phân của trẻ 1 tuổi có thể gần giống với phân người lớn và khác biệt hoàn toàn phân của trẻ sơ sinh.
Nếu kết cấu phân của trẻ lỏng, có nước gợi ý tình trạng trẻ không hấp thu tốt. Xuất hiện chất nhầy là dấu hiệu của nhiễm trùng đường ruột và bé cần gặp bác sĩ để được xử trí kịp thời. Ngoài ra, táo bón là rối loạn tiêu hóa hay gặp với đặc điểm phân của trẻ rất cứng và có biểu hiện đau khi đi ngoài.
1.5. Phân trẻ sơ sinh có mùi như thế nào?
Phân của các em bé sơ sinh những ngày đầu rất ít có mùi hôi, tuy nhiên sau một khoảng thời gian, ruột của bé bắt đầu hình thành nên hệ vi khuẩn, dần dần phân của trẻ sơ sinh sẽ trở nên hôi hơn.
1.6. Biểu hiện của trẻ sơ sinh mỗi khi đi đại tiện
Hầu hết các em bé sơ sinh không có biểu hiện gì hoặc hơi nhăn mặt/đỏ mặt lúc đi đại tiện. Tuy nhiên khi trẻ khóc to mỗi lần đi tiêu rất có khả năng bé bị đau, nếu tình trạng này tiếp diễn phụ huynh cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
2. So sánh phân của trẻ bú sữa mẹ với trẻ bú sữa công thức
2.1. Đặc điểm phân của trẻ bú sữa mẹ
Ở điều kiện bình thường, giai đoạn bé đi ngoài phân su chỉ kéo dài vài ngày đầu tiên khi bé bú sữa non vì loại sữa này có tác dụng đào thải phân su ra khỏi cơ thể trẻ. Sau đó, phân của trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn sẽ dần chuyển sang màu vàng và không còn quá nặng mùi. Bên cạnh đó, kết cấu phân của trẻ bú mẹ thường mềm, lỏng hơn so với tính chất sệt, dính của phân su. Một số trẻ có phân hơi vón cục, nhưng dấu hiệu này không quá nghiêm trọng.
Đặc biệt, như đã đề cập ở trên, những trẻ bú sữa mẹ thường đi ngoài nhiều lần trong ngày và gây vất vả hơn cho cha mẹ trong vấn đề chăm sóc trẻ. Khi bé lớn dần lên số lần đi tiêu giảm dần do hệ tiêu hóa đi vào hoạt động ổn định. Cha mẹ có thể hoàn toàn yên tâm nếu phân của trẻ bú mẹ có đặc điểm mềm dẻo, bé đi ngoài không quá khó khăn, số lần đi tiêu ổn định.
2.2. Đặc điểm phân của trẻ bú sữa công thức
Một điều mà không ít phụ huynh trăn trở khi chia sẻ kinh nghiệm với nhau đó là những trẻ bú sữa ngoài hay sữa công thức sẽ đi đại tiện ra phân với đặc điểm khác so với trẻ bú sữa mẹ. Các bậc cha mẹ cần nắm được đặc điểm này để theo dõi sức khỏe và chăm sóc trẻ thật tốt, không nên quá hoang mang khi thấy phân của con khác với phân của một em bé khác.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sử dụng sữa công thức thay cho sữa mẹ có đặc điểm như phân có màu nâu vàng hoặc có màu vàng nhạt, phân thường có mùi nặng hơn so với trẻ bú mẹ. Ngoài ra lượng phân của bé bú sữa công thức đi ra trong mỗi lần đi đại tiện cũng nhiều hơn.
Một đặc điểm cần lưu ý đó là trẻ bú sữa công thức rất dễ đi táo bón, tỉ lệ táo bón thường gặp hơn so với trẻ bú mẹ vì thế cha mẹ phải chăm sóc con thật cẩn thận, bổ sung chất dinh dưỡng, lựa chọn loại sữa phù hợp với độ tuổi của con để hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động tối ưu.
2. Đặc điểm phân của trẻ ăn dặm
Giai đoạn chuyển sang chế độ ăn dặm kết hợp với sữa mẹ hoặc sữa ngoài, màu phân của trẻ ăn dặm có sự đổi khác rõ rệt, đa số phụ thuộc vào loại thực phẩm bé ăn. Ví dụ khi ăn dặm với cà rốt, phân của trẻ sẽ có màu cam sáng.
Một số đặc điểm phân của trẻ giai đoạn ăn dặm:
- Giai đoạn mới bắt đầu sử dụng thức ăn dạng đặc, phân của trẻ có xu hướng cứng hơn và có mùi nặng hơn.
- Phân của trẻ giai đoạn này có thể xuất hiện vài mẩu thức ăn bên trong.
- Một số thực phẩm như nho khô hoặc đậu nguyên hạt khó hấp thu và có thể xuất hiện nguyên vẹn trong phân. Nguyên nhân do hệ tiêu hóa của bé còn non kém, chưa xử lý hết được các loại thực phẩm giàu chất xơ.
- Những bé ăn dặm đa dạng các loại thức ăn thường có phân dày, sẫm màu và nhiều mùi hơn.
4. Một số trường hợp phân của trẻ bất thường mà cha mẹ cần lưu ý
Những trường hợp phân của trẻ thay đổi khi bé chuyển đổi chế độ dinh dưỡng như từ sữa mẹ chuyển sang sữa công thức, giai đoạn bắt đầu ăn dặm... là hoàn toàn bình thường. Cha mẹ không cần phải quá lo lắng, bận tâm về vấn đề này. Tuy nhiên, nếu phân của trẻ có những đặc điểm sau đây thì cha mẹ cần đặc biệt lưu ý:
4.1. Phân của trẻ màu xanh lá
Hiện tượng phân của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chuyển sang màu xanh lá có thể do bé hấp thụ quá nhiều đường lactose trong sữa. Trong trường hợp này, mẹ có thể giải quyết đơn giản bằng cách cho con tập trung bú hết sữa ở một bên ngực rồi mới chuyển sang bên còn lại. Một số trường hợp phân của trẻ có màu xanh lá gợi ý con đang gặp một vấn đề tiêu hóa nào đó:
- Trẻ đang bú sữa ngoài có thể do con không hợp với sản phẩm hiện tại. Vì vậy cha mẹ nên tìm hiểu và đổi sang sản phẩm khác phù hợp hơn.
- Phân của trẻ có màu xanh có thể do tác dụng phụ của một số thuốc.
- Cơ thể trẻ đang phản ứng với một vài loại thực phẩm.
Với những trường hợp phân của trẻ có màu xanh, cha mẹ nên nhanh chóng đưa con đến gặp bác sĩ để xác định rõ nguyên nhân và xử trí kịp thời.
4.2. Phân của trẻ có màu nhạt
Phân của trẻ sơ sinh có màu nhạt gợi ý một tình trạng khá nghiêm trọng. Dấu hiệu này có thể là của bệnh lý vàng da sơ sinh rất nguy hiểm. Do đó, cha mẹ cần quan sát con kỹ hơn để phát hiện sớm tình trạng vàng da và gặp bác sĩ kịp thời. Thông thường bệnh vàng da tự khỏi sau thời gian nhưng một số trường hợp có thể diễn tiến nặng và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.
4.3. Phân của trẻ có lẫn máu
Phân lẫn máu có thể là hậu quả của tình trạng táo bón kéo dài làm trẻ đi ngoài khó khăn và dẫn đến nứt hậu môn. Táo bón là bệnh lý làm cho trẻ rất mệt mỏi, mất nước nên cần phải tăng cường bổ sung nước bằng cách bú sữa mẹ nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu phân của trẻ có lẫn nhầy máu kèm theo những dấu hiệu đi ngoài bất thường khác thì cha mẹ nên đưa trẻ đi thăm khám bác sĩ ngay.
4.4. Trẻ đi ngoài phân sống
Phân sống là hiện tượng phân của trẻ có chứa thức ăn chưa được tiêu hóa hết. Phân sống ít gặp ở trẻ sơ sinh vì nguồn thức ăn chính của bé chỉ là sữa. Tuy nhiên, những bé bước vào giai đoạn ăn dặm bắt đầu có khả năng đi ngoài phân có lẫn thức ăn.
Đi ngoài phân sống cũng gây lo lắng cho cha mẹ nhưng tin vui là tình trạng này lành tính, không có gì nguy hiểm. Điều này được giải thích là do trẻ mới tập ăn dặm và mới biết đi, số lần đi ngoài của trẻ rất nhiều trong khi thức ăn trong đường ruột chưa kịp tiêu hóa hết. Từ đó dẫn đến hiện tượng phân của trẻ có lẫn thức ăn.
Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, trẻ đi ngoài phân sống là một dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm. Trong đó, các bệnh lý hay gặp như hội chứng ruột kích thích, không dung nạp thức ăn, dị ứng, nhiễm khuẩn và bệnh celiac đều có thể làm trẻ đi ngoài phân sống.
Để hạn chế việc trẻ nhỏ bị táo bón, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B ,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?
Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
- Trẻ đi ngoài phân xanh do nguyên nhân nào? Có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ không?
- Hướng dẫn cách chế biến món ăn thô cho trẻ
- Bé 4 tháng, 4 ngày đi ngoài một lần phân mềm, bú ít là bị làm sao?