Mục lục
Bước vào giai đoạn ăn dặm, trẻ bắt đầu làm quen với các thực phẩm mới. Nhưng do hệ tiêu hóa còn non yếu, bé dễ gặp các vấn đề khi hấp thụ thức ăn, trong đó có táo bón. Điều phụ huynh cần làm là tìm hiểu nguyên nhân bé ăn dặm bị táo bón và cách ăn dặm như thế nào để con khỏe mạnh.
1. Tình trạng bé ăn dặm bị táo bón
Khi được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, hệ tiêu hóa của bé không cần phải hoạt động nhiều bởi sữa mẹ chứa đầy đủ dinh dưỡng, loãng và dễ hấp thu. Tuy nhiên khi sang thời kỳ ăn dặm, trẻ phải sử dụng những thực phẩm khác hoàn toàn sữa mẹ nên khiến hệ tiêu hóa không kịp thích ứng. Do không tiết đủ enzyme, thức ăn được tiêu hóa kém hơn. Thêm vào đó, các món ăn dặm đều đặc hơn sữa mẹ khiến trẻ dễ mắc phải tình trạng táo bón.
Phân của bé trong thời kỳ ăn dặm cũng sẽ khác so với giai đoạn bú mẹ, thường theo khuôn, sẫm màu và mùi nặng hơn. Đây là hiện tượng bình thường, chỉ khi gặp những dấu hiệu sau thì rất có thể bé ăn dặm bị táo bón:
- Trẻ gặp tình trạng chướng bụng
- Buồn đi ngoài nhưng không đi được
- Con phải rặn nhiều khi đi cầu
- Hình thái phân rất khô, rắn và nhỏ...
Phụ huynh có thể lưu ý đến các biểu hiện trên để kịp thời phát hiện tình trạng bất thường của con và có hướng xử trí phù hợp.
2. Nguyên nhân bé ăn dặm bị táo bón
Phần lớn nguyên nhân bé ăn dặm bị táo bón đến từ những sai lầm của phụ huynh khi lên thực đơn cho con, cụ thể như sau:
Bắt đầu ăn dặm quá sớm
Thời điểm tốt nhất để cho bé ăn dặm thường là vào cuối tháng thứ 6, song nhiều mẹ lại nôn nóng cho con tiếp xúc với đồ ăn sớm từ tháng thứ 4. Lúc này, hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện nên không tiêu hóa được hết các loại thực phẩm, dẫn đến tích tụ thức ăn và gây táo bón.
Cung cấp ít sữa mẹ
Khi mới bắt đầu giai đoạn ăn dặm, thức ăn chỉ là nguồn năng lượng bổ sung, còn sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của bé. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mẹ nên tiếp tục cho trẻ bú sữa ít nhất 1 năm đầu đời và có thể kéo dài hơn nếu bé muốn. Việc ngừng cho trẻ bú sữa trong thời kỳ ăn dặm có thể dẫn đến tình trạng táo bón, do sữa mẹ không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn cung cấp nước và các enzyme cần thiết để tiêu hóa thức ăn.
Cho con dùng sữa/ bột/ cháo quá đặc
Nhiều phụ huynh còn thấy con không tăng cân như mong muốn, lo lắng con bị thiếu chất nên đã tự ý kết hợp nhiều loại sữa hoặc cho thêm một muỗng sữa vào bột/ cháo của con để có nhiều chất. Hậu quả con không hấp thụ hết được, dẫn đến thừa dinh dưỡng. Cũng có trường hợp mẹ cố tình nấu bột đặc, pha sữa ít nước cho con với ý tốt, trái lại khiến bé ăn dặm bị táo bón, chán và sợ ăn.
Trẻ bị thiếu nước
Nước là nhân tố thiết yếu của cơ thể người lớn lẫn trẻ nhỏ. Trước đây trẻ chỉ bú sữa mẹ hoàn toàn, nhưng trong thời kỳ ăn dặm mẹ cũng cần lưu ý bổ sung thêm nước cho con. Nước giúp thức ăn loãng, hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Tình trạng phân khô cứng và khó đẩy ra ngoài cũng bởi vì bé bị thiếu nước và chất xơ.
3. Cho trẻ ăn dặm như thế nào để khắc phục tình trạng táo bón
Khi bạn có con gặp phải tình trạng này, chắc hẳn bạn sẽ lo lắng và tìm hiểu về cách cho trẻ ăn dặm như thế nào để khắc phục tình trạng táo bón. Dưới đây là một số gợi ý dành cho bạn khi trẻ ăn dặm bị táo bón.
3.1. Thay đổi thực đơn
Đối với những món ăn dặm của con, bạn nên chế biến lỏng và mềm, không cho bé dùng các thức ăn rắn, khô và khó tiêu. Một số loại thức ăn quen thuộc với người Việt như bông cải, cà rốt, ngũ cốc, gạo... thực ra lại khá cứng, có thể khiến con khó đi ngoài, phân khô. Mẹ có thể thay thế những thực phẩm giàu chất xơ như lê, ngũ cốc lúa mạch, yến mạch,... vào thực đơn của trẻ.
Cháo loãng và sữa công thức pha đúng tỉ lệ cũng là những món giúp hệ tiêu hóa của con dễ dàng làm quen với các loại thực phẩm mới. Tuy nhiên không cần phải ép bé ăn quá nhiều, mà phải phù hợp với nhu cầu cá nhân của con.
Khi con đã quen dần với các loại thức ăn dặm, bạn có thể dùng thêm rau lá xanh, củ quả xay nhuyễn, các loại hải sản phù hợp, trứng,... Độ đặc của thức ăn được tăng dần dần theo từng tháng. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên bổ sung thêm sữa chua nhằm tăng lợi khuẩn đường ruột, thêm các loại enzyme tiêu hóa như amylase, protease,... giúp con tiêu hóa tốt hơn, tránh tình trạng bé 6 tháng, bé 7 tháng ăn dặm bị táo bón.
3.2. Cung cấp nước đầy đủ
Nước đóng vai trò chính yếu trong việc bài tiết ở đại tràng. Do đó, mỗi ngày mẹ nên bổ sung thêm cho trẻ nước khoáng, nước ép trái cây tự nhiên như nước cam, nước bưởi (xay luôn cả tép cam, bưởi để tăng chất xơ). Nên ưu tiên chọn trái ngọt để không phải dùng thêm nhiều đường. Hạn chế dùng các loại đồ uống đóng chai sẵn.
Trẻ ăn dặm cũng cần kết hợp với bú sữa đều đặn trong ngày, ít nhất 600 ml sữa. Trong trường hợp con bú ít thì mẹ có thể lấy sữa bột làm sữa chua, khuấy chung với khoai tây nghiền và đút cho bé ăn bằng muỗng. Không cho con cai sữa quá sớm, thay vào đó là để bé bú mẹ đến 24 tháng tuổi nếu có thể.
3.3. Cho trẻ vận động, massage cơ thể
Hoạt động thể chất giúp con tăng cường quá trình trao đổi chất và tiêu hóa. Vì vậy, mỗi ngày mẹ hãy luôn khuyến khích con vận động, vui chơi để bé khỏe mạnh và ăn uống tốt. Nếu con vẫn chưa biết bò hay đi, bạn có thể giúp con nằm đạp chân, vươn duỗi tay. Cho con chơi các loại đồ chơi di chuyển tự động, lăn tròn vừa kích thích sự tò mò, vừa làm tăng mức độ vận động của trẻ. Tập cho con thói quen đi vệ sinh đúng giờ cũng là một biện pháp tốt để phòng ngừa táo bón.
Ngoài ra, massage cũng là một phương pháp trị liệu tốt cho sức khỏe của trẻ nhỏ. Cách này không chỉ giúp con cảm thấy thư giãn và dễ chịu hơn, mà còn tăng tuần hoàn máu và nhu động ruột, nhờ đó trẻ có thể tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Phụ huynh nên học cách massage vùng bụng cho con mỗi ngày, khoảng 1 giờ sau ăn.
Tình trạng bé 6 tháng, bé 7 tháng ăn dặm bị táo bón xảy ra khá phổ biến, nhưng không vì vậy mà bố mẹ có thể chủ quan, tránh để kéo dài khiến con khó chịu. Để phòng tránh bé ăn dặm bị táo bón, phụ huynh cần hiểu đúng cho bé ăn dặm như thế nào là cân đối, lành mạnh, đủ chất và đủ nước. Bên cạnh đó, bé cần bổ sung thêm các vi chất cần thiết: Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Nếu táo bón vẫn không cải thiện sau khi đã áp dụng các biện pháp trên, bạn cần đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị sớm, tránh nguy cơ gặp phải biến chứng liên quan đến đường tiêu hóa.
- Hướng dẫn đầy đủ về ăn dặm theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia
- Trẻ ăn dặm bao nhiêu là đủ?
- Cho trẻ ăn dặm ngày mấy lần là đủ?