Mục lục
Viêm họng là bệnh lý thường gặp vào thời điểm giao mùa. Do nhiều nguyên nhân, trẻ hay bị viêm họng tái đi tái lại. Điều này khá nguy hiểm vì có thể dẫn tới viêm họng mãn tính, gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe của trẻ.
1. Sơ lược về bệnh viêm họng ở trẻ
Viêm họng gồm 2 thể bệnh là viêm họng cấp tính và viêm họng mãn tính. Cụ thể:
Viêm họng cấp: Là bệnh khá phổ biến, xảy ra quanh năm nhưng thường gặp nhất là vào thời điểm giao mùa. Nguyên nhân gây bệnh thường do vi khuẩn (liên cầu, tụ cầu, phế cầu,...) hoặc do virus cúm, sởi, Adenovirus,... Ngoài ra, các yếu tố như thay đổi thời tiết, bụi bẩn, khói thuốc,... cũng làm tăng nguy cơ gây viêm họng cấp ở trẻ;
Viêm họng mãn: Là tình trạng viêm niêm mạc họng dai dẳng. Ở giai đoạn mãn tính, triệu chứng của bệnh khởi phát chậm nhưng kéo dài dai dẳng và tái đi tái lại nhiều lần. Bệnh viêm họng mãn dễ tái phát và khó điều trị khỏi hoàn toàn. Bệnh chủ yếu xảy ra do ảnh hưởng của một số bệnh hô hấp, tiếp xúc với các chất gây dị ứng, giải phẫu mũi - xoang bất thường,...
2. Tại sao trẻ hay bị viêm họng tái đi tái lại?
Tình trạng trẻ bị viêm họng tái diễn nhiều lần có thể xuất phát từ một số nguyên nhân như:
2.1 Điều trị chưa dứt điểm đợt viêm họng cấp
Đây là lý do chính khiến bệnh của trẻ hay bị tái phát, đồng thời khiến viêm họng cấp dễ tiến triển thành mãn tính hoặc gây ra các biến chứng như viêm xoang, viêm phế quản, viêm tai giữa cấp,...
Vậy làm thế nào để đánh giá trẻ đã được trị khỏi viêm họng cấp dứt điểm, từ đó ngừng thuốc đúng lúc và hợp lý, tránh vi khuẩn hoặc virus kháng thuốc? Cách tốt nhất là cha mẹ nên đưa trẻ đi khám lại tại bác sĩ đã khám và kê đơn điều trị để bác sĩ có thể đánh giá xem tình trạng thực tế của bé đã tốt chưa, còn tổn thương mũi họng nào không, nếu có thì tiếp tục xử trí. Nếu không tiện đưa trẻ đi khám lại, cha mẹ nên theo dõi chặt chẽ các biểu hiện của bé, chỉ ngừng thuốc sau khi bé đã dứt hết các triệu chứng (sổ mũi, ho, sốt, đau họng, đau tai,...) ít nhất 2 ngày.
2.2 Yếu tố dị ứng
Trẻ hay bị viêm họng tái đi tái lại có thể do yếu tố dị ứng. Đây là bệnh có tính chất tiền sử gia đình. Ngoài ra, một số yếu tố cũng làm tăng nguy cơ tái phát viêm họng ở trẻ là: Sự thay đổi của thời tiết, môi trường sống ô nhiễm, gần các khu công nghiệp,...
2.3 Có quá nhiều chủng virus, vi khuẩn gây bệnh viêm họng
Một nguyên nhân khác khiến trẻ thường xuyên mắc bệnh viêm họng đó là do có quá nhiều chủng virus gây bệnh. Theo thống kê, có khoảng 60 - 80% các ca bệnh viêm mũi họng là do virus. Các nhà khoa học đã phát hiện có tới 200 chủng virus và vi khuẩn khác nhau gây bệnh viêm mũi họng.
Chính vì thế, trẻ có thể vừa mắc loại virus này, mới điều trị khỏi lại nhiễm tiếp một loại virus khác ngay ở thời điểm cơ thể đang bị suy giảm sức đề kháng sau đợt nhiễm bệnh trước. Một số trường hợp khác, trẻ bị viêm họng do vi khuẩn (phế cầu, tụ cầu, liên cầu beta tan huyết nhóm A,...). Đôi khi, trẻ bị viêm họng do nấm (khi sức đề kháng yếu).
Vì vậy, nếu trẻ bị viêm họng tái diễn do các nguyên nhân này thì cha mẹ có thể cho trẻ tiêm vắc-xin ngăn ngừa vi khuẩn, virus theo hướng dẫn của bác sĩ.
2.4 Lây nhiễm
Trẻ hay bị viêm họng tái đi tái lại còn có thể do bé sinh hoạt cùng các thành viên trong gia đình bị bệnh, lây chéo từ người này sang người khác. Đặc biệt, thói quen của nhiều gia đình là khi có người bị ốm thì thường đóng kín cửa để tránh gió cho người bệnh, khiến tác nhân gây bệnh càng dễ lây nhiễm hơn.
Vì vậy, trong trường hợp gia đình có người bệnh viêm họng, cần chú ý làm lưu thông không khí trong phòng và giữ gìn vệ sinh chung (nhưng tránh để người bệnh nằm ở nơi có gió lùa). Ngoài ra, cần điều trị triệt để bệnh viêm mũi họng cho cả gia đình, đồng thời nâng cao sức khỏe của mọi người để có sức chống lại bệnh.
2.5 Những nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân trên, tình trạng viêm họng tái diễn ở trẻ còn có thể đến từ:
- Thói quen xấu: Cha mẹ cho trẻ đi ra ngoài trời sau 8h tối nên dễ bị nhiễm lạnh hoặc đến những chỗ đông người nên dễ nhiễm bệnh từ người khác;
- Ảnh hưởng của viêm xoang mãn tính: Viêm xoang mãn tính khiến dịch tiết chảy xuống cổ họng. Virus và vi khuẩn trong dịch tiết gây viêm mãn tính ở hầu họng;
- Bất thường ở cấu trúc mũi: Dị hình vách ngăn mũi có thể gây bất thường trong lưu thông dịch tiết, khiến dịch chảy ngược về phía sau thành họng, gây viêm họng tái đi tái lại ở trẻ.
3. Trẻ hay bị viêm họng phải làm sao?
Việc phòng bệnh là rất quan trọng để bé tránh phải sử dụng quá nhiều thuốc khi các cơ quan trong cơ thể chưa phát triển toàn diện. Để giảm thiểu nguy cơ trẻ bị viêm họng tái đi tái lại, cha mẹ nên chú ý:
- Vệ sinh răng miệng, mũi, họng cho trẻ thường xuyên mỗi ngày. Nên tập cho trẻ thói quen đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Nên cho trẻ súc họng bằng nước muối nhạt mỗi ngày;
- Trẻ hay bị viêm họng nên tắm bằng nước ấm (trong mọi điều kiện thời tiết). Khi tắm xong nên lau người khô trước khi mặc quần áo sạch. Đồng thời, không cho trẻ ngồi trước quạt hoặc trong phòng điều hòa khi vừa tắm xong;
- Khi trẻ bị viêm họng, nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa tai - mũi - họng ngay để nhanh chóng xác định bệnh, điều trị sớm từ những ngày đầu;
- Có thể dùng kết hợp một số cách chữa trị tại nhà như: Tắc chưng đường phèn, trà bạc hà,... để giảm ho, ngứa rát cổ họng;
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các yếu tố gây kích ứng mũi họng như phấn hoa, thuốc lá, hóa chất,...;
- Nâng cao hệ miễn dịch cho bé bằng cách cải thiện chế độ dinh dưỡng, bổ sung vitamin C, kẽm,... theo chỉ dẫn của bác sĩ;
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên để giảm nấm mốc và các tác nhân gây dị ứng;
- Cha mẹ không nên tự ý chẩn đoán bệnh, dùng thuốc cho trẻ theo đơn thuốc cũ hoặc tự mua thuốc để điều trị mà cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ.
Để tránh nguy cơ trẻ hay bị viêm họng tái đi tái lại dẫn tới viêm họng mãn tính, ngay khi bé có triệu chứng bất thường, cha mẹ nên chủ động đưa bé đi khám ngay. Đồng thời, các bậc phụ huynh nên chú ý tới việc phòng ngừa nguy cơ tái nhiễm viêm họng cho trẻ theo hướng dẫn trên để bé luôn khỏe mạnh, phát triển tốt.
- Cổ họng bị khô, có đờm và vướng họng là bị sao?
- Viêm họng nuốt vướng có phải dấu hiệu ung thư họng/thực quản?
- Viêm họng cấp là gì?