Mục lục
Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường tăng lên rất nhiều, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), 9,4% người Mỹ (khoảng 30,3 triệu người Mỹ trưởng thành) mắc bệnh tiểu đường và hầu hết các trường hợp này là bệnh tiểu đường type 2. Trong đó những phụ nữ có vấn đề về giấc ngủ mãn tính có thể tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2 theo các nghiên cứu của Harvard.
1. Mất ngủ làm tăng nguy cơ tiểu đường type 2 ở phụ nữ
Theo các nhà nghiên cứu, những người phụ nữ khó đi vào giấc ngủ, ngủ ít hơn 6 giờ mỗi ngày, thường xuyên ngáy, ngưng thở khi ngủ hoặc phải làm việc theo ca sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Trường hợp phụ nữ gặp khó khăn khi đi vào giấc ngủ hoặc không ngủ được trong thời gian dài có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn 45%.
Tiến sĩ Joel Zonszein, Giám đốc Trung tâm Đái tháo đường Lâm sàng tại Trung tâm Y tế Montefiore ở Thành phố New York nhấn mạnh rằng những phát hiện mới cho thấy có mối liên quan giữa các vấn đề về giấc ngủ và bệnh tiểu đường type 2. Tuy nhiên đây không phải mối quan hệ nguyên nhân và kết quả. Ông cho biết khi giấc ngủ bị gián đoạn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 do giấc ngủ ảnh hưởng rất lớn đến nội tiết tố của cơ thể. Tình trạng ngủ không ngon giấc sẽ ảnh hưởng đến nhịp sinh học được điều chỉnh bởi các hormone, điều này rất quan trọng đối với sự trao đổi chất và liên quan đến việc kiểm soát lượng đường trong máu. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi rối loạn giấc ngủ có liên quan đến béo phì và tiểu đường.
Đối với nghiên cứu tại Harvard, tiến sĩ Yanping Li và các đồng nghiệp đã thu thập dữ liệu của hơn 133.000 phụ nữ Hoa Kỳ tham gia từ năm 2000 - 2014. Khi bắt đầu nghiên cứu, không có phụ nữ nào bị tiểu đường, bệnh tim hoặc ung thư. Trong hơn 10 năm theo dõi, hơn 6.400 phụ nữ đã phát triển bệnh tiểu đường type 2. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những phụ nữ có 1 vấn đề về giấc ngủ sẽ tăng 45% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2. Đối với các vấn đề về giấc ngủ khác, nguy cơ lại tăng lên hai lần đối với phụ nữ có 2 vấn đề về giấc ngủ, ba lần đối với 3 vấn đề và bốn lần đối với 4 vấn đề.
Khi các nhà nghiên cứu tính đến các yếu tố khác, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường đã giảm xuống. Ví dụ, khi xem xét những phụ nữ có vấn đề về giấc ngủ, không bị béo phì, không bị huyết áp cao hoặc trầm cảm, nguy cơ là 44%. Trên thực tế, những người ngủ tốt sẽ khỏe mạnh hơn, những người bị trầm cảm, căng thẳng vì công việc hoặc béo phì sẽ dễ mắc bệnh tiểu đường hơn.
Trong xã hội công nghiệp hóa của chúng ta, mất ngủ mãn tính ở phụ nữ vô cùng phổ biến. Nhiều người không có được một giấc ngủ ngon khi họ liên tục xem TV, ngồi trước máy tính hay màn hình điện thoại thông minh cả ngày lẫn đêm. Mất ngủ mãn tính ở phụ nữ sẽ làm xáo trộn một quá trình sinh lý bình thường, trong đó một số hormone nhất định sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Những hormone này bao gồm glucagon, epinephrine, hormone tăng trưởng và cortisol, tất cả đều hoạt động song song với insulin, đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết lượng đường. Tuy nhiên 'nhịp điệu' nội tiết tố này thường bị xáo trộn trong xã hội ngày nay và đây rất có thể là nguyên nhân của bệnh tiểu đường và béo phì.
Tóm lại, mất ngủ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 bên cạnh các nguy cơ do các yếu tố truyền thống gây ra (thừa cân, chủng tộc không phải người da trắng, các yếu tố nguy cơ tim mạch).
2. Nguy cơ cao hơn khi phụ nữ bị mất ngủ kèm theo tình trạng béo phì
Hiện nay tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường tăng lên rất nhiều với khoảng 30,3 triệu người Mỹ trưởng thành mắc bệnh và 84,1 triệu người Mỹ trưởng thành bị tiền tiểu đường - tiền thân của bệnh tiểu đường type 2 (theo CDC Hoa Kỳ). Khi một người bị tiền tiểu đường, các tế bào trong cơ thể không phản ứng với insulin theo cách mà chúng cần, dẫn đến việc tuyến tụy nỗ lực tạo ra nhiều insulin hơn để các tế bào đáp ứng. Cuối cùng, tuyến tụy không thể tạo ra đủ insulin để theo kịp, khiến lượng đường trong máu tăng lên và theo thời gian, điều này có thể dẫn đến bệnh tiểu đường - theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA).
Minisha Sood, MD - một nhà nội tiết học tại Fifth Avenue Endocrinology ở Thành phố New York cho biết sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường gắn liền với việc thất bại trong việc tự chăm sóc bản thân trong xã hội hiện đại. Mọi người có xu hướng ngủ muộn hơn, họ dành nhiều thời gian để sử dụng thiết bị hơn, ít vận động hơn và không được tiếp xúc với bên ngoài nhiều. Tất cả những yếu tố đó có thể thay đổi các tín hiệu mà não nhận được và có thể góp phần gây ra gián đoạn giấc ngủ tổng thể, bao gồm thời lượng ngủ và chất lượng giấc ngủ. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến lượng đường trong máu cao, tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì và đái tháo đường.
Mặc dù xác định mất ngủ là một yếu tố nguy cơ là một phát hiện mới, nhưng yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh tiểu đường loại 2 vẫn là béo phì. Béo phì là một yếu tố nguy cơ đã biết và là một phần lớn nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng bệnh tiểu đường loại 2. Tuy nhiên đây là yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được. Mất ngủ cũng là một yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được và một yếu tố có thể dễ giải quyết hơn là giảm cân.
Giảm cân là rất quan trọng, nhưng nó thực sự khó đối với nhiều người. Trước tiên, cải thiện giấc ngủ có thể là thứ dễ thay đổi hơn và giảm cân dễ dàng hơn.
3. Lời khuyên của chuyên gia sức khỏe về cách ngủ ngon hơn
- Bước đầu tiên để cải thiện giấc ngủ là ưu tiên nó: Thường thì chúng ta có quá nhiều việc phải làm nên chúng ta đã không dành thời gian cần thiết để có một giấc ngủ chất lượng.
- Di chuyển nhiều hơn: Hãy tập thể dục đủ thời lượng được khuyến nghị, tập thể dục không phải lúc nào cũng giúp giảm cân, nhưng nó giúp cải thiện giấc ngủ và tâm trạng. Có rất nhiều lợi ích thực hiện các hoạt động thể chất ít nhất là 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần.
- Tôn trọng nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể: Nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể rất quan trọng, chúng ta nên đi ngủ trước 11 giờ đêm, có thể ngủ từ 9 hoặc 10 giờ tối và thức dậy sớm vào buổi sáng, cố gắng thư giãn một giờ trước khi ngủ.
- Loại bỏ những thứ gây xao nhãng như điện thoại di động và tivi trong phòng ngủ.
- Không ăn ngay trước khi đi ngủ. Bạn nên kết thúc bữa ăn khoảng ba giờ trước khi đi ngủ để cơ thể có thể thư giãn và không phải làm việc vất để tiêu hóa thức ăn đồng thời cố gắng ngủ. Nên tránh một bữa ăn nhiều chất béo trước khi đi ngủ để không bị khó tiêu.
- Theo dõi lượng chất lỏng: bổ sung nước là tốt, nhưng hãy đảm bảo rằng không uống quá nhiều trước khi đi ngủ.
Hiện nay, để tìm nguyên nhân và xác định bệnh mất ngủ, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có thực hiện phương pháp đo đa ký giấc ngủ. Đây là phương pháp chẩn đoán rối loạn giấc ngủ không xâm lấn, an toàn, tương tự với điện tâm đồ. Máy đa ký giấc ngủ được thiết kế chuyên biệt nhằm đo hoạt động cơ thể khi ngủ nên sẽ giúp người bệnh thư giãn, không đau khi ngủ. Các điện cực được dán vào da đầu, gần vùng mắt, gần cằm, trên ngực, gần mũi miệng.... không gây đau. Người bệnh được mang một bộ phát tín hiệu không dây và truyền các tín hiệu thu được đến máy chủ, không cản trở việc đi lại. Sau khi kết thúc đo đa ký giấc ngủ, các điện cực của máy được lấy ra nhẹ nhàng.
Thông qua các chỉ số mà máy đa ký giấc ngủ đưa ra, có thể giúp các bác sĩ tại Vinmec chẩn đoán các dạng khác nhau của tình trạng rối loạn giấc ngủ, biết người bệnh đang mắc dạng rối loạn giấc ngủ nào để có định hướng điều trị phù hợp.
Nguồn tham khảo: webmd, everdayhealth,
- Tìm hiểu béo phì bệnh lý ở trẻ em
- Ăn bơ giảm cân: Tin đồn và sự thật
- Phần 6: Ức chế phanh: Chất đối kháng Somatostatin có thể hữu ích cho việc điều trị bệnh tiểu đường?