Mục lục
- 1. 1. Nguyên nhân gây ra trẻ 3 tuổi bị táo bón kéo dài
- 2. 2. Các biện pháp cải thiện tình trạng táo bón kéo dài cho trẻ 3 tuổi
- 2.1. 2.1. Cho trẻ uống nhiều nước
- 2.2. 2.2. Tăng cường bổ sung các thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa
- 2.3. 2.3. Cho trẻ tăng cường vận động
- 2.4. 2.4. Tạo thói quen đại tiện đúng giờ
- 2.5. 2.5. Tắm nước ấm cho trẻ 3 tuổi bị táo bón
- 2.6. 2.6. Massage bụng cho trẻ nhẹ nhàng
- 2.7. 2.7. Sử dụng men vi sinh cho trẻ 3 tuổi bị táo bón
- 3. 3. Một số lưu ý khi điều trị táo bón cho trẻ 3 tuổi
- 4. Đánh giá
Trẻ 3 tuổi bị táo bón là tình trạng phổ biến khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Trẻ bị táo bón kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự phát triển. Để cải thiện tình trạng trẻ 3 tuổi bị táo bón kéo dài, bố mẹ cần kết hợp nhiều biện pháp, trong đó quan trọng nhất là bổ sung nhiều chất xơ và cho trẻ uống đủ nước.
1. Nguyên nhân gây ra trẻ 3 tuổi bị táo bón kéo dài
Táo bón ở trẻ là tình trạng phân di chuyển chậm trong lòng đại tràng, phân bị hấp thu nhiều nước nên khô, cứng hoặc tròn lổn nhổn như phân dê. Trẻ có triệu chứng táo bón nếu đi tiêu dưới 2 lần/ ngày đối với trẻ sơ sinh, đi tiêu dưới 3 lần/ tuần đối với trẻ đang bú mẹ và đi tiêu dưới 2 lần/ tuần đối với trẻ lớn.
Trẻ bị táo bón thường phải rặn nhiều dẫn đến đau rát, thậm chí nứt hậu môn, chảy máu hậu môn hoặc sa trực tràng. Điều này khiến trẻ bị ám ảnh, sợ đại tiện, càng làm cho việc đi tiêu của trẻ trở nên khó khăn hơn.
Táo bón ở trẻ em nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây ra nhiều hậu quả như biếng ăn, đầy hơi, chướng bụng, ăn khó tiêu, nôn trớ, trẻ còi cọc, suy dinh dưỡng và chậm lớn.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ 3 tuổi bị táo bón. Cụ thể:
1.1. Chế độ dinh dưỡng không hợp lý
Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị táo bón kéo dài, chiếm đến 95% trong tổng số các nguyên nhân. Chế độ dinh dưỡng không hợp có thể do:
- Chế độ ăn uống ít chất xơ làm cho trẻ 3 tuổi bị táo bón lâu ngày: Việc thiếu chất xơ là do trong chế độ ăn tập trung tiêu thụ quá nhiều đạm động vật, nhưng lại ít rau củ trái cây.
- Trẻ ăn nhiều thức ăn chiên, rán, thức ăn nhanh hoặc bánh kẹo, các loại nước ngọt có gas: Đây là những món ăn không có lợi cho sức khỏe vì khiến cho hệ tiêu hóa hoạt động khó khăn hơn, dẫn đến đầy hơi, chướng bụng và táo bón.
- Trẻ uống ít nước: Đều này sẽ làm cho thức ăn bị lưu lại ở đại tràng lâu hơn, phân cứng hơn, đặc hơn gây táo bón.
- Sữa pha không đúng hướng dẫn gây nên quá đặc hoặc bố mẹ cho trẻ uống sữa công thức với thành phần nhiều đạm, canxi, sắt, phospho cũng là nguyên nhân gây ra trẻ 3 tuổi bị táo bón.
1.2. Trẻ 3 tuổi bị táo bón kéo dài là hậu quả của một số bệnh lý
Trẻ 3 tuổi bị táo bón cũng có thể là hậu quả của một số bệnh lý như:
- Mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột thường do sử dụng kháng sinh đường uống làm tiêu diệt các vi khuẩn có lợi trong đường tiêu hoá.
- Phình đại tràng bẩm sinh làm mất hoạt động co bóp cho một đoạn đại tràng dẫn tới ứ đọng phân trong lòng đại tràng khiến trẻ bị táo bón.
- Nứt kẽ hậu môn làm trẻ đau và phải rặn nhiều mỗi khi đi đại tiện, lâu ngày gây mất phản xạ càng làm cho táo bón nặng hơn.
- Các nguyên nhân thần kinh làm yếu hoặc liệt cơ thành bụng yếu dẫn đến mất điều hòa nhu động ruột, mất phản xạ tống phân ra ngoài, lâu ngày khiến trẻ bị táo bón.
- Tác dụng phụ của một số thuốc như thuốc giảm đau, thuốc ho, thuốc chống động kinh, thuốc chống co giật cũng gây nên táo bón
1.3. Táo bón do tâm lý, phản xạ ức chế
- Do tâm lý: Trẻ nhịn đại tiện vì có cảm giác không riêng tư, không vệ sinh khi đi tiêu ở nhà vệ sinh trường học hoặc nơi công cộng.
- Ít vận động thể lực cũng là nguyên nhân làm cho trẻ 3 tuổi bị táo bón lâu ngày. Trẻ thường ngồi một chỗ để chơi game, xem tivi khiến cơ thành bụng và yếu nhu động ruột điều hòa kém. Đặc biệt, vào mùa lạnh táo bón sẽ càng trầm trọng hơn vì trẻ lười vận động.
2. Các biện pháp cải thiện tình trạng táo bón kéo dài cho trẻ 3 tuổi
Trẻ bị táo bón kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự phát triển. Do đó “trẻ 3 tuổi bị táo bón phải làm sao” thường là lo lắng của các bậc phụ huynh. Để cải thiện tình trạng trẻ 3 tuổi bị táo bón kéo dài, bố mẹ cần kết hợp nhiều biện pháp sau đây:
2.1. Cho trẻ uống nhiều nước
Nước có tác dụng giải nhiệt, thanh lọc và góp phần điều trị táo bón hiệu quả. Khi trẻ bị táo bón cần được bổ sung nước để phân mềm hơn. Nhu cầu nước cần cung cấp cho trẻ 3 tuổi mỗi ngày khoảng 1 lít. Lượng nước có thể tăng hoặc giảm tùy theo nhu cầu và cân nặng của trẻ.
2.2. Tăng cường bổ sung các thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa
Song song với việc uống đủ nước, bố mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các loại thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa, ví dụ như:
- Ngũ cốc nguyên hạt: Nnhững loại ngũ cốc nguyên hạt với thành phần tinh bột và đạm cao vừa bổ sung dinh dưỡng cho trẻ vừa giúp hỗ trợ đường tiêu hóa hoạt động.
- Rau xanh: Các loại rau xanh (ví dụ như rau cải, rau ngót, rau mồng tơi, rau đay, súp lơ) là nguồn chất xơ dồi dào giúp cải thiện hiệu quả tình trạng táo bón ở trẻ 3 tuổi.
- Trái cây như cam, bưởi, đu đủ, chuối, bơ, ... chứa rất nhiều chất xơ cùng các loại vitamin và khoáng chất. Trái cây có thể cắt thành từng miếng nhỏ cho trẻ cầm hoặc xay nhuyễn thành sinh tố uống mỗi ngày.
- Sữa chua mang lại nguồn lợi khuẩn dồi dào cho đường ruột sẽ giúp cải thiện tình trạng trẻ 3 tuổi bị táo bón.
2.3. Cho trẻ tăng cường vận động
Cho trẻ tăng cường vận động bằng cách tham gia các hoạt động thể thao, tập các bài tập thể dục nhất là phần cơ bụng sẽ giúp cho ruột co bóp tốt hơn, việc đi đại tiện của trẻ cũng dễ dàng hơn.
2.4. Tạo thói quen đại tiện đúng giờ
Bố mẹ nên hình thành cho trẻ thói quen đại tiện đúng giờ. Nên chọn thời điểm đại tiện lúc nào trẻ không vội vã, thường ngay sau bữa ăn sáng khoảng 30 phút đến 1 giờ vì nhu động ruột lúc này đang tăng hoạt động. Thời gian đi đại tiện khoảng 3 – 5 phút.
2.5. Tắm nước ấm cho trẻ 3 tuổi bị táo bón
Trẻ 3 tuổi bị táo bón kéo dài nên được tắm nước ấm để giúp phân mềm hơn, giãn cơ vòng hậu môn, kích thích trẻ đi đại tiện nhanh chóng. Tuy nhiên không nên để trẻ tắm hoặc ngâm nước quá lâu sẽ khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập.
2.6. Massage bụng cho trẻ nhẹ nhàng
Các động tác massage bụng nhẹ nhàng giúp điều hòa nhu động ruột, hạn chế tình trạng phân bị tồn đọng trong đường ruột quá lâu. Bố mẹ có thể kích thích nhu động ruột bằng cách xoa bụng theo chiều kim đồng hồ từ 3 – 4 lần một ngày, mỗi lần khoảng 5 phút, vào giữa 2 bữa ăn, có thể ấn sâu vào phần bụng phía dưới bên trái.
2.7. Sử dụng men vi sinh cho trẻ 3 tuổi bị táo bón
Bên cạnh việc mỗi ngày cho trẻ uống đủ nước và thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt một cách khoa học, bố mẹ cũng có thể cân nhắc sử dụng các sản phẩm hỗ trợ cho hệ tiêu hóa như men vi sinh. Men vi sinh là một dạng chế phẩm sinh học có chứa rất nhiều lợi khuẩn giúp cho hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động hiệu quả hơn. Cụ thể, bào tử lợi khuẩn sẽ đào thải các vi khuẩn có hại, hỗ trợ cân bằng hệ vi sinh đường ruột, tăng nồng độ enzyme giúp cho tiêu hóa thức ăn triệt để hơn. Đồng thời, lợi khuẩn bám vào phân làm tăng độ nhớt khiến phân xốp, mềm và mịn, ruột cũng tăng nhu động nên dễ đẩy phân ra ngoài.
3. Một số lưu ý khi điều trị táo bón cho trẻ 3 tuổi
Khi điều trị táo bón cho trẻ 3 tuổi, các bậc phụ huynh cần phải lưu ý một số vấn đề quan trọng sau đây:
- Khi bé đang bị táo bón, nên hạn chế cho trẻ ăn thịt đỏ, socola, các loại nước uống có gas, ăn ít tinh bột, vì các loại thực phẩm này sẽ làm cho tình trạng táo bón của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn.
- Không nên tự ý cho trẻ uống thuốc nhuận tràng hoặc thụt tháo cho trẻ khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
- Không được lạm dụng thụt tháo để giải quyết tình trạng táo bón của trẻ vì có thể gây giãn đại tràng sigma và trực tràng, làm trẻ mất phản xạ đại tiện tự nhiên và hình thành thói quen nếu không thụt tháo trẻ sẽ không tự đi đại tiện được.
- Đối với trẻ táo bón nặng, nếu có các dấu hiệu sau thì nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay: tình trạng táo bón kéo dài hơn một tuần mà không cải thiện với việc thay đổi chế độ ăn; ngay từ khi trẻ mới sinh đã có triệu chứng táo bón và chướng bụng; táo bón làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như trẻ ăn kém, gầy sút, nôn ói, suy dinh dưỡng,...
Tóm lại, táo bón là tình trạng thường gặp ở trẻ bước vào độ tuổi ăn dặm do chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp, mắc một số bệnh lý hoặc thiếu vi chất dinh dưỡng... Do đó, cha mẹ cần có một thực đơn ăn uống phù hợp với từng giai đoạn phát triển của con, cho trẻ vận động hợp lý để tăng nhu động ruột.
Bên cạnh đó, bé cần bổ sung thêm các vi chất cần thiết: Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao cũng như cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
- Trẻ táo bón kéo dài, điều trị nhiều nơi không đỡ phải làm sao?
- Trẻ 10 ngày mới đi nặng có phải phình đại tràng bẩm sinh không?
- Thế nào là suy dinh dưỡng?