Mục lục
- 1. 1. Sống với hiện tại là gì?
- 2. 2. Tại sao phải sống trong hiện tại?
- 3. 3. Phương pháp giúp bạn luôn sống trong hiện tại
- 3.1. 3.1. Sử dụng 5 giác quan để quan sát những thứ xung quanh
- 3.2. 3.2. Tập trung vào hơi thở sẽ giúp bạn sống trong thực tại
- 3.3. 3.3. Thực tập lòng biết ơn
- 3.4. 3.4. Luyện tập để sống trong thực tại như một thói quen
- 3.5. 3.5. Thực hành sống với hiện tại khi đang làm việc
- 3.6. 3.6. Thay đổi thói quen hằng ngày
- 4. Đánh giá
Trong cuộc sống hằng ngày, tâm trí chúng ta luôn hoạt động, chuyển từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác một cách liên tục. Vì vậy, việc sống với hiện tại sẽ giúp tâm trí ta dừng lại để tập trung hơn cho công việc, giảm bớt căng thẳng, lo âu, tận hưởng những khoảnh khắc của cuộc sống.
1. Sống với hiện tại là gì?
Sống trong hiện tại đơn giản có nghĩa là bạn đang tập trung, tham gia vào hiện tại và ngay bây giờ, không bị phân tâm bởi những việc khác. Sống với hiện tại còn gọi là chánh niệm (hay thiền chánh niệm), một cách rèn luyện bản thân nhận thức với những gì đang xảy ra.
Nghiên cứu cho thấy rằng thực hành chánh niệm rất hữu ích trong việc điều trị đau đớn, căng thẳng, lo lắng, tái phát trầm cảm, rối loạn ăn uống và có nhiều ích lợi khác cho sức khỏe.
2. Tại sao phải sống trong hiện tại?
Sống với hiện tại mang lại nhiều lợi ích cho bạn. Các lợi ích đó bao gồm:
- Tăng khả năng tập trung: 47% khoảng thời gian tâm trí chúng ta “lang thang”. Tuy nhiên, khi chúng ta học cách sống trong hiện tại nhiều hơn, thì sự phân tâm sẽ ít hơn, giúp tăng khả năng tập trung;
- Tăng khả năng ghi nhớ: Rèn luyện chánh niệm giúp cải thiện đáng kể hiệu suất làm bài và khả năng ghi nhớ làm việc, theo một nghiên cứu từ Đại học California, Santa Barbara;
- Kiểm soát căng thẳng dễ dàng hơn: Nhiều người trải qua những đau khổ bằng cách tránh né hoặc tìm ra những khoái lạc để mang lại sự nhẹ nhóm trong một thời gian ngắn. Thực tế là chúng ta không thể trốn tránh đau khổ, đồng thời tích tụ và gây ra căng thẳng (stress). Sống trong thực tại giúp nhận diện những đau khổ ngay thời điểm đó, giúp kiểm soát căng thẳng dễ dàng hơn;
- Giảm các triệu chứng về sức khỏe tinh thần: Theo nghiên cứu 2019 của Trusted Source, thực hành chánh niệm có thể giúp giảm các triệu chứng lo âu và trầm cảm. Sống trong hiện tại giúp bạn nhận ra những lo lắng và trầm cảm, để ngăn đưa chúng ta vào vòng xoáy của khổ đau;
- Cải thiện các mối quan hệ: Mọi người đều có lúc bị phân tâm, nhưng nếu xảy ra thường xuyên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ. Thay vì để tâm trí bạn lang thang, hãy thử tập trung vào trải nghiệm từng khoảnh khắc trong các mối quan hệ, điều này giúp bạn giải quyết các vấn đề xảy ra ở hai bên.
3. Phương pháp giúp bạn luôn sống trong hiện tại
Dưới đây là những phương pháp bạn có thể dễ dàng thực hành để sống trong thực tại.
3.1. Sử dụng 5 giác quan để quan sát những thứ xung quanh
5 giác quan để quan sát những thứ xung quanh bao gồm:
- Tận hưởng hương vị và hương thơm của trà hoặc cà phê buổi sáng;
- Tận hưởng sự mềm mại của chiếc áo bạn đang mặc;
- Lắng nghe âm thanh của tiếng nhạc, tiếng chim;
- Tận hưởng hơi ấm của nước khi tắm hoặc rửa tay;
- Ngắm nhìn bình minh, hoàng hôn.
Hãy tập quan sát những gì mà bạn nhìn thấy, cảm thấy, nghe thấy, nếm hoặc ngửi thấy.
3.2. Tập trung vào hơi thở sẽ giúp bạn sống trong thực tại
Hít thở sâu và các bài tập thở khác giúp bạn trở về kết nối với tâm trí và môi trường xung quanh. Điều này đặc biệt hữu ích khi bạn lái xe hoặc căng thẳng. Hít sâu, chậm và cảm nhận phổi phình xẹp, giữ và đếm đến 3, sau đó thở ra từ từ.
3.3. Thực tập lòng biết ơn
Thực hành biết ơn với những điều tích cực nhỏ nhặt như: Biết ơn vì được tận hưởng ánh sáng mặt trời, biết ơn vì được ngồi trong nhà, làm việc với internet, biết ơn vẫn còn được mắt thấy trời xanh, tai nghe chim hót...
3.4. Luyện tập để sống trong thực tại như một thói quen
Cần một khoảng thời gian để hình thành thói quen mới trước khi chánh niệm trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày. Đừng nản lòng nếu bạn không nhận thấy những thay đổi trong một sớm một chiều.
Nếu tâm trí đang vẩn vơ và bạn cứ sống trong quá khứ, hãy nhẹ nhàng đưa bản thân trở lại hiện tại - không phán xét hay tự nói về bản thân một cách tiêu cực. Quay về hiện tại sẽ đến dễ dàng hơn nếu có sự tập luyện thường xuyên.
3.5. Thực hành sống với hiện tại khi đang làm việc
Khi công việc quá tải, bạn có thể dừng và nhắm mắt lại, hít thở thật sâu hoặc dành một ít thời gian đi dạo để cảm nhận không khí trong lành. Điều này giúp bạn tỉnh táo hơn để tiếp tục công việc.
Sau khi bạn hoàn thành xong một nhiệm vụ, hãy dành một ít thời gian để nghỉ ngơi bằng cách tặng cho mình một lời khen, cảm ơn đồng nghiệp đã nhiệt tình giúp đỡ và hãy tận hưởng khoảnh khắc đó.
3.6. Thay đổi thói quen hằng ngày
Thay đổi thói quen hằng ngày bằng cách chơi một trò chơi, trồng một vài cây trong vườn, chuẩn bị một bữa ăn cùng nhau. Thậm chí, bạn cũng có thể tận hưởng thời gian bên nhau mà không cần làm bất cứ điều gì đặc biệt. Chỉ đơn giản là chia sẻ khoảnh khắc thư giãn với người thân yêu có thể giúp tăng cường kết nối của bạn với hiện tại và tăng cảm giác thư thái, bình tĩnh.
Mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống đều có ý nghĩa, cho dù bạn nhận thấy tầm quan trọng của hiện tại ngay lập tức hay một thời gian sau đó. Tận hưởng cuộc sống đang diễn ra, luôn sống trong hiện tại thay vì suy nghĩ về quá khứ hoặc lo lắng về tương lai, có thể cải thiện chất lượng cuộc sống và giúp bạn cảm thấy lạc quan hơn, sẵn sàng đối mặt với bất kỳ thử thách nào.
Nguồn tham khảo: healthline.com, webmd.com, mindful.org
- Tại sao thư giãn lại quan trọng?
- Các dưỡng chất cần cho hệ miễn dịch
- Chánh niệm & Thiền định đối với bệnh Hashimoto