Mục lục
Hầu hết mọi người đều cần thực hiện chế độ ăn cân đối và hợp lý với việc đa dạng các loại thực phẩm nhằm cung cấp đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt khoáng chất kẽm. Tuy nhiên, nếu trẻ chậm lớn, chậm phát triển thể chất và trí tuệ hay biếng ăn... thì cần bổ sung kẽm cho trẻ.
1. Vai trò của kẽm đối với sự phát triển cơ thể trẻ
Kẽm tham gia vào các thành phần enzyme có trong cơ thể, nhằm giúp cơ thể tổng hợp protein, đồng thời tham gia cả vào quá trình phân chia tế bào giúp thúc đẩy sự tăng trưởng. Ngoài ra, kẽm còn giúp cho trẻ có cảm giác ngon miệng khi ăn.
Hơn nữa, kẽm còn tham gia vào cấu tạo các tế bào miễn dịch như tế bào lympho T, lympho B, đại thực bào, giúp cơ thể duy trì hoạt động hệ thống miễn dịch, tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể, bảo vệ cơ thể trẻ trước các tác nhân bệnh tật xung quanh môi trường.
Thêm vào đó, kẽm còn giúp điều hoà hormone cần thiết của cơ thể, bao gồm điều hoà chức năng của hệ thống nội tiết. Kẽm còn tham gia vào quá trình điều hoà các thành phần hormon tuyến yên, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục. Những hệ thống này phối hợp với hệ thần kinh giúp cho cơ thể có khả năng điều hoà hoạt động sống trong và ngoài cơ thể.
Khi trẻ thiếu kẽm, có thể gây nên tình trạng biếng ăn ở trẻ. Bởi vì kẽm là vi chất quan trọng giúp kích thích, duy trì và bảo vệ tế bào vị giác, khứu giác. Do đó, thiếu kẽm sẽ gây ảnh hưởng đến các tế bào này vì rối loạn vị giác. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu kẽm có thể gây ra triệu chứng làm suy giảm chức năng các tế bào miễn dịch, bao gồm tế bào lympho T, lympho B, đại thực bào, làm giảm sức đề kháng của trẻ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển, trẻ ốm nhiều dẫn đến lười ăn.
Đối với trường hợp trẻ suy dinh dưỡng, kẽm giúp trẻ hấp thu chất dinh dưỡng protein tốt hơn, phân chia tế bào và tăng cảm giác ngon miệng cho trẻ. Thiếu kẽm sẽ làm chậm phát triển chiều cao của trẻ, đồng thời gây nên rối loạn phát triển xương, chậm dậy thì, giảm chức năng sinh dục, gây biếng ăn ở trẻ do bị rối loạn vị giác. Trẻ biếng ăn kéo dài sẽ dễ bị suy dinh dưỡng, hậu quả lâu dần ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Đồng thời hàm lượng kẽm của trẻ cũng bị hao hụt dẫn đến việc tương tác với các hormon quan trong tham gia vào tăng trưởng xương cũng bị giảm. Khi đó, hiệu quả của vitamin D lên chuyển hoá xương thông qua kích thích tổng hợp DNA trong tế bào xương bị ảnh hưởng.
2. Bổ sung kẽm cho trẻ và những đối tượng cần thiết
Hầu hết mọi người đều cần thực hiện chế độ ăn cân đối và hợp lý với việc đa dạng các loại thực phẩm nhằm cung cấp đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt khoáng chất kẽm - dưỡng chất vi lượng cần thiết cho sự phát triển của cơ thể có mặt trong nhiều loại thực phẩm.
Một số đối tượng cần bổ sung kẽm nếu gặp một trong các triệu chứng sau:
- Trẻ chậm lớn, chậm phát triển cả về thể lực và trí tuệ; trẻ có dấu hiệu của lười ăn, biếng ăn... thì cần bổ sung kẽm cho trẻ em
- Những đối tượng nam giới bị giảm khả năng sinh sản hoặc ở nữ giới có các triệu chứng của tăng biến chứng thai sản trong thời kỳ mang thai.
- Những người cao tuổi khi thiếu kẽm sẽ xảy triệu chứng làm tăng tốc độ lão hoá và tăng hoạt động của gốc tự do gây nên tình trạng loãng xương, teo cơ...
- Những người có triệu chứng ăn không ngon miệng không cảm thấy có vị giác với món ăn
- Những người có hệ miễn dịch suy giảm cũng được xem như một trong những trường hợp thiếu kẽm
Ngoài ra, những đối tượng sau đây cần bổ sung kẽm từ thực phẩm và sản phẩm giàu kẽm khác như:
- Những người ăn chay bao gồm ăn chay trường và ăn chay cách nhật.
- Những người đang ốm và gặp các triệu chứng của rối loạn tiêu hoá, bệnh lý đường ruột rất khó khăn trong việc hấp thu kẽm từ thức ăn cũng như các loại chất dinh dưỡng khác.
- Phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai cần nhu cầu kẽm cao hơn so với người bình thường. Nhu cầu này thường cao nhất vào thời kỳ đầu mang thai.
- Những trường hợp mắc các bệnh liên quan đến hồng cầu hình liềm khiến cho cơ thể khó hấp thu và sử dụng kẽm nên cần được bổ sung thêm kẽm để đáp ứng nhu cầu.
- Những người nghiện rượu thường hấp thu chất dinh dưỡng rất kém và sẽ gặp phải tình trạng thiếu kẽm cũng như các vi chất khác. Vì thế cần được bổ sung hàm lượng kẽm từ các sản phẩm khác.
- Đàn ông trưởng thành có nhu cầu về vi chất kẽm cao hơn với người bình thường, bởi vì hàm lượng kẽm trong cơ thể bị hao hụt do quá trình sản xuất tinh dịch, đặc biệt ở những người có tần suất hoạt động tình dục cao.
3. Hàm lượng kẽm trong sò
Sò được xếp vào loại thực phẩm có hàm lượng kẽm khá cao. Trung bình với 100 gam sò chứa kẽm khoảng 13.4 mg kẽm. Ngoài vi chất kẽm thì sò còn chứa rất nhiều các chất dinh dưỡng khác như protein, vitamin C, vitamin B12, các chất khoáng như sắt... hơn nữa, hàm lượng calo của sò ít, hương vị thơm ngon nên dễ chế biến món ăn.
Cùng họ với sò còn có các loại hải sản khác như cua, hàu, hến ... cũng thuộc nhóm cung cấp hàm lượng kẽm tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, khi sử dụng kẽm trong sò cũng như các loại hải sản này cần lưu ý với những đối tượng như trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Cần chế biến chín để tránh tình trạng ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra khi ăn sò hay các hải sản khác.
Một số thực phẩm khác có hàm lượng kẽm phong phú:
- Đậu hà lan hoặc các loại thuộc họ đậu có hàm lượng chất dinh dưỡng rất tốt bao gồm kẽm, chất xơ, sắt. Trong đậu hà lan hàm lượng kẽm chứa khá cao với 100 gam đậu có chứa khoảng 5mg kẽm. Ngoài ra đậu còn được sử dụng chế biến đa dạng nhiều món ăn.
- Thịt bò ngoài cung cấp khoáng chất sắt, thì thịt bò cũng được xem có nguồn vi chất kẽm tuyệt vời. Trong 100 gam thịt bò có chứa khoảng 2.3 mg kẽm có thể giúp đáp ứng được khoảng 44% nhu cầu kẽm của cơ thể trung bình. Ngoài ra, lượng dinh dưỡng trong thịt bò cũng khá phong phú với các thành phần nhu protein, chất béo, vitamin B3...
- Socola đen ít người nghĩ rằng có hàm lượng kẽm phong phú. Với 100 gam socola đen có chứa khoảng 3.3. mg kẽm đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu kẽm của cơ thể mỗi ngày.
- Lòng đỏ trứng gà có chứa khoảng 3.7mg kẽm trong một quả trứng. Và cùng với hàm lượng kẽm dồi dào thì trứng gà còn chứa các chất béo tốt, protein, đặc biệt cholin... rất cần thiết cho cơ thể.
- Ổi có hàm lượng kẽm chứa trong loại quả này khoảng 2.4mg kẽm với 100 gam ổi. Với loại quả này còn cung cấp các chất dinh dưỡng khác như vitamin, chất khoáng: vitamin A, vitamin C, sắt....
Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.
- Kẽm: Mọi thứ bạn cần biết
- Vai trò của kẽm trong phòng chống ung thư đường tiêu hoá
- Hướng dẫn đầy đủ về ăn dặm theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia