Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Anh Việt - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Liệt mặt thần kinh hay còn có tên gọi khác liệt dây thần kinh VII ngoại biên là tình trạng người bệnh bị mất vận động hoàn toàn hay một phần của các cơ nửa mặt. Nguyên nhân gây ra liệt mặt thần kinh là do dây thần kinh mặt bị tổn thương. Hiện nay để phát hiện và chẩn đoán tổn thương dây thần kinh mặt, bác sỹ có thể cho chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT). Vậy Liệt mặt thần kinh nên chụp MRI hay CT?
1. Liệt mặt thần kinh là gì? Nguyên nhân gây liệt mặt thần kinh
Dây thần kinh số VII là dây vận động và có chức năng chi phối các vận động cơ mặt và vùng cổ. Liệt mặt chính là do bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên, trong dân gian còn gọi liệt mặt là bệnh trúng gió.
2. Nguyên nhân gây liệt mặt thần kinh
Do dây thần kinh bị tổn thương khi mạch máu nuôi dây thần kinh bị co thắt làm thiếu máu cục bộ và phù, chèn ép lên dây thần kinh. Tình trạng liệt thường là tự phát có liên quan đến yếu tố lạnh.
Dây thần kinh mặt có đường đi phức tạp, đi từ hệ thống thần kinh trung ương qua xương thái dương và tuyến mang tai, trước khi đảm bảo phân bố thần kinh cho các cơ ở vùng mặt.
Liệt mặt còn có thể liên quan đến sự tấn công của virus lên dây thần kinh mặt làm cho dây mặt bị viêm.
Ngoài ra còn các nguyên nhân khác như bệnh nhân bị viêm hay nhiễm khuẩn dây mặt, chấn thương, có bệnh lý mạch máu não, có khối u ở đầu hay cổ, đột quỵ, tai biến trong can thiệp y khoa, chấn thương,...
3. Dấu hiệu bị liệt mặt thần kinh
Bệnh nhân sẽ có những dấu hiệu thường gặp như sau:
- Mặt bị xệ hoặc hơi cứng một cách bất thường.
- Miệng méo, lệch hẳn sang một bên.
- Một bên mắt không thể nhắm kín.
- Uống nước khó khăn, thường bị trào ra ngoài.
- Mặt cảm giác bị tê và một bên mặt yếu hẳn đi.
- Khó cười, khó nói.
- Đau nhức trong tai, đau nhức đầu.
- Vị giác kém.
- Nước mắt và nước miếng tiết ra nhiều hơn bình thường.
4. Liệt mặt thần kinh nên chụp MRI hay CT?
Cộng hưởng từ hay chụp cắt lớp vi tính đều là kỹ thuật được áp dụng trong y khoa dùng để chụp, thu lại hình ảnh nhằm giúp bác sỹ phát hiện, chẩn đoán hình ảnh của người bệnh. MRI hay CT khác nhau ở nguyên lý hoạt động
5. Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Chụp chụp cộng hưởng từ MRI là kỹ thuật chụp lại hình ảnh thông qua việc sử dụng sóng radio và sóng từ trường. Sóng từ trường và sóng radio sẽ tác động đến các nguyên tử hydrogen trong cơ thể khiến các nguyên tử này hấp thu và phóng thích ra năng lượng RF. Máy sẽ thu nhận, xử lý và chuyển đổi các tín hiệu thu được trong quá trình phóng thích RF thành các hình ảnh hiển thị trên màn hình.
Ưu điểm điểm của kỹ thuật chụp cộng hưởng từ :
Hình ảnh thu được có độ sắc nét, độ tương phản và rõ ràng cao, cùng với đó là các chi chi tiết giải phẫu tốt, thậm chí có thể tái tạo hình ảnh 3D để quan sát được thực tế hơn.
Trong nhiều trường hợp cần chẩn đoán bệnh lý, chụp cộng hưởng từ MRI đem lại hiệu quả chẩn đoán tốt hơn nhiều so với kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính CT.
6. Chụp cắt lớp vi tính (CT)
Máy chụp cắt lớp được cải tiến, phát triển lên nhiều dòng để đáp ứng nhu cầu chẩn đoán, phát hiện bệnh. CT hiện nay được ứng dụng rộng rãi trong lâm sàng, được áp dụng cho tất cả các bộ phận trong cơ thể, thời gian chụp nhanh hơn và chất lượng hình ảnh cao hơn.
Ưu điểm của chụp cắt lớp vi tính với bệnh liệt mặt thần kinh:
- Hình ảnh trả rõ nét do không có hình tượng nhiều hình chồng lên nhau
- Khả năng phân giải những hình ảnh mô mềm cao hơn nhiều so với X quang.
- Thời gian chụp nhanh.
Kỹ thuật dùng tia X, nên có thể dùng để chụp cho những bệnh nhân có chống chỉ định chụp cộng hưởng từ (bệnh nhân đang được đặt máy tạo nhịp, trong cơ thể có đặt van tim kim loại, sử dụng máy trợ thính cố định, di vật kim loại...)
Tuy nhiên chụp cắt lớp vi tính CT cũng có những hạn chế hơn so với sử dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ khi chẩn đoán với bệnh nhân bị liệt mặt dây thần kinh như:
- Do khả năng đâm xuyên mạnh của tia X nên CT khó phát hiện các tổn thương phần mềm hơn khi dùng MRI.
- Những cơ quan và tổn thương có cùng đậm độ thì khó phát hiện và khó phân biệt trên CT.
- Độ phân giải hình ảnh của CT thấp hơn MRI, nhất là các cấu trúc mô mềm, vì vậy CT khó phát hiện các tổn thương có kích thước nhỏ.
- CT là kỹ thuật dùng tia X và gây nhiễm xạ. Mức độ nhiễm xạ mỗi lần chụp đều nằm trong giới hạn cho phép.
Chụp cộng hưởng từ hay chụp cắt lớp đều có thể áp dụng khi chẩn đoán bệnh liệt mặt, tùy theo bệnh cảnh lâm sàng mà bác sỹ quyết định. Vì vậy bác sỹ có thể chỉ định:
- Chụp cắt lớp – nếu bệnh nhân bị liệt mặt liên quan đến chấn thương, viêm tai...
- Chụp cộng hưởng từ nếu bác sỹ thấy cần đánh giá tình trạng dây mặt và não của bệnh nhân
- Tại sao môi bạn bị sưng khi vừa thức dậy?
- Phẫu thuật ghép dây thần kinh số 7
- Liệt dây thần kinh số 7 sau khi khi châm cứu và xoa bóp, nửa mặt bị co cứng và không thể súc miệng có sao không?