Mục lục
Lăn kim là một phương pháp điều trị làm săn chắc da không phẫu thuật được sử dụng cho một số bệnh da phổ biến, chẳng hạn như các vấn đề về sắc tố, nếp nhăn, sẹo mụn, da chảy xệ, và thậm chí cả những vết rạn da khó chịu. Đây là một can thiệp thẩm mỹ trên da chuyên sâu, cần thực hiện tại các cơ sở thẩm mỹ uy tín bởi các bác sĩ da liễu lành nghề.
1. Lăn kim là gì?
Lăn kim là một dạng liệu pháp cảm ứng collagen, bằng cách sử dụng các đầu kim siêu nhỏ để tạo các lỗ siêu nhỏ vào da nhằm thúc đẩy sự phát triển của collagen và tái tạo tính năng đàn hồi cho làn da. Đây là một phương pháp điều trị khu trú vì chỉ một phần nhỏ của da được tác động trong một thời điểm thực hiện. Theo đó, một thiết bị cầm tay để lăn da có hàng trăm đầu kim siêu nhỏ, thường là kim bằng thép không gỉ hoặc kim gốm, nhẹ nhàng tạo ra các lỗ nhỏ trên da khi nó đi qua lại nhằm tạo ra các vùng chấn thương nhỏ kích hoạt cơ chế chữa lành bên trong cơ thể. Vì vậy, những vết thủng này nhanh chóng lành lại, khuyến khích sự sản sinh tự nhiên của collagen và elastin mới bên dưới da để tạo ra một làn da sáng hơn và kết cấu mịn màng hơn.
Mặc dù thuật ngữ “lăn kim” ban đầu có vẻ hơi đáng sợ đối với những người hay tiếp xúc với các vật sắc nhọn, quá trình này diễn ra nhanh chóng, đơn giản và tương đối không đau - với một số bệnh nhân thậm chí còn khẳng định rằng họ thực sự đã ngủ quên trong quá trình điều trị. Do đó, nhìn chung, lăn kim là một thủ thuật an toàn, đơn giản, ít xâm lấn và điều trị hiệu quả một loạt các tình trạng trên da, từ mụn trứng cá đến rạn da và trẻ hóa da. Ngoài ra, ở các bệnh nhân quá nhạy cảm, thuốc gây tê tại chỗ được sử dụng trước khi lăn kim để giúp bệnh nhân thoải mái và giảm thiểu cảm giác khó chịu này.
Thông thường, các biến chứng lăn kim thực sự rất hiếm và nhẹ khi so sánh với các thủ thuật thẩm mỹ khác, chỉ xảy ra trong các trường hợp được thực hiện trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh hoặc không được chăm sóc sau điều trị đúng cách. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải luôn đảm bảo rằng bất kỳ phương pháp điều trị hoặc thủ thuật nào cũng nên được thực hiện bởi chuyên viên da liễu có kinh nghiệm, tại những cơ sở uy tín, đáng tin cậy và người thực hiện cần luôn tuân thủ các hướng dẫn sau điều trị.
2. Lăn kim có trị được rạn da không?
“Lăn kim có trị được rạn da không?” là băn khoăn của nhiều chị em phụ nữ trước khi lựa chọn phương pháp thẩm mỹ này. Câu trả lời là lăn kim trị rạn da vì tái tạo làn da bị rạn nứt là một trong những mục tiêu điều trị của lăn kim.
Theo đó, tương tự như các cách thức làm trẻ hóa da, lăn kim trị rạn da bằng cách sử dụng các đầu kim siêu nhỏ để tạo ra các lỗ nhỏ trên lớp trên cùng của da và xuyên qua lớp hạ bì. Các vết thương do cơ chế làm tổn thương da chủ động và kích hoạt phản ứng tự nhiên của cơ thể là tạo ra nhiều collagen và elastin để chữa lành vết thương được gây ra trên vùng da rạn. Do đó, kết quả nhận được khi thực hiện lăn kim dễ trị rạn da là sự cải thiện về kết cấu và độ săn chắc, đồng thời giảm sẹo, thu nhỏ và làm mờ đi vết rạn da.
Như vậy, quá trình chữa lành tự nhiên của da khi dùng lăn kim trị rạn da sẽ diễn ra theo ba giai đoạn:
Viêm - Khi da bị đâm, tổn thương trên da sẽ kích hoạt phản ứng từ hệ thống miễn dịch để khử trùng vết thương một cách tự nhiên, loại bỏ các mảnh vụn, tăng lưu lượng máu và tạo mô mới.
Tăng sinh - Vết thương bắt đầu tự xây dựng lại với các tế bào mới, collagen và elastin tạm thời, cũng như một mạng lưới mạch máu mới.
Tái tạo - Collagen được sản xuất trong giai đoạn tạm thời sẽ được thay thế bằng collagen mới, thậm chí còn mạnh hơn, cho phép da co lại và tạo ra hiệu ứng căng da.
Vì các vết rạn da gây ra sự gián đoạn trong quá trình sản xuất collagen tự nhiên, lăn kim sẽ không chỉ giúp khởi động lại quá trình sản xuất đó mà việc kích thích sản xuất elastin và collagen vượt trội còn sẽ giúp chữa lành các mô liên kết bị tổn thương ở lớp hạ bì, nguồn gốc tạo ra các vết rạn da. Hơn nữa, chính quy trình lăn kim cũng rất tốt cho các vết rạn da sâu vì thủ thuật này có thể tạo ra sự thâm nhập vào da đủ sâu để tạo ra phản ứng trong cùng, nơi tạo ra các lớp rạn da thực sự thay vì chỉ tác động trên bề mặt như các phương pháp trị rạn da khác.
Để trị rạn da bằng lăn kim, kỹ thuật viên sẽ nhẹ nhàng di chuyển dụng cụ lăn bằng tay trên khắp vùng da có vết rạn bằng các đầu kim siêu nhỏ để tạo ra các vết thương siêu nhỏ. Thời gian điều trị sẽ phụ thuộc vào số lượng và kích thước của các khu vực được điều trị. Trung bình, một buổi có thể mất khoảng 30 phút để thực hiện, với khoảng từ 3 đến 6 lần điều trị trong khoảng thời gian từ 4 đến 6 tháng dựa trên mức độ nghiêm trọng của vết rạn da.
3. Các hướng dẫn chăm sóc da sau lăn kim
Lăn kim mang lại những lợi ích trị rạn da đáng kinh ngạc trong việc hồi phục một làn da tươi trẻ. Tuy nhiên, giống như bất kỳ quy trình chăm sóc da nào, có những hướng dẫn chăm sóc sau thủ thuật quan trọng cần tuân thủ theo để nhận được hiệu quả tối đa liệu trình chăm sóc da của mình:
Vì lăn kim tạo ra các vết thương nhỏ trên da, bệnh nhân không thể trở lại thói quen chăm sóc da bình thường ngay lập tức. Trên thực tế, ngay sau khi điều trị, làn da sẽ trông như thể bị cháy nắng nhẹ đến trung bình và da có thể cảm thấy ấm và căng hơn bình thường. Hãy nhớ rằng những tác động này là bình thường và chúng thường giảm dần trong vài giờ sau khi điều trị, nhưng có thể mất đến 24-48 giờ để giải quyết hoàn toàn.
Vì vậy, chỉ nên làm sạch vùng da lăn kim trị rạn da bằng cách sử dụng chất tẩy rửa nhẹ nhàng và nước ấm trong 72 giờ sau đó và nhẹ nhàng lau khô. Luôn đảm bảo tay luôn sạch sẽ khi chạm vào vùng điều trị và không can thiệp bằng các dụng cụ như bàn chải làm sạch trong ít nhất một tuần sau khi điều trị vì sẽ làm tổn thương da thêm.
Bên cạnh đó, bác sĩ khuyên nên bổ sung các chất chống oxy hóa trong huyết thanh cũng như kem dưỡng ẩm, nhằm đảm bảo điều kiện phục hồi tốt nhất cho da, đồng thời cũng là môi trường lý tưởng để giúp chữa lành da bằng cách làm dịu và giảm kích ứng.
Ngoài da, vùng da trị rạn da bằng lăn kim cũng không nên trang điểm trong vòng 24 đến 72 giờ sau khi làm thủ thuật, đặc biệt nếu cọ không sạch, hay bôi các sản phẩm chăm sóc da nào khác ngoài trừ kem chống nắng khi ra ngoài trời. Tuy nhiên, loại kem chống nắng được chọn là loại không chứa hóa chất có thể hấp thụ vào da và nên tiếp tục sử dụng kem chống nắng hàng ngày - không chỉ những ngày sau lăn kim trị rạn da – mà như một phần của quy trình chăm sóc da để bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời và lão hóa sớm, giúp xóa mờ rạn da tối đa. Tương tự như vậy, việc sử dụng giường tắm nắng cũng cần nên tránh.
Hơn nữa, vì các tổn thương trên da sau khi lăn kim, người thực hiện không đi bơi trong ít nhất 72 giờ sau khi điều trị cũng như không tập thể dục hoặc tham gia các hoạt động gắng sức. Nguyên nhân là vì môi trường đổ mồ hôi và phòng tập thể dục nói chung là có hại và chứa đầy vi khuẩn, có thể gây ra các phản ứng bất lợi trên da đang tích cực hồi phục.
Tóm lại, lăn kim là một thủ thuật thẩm mỹ can thiệp tối thiểu, có thể được sử dụng trên các vùng khác nhau của cơ thể để loại bỏ các dấu hiệu của vết rạn da. Kết quả khả quan do lăn kim trị rạn da đem lại là bằng cách thúc đẩy tăng trưởng collagen và elastin và tái tạo tế bào da, nâng cao vẻ ngoài tổng thể của da. Tuy nhiên, người thực hiện cần chú ý các biện pháp bảo vệ da sau lăn kim, tránh các tác nhân gây hại cho vùng da đang hồi phục nhằm mau chóng đạt được làn da căng mịn, xóa tan các vết rạn da như mong muốn.
- Cách chăm sóc da sau lăn kim
- Nổi mẩn đỏ, ngứa rát sau khi lăn kim phải làm sao?
- Cách chữa da bị nhiễm corticoid