Mục lục
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Thành Long - Chuyên gia tư vấn Tâm lý, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ thường phải sử dụng trong thời gian dài, có thể gây ra nhiều tác dụng phụ. Vì thế, người sử dụng thuốc cần hết sức lưu ý để bảo đảm sức khỏe và nâng cao hiệu quả điều trị.
1. Rối loạn giấc ngủ là gì?
Rối loạn giấc ngủ là một trong những rối loạn thần kinh gây cảm giác khó chịu và để lại nhiều hậu quả nặng nề đối với sức khỏe, tinh thần của người bệnh. Điều trị rối loạn giấc ngủ mất rất nhiều thời gian, bệnh lại dễ tái phát nên cần có liệu trình điều trị bệnh cụ thể, rõ ràng.
Trong cuộc sống hiện đại có rất nhiều căng thẳng, mệt mỏi có thể khiến mọi người lo lắng, trăn trở, khó ngủ, ngủ không ngon giấc, ngủ không sâu... nhưng đó chưa được gọi là mất ngủ hay rối loạn giấc ngủ. Mất ngủ được xem là tình trạng bệnh lý nếu việc này xảy ra nhiều hơn 3 lần trong một tuần và kéo dài hơn một tháng.
Giấc ngủ là hoạt động kéo dài nhằm giúp cơ thể cân bằng các yếu tố nội sinh và ngoại sinh, dao động nhịp ngày - đêm, đảm bảo hoạt động của đại não ở trạng thái thức tỉnh.
Trung bình, mỗi người sẽ ngủ khoảng 6 - 9 giờ/đêm. Giấc ngủ phối hợp với các thay đổi về hô hấp, tim mạch, hormon, thân nhiệt..., là quá trình sinh lý bình thường của cơ thể.
Có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ, được chia làm 2 nguyên nhân chính, bao gồm:
- Nguyên nhân thứ phát: rối loạn giấc ngủ do hậu quả của một căn bệnh khác như: trầm cảm, bệnh tim, bệnh thận...
- Nguyên nhân tiên phát: rối loạn giấc ngủ không rõ nguyên nhân
Tuy nhiên, không phải lúc nào rối loạn giấc ngủ cũng được coi là bệnh lý. Cũng có nhiều trường hợp bị mất ngủ là biểu hiện bình thường trong một giai đoạn nhất định của đời người như: giai đoạn tiền mãn kinh của phụ nữ, giai đoạn mãn dục ở nam giới...
2. Triệu chứng rối loạn giấc ngủ
Người bị rối loạn giấc ngủ có thể mất ngủ hoặc ngủ nhiều, ảnh hưởng đến các hoạt động xã hội và công việc.
Người bị mất ngủ thường khó đi vào giấc ngủ, dễ bị tỉnh giấc giữa chừng, mất ngủ giữa chừng, thức dậy sớm. Mất ngủ tiên phát có thể diễn ra liên tục trong ít nhất một tháng và trung bình kéo dài đến 1 năm, có trường hợp bệnh nhân bị mất ngủ tiên phát kéo dài hàng chục năm.
Người bị mất ngủ tiên phát thường tỉnh táo vào ban đêm nhưng luôn có cảm giác mệt mỏi, chán nản, ủ rũ vào ban ngày. Ngủ không đủ giấc kéo dài dẫn đến sức khỏe bị suy giảm, tinh thần giảm sút, giảm khả năng lao động, học tập, thậm chí là rối loạn hành vi, bị ảo giác và hoang tưởng.
Người ngủ nhiều có thể ngủ từ 8 - 12 tiếng/đêm, rất khó tỉnh dậy vào buổi sáng. Tình trạng này diễn ra trong ít nhất 1 tháng. Người bệnh luôn cảm thấy buồn ngủ, không tỉnh táo, khó tập trung, đãng trí.
Mất ngủ tiên phát thường gặp ở người cao tuổi, đặc biệt là nữ giới. Người trẻ tuổi thường mất ngủ cuối giấc và giữa giấc. Người cao tuổi thường mất ngủ đầu giấc.
3. Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ
Nhiều nghiên cứu về tình trạng rối loạn giấc ngủ đã cho thấy, cuộc sống hiện đại khiến giấc ngủ của con người ngày càng ít đi. Những áp lực tâm lý, căng thẳng, mệt mỏi làm sản sinh vô số gốc tự do. Các gốc tự do tấn công mạnh vào thành động mạch não dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng, hình thành các mảng xơ vữa động mạch và cục huyết khối gây hẹp động mạch, cản trở quá trình lưu thông máu, vận chuyển oxy và dưỡng chất cần thiết lên não. Các tế bào não không nhận được đủ dưỡng chất để hoạt động, lâu ngày ảnh hưởng đến cấu trúc hệ thần kinh dẫn đến tình trạng rối loạn giấc ngủ.
Không những thế, các gốc tự do còn ảnh hưởng trực tiếp tới tế bào não. Các tế bào não vừa bị gốc tự do tấn công, vừa không được cung cấp đủ dưỡng chất và oxy dẫn đến rối loạn chức năng não. Các vùng não chi phối giấc ngủ bị ảnh hưởng, không thể phối hợp nhịp nhàng, các dây dẫn truyền thần kinh bị ngắt quãng khiến giấc ngủ bị trật nhịp, khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, ngủ gà ngủ gật...
Tình trạng rối loạn giấc ngủ kéo dài có thể ảnh hưởng ngược trở lại não bộ, khiến tế bào thần kinh bị tổn thương, thoái hóa não. Người bị rối loạn giấc ngủ lâu dài có thể giảm tới hơn 20% khối lượng não bộ, dẫn đến suy giảm trí nhớ, đãng trí, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn vận động, dễ bị trầm cảm...
Cứ thế, tình trạng bệnh lý ngày càng trở nên trầm trọng và dai dẳng hơn. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ mạn tính.
Rối loạn giấc ngủ còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, suy tim, rối loạn nhịp tim, đột quỵ não, đột tử...
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ
Một số người vì mất ngủ ban đêm mà ban ngày buồn ngủ, ngủ gà ngủ gật, không thể tỉnh táo làm việc nên đã sử dụng trà và cà phê đậm đặc để xua tan cơn buồn ngủ. Tuy có thể làm con người tỉnh táo hơn nhưng tác động của cafein có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Một số người lại lựa chọn thuốc bình thần, trong dân gian hay gọi là thuốc ngủ để dễ đi vào giấc ngủ hơn. Thuốc ngủ có khả năng ức chế hoạt động não, nếu sử dụng thuốc ngủ thường xuyên có thể khiến phụ thuộc thuốc, rối loạn vận động và nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khác.
Trước đây, điều trị mất ngủ tiên phát thường sử dụng các loại thuốc nhóm benzodiazepin. Sử dụng thuốc nhóm benzodiazepin kéo dài sẽ khiến người bệnh dễ bị quên, thuốc còn có thể gây giãn cơ và dễ ngã đối với người cao tuổi. Hơn nữa, thuốc nhóm benzodiazepin có thể gây phụ thuộc thuốc nên ngày nay loại thuốc này thường ít được sử dụng.
Thuốc chống trầm cảm 3 vòng và các lọai thuốc chống trầm cảm thế hệ mới có tính an dịu có khả năng điều trị rối loạn giấc ngủ tiên phát và thứ phát kết hợp với các rối loạn lo âu, trầm cảm. Tuy nhiên, loại thuốc này cũng có một vài tác dụng phụ như: mệt mỏi, tăng cảm giác ngon miệng gây thừa cân...... vì thế cần sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Thuốc chống trầm cảm có thể gây an dịu mạnh nên người vận hành máy móc, người lái xe cần hết sức chú ý khi sử dụng thuốc.
Một số thuốc chống trầm cảm khác cũng có tác dụng an dịu gây ngủ như Mirtazapin, Fluvoxamin, Fluoxetin...
Một số thuốc an thần kinh như Olanzapin,Quetiapin ở liều thấp có tác dụng an dịu gây ngủ. Tuy nhiên những thuốc này có tác dụng lên quá trình chuyển hóa, bệnh nhân béo phì không nên dùng olanzapin.
Điều quan trọng khi sử dụng thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ là phải tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ, uống thuốc đúng liều và đủ liều. Không được tự ý sử dụng thuốc bừa bãi, không lạm dụng thuốc ngủ và thuốc an thần. Khi có các dấu hiệu rối loạn giấc ngủ, cần đến các phòng khám tâm lý, chuyên khoa tâm thần để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
- Vì sao bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối thường rất đau đớn?
- Vì sao bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối thường rất đau đớn?
- Điều trị đau và chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối