Mục lục
Khi chúng ta già đi, nhu cầu sức khỏe sẽ thay đổi, đặc biệt đang trong đại dịch COVID-19. Với những người tầm 60 tuổi sẽ đối diện với tác động của quá trình lão hóa tự nhiên. Tuy nhiên, để cơ thể duy trì được tình trạng khỏe mạnh như những năm 40, 50 tuổi, việc chăm sóc sức khỏe tuổi 60 cần được quan tâm đúng mực. Một số hành vi, thói quen cần được thay thế và bổ sung để cải thiện sức khỏe và tâm lý người già tuổi 60.
1. Những thay đổi ở tuổi 60
Mỗi người sẽ lão hóa theo những cách khác nhau, trong đó lối sống đóng một vai trò quan trọng. Đôi khi, bạn sẽ trải qua những thay đổi khó nhận thấy và không thể bỏ qua mối liên quan đến cả thể chất và tinh thần.
- Bạn có thể nhận thấy làn da ở tuổi 60 dần trở nên mỏng manh hơn và ngày càng có nhiều đốm đồi mồi. Ngoài ra, các nếp nhăn xuất hiện trước đó ở độ tuổi 50 ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt nếu bạn là người hút thuốc lá hoặc tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, ở độ tuổi 60, các mạch máu nông bị giãn nở cũng dần xuất hiện trên da, phổ biến trên má, mũi, cằm và chân.
- Lão hóa và ít vận động có thể dẫn đến đau nhức khớp do sụn bị mài mòn, mất dịch khớp bôi trơn và các cơ yếu hơn. Khi vận động, các khớp có thể tạo ra âm thanh lạo xạo, kèm theo đau và sưng. Phụ nữ ở độ tuổi 60 phải đối diện với nguy cơ loãng xương cao hơn. Gãy xương do loãng xương cũng tăng dần theo tuổi.
- Ở độ tuổi 60, cơ thể sẽ tiết ra ít axit clohydric hơn, điều này làm giảm hàm lượng vitamin B12.
- Hoạt động làm trống dạ dày xảy ra chậm hơn, có thể làm tăng nguy cơ trào ngược. Ngoài ra, việc chậm tiêu hóa vật qua ruột già còn có thể gây táo bón.
- Tim người 60 tuổi vẫn có thể bơm cùng một lượng máu với mỗi nhịp đập như một trái tim trẻ hơn có thể. Tuy nhiên, thống kê cho thấy các bệnh tim mạch chiếm hơn 20% tổng số ca tử vong ở nam và nữ tuổi từ 65 đến 74. Rung nhĩ gây rối loạn nhịp tim, gia tăng nguy cơ đột quỵ. Tăng huyết áp, bệnh lý mạch vàng cũng là gánh nặng bệnh tật ở nhóm người già trên 60 tuổi.
- Suy giảm thính lực do tuổi tác trở nên phổ biến hơn, chủ yếu là do những thay đổi thoái hóa trong ống tai, màng nhĩ và các cấu trúc khác của tai. Khoảng 45% trong số những người 60 tuổi bị mất thính giác, tăng lên 68% trong số những người thuộc độ tuổi 70. Sau 60 tuổi, khả năng nghe các âm tần số cao cũng giảm dần.
- Khô mắt. Người từ 60 tuổi trở lên có thể khó nhìn rõ trong điều kiện ánh sáng mờ. Và sau 60 tuổi, nguy cơ thoái hóa điểm vàng tăng lên.
- Do suy giảm hóc môn sinh dục, đàn ông và phụ nữ trên 60 tuổi dần suy giảm ham muốn tình dục. Việc sinh hoạt tình dục gặp nhiều trở ngại do khô âm đạo, rối loạn cương dương.
- Hoạt động của hệ miễn dịch không còn tích cực, có nghĩa là bạn dễ bị ốm hơn. Phản ứng viêm mãn tính, có liên quan đến bệnh tim mạch, đái tháo đường và viêm khớp, khiến cơ thể khó đạt được phản ứng miễn dịch hiệu quả hơn. Ngoài ra, phản ứng của cơ thể với các loại vắc xin cũng giảm dần theo tuổi tác, khiến nhóm người trên 60 tuổi thậm chí còn dễ mắc các bệnh như cúm và viêm phổi.
- Tưới máu não bộ và hệ thần kinh bắt đầu cạn kiệt theo tuổi tác. Ở độ tuổi 60, bạn sẽ dễ dàng thấy mình không còn nhanh nhạy như trước. Nhưng việc mất trí nhớ - từng được cho là bản chất của quá trình lão hóa - thường có thể phòng tránh được. Ở độ tuổi 60, chứng hay quên chỉ xảy ra ở mức độ nhẹ, do việc truyền các xung thần kinh giữa các tế bào bị chậm lại. Hiếm khi nó là dấu hiệu của điều gì đó nghiêm trọng. Trong khi nhiều người ở độ tuổi 60 bắt đầu lo lắng về bệnh Alzheimer, nguy cơ phát triển căn bệnh quái ác này là khá thấp trong thập kỷ này: Ít hơn 5% bệnh nhân Alzheimer dưới 65 tuổi.
2. Tuổi 60 sống thế nào là tốt nhất?
Chăm sóc sức khỏe tuổi 60 cần tập trung vào mục tiêu duy trì một thể trạng tốt và giảm thiểu nguy cơ mắc các loại bệnh tật. Chế độ ăn uống và tập thể dục là hai thay đổi quan trọng nhất. Một chế độ ăn uống lành mạnh và duy trì hoạt động thể chất luôn là điều tốt ở mọi lứa tuổi. Khi già đi, những thói quen lành mạnh này sẽ giúp củng cố hệ cơ và xương. Cơ và xương chắc khỏe làm giảm chấn thương nghiêm trọng liên quan đến té ngã. Khi cơ bắp của bạn khỏe, các hoạt động như đứng dậy khỏi ghế hoặc mở cửa sẽ dễ dàng hơn. Hãy thử áp dụng những lời khuyên dưới đây để hướng đến một chế độ ăn uống lành mạnh và lối sống vận động tích cực.
2.1 Chế độ dinh dưỡng
Người từ 60 tuổi trở lên không cần phải thay đổi toàn bộ chế độ ăn uống của mình cùng một lúc. Hãy thử thực hiện một vài thay đổi nhỏ tại thời điểm bắt đầu. Ví dụ, thay vì ăn 2 lát bánh mì nướng trắng vào bữa sáng, hãy thay thế chúng bằng một lát bánh mì ngũ cốc nguyên hạt. Ăn cả trái cây tốt hơn là chỉ uống nước ép trái cây. Nếu bạn thích ăn vặt, hãy thử bỏng ngô ít béo thay vì khoai tây chiên. Thêm nhiều chất xơ vào chế độ ăn uống vì chất xơ làm giảm táo bón, giúp giảm cân, giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch, ung thư đại tràng và giảm mức cholesterol trong máu. Đàn ông trên 60 tuổi nên bổ sung 30 gam chất xơ mỗi ngày; phụ nữ trên 60 tuổi nên dùng 21 gram mỗi ngày. Các nguồn chất xơ tốt bao gồm đậu, ngũ cốc nguyên hạt, rau và trái cây. Một chế độ ăn uống tốt cho tim mạch được khuyến khích tập trung vào các loại thực phẩm như cá, trái cây, rau, đậu và ngũ cốc nguyên hạt và không bao gồm nhiều thịt, sữa hoặc đồ ngọt. Uống nhiều nước hơn. Nước thải độc tố ra ngoài. Uống đủ nước sẽ cung cấp cho cơ thể nhiều năng lượng hơn.
2.2 Luyện tập thể dục
Tập thể dục có tác dụng cải thiện các bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh đái đường và nó cũng có thể cải thiện cảm xúc của bạn. Một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục sẽ nuôi dưỡng não bộ tốt. Điều này cải thiện khả năng ra quyết định khi bạn già đi. Hãy xem xét những thói quen sau:
- Tập thể dục từ 20 đến 30 phút vào hầu hết các ngày trong tuần. Kết hợp giữa aerobic (đi bộ, bơi lội) và rèn luyện sức bền là tốt nhất. Đi bộ là một trong những hoạt động dễ dàng nhất để bắt đầu. Thử đi bộ 15 phút mỗi lần và hai lần mỗi ngày. Hoặc đi bộ 10 phút, lặp lại 3 lần mỗi ngày.
- Tập thể dục với một người bạn. Điều này làm cho việc tập thể dục trở nên thú vị hơn và nó mang tính xã hội. Nếu không thích đi bộ, hãy xem xét các hoạt động khác. Thử làm vườn, khiêu vũ, câu cá, thái cực quyền hoặc yoga. Bất kỳ hoạt động tích cực nào mà bạn yêu thích đều có thể có lợi cho sức khỏe.
Theo CDC Hoa Kỳ, cứ 8 trong số 10 trường hợp tử vong được báo cáo ở Hoa Kỳ thuộc nhóm người lớn từ 65 tuổi trở lên. Điều này có nghĩa là nếu bạn ở độ tuổi 60, nguy cơ mắc bệnh nặng với COVID-19 cao hơn nhiều so với những người trẻ hơn. Để giữ an toàn và khỏe mạnh, người từ 60 tuổi trở lên sẽ cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung trong thời gian khó khăn này. CDC Hoa Kỳ đề nghị nên ở nhà hoàn toàn nếu có thể, rửa tay thường xuyên và tham gia vào các hoạt động xã hội có giãn cách.
Bên cạnh đó, để chăm sóc sức khỏe người trong độ tuổi 60 được tốt nhất, bạn cũng cần thực hiện việc kiểm tra sức khỏe định kỳ. Điều này sẽ giúp bác sĩ phát hiện ra những vấn đề bất thường của sức khỏe nhằm có những điều chỉnh và tư vấn phù hợp.
- 1 viên C sủi chứa bao nhiêu mg C?
- Tóc mỏng, da có vảy khô, móng dễ gãy: Cảnh giác thiếu Vitamin B7 (biotin)
- Các biện pháp phục hồi sức khỏe và sinh lực