Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Nhất Nguyên - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Mãn kinh là một giai đoạn sinh lý tự nhiên của người phụ nữ, biểu hiện sự hết kinh vĩnh viễn sau khi buồng trứng ngưng tiết estrogen và phụ nữ không thể chống lại hiện tượng này.
1. Mãn kinh là gì?
Mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp lần thứ hai trong đời sống sinh dục của người phụ nữ (lần thứ nhất xảy ra ở tuổi dậy thì) xảy ra do sự suy giảm chức năng buồng trứng, dần dần buồng trứng ngừng hoạt động và ngưng tiết các nội tiết tố nữ, dẫn đến việc ngưng hành kinh mỗi tháng và chấm dứt khả năng sinh sản của người phụ nữ.
2. Những giai đoạn mãn kinh ở phụ nữ
Thời kỳ mãn kinh của phụ nữ bao gồm ba giai đoạn như sau: tiền mãn kinh, mãn kinh và hậu mãn kinh.
Ở giai đoạn tiền mãn kinh, chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ thường bị rối loạn, chức năng của buồng trứng ngày càng yếu đi, lượng estrogen trong cơ thể tiết ra bắt đầu giảm đi dần dẫn đến tình trạng tắt kinh.
Giai đoạn mãn kinh là giai đoạn tắt kinh hẳn và thường ở khoảng 45 – 55 tuổi, trung bình là 51 tuổi. Tuy nhiên có người sẽ có hiện tượng tắt kinh sớm hơn, ở khoảng 35 – 40 tuổi hoặc trễ hơn tận 60 tuổi. Cuối giai đoạn này, buồng trứng sẽ bị teo nhỏ, xơ hóa và mất chức năng nội tiết.
Vào giai đoạn hậu mãn kinh, đây là giai đoạn phụ nữ rất dễ mắc bệnh khi buồng trứng của phụ nữ bị xơ hoá, cơ thể giảm lượng lớn nội tiết tố nữ, gây ra nhiều nguy cơ bệnh tật khác nhau.
3. Mất kinh nguyệt bao lâu thì được coi là mãn kinh?
Trước khi mãn kinh, người phụ nữ có 3 đến 5 năm ở giai đoạn tiền mãn kinh với lượng estrogen trong cơ thể bắt đầu giảm. Nghiên cứu cho thấy mãn kinh được xác định rõ khi phụ nữ mất kinh nguyệt trong vòng một năm mà không có nguyên nhân nào rõ rệt.
Tuy nhiên, trong thời kỳ một năm này, người phụ nữ vẫn có khả năng mang thai. Do vậy khi mới mất kinh vài tháng trong giai đoạn này thì chưa chắc đã là mãn kinh thật sự, phụ nữ trong giai đoạn này cần cẩn thận tiếp tục ngừa thai trong 12 tháng sau đó để không mang thai ngoài ý muốn. Tuy khả năng dính bầu trong giai đoạn này là rất ít nhưng không phải là không có.
4. Dấu hiệu nhận biết bạn sắp mãn kinh
Trước khi mãn kinh, người phụ nữ phải trả qua giai đoạn tiền mãn kinh. Các dấu hiệu nhận biết như sau:
Rối loạn kinh nguyệt: Chu kỳ kinh có thể dừng đột ngột hoặc ngắn lại, thưa ra, rong kinh, rong huyết... Chu kỳ kinh nguyệt không ổn định có thể là dấu hiệu khởi đầu thời kỳ mãn kinh. Nếu rong huyết ở giai đoạn này, chị em phụ nữ cần đến bác sĩ khám để loại trừ nguyên nhân ung thư nội mạc tử cung.
Mắt, miệng và da bị khô: Một trong các triệu chứng tiền mãn kinh dễ nhận thấy nhất là làn da của bạn đang dần bị khô ráp, chảy xệ, dễ bị kích ứng, mỏng dần. Sự suy giảm nồng độ estrogen là nguyên nhân gây nên tình trạng này.
Giảm khả năng sinh sản: Giảm khả năng sinh sản tức là khó có thai hơn và thai nhi dễ bị bất thường. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn có thể đậu thai trong vòng một năm sau khi hoàn toàn ngưng hành kinh. Trong độ tuổi này do các nang noãn có sự biến đổi về yếu tố di truyền nên các bà mẹ lớn tuổi có khả năng sinh con bị rối loạn di truyền cao, đặc biệt là trẻ bị hội chứng Down. Do vậy, các bác sĩ không khuyến khích phụ nữ lớn tuổi mang thai. Tốt nhất nên dùng biện pháp tránh thai hiệu quả.
Rối loạn vận mạch: Cơn bốc hỏa, vã mồ hôi từng cơn, rối loạn nhịp tim thường gặp nhất. Các dấu hiệu rối loạn thực vật này có thể xảy ra vài năm trước mãn kinh và tiếp diễn trong nhiều năm.
Loãng xương: Đây là bệnh lý toàn thân, thiếu hụt hormone, xương trở nên xốp, mỏng và giòn nên rất dễ gãy. Đây cũng chính là nguyên nhân người phụ nữ cao tuổi dễ bị bệnh phải nằm bệnh viện, tàn phế, thậm chí tử vong.
Bệnh tim mạch: Hormone nữ rất hữu hiệu trong việc loại bỏ các chất mỡ có hại trong máu và giữ tính đàn hồi, mềm mại của thành mạch. Trước tuổi mãn kinh, phụ nữ ít bị các bệnh lý tim mạch vì buồng trứng còn hoạt động tốt. Buồng trứng suy giảm, thiếu hụt nội tiết, mất yếu tố bảo vệ quý giá nên việc mãn kinh đã trở thành một yếu tố nguy cơ tim mạch độc lập ở phụ nữ lớn tuổi.
Các loại ung thư sinh dục nữ: Ung thư cổ tử cung, buồng trứng, ung thư vú thường xuất hiện vào giai đoạn mãn kinh. Bác sĩ khuyên phụ nữ trong độ tuổi này đừng quên khám phụ khoa và khám vú định kỳ để sàng lọc, chẩn đoán các loại ung thư phụ khoa ở giai đoạn sớm.
Trí nhớ giảm, gặp vấn đề với sự tập trung: Mãn kinh cũng ảnh hưởng đến các kỹ năng ngôn ngữ và các chức năng khác liên quan đến trí nhớ. Đây là lý do giải thích tại sao khi bạn trải qua thời kỳ tiền mãn kinh và nồng độ estrogen giảm, bạn có thể gặp khó khăn trong việc ghi nhớ thông tin mới hoặc truy xuất những gì đã có trong đầu. Một lý do khác cho vấn đề trí nhớ là chứng mất ngủ của thời kỳ tiền mãn kinh khiến bạn mệt mỏi, làm ảnh hưởng đến khả năng tập trung và ghi nhớ.
5. Phòng ngừa rối loạn sau mãn kinh
Sau mãn kinh, hàng loạt bệnh lý mạn tính có xu hướng xuất hiện. Bạn cần hiểu rõ những tình trạng bệnh lý để từng bước ngăn ngừa và kiểm soát chúng. Vì vậy:
- Phụ nữ mãn kinh cần phải có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi, dinh dưỡng tốt ngay khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh. Đồng thời ăn nhiều rau quả, đặc biệt là các sản phẩm từ đậu nành hoặc cỏ linh lăng và các thức ăn có nhiều Canxi, Vitamin D, Omega-3 và Omega-6.
- Cần thường xuyên tập thể dục thể thao để duy trì sự dẻo dai của hệ xương cơ
- Trong quan hệ tình dục, có thể dùng các chất bôi trơn để làm cảm giác đau vì sự khô teo của âm đạo.
- Khám phụ khoa định kỳ 6 tháng một lần để phát hiện và xử trí sớm các bệnh phụ khoa.
- Bổ sung thuốc có Canxi, Vitamin D và Vitamin E mỗi ngày.
- Những thay đổi của cơ thể trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh
- Hội chứng loạn cảm họng: Những điều cần biết
- Những nguyên nhân gây bốc hỏa?