Mục lục
Trẻ chậm phát triển là tình trạng trí tuệ của trẻ ở dưới mức trung bình. Những khả năng như học tập, tư duy, ngôn ngữ phát triển chậm hơn so với các bạn cùng trang lứa. Trẻ chậm phát triển được phân ra nhiều mức độ khác nhau tuy nhiên để phát hiện trẻ chậm phát triển không phải là việc dễ dàng đối với cha mẹ. Vậy làm sao để biết trẻ chậm phát triển hay không?
1. Chậm phát triển trí tuệ ở trẻ được phân loại như thế nào?
Trẻ chậm phát triển là tình trạng trí tuệ của trẻ ở dưới mức trung bình với biểu hiện như khả năng tư duy chậm, cũng như khả năng học tập của trẻ chậm hơn so với các bạn cùng độ tuổi. Bên cạnh đó, trẻ cũng có biểu hiện chậm phát triển các kỹ năng như tự chăm sóc, trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, trẻ nhận thức chậm, kỹ năng xã hội và tham gia cộng đồng, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, tự định hướng, học tập, sức khỏe và an toàn, sở thích và việc làm,...
Trẻ chậm phát triển được phân loại thành nhiều mức độ khác nhau bao gồm:
1.1. Chậm phát triển mức độ nhẹ
- Không cần trợ giúp thường xuyên
- Trẻ có khả năng giao tiếp bằng lời nói
- Có khả năng tự chăm sóc và làm những công việc đơn giản
- Có thể đi học
1.2. Chậm phát triển mức độ trung bình
- Thường xuyên cần tới sự trợ giúp ở các mức độ khác nhau
- Có khả năng giao tiếp bằng lời nói, tuy nhiên từ ngữ nghèo nàn và không rõ nghĩa.
- Có khả năng tự chăm sóc bản thân, làm những công việc đơn giản nếu như được hướng dẫn từ nhỏ.
- Có thể đi học nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn
1.3. Chậm phát triển mức độ nặng
- Thường xuyên cần tới sự giúp đỡ hàng ngày một cách tích cực.
- Trẻ không có khả năng giao tiếp bằng lời nói
- Không có khả năng tự chăm sóc bản thân hay làm những công việc đơn giản.
- Không thể đi học
1.4. Chậm phát triển mức độ rất nặng
- Cần tới sự giúp đỡ đặc biệt thường xuyên ở mức độ cao nhất
- Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, không có khả năng diễn đạt bằng lời nói
- Không có khả năng tự chăm sóc và làm những công việc đơn giản
- Không thể đi học
2. Làm thế nào để biết trẻ chậm phát triển hay không?
Để biết trẻ chậm phát triển hay không cha mẹ cần phải quan sát trẻ trong những hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Những dấu hiệu chung để nhận biết trẻ chậm phát triển bao gồm:
- Trẻ nhận thức chậm hay khả năng đáp ứng vấn đề chậm hoặc thậm chí không đáp ứng với những điều người khác nói hay với mọi việc diễn ra xung quanh.
- Khả năng diễn đạt câu chuyện không rõ ràng về các nhu cầu cá nhân, suy nghĩ, tình cảm.
- Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ lời nói và ngôn ngữ không lời.
- Khả năng hiểu vấn đề chậm về những điều gì nghe, sờ hoặc nhìn thấy.
- Khả năng ra đưa quyết định chậm ngay cả việc đơn giản.
- Khả năng tập trung kém trong tất cả các hoạt động.
- Trí nhớ hạn chế: Trí nhớ ngắn hạn bị ảnh hưởng nhiều, trí nhớ dài hạn ít bị ảnh hưởng hơn.
- Gặp khó khăn trong việc điều hợp vận động toàn thân hoặc những vận động khác (nhai, ăn, mút, sử dụng bàn tay).
- Chậm phát triển kỹ năng vận động tinh (như sử dụng bàn tay), vận động thô (lẫy, ngồi, bò, đứng, đi).
- Trẻ có những biểu hiện ối loạn hành vi như: đập phá, dứt tóc, đập đầu vào vật...
3. Những khó khăn mà trẻ chậm phát triển gặp phải
Mức độ khó khăn phụ thuộc vào mức độ chậm phát triển trí tuệ, những vấn đề mà trẻ có thể gặp phải như:
3.1 Vấn đề tự chăm sóc
- Trẻ gặp khó khăn khi học những kỹ năng trong sinh hoạt hàng ngày ví dụ như tự chăm sóc, mặc quần áo và đi vệ sinh.
- Một số trẻ chậm phát triển có thể bị phụ thuộc nhiều vào cha mẹ và những người xung quanh trong cuộc sống hàng ngày.
- Trẻ gặp khó khăn trong khi ăn uống do dị tật về miệng như khe hở môi-hàm ếch, hở bằng miệng, lưỡi dày và luôn thè ra ngoài, chảy nước dãi.
- Trẻ có khó khăn trong việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng và đi lại trong cộng đồng.
3.2 Vấn đề học tập
- Kỹ năng chơi không phát triển.
- Trẻ gặp khó khăn về vấn đề đọc và học hành.
3.3 Vấn đề sở thích
- Trẻ có ít sở thích và mối quan tâm cũng ít.
3.4 Vấn đề vận động cảm giác
- Trẻ chậm phát triển vận động hơn so với những bạn tuổi.
- Trẻ gặp những vấn đề về khớp và cột sống: trật khớp háng; cứng khớp cột sống, khuỷu, háng, vai; gù, vẹo, ưỡn cột sống; tăng tầm vận động của khớp và khớp duỗi duỗi quá mức.
- Trẻ có thể có những biến dạng bàn tay như: ngón tay ngắn, dính ngón, mất ngón, thừa ngón, toè ngón...
- Trẻ có thể có những hành vi tăng động giảm chú ý hoặc giảm vận động.
- Trẻ có thể bị mất điều phối vận động.
- Trẻ có thể bị động kinh.
- Trẻ có thể có những dị tật về mắt như sụp mí, lác mắt, rung giật nhãn cầu.
- Trẻ có thể tăng hoặc giảm ngưỡng cảm nhận về sờ, tiền đình, cảm thụ bản thể sâu, nhìn, nghe, nếm, ngửi, đau.
- Trẻ có thể bị giảm thính lực.
- Trẻ có thể có những hành vi bất thường như tự kích thích (đập đầu, quay đầu...)
3.5 Nhận thức
- Khả năng chú ý kém hoặc không chú ý, thiếu tập trung.
- Trí nhớ ngắn thông qua nhìn, nghe kém.
- Thiếu kỹ năng xử lý thông tin và các vấn đề.
- Khó khăn khi định hướng.
3.6 Tâm lý - xã hội
- Trẻ kém tưởng tượng.
- Trẻ tự kích động mình: đập đầu vào đồ vật hoặc lăn đùng ra đất.
- Trẻ tự kích dục (sờ bộ phận sinh dục, thủ dâm).
- Trẻ kém tự điều khiển nội tâm.
- Trẻ kém kiểm soát hành động của mình.
- Trẻ kém trong giao tiếp xã hội.
- Trẻ kém trong quá trình giao tiếp qua lại một - một, trong nhóm nhỏ hoặc trong một nhóm lớn.
4. Nguyên nhân và phòng ngừa
4.1 Nguyên nhân trẻ chậm phát triển
Nguyên nhân trẻ chậm phát triển trí tuệ do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là những yếu tố tác động đến xảy ra trước khi sinh, trong khi sinh và sau khi trẻ sinh ra dưới đây gây tổn thương não ở trẻ em.
- Yếu tố nguy cơ trước sinh
- Đột biến nhiễm sắc thể: ví dụ như trong hội chứng Down.
- Bệnh chuyển hoá - di truyền.
- Nhiễm trùng trong bào thai (nhiễm cúm, rubella,...).
- Thai phụ dùng thuốc (nghiện rượu, ma tuý và một số thuốc khác).
- Bào thai suy dinh dưỡng (Cân nặng khi sinh dưới <2500g).
- Yếu tố nguy cơ trong sinh
- Đẻ non dưới 37 tuần.
- Ngạt trong khi sinh và phải điều trị bằng oxy, thở máy.
- Can thiệp sản khoa: sử dụng kẹp thai, hút thai hoặc đẻ chỉ huy.
- Vàng da nhân não: vàng da sơ sinh sớm (ngày thứ 1 - 3) kèm theo những dấu hiệu thần kinh (như bỏ bú, co giật, tím tái, hôn mê). Sau sinh hạ đường máu nặng kèm theo suy hô hấp nặng.
- Chảy máu não hoặc chảy máu màng não.
- Yếu tố nguy cơ sau sinh
- Nhiễm khuẩn thần kinh như: viêm màng não, viêm não.
- Suy hô hấp nặng do nhiều nguyên nhân khác nhau.
- Chấn thương sọ não.
- Ngộ độc.
- Động kinh không kiểm soát được.
- Suy dinh dưỡng nặng.
- Một số hội chứng như nội tiết-chuyển hóa-di truyền.
Ngoài ra, nhiều trường hợp trẻ chậm phát triển nhưng không tìm ra được nguyên nhân.
4.2 Biện pháp phòng ngừa
Những biện pháp giúp phòng ngừa chậm phát triển trí tuệ ở trẻ em bao gồm:
- Các mẹ bầu cần có một chế độ dinh dưỡng mang thai hợp lý, tiêm phòng vắc xin đầy đủ, không được tự ý uống thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ.
- Khám thai định kỳ có thể phát hiện sớm các bệnh lý của thai phụ và tình trạng bất thường của thai nhi gây tổn thương não của trẻ.
- Nâng cao chất lượng về chuyên môn cũng như vật chất tăng khả năng cấp cứu trẻ sơ sinh tại các cơ sở y tế tuyến dưới xã, huyện, tỉnh là biện pháp tích cực nhất nhằm giảm thiểu tỷ lệ trẻ tổn thương não gây chậm phát triển trí tuệ.
Tóm lại, trẻ chậm phát triển là tình trạng trí tuệ của trẻ dưới mức trung bình. Những khả năng như học tập, tư duy, ngôn ngữ phát triển chậm hơn so với các bạn cùng trang lứa. Trẻ chậm phát triển được phân ra nhiều mức độ khác nhau tuy nhiên để phát hiện trẻ chậm phát triển không phải là việc dễ dàng đối với cha mẹ. Vì vậy, trong quá trình chăm sóc trẻ, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý quan sát những hành vi cũng như nhận thức của trẻ để có thể phát hiện sớm những dấu hiệu trẻ chậm phát triển. Khi thấy có những dấu hiệu bất thường cần cho trẻ tới ngay cơ sở khám chữa bệnh để được đánh giá và tư vấn phương pháp can thiệp phù hợp.