Mục lục
Việc xây dựng hệ xương chắc khoẻ ngay từ khi còn trẻ là tiền đề quan trọng giúp ngăn ngừa những vấn đề về xương sau này. Cha mẹ có thể thực hiện nhiều biện pháp giúp xương trẻ khỏe mạnh và linh hoạt hơn, chẳng hạn như tập thể dục hoặc ăn uống đúng cách.
1. Tổng quan về hệ xương người
Thông thường, hệ thống xương giúp hỗ trợ cơ thể và tạo điều kiện cho các chức năng vận động phối hợp với nhau nhịp nhàng hơn. Bên cạnh đó, một hệ thống xương chắc khoẻ cũng giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bộ não, tim và những cơ quan khác trong cơ thể con người khỏi những tác nhân gây tổn thương.
Xương là một mô sống phát triển liên tục, được cấu tạo chủ yếu bảo 2 vật liệu chính, bao gồm collagen (KOL-uh-juhn – một loại protein cung cấp khung mềm cho xương) và canxi (KAL-see-uhm – một khoáng chất giúp tăng thêm sức mạnh và độ cứng cho xương). Sự kết hợp của 2 chất này giúp cho xương chắc khoẻ và đảm bảo đủ độ linh hoạt để chống chọi với những tác động gây căng thẳng cho xương.
Hơn nữa, xương cũng giải phóng ra canxi và một số khoáng chất thiết yếu khác khi cơ thể chúng ta cần đến cho những mục đích nhất định.
2. Hệ xương người phát triển như thế nào?
Bạn hãy tưởng tượng hệ thống xương của mình như một “ngân hàng” – nơi bạn “gửi” và “rút” các mô xương. Trong thời thơ ấu và niên thiếu, các mô xương được bổ sung vào khung xương với tốc độ nhanh hơn so với những mô xương cũ bị phân huỷ. Điều này giúp cho xương trẻ em trở lên lớn hơn, đặc hơn và nặng hơn.
Đối với hầu hết mọi người, quá trình tạo xương sẽ tiếp tục diễn ra với tốc độ nhanh hơn so với quá trình phân huỷ xương cho đến khoảng sau 20 tuổi. Khi từ độ tuổi 30 trở đi, quá trình rút xương có thể bắt đầu diễn ra nhanh hơn. Nếu sự hình thành của các mô xương mới không bắt kịp sự phân huỷ của các mô xương cũ, khả năng cao bạn sẽ phải đối mặt với tình trạng loãng xương sớm khi tuổi tác ngày một cao.
Loãng xương có thể khiến cho xương trở nên yếu và dễ gãy. Những người bị loãng xương thường bị gãy xương chủ yếu ở cột sống, hông và cổ tay. Gãy xương ở những khu vực này có thể khiến người bệnh cảm thấy rất đau đớn và gặp nhiều khó khăn cho việc đi lại cũng như thực hiện các hoạt động hằng ngày.
3. Vì sao nên chăm sóc sức khỏe của xương ngay từ khi còn trẻ?
Nhiều người có quan niệm sai lầm rằng chỉ những người lớn tuổi mới phải lo lắng đến các vấn đề về xương khớp. Thực tế, xương trẻ em cũng cần được chú trọng và bảo vệ ngay từ đầu để tránh những nguy cơ như loãng xương hoặc gãy xương khi về già.
Xương trẻ em khi được chăm sóc đầy đủ trong thời thơ ấu và niên thiếu có thể tạo điều kiện tốt nhất cho khung xương phát triển toàn diện. Điều này cũng giúp xương có độ chắc khoẻ nhất định và linh hoạt hơn, góp phần làm chậm quá trình mất mật độ xương khi bước sang độ tuổi 30 trở đi.
4. Cha mẹ cần làm gì để xây dựng một hệ xương chắc khỏe cho trẻ?
Theo các chuyên gia, xây dựng một hệ xương chắc khỏe ngay trong thời thơ ấu là một khởi đầu tốt, giúp bảo vệ xương khỏi những nguy cơ bị tổn thương sau này. Cha mẹ có thể thực hiện theo một số cách sau đây nhằm giúp con có một hệ thống xương khớp khỏe mạnh, bao gồm:
Bổ sung cho trẻ những thực phẩm giàu canxi
Canxi là một loại khoáng chất có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng một hệ xương chắc khoẻ. Chúng ta có thể tìm thấy canxi chủ yếu trong các sản phẩm từ sữa, hạt, rau xanh lá và đậu. Ngoài ra, nó cũng có mặt trong một số thực phẩm khác như nước cam và ngũ cốc.
Để giúp trẻ bổ sung canxi đầy đủ cho xương và cơ thể, bạn nên khuyến khích con ăn những thực phẩm tăng cường canxi sau, cụ thể:
- Sữa: Bạn nên cho trẻ uống sữa theo khẩu phần khuyến nghị của các chuyên gia dinh dưỡng dựa trên độ tuổi. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên uống khoảng 2 – 3 phần sữa ít béo mỗi ngày. Những trẻ lớn hơn có thể cần đến 4 phần sữa ít béo mỗi ngày.
- Thay thế thực phẩm thông thường bằng các thực phẩm có nhiều canxi: Chẳng hạn như bơ hạnh nhân thay cho bơ đậu phộng, hoặc nước cam tăng cường canxi thay cho nước trái cây thông thường.
Cung cấp lượng vitamin D cần thiết cho trẻ
Vitamin D được biết đến với vai trò giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn. Tuy nhiên thực trạng hiện nay, hầu hết trẻ em đều không tiêu thụ nhiều các thực phẩm có chứa vitamin D. Do đó, việc cung cấp lượng vitamin này cho trẻ ngay từ sớm là điều cần thiết, giúp trẻ có một hệ xương chắc khỏe.
Ngay cả trẻ sơ sinh cũng cần được bổ sung vitamin D, trừ khi chúng được uống ít nhất 32 ounce sữa công thức mỗi ngày. Để bảo đảm bổ sung đầy đủ lượng vitamin D cho trẻ, bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có biện pháp tốt nhất.
Một cách đơn giản giúp trẻ tăng cường tổng hợp vitamin D và giúp cơ thể hấp thu canxi tốt hơn là tắm nắng. Tuy nhiên, bạn cần cho trẻ tắm nắng với thời gian phù hợp, tránh để làn da trẻ tiếp xúc quá lâu dưới ánh nắng mặt trời. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư da và lão hoá sớm ở trẻ.
Ngoài ra, bạn cũng nên tăng cường các thực phẩm giàu vitamin D vào chế độ ăn uống thường ngày nhằm giúp xương trẻ chắc khỏe hơn. Những nguồn cung cấp vitamin D dồi dào, bao gồm các loại cá béo (cá mòi, cá trích, cá thu và cá hồi), lòng đỏ trứng, gan bò, ngũ cốc và nước cam.
Khuyến khích trẻ tích cực tập thể dục mỗi ngày
Cơ bắp của con người trở nên mạnh mẽ hơn khi chúng ta tập luyện và sử dụng chúng thường xuyên, và điều này cũng đúng đối với hệ xương trẻ em. Một số hoạt động thể chất như đi bộ, nhảy, chạy bộ và leo núi đặc biệt tốt đối với việc xây dựng hệ thống xương khớp.
Những hoạt động trên hay còn được gọi là hoạt động chịu trọng lượng, vì chúng sử dụng lực của cơ cũng như trọng lực nhằm tạo ra áp lực lên xương. Áp lực này sẽ tạo tiền đề giúp hình thành xương chắc khoẻ hơn.
Ngoài ra, bạn cũng nên khuyến khích trẻ thực hiện thường xuyên các hoạt động khác như đạp xe và bơi lội. Đây là những hoạt động không tạo ra áp lực chịu trọng lượng, không chỉ tốt cho sức khoẻ tổng thể mà còn giúp hỗ trợ tăng cường sự dẻo dai, linh hoạt cho xương.
Cha mẹ cũng nên cùng con tham gia ít nhất một giờ hoạt động thể chất mỗi ngày, trong đó bao gồm cả các bài tập chịu sức nặng để đạt được hiệu quả tăng cường sức khoẻ xương tốt nhất.
Nguồn tham khảo: niams.nih.gov, kidshealth.org
- Các loại thực phẩm giàu canxi bác sĩ khuyến cáo cho bé ăn
- Bé tuổi mọc răng: Cần bổ sung dưỡng chất nào?
- 10 thói quen buổi sáng giúp bạn giảm cân