Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Khi trẻ chuyển sang giai đoạn ăn cháo, nhiều bậc phụ huynh bắt đầu lo lắng, băn khoăn không biết nên chế biến cháo như thế nào để trẻ dễ ăn và vẫn đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của trẻ.
1. Những lưu ý khi nấu cháo cho trẻ 9-12 tháng tuổi
Khi trẻ được 9 tháng tuổi, trẻ đã có thể ăn được kha khá thức ăn, do đó cha mẹ có thể cho trẻ ăn cháo. Để nấu một nồi cháo đầy đủ dưỡng chất cha mẹ cần lưu ý một số điểm sau:
1.1 Đừng chỉ cho trẻ ăn mỗi nước hầm xương
Đừng chỉ cho trẻ ăn mỗi nước hầm xương hoặc chỉ trộn nước hầm xương với cháo. Nhiều cha mẹ tin rằng các chất dinh dưỡng trong phần cái sẽ hòa hết vào nước hầm xương nên chỉ cần cho trẻ ăn nước hầm là đủ. Đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm vì xương dù ninh lâu đến đâu vẫn chỉ chứa rất ít chất dinh dưỡng. Nhiều chất đạm, vitamin tan trong dầu không thể hòa tan trong nước hầm xương. Ngoài ra, chỉ ăn nước hầm có thể khiến trẻ bị thiếu chất xơ dẫn tới táo bón.
1.2 Bổ sung đầy đủ chất xơ cho trẻ
Khi nấu cháo mẹ nên trộn thêm chất xơ vào, hoặc nếu trẻ chưa nhai tốt có thể xay nhuyễn ra để giúp trẻ không bị táo bón, khó tiêu.
1.3 Nên bổ sung thêm chất béo thực vật
Chất béo động vật rất khó hấp thu và thường không tốt cho sức khỏe. Do vậy, mẹ nên thêm một lượng nhỏ dầu thực vật như dầu vừng, dầu đậu nành, dầu đậu phộng,...vào cháo để giúp nồi cháo thơm ngon, béo mềm khiến trẻ dễ nhai nuốt và còn bổ sung thêm năng lượng cho trẻ.
1.4 Chú ý nguyên tắc loãng-đặc
Giai đoạn đầu nên nấu cháo thật loãng hoặc nghiền cháo để trẻ dễ ăn, dễ nuốt, từ từ tạo thói quen nhai thức ăn cho trẻ, sau đó mới chuyển sang cho trẻ ăn cháo đặc hơn.
Giai đoạn 9-12 tháng tuổi trẻ đã có thể ăn 2-3 bữa cháo mỗi ngày. Do vậy mẹ lưu ý khẩu phần ăn của trẻ để nấu lượng cháo vừa đủ, không nên để cháo qua đêm rồi tiếp tục cho trẻ ăn.
2. Một số lưu ý khi xây dựng chế độ ăn cho trẻ
Chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Do đó, cha mẹ cần xây dựng một chế độ ăn dặm phù hợp để con phát triển toàn diện.
- Chế độ dinh dưỡng cho trẻ cần phải chứa đủ bốn nhóm dinh dưỡng sau đây: Tinh bột (gạo, mì, ngô, khoai...); Đạm (thịt, cá, tôm, cua..); Chất béo (dầu ăn); Các loại rau giúp cung cấp vitamin, sắt, chất xơ và các chất khoáng khác cần thiết cho cơ thể
- Cho trẻ ăn đầy đủ cả phần cái để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho trẻ.
- Nên tuân thủ nguyên tắc loãng- đặc, cho trẻ ăn thức ăn từ lỏng tới đặc, từ lượng ít tới nhiều và cũng nên tập cho trẻ ăn quen dần với các thức ăn mới.
- Không nêm thêm gia vị
- Thực phẩm dùng cho trẻ phải đảm bảo an toàn, vệ sinh, người chuẩn bị thức ăn cho trẻ phải rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn
- Tăng năng lượng của bữa ăn bằng cách bổ sung thêm dầu thực vật vào khẩu phần ăn. Chất béo không chỉ giúp làm cho bát bột vừa thơm, béo, mềm, khiến trẻ dễ nuốt, lại cung cấp thêm năng lượng cho trẻ.
- Khi cho trẻ ăn nên khuyến khích động viên, không đe dọa vì tạo áp lực tâm lý, khiến trẻ sợ hãi mỗi khi nhắc tới bữa ăn. Ngoài ra cũng không nên cưng nựng, dỗ dành quá mức vì sẽ hình thành thói quen không tốt ở trẻ.
- Không cho trẻ ăn bánh, kẹo, uống nước ngọt trước bữa ăn vì chất ngọt làm tăng đường huyết, khiến trẻ no bụng, chán ăn.
- Cho trẻ ăn đầy đủ chất xơ. Nếu trẻ không thích ăn rau củ, nên tìm cách chế biến rau củ thành những món ăn hấp dẫn, dễ ăn.
Xây dựng chế độ ăn cho trẻ cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?
Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
- Sự phát triển của trẻ sơ sinh trong năm đầu tiên
- Làm thế nào để "cai" mút tay cho bé?
- Trẻ bị bệnh tay chân miệng kiêng ăn gì?