Mục lục
Nghiến răng là một tình trạng thường gặp xảy ra khi ngủ, nhưng cũng có thể diễn ra khi bạn đang thức. Nếu chứng nghiến răng xảy ra thường xuyên với mức độ nghiêm trọng sẽ dẫn đến rối loạn hàm, đau đầu, răng bị hư hại và nhiều vấn đề khác. Vậy, làm sao để hết nghiến răng cả ngày lẫn đêm?
1. Đặc điểm của chứng nghiến răng
Tình trạng nghiến răng thường xảy ra khi ngủ nên hầu như mọi người đều không biết rằng mình đang nghiến răng. Tuy nhiên, các dấu hiệu như đau đầu âm ỉ, liên tục hoặc đau quai hàm khi bạn thức dậy là những triệu chứng đáng chú ý để nghĩ tới bệnh nghiến răng.
Nếu bạn nghi ngờ mình có thể đang mắc phải tình trạng này hãy trao đổi với nha sĩ. Bác sĩ sẽ kiểm tra răng miệng và phần hàm của bạn để tìm các dấu hiệu của nghiến răng, chẳng hạn như đau hàm và mòn quá mức trên răng của bạn.
1.1. Dấu hiệu của chứng nghiến răng
Các dấu hiệu nhận biết và triệu chứng của nghiến răng có thể bao gồm:
- Tiếng nghiến răng đủ lớn để đánh thức người ngủ cùng bạn
- Răng bị của bạn bị gãy, sứt mẻ hoặc lung lay.
- Mòn men răng.
- Đau hoặc ê buốt răng.
- Mỏi cơ hàm hoặc cơ co cứng, hàm bị khóa không thể mở hoặc đóng hoàn toàn được.
- Đau hoặc nhức xương hàm.
- Cảm giác đau giống như đau tai, mặc dù không có vấn đề với tai của bạn.
- Đau đầu âm ỉ từ vùng thái dương.
- Tổn thương bên trong má của bạn.
- Gián đoạn giấc ngủ
Hãy đến gặp nha sĩ nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào kể trên hoặc có những lo lắng khác về răng hoặc hàm của mình. Các bác sĩ không hoàn toàn hiểu được nguyên nhân gây ra hiện tượng nghiến răng, nhưng nó có thể là do sự kết hợp của các yếu tố thể chất, tâm lý và di truyền.
- Chứng nghiến răng khi thức có thể là do những cảm xúc như lo lắng, căng thẳng, tức giận hoặc thất vọng.
- Chứng nghiến răng khi ngủ có thể là một hoạt động nhai liên quan đến sự kích thích trong khi ngủ.
- Cũng có nhiều khả năng là do khớp cắn bất thường hoặc răng bị mất hoặc khấp khểnh. Nghiến răng cũng có thể do rối loạn giấc ngủ như ngưng thở khi ngủ.
1.2. Yếu tố làm gia tăng tình trạng nghiến răng
Các yếu tố làm tăng nguy cơ nghiến răng gồm có:
- Căng thẳng: Sự căng thẳng hoặc lo lắng quá mức có thể dẫn đến nghiến răng.
- Tuổi: Nghiến răng thường hay gặp ở trẻ nhỏ, và thường biến mất khi trưởng thành.
- Kiểu nhân cách: Người có tính cách hiếu chiến, thích cạnh tranh hoặc hiếu động có thể làm tăng nguy cơ bị nghiến răng.
- Thuốc và các chất khác: Tác dụng phụ không phổ biến của một số loại thuốc điều trị tâm thần, chẳng hạn như một số loại thuốc chống trầm cảm có thể gây nghiến răng. Hút thuốc lá, uống rượu và đồ uống có chứa caffeine, hoặc sử dụng thuốc kích thích có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng nghiến răng.
- Các thành viên trong gia đình bạn cũng bị chứng nghiến răng. Chứng nghiến răng khi ngủ có xu hướng xảy ra trong các gia đình. Nếu bạn bị chứng nghiến răng, các thành viên khác trong gia đình của bạn cũng có thể mắc chứng nghiến răng.
- Các rối loạn khác: Nghiến răng có thể liên quan tới một số rối loạn sức khỏe như là bệnh Parkinson, sa sút trí tuệ, trào ngược dạ dày thực quản, động kinh, kinh hãi ban đêm, các rối loạn liên quan đến giấc ngủ và rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).
Trong một số trường hợp, nghiến răng mãn tính có thể dẫn đến gãy răng, răng lung lay hoặc mất răng. Nghiến răng kinh niên có thể gây mòn răng. Khi những trường hợp này xảy ra, có thể cần phải làm cầu răng, mão răng, ống tủy, cấy ghép, làm răng giả bán phần, và thậm chí cả răng giả toàn bộ.
Nghiến răng nặng không chỉ làm hỏng răng, mất răng mà còn có thể ảnh hưởng đến xương hàm của bạn, thậm chí làm thay đổi diện mạo của khuôn mặt của bạn. Chính vì vậy cần có các cách để hết nghiến răng.
2. Các cách để hết nghiến răng cả ngày lẫn đêm
Sau thăm khám, tùy vào nguyên nhân gây nghiến răng, bác sĩ có thể đưa ra các phương pháp điều trị khác nhau. Bác sĩ nha khoa sẽ tư vấn giúp bạn lựa chọn giải pháp tốt nhất để chấm dứt tình trạng này.
2.1. Miếng dán và nẹp
Dụng cụ bảo vệ răng miệng là một loại nẹp khớp cắn hữu ích đối với chứng nghiến răng khi ngủ. Dụng cụ này sẽ đệm vào răng của bạn và ngăn chúng nghiến vào nhau khi bạn ngủ. Dụng cụ bảo vệ miệng có thể được đặt làm riêng tại phòng khám răng hoặc mua qua quầy (OTC) .
Nếu bạn bị nghiến răng khi ngủ mãn tính, các dụng cụ bảo vệ răng miệng được chế tạo riêng có thể giúp bảo vệ răng của bạn khỏi bị hư hại. Nó cũng có thể làm cho quai hàm của bạn được thả lỏng.
Dụng cụ bảo vệ răng miệng được chế tạo cho từng người, có nhiều mức độ dày khác nhau. Chúng được trang bị đặc biệt phù hợp với kích thước và hình dạng hàm của bạn. Chúng thường thoải mái hơn dụng cụ bảo vệ miệng được mua ở cửa hàng vì chúng được làm bằng chất liệu mềm hơn.
2.2. Niềng răng
Niềng răng là một thủ thuật nha khoa có thể được sử dụng để định hình lại hoặc làm phẳng bề mặt cắn của răng. Kỹ thuật này có thể hiệu quả nếu tình trạng nghiến răng của bạn là do răng mọc chen chúc, mọc lệch hoặc khấp khểnh.
Trong một số trường hợp, quy trình thứ hai được gọi là phẫu thuật tạo hình có thể được sử dụng để tạo hình răng. Nha sĩ của bạn có thể thực hiện một trong hai quy trình.
2.3. Botox
Trong một phân tích tổng hợp bốn nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng cho thấy việc tiêm độc tố botulinum (Botox) có thể giảm đau và giảm tần suất nghiến răng ở những người tham gia khỏe mạnh.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã tiến hành một nghiên cứu xác định rằng cần phải nghiên cứu thêm để xác nhận tính an toàn và hiệu quả của việc sử dụng Botox trong điều trị chứng nghiến răng.
Đối với phương pháp này, bác sĩ sẽ tiêm một lượng nhỏ Botox trực tiếp vào cơ cắn. Đây là một cơ lớn có chức năng di chuyển hàm của bạn. Botox sẽ không chữa khỏi bệnh nghiến răng, nhưng nó có thể giúp thư giãn cơ cắn. Làm như vậy có thể làm giảm chứng nghiến răng và các chứng đau đầu liên quan.
Mỗi mũi tiêm có tác dụng kéo dài từ ba đến bốn tháng, sau đó bạn sẽ cần phải tiêm thêm những mũi tiêm khác để duy trì tác dụng.
2.4. Phản hồi sinh học
Phản hồi sinh học (Biofeedback) là một kỹ thuật được thiết kế để giúp mọi người nhận thức và loại bỏ một hành vi. Nó có thể được sử dụng để giảm bớt chứng nghiến răng khi ngủ và thức.
Trong quá trình phản hồi sinh học, nhà trị liệu sẽ hướng dẫn bạn cách kiểm soát chuyển động của cơ hàm thông qua phản hồi thị giác, rung hoặc thính giác được tạo ra từ điện cơ.
Tuy nhiên nghiên cứu về hiệu quả của phản hồi sinh học trong điều trị bệnh nghiến răng còn hạn chế.
2.5. Kỹ thuật giảm căng thẳng
Đối với một số người, nghiến răng có thể được liên kết đến các vấn đề sức khỏe tâm thần như căng thẳng, trầm cảm và lo lắng. Nếu bạn đang bị nghiến răng, các kỹ thuật giảm căng thẳng có thể hữu ích trong một số trường hợp. Giảm căng thẳng cũng có lợi cho sức khỏe tổng thể của bạn, và đây là một phương pháp khắc phục ít rủi ro.
Dưới đây là một số kỹ thuật giảm căng thẳng bạn có thể áp dụng:
- Thiền: Thiền có thể giúp bạn giảm căng thẳng, lo lắng, giảm đau đớn và trầm cảm. Bạn hãy thử sử dụng một ứng dụng thiền hoặc tham gia một nhóm thiền. Có nhiều phương pháp thiền khác nhau, bạn hãy tìm ra loại thiền nào phù hợp nhất với bản thân.
- Yoga: Một nghiên cứu nhỏ thực hiện trên 20 người tham gia báo cáo giảm đáng kể chứng trầm cảm nhẹ đến trung bình sau khi tập yoga.
- Liệu pháp trò chuyện: Nói chuyện với nhà trị liệu, cố vấn hoặc bạn bè đáng tin cậy có thể giúp giảm lo lắng và căng thẳng. Nếu căng thẳng của bạn đang ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giúp giảm căng thẳng và lo lắng, nếu cần.
- Tập thể dục: Tập thể dục thể thao cũng làm giảm căng thẳng bằng cách sản xuất endorphin giúp bạn cảm thấy thoải mái. Nếu bạn mới tập thể dục, hãy bắt đầu một cách từ từ.
2.6. Bài tập cho cơ lưỡi và cơ hàm
Các bài tập cơ lưỡi và cơ hàm có thể giúp bạn thư giãn cơ hàm và cơ mặt, đồng thời duy trì sự liên kết phù hợp của các cơ với xương hàm. Bạn có thể thử những cách này ở nhà hoặc làm việc với chuyên gia vật lý trị liệu. Hãy thử các bài tập sau:
- Mở rộng miệng, đồng thời chạm lưỡi vào răng cửa, làm như vậy giúp hàm của bạn được thả lỏng.
- Nói to chữ cái “N”, khi đó răng trên và dưới không chạm vào nhau và giúp bạn tránh bị nghiến răng.
Bạn cũng có thể thử xoa bóp nhẹ nhàng quai hàm để thả lỏng các cơ, việc làm này có thể giúp bạn hết hoặc giảm nghiến răng.
Các cách hết nghiến răng khác gồm có:
- Hạn chế sử dụng thực phẩm và đồ uống có chứa caffeine như cola, sô cô la và cà phê.
- Hạn chế uống rượu.
- Không được cắn bút hoặc cắn bất cứ thứ gì không phải là thức ăn. Tránh nhai kẹo cao su vì điều này cho phép cơ hàm của bạn quen với việc nghiến răng hơn và khiến bạn có nhiều khả năng nghiến răng hơn.
- Rèn luyện bản thân không nghiến. Nếu bạn nhận thấy mình nghiến răng khi thức, hãy đặt đầu lưỡi giữa hai hàm răng. Cách làm này sẽ giúp cho cơ hàm của bạn được thư giãn.
- Thư giãn cơ hàm vào ban đêm bằng cách dùng khăn ấm áp vào má phía trước dái tai của bạn.
Nguồn tham khảo: webmd, healthline, mayoclinic
- Nghiến răng ở trẻ nhỏ có cần can thiệp?
- Các bước chải răng đúng cách
- Răng ố vàng là bệnh gì?