Mục lục
Nếu như người lớn không biết kiểm soát cảm xúc, trẻ sẽ học theo điều đó và cáu giận khi không đạt được mong muốn. Trẻ hay cáu giận, hay ăn vạ... đều là những điều hoàn toàn không tốt cho sự phát triển của trẻ.
1. Trẻ hay cáu giận có ảnh hưởng như thế nào?
Các cơn giận dữ của trẻ thường xuất hiện vào cuối năm đầu đời, phổ biến nhất ở trẻ 2 tuổi đến 4 tuổi và thường gián đoạn sau khi trẻ được 5 tuổi. Nếu cơn tức giận của trẻ thường xảy ra sau 5 tuổi, chúng có thể tồn tại suốt thời thơ ấu.
Nguyên nhân trẻ hay cáu giận, ăn vạ có thể là do thất vọng, mệt mỏi, và đói. Trẻ em cũng có thể có cơn cáu giận để tìm kiếm sự chú ý, trẻ muốn có được thứ gì đó, hoặc để tránh phải làm điều gì đó.
Cơn giận dữ của trẻ có thể bao gồm các biểu hiện:
- Hét lên;
- Trẻ hay khóc thét;
- Khóc;
- Đánh đập;
- Lăn trên sàn;
- Nhảy dậm chân;
- Vứt bỏ mọi thứ;
- Đứa trẻ có thể trở nên đỏ mặt và đánh hoặc đá một ai đó.
Napoleon từng nói rằng “những người có thể kiểm soát được cảm xúc còn giỏi hơn cả những vị tướng giành chiến thắng. Ngược lại, những người không thể kiểm soát cảm xúc của bản thân thực sự tệ hại, họ làm mọi việc mà không nghĩ đến hậu quả, họ dựa vào cảm xúc để kiểm soát mọi hành vi, họ có thể làm tổn hại chính mình và tổn thương người khác”.
Việc quản lý cảm xúc là một việc làm quan trọng trong sự phát triển toàn diện của một đứa trẻ, thậm chí nó sẽ ảnh hưởng đến việc trẻ có thể có được các mối quan hệ giữa các cá nhân tốt và một tinh thần lành mạnh trong tương lai hay không. Một đứa trẻ biết kiểm soát cảm xúc sẽ có thể chấp nhận và quản lý những điều vui buồn, lo lắng... của mình và không làm hại đến ai.
Nghiên cứu mới nhất về giáo dục trẻ em cho thấy, những trải nghiệm cảm xúc của trẻ trước 6 tuổi có một tác động lâu dài trong cuộc đời một người. Nếu không thể tập trung chú ý, tính cách của trẻ sẽ là bi quan, cô đơn, lo âu, không hài lòng với bản thân và trẻ hay ăn vạ..., những điều này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nhân cách tương lai của trẻ. Hơn thế nữa, nếu những cảm xúc tiêu cực của trẻ xảy ra thường xuyên và liên tục, chúng sẽ ảnh hưởng lâu dài tới tính cách, sức khỏe và các mối quan hệ cá nhân của trẻ.
Do đó, bạn cần chú ý tới cảm xúc của trẻ từ sớm và có sự giúp đỡ trong việc điều chỉnh, hướng dẫn trẻ quản lý cảm xúc của mình.
2. Làm gì khi trẻ hay cáu gắt?
"Bố mẹ nào, con nấy" nghĩa là bố mẹ là kiểu người nào thì đứa trẻ sẽ là tấm gương phản chiếu điều đó, việc quản lý cảm xúc cũng không nằm ngoài điều đó.
Vai trò của phụ huynh đối với cảm xúc của trẻ có thể chia làm hai loại:
- Một là hướng dẫn cảm xúc;
- Hai là loại bỏ cảm xúc.
Việc hướng dẫn cảm xúc sẽ điều chỉnh cảm xúc của trẻ, coi cảm xúc tiêu cực của trẻ là cơ hội để bé biết được về bản thân mình, hướng dẫn bé đối phó với cảm xúc của chính mình một cách hiệu quả nhất. Trong khi đó, phụ huynh loại bỏ cảm xúc thường sẽ chọn cách chấm dứt cảm xúc của trẻ, thay đổi trẻ.
Người hướng dẫn cảm xúc thường chính là những người biết cách quản lý cảm xúc tuyệt vời, trong khi kiểu người loại bỏ cảm xúc thường đã có sai lệch trong việc quản lý cảm xúc của chính họ.
Trước khi dạy trẻ học cách quản lý cảm xúc, bạn nên nghiêm túc suy nghĩ về bản thân, xem liệu bạn đã quản lý cảm xúc của chính mình tốt hay chưa? Trong quá trình dạy trẻ nhỏ, liệu bạn có tức giận, chán nản, buồn bã không? Khi bị mất kiểm soát, bạn có tìm ra một giải pháp thích hợp không?
Để học cách kiểm soát trẻ hay cáu giận, ăn vạ bạn cần phải tự mình tham gia một lớp kiểm soát cảm xúc đã. Bởi vì, khi đứa trẻ hay cáu gắt đã là một việc thách thức sự kiểm soát cảm xúc đối với bạn. Nói cách khác, việc giáo dục trẻ cũng chính là cơ hội để bạn tự rèn giũa những kỹ năng quản lý cảm xúc của chính mình.
Mặc dù việc cung cấp một môi trường an toàn cho trẻ em tự điều chỉnh bản thân thường mang lại hiệu quả, nhưng cũng có nhiều trẻ em gặp khó khăn trong việc ngăn chặn cơn cáu giận bản thân.
Trong hầu hết các trường hợp, việc giải quyết nguồn cơn cáu giận của trẻ chỉ làm kéo dài nó. Do đó, cách làm thích hợp hơn để chuyển hướng cảm xúc của trẻ đó là bằng cách cung cấp một hoạt động thay thế có thể hướng trẻ tập trung vào đó.
2.1. Cách đối phó khi trẻ tức giận
Khi trẻ tức giận, nhiều người sẽ dùng cách răn đe: "Con thử làm một lần nữa xem, bố/mẹ sẽ đuổi con ra khỏi cửa", đây giống như một hình phạt nghiêm khắc, có tính đe dọa.
Trên thực tế, điều này không chỉ làm mất lòng tự trọng và cảm giác an toàn của đứa trẻ, mà thậm chí còn dẫn đến sự phá hoại và chống trả thụ động như một sự trả thù.
Khi trẻ hay khóc thét, cáu giận, ăn vạ trước tiên bạn nên có thái độ thông cảm, vận dụng khả năng lắng nghe để chấp nhận cảm xúc của bé. Như khi gia đình có khách tới chơi, trẻ bị bạn khác giật đồ chơi, trẻ sẽ tức giận, muốn đánh "vị khách nhí" kia. Lúc này, điều bạn nên nói không phải là việc đổ lỗi cho trẻ không biết chia sẻ đồ chơi hoặc mắng trẻ là không ngoan, mà bạn nên chấp nhận cảm xúc tiêu cực của trẻ. Sau đó, bạn chia sẻ với trẻ về cách xử lý tình huống một cách thích hợp.
Bạn có thể nói với trẻ: "Nếu món đồ mà bố/mẹ thích bị lấy đi, bố/mẹ cũng rất tức giận. Nhưng nếu con cho bạn mượn chơi một chút, rồi bạn sẽ trả lại con mà". Bạn cũng có thể thương lượng với trẻ như: "Tại sao con không chơi chung đồ chơi với bạn, chơi cùng nhau sẽ rất vui đấy... ".
2.2. Cách đối phó khi trẻ sợ hãi
Trẻ có thể có những nỗi sợ hãi khác nhau như sợ chó, sợ bóng đêm, thậm chí sợ những người lạ. Bạn nên làm gì khi bé sợ hãi?
Trước tiên, bạn cần phải cùng trẻ trải nghiệm chính những cảm xúc này và sau đó tâm sự với trẻ, ví dụ: "Bố/mẹ biết con sợ, bố/mẹ cũng có những nỗi sợ đấy nhé. Khi chúng ta sợ hãi, ta sẽ muốn trốn trong vòng tay của bố/mẹ hoặc tìm một nơi an toàn nào đó để lẩn trốn. Tuy nhiên, có những lúc nỗi sợ là không cần thiết đâu. Ví dụ, con đã từng rất sợ việc tới trường mẫu giáo, nhưng khi tới trường, con lại thấy lớp mẫu giáo rất vui, đúng không nào.... ?".
2.3. Cách đối phó khi trẻ cảm thấy ghen tị
Mọi đứa trẻ đều có cảm giác ghen tị, đặc biệt khi bố/mẹ quan tâm những đứa trẻ khác. Thế nên nếu trẻ thấy bạn bế trẻ khác, trẻ sẽ rất lo lắng và bảo vệ "sự độc quyền yêu thương" của mình bằng cách khóc lóc, thậm chí đánh đứa trẻ kia.
Thay vì mắng trẻ, bạn nên nhân cơ hội này để nói với trẻ: "Bố/mẹ biết rằng con yêu bố/mẹ, nhưng con xem, ngày nào con cũng được bố/mẹ ôm, nhưng em bé thi thoảng mới được bố/mẹ ôm mà".
2.4. Khi trẻ cảm thấy có lỗi
Khi trẻ vô tình làm vỡ bể cá, khiến con cá chết, điều này khiến trẻ cảm thấy day dứt và có lỗi. Lúc này, bạn nên nói gì với trẻ?
Điều quan trọng nhất mà bạn nên làm lúc này đó là nhận biết cảm xúc "thấy có lỗi" của trẻ, sau đó chia sẻ với trẻ: "Bố/mẹ biết là con cảm thấy mình có lỗi lúc này. Khi bố/mẹ gặp những chuyện như vậy, bố/mẹ cũng có cảm giác giống như con. Nhưng sự day dứt đó không thể thay đổi những việc đã xảy ra. Tốt nhất là chúng ta nên dọn bể cá vỡ, cá chết và tại sao con không chôn những con cá nhỉ? Sau đó chúng ta sẽ mua những con cá mới và con sẽ chăm sóc chúng cẩn thận chứ?".
Những cảm xúc không quan trọng đúng hay sai, mà điều quan trọng là cách biểu đạt có được xã hội chấp nhận. Vì thế bạn nên học cách chấp nhận biểu hiện cảm xúc đa dạng của trẻ, hiểu rằng có thể biến đổi cảm xúc. Cảm xúc tiêu cực của trẻ có thể trở thành tích cực. Chỉ bằng cách đối mặt với tất cả mọi việc, sự phát triển của cảm xúc tích cực mới tăng lên. Chỉ những đứa trẻ có thể kiểm soát cảm xúc mới trở thành những đứa trẻ thành công.
- Làm sao để kiểm soát cảm xúc tiêu cực?
- Nên nói gì với một người đang đau buồn?
- Làm thế nào để kiểm soát cảm xúc của bạn?