Mục lục
- 1. 1. Rửa tay sạch bằng xà phòng
- 2. 2. Dung dịch sát khuẩn tay nhanh
- 3. 3. Lau sạch các bề mặt
- 4. 4. Vệ sinh đồ chơi của trẻ
- 5. 5. Thay tã cẩn thận
- 6. 6. Ăn uống hợp vệ sinh
- 7. 7. Cọ rửa phòng tắm
- 8. 8. Giặt dẻ lau
- 9. 9. Vứt bàn chải đánh răng cũ
- 10. 10. Giữ khoảng cách
- 11. 11. Khăn giấy và khăn tay
- 12. 12. Đeo khẩu trang
- 13. 13. Hôn gió
- 14. 14. Tăng cường cho con bú
- 15. 15. Vắc xin
- 16. Đánh giá
Ngăn chặn vi khuẩn lây truyền trong gia đình khi có thành viên bị ốm là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe chung của cả nhà. Điều này có thể thực hiện bằng nhiều cách như sát khuẩn các bề mặt, rửa tay sạch sẽ, ăn uống hợp vệ sinh, v.v.
1. Rửa tay sạch bằng xà phòng
Theo CDC, nước rửa tay có tác dụng như một loại vắc xin có tác dụng ngăn chặn vi khuẩn. Sát khuẩn tay theo nguyên tắc 5 bước sau để đảm bảo đôi tay luôn sạch sẽ, hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn: Làm ướt tay bằng nước sạch, tạo bọt với xà phòng, chà tay, rửa sạch và lau khô. Thời gian tối thiểu cho mỗi lần rửa tay là 20 giây, tương đương với khoảng thời gian hát bài "chúc mừng sinh nhật" hai lần.
2. Dung dịch sát khuẩn tay nhanh
Khi xà phòng không phải là lựa chọn của bạn thì dung dịch sát khuẩn tay nhanh là gợi ý tiếp theo. Đặt lọ rửa tay quanh nhà, đặc biệt là trong phòng có thành viên bị ốm.
Bạn nên chọn loại dung dịch sát khuẩn tay có ít nhất 60% cồn. Những loại có nồng độ cồn dưới mức này không thể giết chết mà chỉ ngăn chặn vi khuẩn phát triển.
3. Lau sạch các bề mặt
Sát khuẩn tất cả các bề mặt trong nhà từ tay nắm cửa, tủ, đến mặt bàn, công tắc đèn. Mục tiêu của việc lau sạch các bề mặt không chỉ là loại bỏ vi trùng mà còn tiêu diệt chúng. Do đó, bạn nên chọn các loại chất tẩy rửa có ghi “chất khử trùng” và có số đăng ký EPA trên nhãn.
4. Vệ sinh đồ chơi của trẻ
Trẻ bị ốm là lúc bạn nên thu dọn và vệ sinh sạch sẽ tất cả các món đồ chơi dễ bị nhiễm khuẩn. Cho các loại đồ chơi cứng, không dùng pin và đồ điện tử vào máy rửa bát để khử trùng. Các loại đồ chơi bằng vải, bông cho vào máy giặt để làm sạch.
5. Thay tã cẩn thận
Thay tã cẩn thận cho trẻ giúp làm giảm nguy cơ lây lan vi trùng ra ngoài, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cả gia đình. Áp dụng các biện pháp sau để thay tã hợp vệ sinh, hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn:
- Không thay tã gần khu vực ăn uống và vui chơi trong nhà
- Khử trùng bàn thay đồ thường xuyên
- Đeo găng tay khi thay tã cho trẻ
- Không để tã bẩn bám xung quanh nhà
- Ném tã vào thùng rác ngay sau khi lấy được tã sạch để thay cho trẻ
- Rửa sạch tay sau mỗi lần thay tã
6. Ăn uống hợp vệ sinh
Nếu bạn bị ốm, hãy nhờ người thân nấu ăn. Trên thực tế, bạn không nên chuẩn bị bữa ăn cho mọi người trong 48 giờ sau khi các triệu chứng chấm dứt. Ngoài ra, bạn cũng đừng ăn hoặc uống chung để tránh lây bệnh cho người khác.
7. Cọ rửa phòng tắm
Nếu bạn đang mắc các bệnh lý dạ dày, cảm lạnh hoặc cúm thì cần làm sạch các bề mặt như bồn rửa, nhà vệ sinh và sàn nhà. Đây là những nơi có nhiều vi khuẩn bám vào và là nguồn bệnh lâu dài khiến bạn khó khỏi bệnh.
8. Giặt dẻ lau
Sau khi lau dọn các bề mặt, vi khuẩn vẫn có thể còn bám lại quanh miếng bọt biển hoặc miếng vải đã sử dụng. Do đó, bạn nên thường xuyên giặt giẻ lau bằng nước nóng hoặc sử dụng vải, khăn giấy khử trùng dùng một lần và vứt đi sau khi sử dụng xong.
9. Vứt bàn chải đánh răng cũ
Hầu hết các vi trùng chết khá nhanh khi bàn chải đánh răng khô. Tuy nhiên, việc chuyển sang bàn chải đánh răng mới sau khi khỏe lại là cách an toàn hơn để hạn chế nguy cơ tái mắc bệnh, đặc biệt là bệnh đường hô hấp. Không gian để bàn chải cũng rất quan trọng, không nên để bàn chải ở nơi có nhiều vi khuẩn.
10. Giữ khoảng cách
Để người ốm nghỉ ngơi trong căn phòng riêng biệt. Điều này vừa tạo không gian yên tĩnh, hỗ trợ quá trình phục hồi, vừa hạn chế lây lan vi khuẩn gây bệnh. Vì thời gian lây nhiễm là khác nhau giữa các bệnh, hãy hỏi bác sĩ về thời điểm bệnh không còn khả năng lây truyền.
11. Khăn giấy và khăn tay
Khăn giấy và khăn tay là những vật dụng chứa nhiều dịch tiết và vi khuẩn lây bệnh. Do đó, hãy đảm bảo không vứt khăn giấy đã qua sử dụng thành một đống, mà nên vứt chúng vào thùng rác hoặc xả xuống bồn cầu để vi khuẩn hoặc virus không còn sót lại.
12. Đeo khẩu trang
Một số bệnh như cảm cúm có khả năng lây lan ở khoảng cách xa hơn. Do đó, việc đeo khẩu trang che miệng người nhiễm bệnh là rất quan trọng khi bắt đầu có triệu chứng bệnh. Điều đó sẽ giúp ngăn chặn các cơn ho, hắt hơi, thở khò khè và lây lan vi khuẩn gây bệnh.
13. Hôn gió
Vi khuẩn có khả năng xâm nhập vào cơ thể qua một nụ hôn nhẹ, mặc dù nguy cơ này không cao bằng việc tiếp xúc trực tiếp với các bề mặt bị ô nhiễm. Hạn chế ôm hôn trong thời gian mắc bệnh sẽ giúp bảo vệ các thành viên khác trong gia đình bạn khỏi nguy cơ bị lây bệnh.
14. Tăng cường cho con bú
Bạn không cần phải ngừng cho con bú trong thời gian bạn hoặc trẻ mắc bệnh. Trên thực tế, sữa có chứa các kháng thể giúp bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm khuẩn.
15. Vắc xin
Vắc xin là cách tốt nhất để ngăn ngừa một số bệnh có khả năng lây truyền. Do đó, hãy luôn đảm bảo người thân trong gia đình được tiêm phòng đủ các loại vắc xin, đặc biệt là tiêm vắc xin cúm ngay khi có thuốc vào mỗi mùa thu.
Có rất nhiều phương pháp cần thực hiện để ngăn chặn vi khuẩn, tránh trường hợp lây nhiễm trong gia đình có người bị ốm. Hãy thực hiện các biện pháp kể trên để cả gia đình luôn có sức khỏe tốt.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Nguồn tham khảo: webmd.com
- Phác đồ điều trị cúm B
- Cách bảo vệ gia đình khỏi bệnh cúm trong đại dịch Covid-19
- Bị cúm khi mang bầu tuần thứ 8 có ảnh hưởng gì không?