Mục lục
Bài viết của Thạc sĩ Nguyễn Thị Yến - Chuyên viên Âm ngữ trị liệu Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Time City
Không thể phủ nhận rằng, vui chơi có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển cả về thể chất, năng lực tư duy, các kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng xã hội, giải quyết vấn đề của trẻ. Có không ít các bậc phụ huynh cảm thấy khó khăn khi chơi cùng con, từ việc lựa chọn đồ chơi, lên ý tưởng chơi, đến việc hướng dẫn con chơi thế nào là phù hợp...Bài viết này cung cấp một số kiến thức về đặc điểm phát triển của trẻ 2 tuổi và gợi ý về hoạt động chơi cùng con ở nhà dành cho cha mẹ, giúp khuyến khích trẻ phát triển 1 cách tốt nhất.
1. Trẻ 2 tuổi phát triển như thế nào?
1.1 Về ngôn ngữ
- Trẻ hiểu được ít nhất 100 từ (chủ yếu là danh từ, động từ) và sử dụng được ít nhất 50 từ đơn.
- Trẻ thường xuyên bắt chước các từ mới và bắt đầu sử dụng các cụm 2 từ.
- Trẻ sử dụng cử chỉ và lời nói trong khi chơi.
- Trẻ nhận ra và xác định đúng được 3-5 bộ phận cơ thể khi được hỏi.
- Trẻ thích nghe kể chuyện và có thể lắng nghe được trong khoảng 5 phút.
- Trẻ nhận ra các hành động có trong sách, tranh ảnh.
- Trẻ có khả năng làm theo hướng dẫn gồm 2 bước có liên quan đến nhau. Ví dụ: “Nhặt đồ chơi và cất đi”.
- Trẻ sẽ bắt đầu sử dụng nhiều hơn các đại từ xưng hô như: Con, cháu, em,...
Tốc độ học nói và nói của mỗi trẻ em là khác nhau. Bé trai thường có xu hướng nói muộn hơn bé gái. Khi 2 tuổi, trẻ hiểu nhiều hơn những gì trẻ có thể nói được.
>>> Phát triển các giác quan của bé thông qua vui chơi
1.2 Về kỹ năng xã hội
- Trẻ phản hồi nhanh hơn khi có ai đó gọi tên trẻ, ví dụ: Quay đầu lại, cười, nói,...
- Trẻ quan tâm và có thể duy trì được giao tiếp mắt với người khác.
- Trẻ thích khám phá các môi trường khác nhau, ví dụ: Sân chơi mới và có thể tham gia chơi cùng trẻ khác.
- Trẻ biết nhìn theo hướng chỉ tay của người lớn.
- Trẻ quan sát và bắt chước hành động của người lớn và của trẻ khác lớn hơn.
Ở độ tuổi này, trẻ thường nghĩ rằng tất cả mọi thứ đều là của mình. Các khái niệm như: Chia sẻ, lần lượt chưa có nhiều ý nghĩa với trẻ. Do vậy, trẻ sẽ có xu hướng thể hiện một số hành vi thách thức khi không đạt được thứ mình muốn như: Ném đồ, khóc, ăn vạ,...
>>> 3 cách giúp trẻ nhỏ xây dựng kỹ năng ngôn ngữ và đọc viết
1.3 Về kỹ năng chơi
- Trẻ thích chơi các trò chơi tương tác xã hội, ví dụ: Thích được bế lên và xoay.
- Trẻ thích chơi với đồ chơi mới theo nhiều cách khác nhau.
- Trẻ thích chơi nhiều loại đồ chơi với nhiều kết cấu khác nhau như: Mềm, xù xì,...
- Trẻ thích chơi các đồ chơi nguyên nhân – hệ quả, đồ chơi âm nhạc.
- Trẻ thích ngồi để xem sách hoặc nghe kể chuyện.
- Trẻ bắt đầu thực hiện một số thao tác chơi giả vờ như: Ôm búp bê, cho ăn, cho ngủ.
>>> Trẻ 16-18 tháng và khả năng phát triển ngôn ngữ
1.4 Về nhận thức
- Trẻ biết tìm kiếm đồ vật khi bị giấu đi.
- Trẻ bắt đầu nhận biết và phân loại được các hình dạng và màu sắc.
- Trẻ nói hoặc hát vuốt đuôi theo bài hát hoặc câu chuyện, thơ.
- Trẻ biết tìm ghế hoặc hộp để đứng lên với lấy đồ vật ở trên vị trí cao.
>>> Phát triển kỹ năng vận động liên quan đến việc ăn uống của trẻ
2. Chiến lược chơi đùa cùng trẻ 2 tuổi
Để chơi hiệu quả cùng con, ngoài việc tìm và tổ chức trò chơi phù hợp, cha mẹ nên sử dụng một số chiến lược sau:
- Sử dụng cụm từ 2-3 từ đơn giản, nói rõ ràng.
- Lặp lại những gì trẻ nói và thêm thông tin vào đó. Ví dụ: Trẻ nói “xe đi”, bạn có thể nói “xe màu đỏ đi.”
- Lắng nghe, kiên nhẫn và ghi nhận tất cả nỗ lực giao tiếp của trẻ, kể cả khi trẻ nói không rõ ràng.
- Dạy từ mới và tạo cơ hội để trẻ sử dụng những từ mới đó trong giao tiếp hằng ngày. Đọc sách là một ý tưởng tuyệt vời giúp bạn dạy con học từ mới, ví dụ: gọi tên các đồ vật, hình ảnh, hành động có trong sách.
- Tận dụng mọi cơ hội giao tiếp và dạy con trong tất cả các hoạt động sinh hoạt hằng ngày.
>>> Kỹ năng vận động tinh là gì? Làm sao để phát triển sớm cho trẻ?
3. Gợi ý một số hoạt động chơi đơn giản cùng trẻ 2 tuổi
- Chơi ú òa: Bạn có thể đứng sau bàn ghế, rèm cửa hoặc dùng khăn che mặt của mình đi. Trong khi chơi, bạn hãy sử dụng giọng nói hào hứng để bình luận và đặt câu hỏi với trẻ như: “Ai đấy?”; “Con trốn ở đâu nhỉ?”; “Mẹ tìm thấy con rồi”.
- Chơi với rối tay: Bạn vẽ hình những khuôn mặt lên trên ngón tay hoặc sử dụng những con rối nhỏ để đeo lên ngón tay. Sau đó bạn có thể hát bài Finger Family hoặc giấu các ngón tay đi và hỏi con: “Ngón tay bố đâu con”; “Khuôn mặt của bạn này đang vui hay buồn nhỉ”; “Bạn mèo sẽ kêu thế nào con?”...
- Chơi xếp chồng các khối đồ chơi: Khi chơi, bạn dạy con nhận ra lượt chơi của mình và của người khác bằng cách nói “lượt của mẹ”, “lượt của con”. Đồng thời, bạn cũng có thể bình luận về hoạt động mà bạn và con đang thực hiện. Ví dụ: “mẹ xây nhà cao này”, “ôi không, mảnh ghép màu hồng đã rơi xuống mất rồi”,...
- Hát và đọc các bài đồng dao: Bạn có thể hướng dẫn con chơi một số trò chơi đơn giản như “Chi chi chành chành”, “Nhện giăng tơ”... Trong khi chơi, bạn dạy con sử dụng các cử chỉ như: Ấn tay, chỉ tay và học nói/ hát vuốt đuôi theo lời của bài hát, bài đồng dao.
- Chơi với các loài động vật: Bạn hãy dùng tranh ảnh, mô hình động vật hoặc các mảnh ghép để dạy con. Trong khi chơi, bạn hỏi con về tiếng kêu của động vật, ví dụ: “con bò sẽ kêu thế nào nhỉ?” hoặc giấu đồ chơi đi và khuyến khích con đi tìm chúng.
>>> Bí quyết nuôi dạy trẻ thông minh: Đọc!
- Chơi với bóng: Bạn có thể sáng tạo nhiều kiểu chơi bóng khác nhau tùy thuộc vào hứng thú và sở thích của con như: Lăn bóng, ném bóng, đá bóng, giấu bóng sau lưng,... Trong khi chơi, bạn hướng dẫn con bình luận về lượt chơi của mình (ví dụ: “Lượt con”, “lượt mẹ”) hoặc nói về những gì con đang làm với quả bóng (ví dụ: “Ném bóng”, “bóng đi lên”, “bóng đi xuống”,...).
- Chơi với bong bóng xà phòng: Hãy chơi chậm và đảm bảo con chú ý đến bạn trước khi bạn thổi bóng. Ở vài lượt chơi đầu tiên, bạn có thể nói “chuẩn bị...thổi” và thổi thật nhanh. Sau khi con đã quen và hứng thú với hoạt động, bạn hãy làm chậm và nói “chuẩn bị...” sau đó đợi con nói “thổi” hoặc “bóng” thì bạn mới thổi. Khi bóng bay lên, bạn có thể bình luận “nhiều bóng quá”, “bóp...bóng vỡ rồi”, “hết bóng rồi”,...
- Chơi với búp bê và gấu bông: Con bạn sẽ bắt chước chơi giả vờ với những đồ chơi này (ví dụ: Giả vờ cho búp bê ăn, cho búp bê ngủ,...). Trong khi chơi, hãy khuyến khích con tự mình thực hiện một số hoạt động chơi giả vờ. Ví dụ: Bạn nói “Gấu đói bụng quá” và chờ xem con có biết cho gấu ăn hay không, nếu con không biết, bạn hãy hướng dẫn con hoặc làm mẫu để con biết cách làm; nếu con làm được, hãy khen ngợi “ồ, con đã cho Gấu ăn rồi, Gấu cảm ơn bạn nhé.” Ngoài ra, bạn hãy khuyến khích con tưởng tượng vật này là vật kia (ví dụ: Tưởng tượng tờ giấy ăn là chăn đắp cho Gấu).
>>> Sách in hoặc sách điện tử: Loại nào tốt cho trẻ?
- Các hoạt động chơi giác quan: Tổ chức và hướng dẫn con chơi đồ chơi có nhiều kết cấu và chất liệu khác nhau như: Cát, gạo, nước, bông,... Trong khi chơi, bạn có thể dạy con cảm nhận về chất liệu như: Cứng, mềm, xù xì,... Chơi các hoạt động liên quan đến chuyển động như: Ngồi xích đu, ôm xoay người, lăn bóng trên bụng,...
- Đọc sách: Bạn lựa chọn những cuốn sách lật mở có nhiều chất liệu khác nhau. Khi đọc sách, bạn dạy con từ mới, dạy nhận biết màu sắc, hình dạng, thực hành đếm số, gọi tên đồ vật/ hình ảnh có trong sách.
- Chơi đoán tên đồ vật: Bạn để đồ chơi vào một cái thùng, sau đó hướng dẫn con tìm kiếm, cảm nhận và đoán tên đồ vật con đang cầm.
- Tạo ra album “Cuốn sách của con” trong đó dán hình ảnh của những người thân trong gia đình, hình ảnh đồ chơi, đồ dùng, hoạt động con yêu thích.
- Một số đồ chơi an toàn nên có cho trẻ 2 tuổi như: Ô tô đồ chơi, búp bê, gấu bông, mô hình động vật, bộ bát đĩa, ấm trà, bộ chơi cát, thả hình khối, một số nhạc cụ, bóng, bong bóng xà phòng,...
4. Những dấu hiệu cho thấy bạn nên lo ngại về khó khăn của con khi 2 tuổi
- Trẻ không sử dụng cử chỉ, điệu bộ.
- Trẻ không sử dụng cụm 2 từ trong khi giao tiếp.
- Trẻ không biết làm gì với những đồ dùng thông thường như: Điện thoại, thìa,...
- Trẻ không bắt chước hành động và lời nói của người khác.
- Trẻ không làm theo được các hướng dẫn đơn giản liên quan đến hoạt động sinh hoạt thường ngày.
- Trẻ bị mất dần các kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp, nhận thức,... đã từng có trước đó.
Song song với việc chơi cùng với trẻ thì để bảo vệ sức khỏe 1 cách toàn diện nhất, cha mẹ nên thực hiện tốt việc cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (nếu được) và tiêm vắc-xin đúng lịch.
Nguồn tham khảo: asha.org, childdevelopment.com.au
- Cách giao tiếp với con bạn trước khi bé biết nói
- Trẻ 16-18 tháng và khả năng phát triển ngôn ngữ
- Các dấu hiệu cảnh báo về sự chậm phát triển ngôn ngữ, giao tiếp