Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Diễm Thúy - Bác sĩ tư vấn vắc-xin - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây theo đường hô hấp. Bệnh quai bị chưa có thuốc đặc trị và có thể để lại nhiều di chứng nặng nề cho trẻ em cũng như người lớn. Hiện tại bệnh quai bị đã có vắc xin phòng ngừa, tuy nhiên mắc quai bị rồi liệu có bị lại nữa không?
1. Bệnh quai bị là gì?
Bệnh quai bị là do virus thuộc họ Paramyxovirus gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em độ tuổi từ 5-14 tuổi và thường không xảy ra ở trẻ em dưới 1 tuổi nhờ có sự miễn dịch thụ động từ mẹ truyền qua.
Bệnh quai bị dễ dàng lây nhiễm từ người này sang người khác thông qua đường hô hấp: nước bọt, ho, hắt hơi và khi dùng chung những vật dụng cá nhân. Quai bị chủ yếu ảnh hưởng đến tuyến nước bọt hay còn được gọi là tuyến mang tai. Những tuyến này chịu trách nhiệm sản xuất ra nước bọt. Có ba bộ tuyến nước bọt ở mỗi bên mặt, nằm phía sau và bên dưới tai. Triệu chứng đặc trưng của quai bị là sưng tuyến nước bọt.
Bệnh có nguy cơ lây lan cao và có thể trở thành dịch bệnh xảy ra khắp nơi, đặc biệt ở những nơi tập thể đông đúc như: trường học, nhà trẻ, khu vui chơi...Đặc biệt vào mùa đông và mùa xuân bệnh quai bị càng phát tán do nhiệt độ bị hạ thấp nên mầm bệnh dễ phát tán.
2. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị quai bị
Viêm tuyến nước bọt mang tai
Đây là một trong những biểu hiện thường gặp nhất. Trẻ thường có cảm giác đau ở ống tai ngoài, sau đó lan ra xung quanh. Trẻ thường sưng cả hai bên tuyến mang tai, bên này sau bên kia vài giờ đến vào ngày. Ngoài ra trẻ cũng sẽ có các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, đau nhức đầu, đau nhức xương khớp, ăn ngủ kém. Sau khoảng 1 tuần, tuyến mang tai giảm đau và nhỏ dần, người bệnh hết sốt, các triệu chứng khác cũng giảm dần.
Viêm tinh hoàn trong quai bị
Viêm tinh hoàn có thể gặp trong quai bị, đặc biệt là ở những trẻ đang trong độ tuổi dậy thì.
Viêm tinh hoàn thường xuất hiện sau khi sưng tuyến mang tai từ 1-2 tuần nhưng đôi khi xuất hiện đơn độc không kèm tuyến mang tai. Người bệnh có dấu hiệu sốt cao trở lại, có khi rét run, kèm đau nhức đầu, nôn. Ban đầu người bệnh cảm thấy đau ở tinh hoàn, sau đó tinh hoàn sưng to gấp 3-4 lần bình thường, đau nhức, da bìu đỏ, đôi khi mào tinh cũng sưng to. Bệnh tiến triển khoảng 4-5 ngày người bệnh sẽ hết sốt nhưng tinh hoàn sưng lâu hơn, không hóa mủ. Sau khoảng 2 tuần tinh hoàn mới hết sưng và phải sau 2 tháng mới đánh giá được tinh hoàn có bị teo hay không.
Viêm màng não
Viêm não do virus quai bị gặp khoảng 1-10%, nhất là ở trẻ nhỏ, có thể xảy ra đơn độc hoặc sau khi viêm tuyến mang tai từ 3-10 ngày. Người bệnh xuất hiện sốt cao, đau nhức đầu, nôn, rối loạn ý thức, co giật, cứng cổ.
Viêm tụy cấp
Viêm tụy cấp gặp khoảng 3-7%, thường thấy ở người lớn, phần lớn là thể ẩn, chỉ biểu hiện biến đổi qua xét nghiệm. Bệnh xảy ra vào tuần thứ hai( từ ngày thứ 4-10) khi viêm tuyến mang tai đã đỡ. Một số triệu chứng có thể gặp là bệnh sốt trở lại, đau thượng vị kèm theo triệu chứng có thể gặp như nôn, đầy bụng, chán ăn...
Các triệu chứng khác
Các dấu hiệu khác: hiếm gặp hơn như: viêm cơ tim, viêm tuyến giáp bán cấp, viêm đa khớp, viêm phổi kẽ, viêm tuyến lệ, viêm màng bồ đào...
3. Mắc quai bị rồi có bị lại nữa không?
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, bệnh quai bị chỉ mắc một lần duy nhất trong đời mỗi người. Sau khi bị nhiễm quai bị, trong cơ thể đó sẽ tồn tại các kháng thể trung hòa. Các kháng thể này được duy trì ở nồng độ thấp nhưng có tác dụng bảo vệ, có khả năng miễn dịch suốt đời. Do đó, những người đã từng mắc bệnh quai bị, sau này có thể yên tâm là sẽ không bị lại lần nữa.
Tuy nhiên, không phải vì đã miễn dịch mà có thể thoải mái tiếp xúc với người mắc bệnh, mỗi người hãy tự có biện pháp chủ động phòng tránh để bảo vệ sức khỏe của mình.
- Vì sao trẻ mắc quai bị nên hạn chế chạy nhảy?
- Bệnh quai bị: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và cách phòng ngừa
- Vắc - xin sởi - quai bị - rubella MMR II: Tiêm mũi đầu tiên cho trẻ vào lúc nào?