Mục lục
- 1. 1. Tìm hiểu những loại thuốc điều trị tiểu đường type 2 phổ biến hiện nay
- 2. 2. Quên uống thuốc tiểu đường type 2 có ảnh hưởng gì không?
- 3. 3. Các bước cần thực hiện khi trót bỏ lỡ liều thuốc tiểu đường type 2
- 4. 4. Khi nào cần báo cho bác sĩ biết?
- 5. 5. Một số mẹo giúp bạn nhớ lịch trình uống thuốc điều trị tiểu đường
- 6. Đánh giá
Trong quá trình uống thuốc điều trị tiểu đường loại 2, một số bệnh nhân có thể trót bỏ lỡ liều thuốc. Tình trạng quên liều có thể làm giảm tác dụng của thuốc, thậm chí dẫn đến nhiều nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn khác. Vậy làm gì nếu quên uống thuốc tiểu đường type 2?
1. Tìm hiểu những loại thuốc điều trị tiểu đường type 2 phổ biến hiện nay
Khi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường type 2, trước tiên bác sĩ sẽ kê đơn insulin hoặc một số loại thuốc khác nhằm giúp bệnh nhân kiểm soát được lượng đường trong máu. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể khuyến nghị bệnh nhân thực hiện một số thay đổi về chế độ ăn uống, giảm cân và kế hoạch tập thể dục.
Trong trường hợp, những biện pháp trên không đủ để hạ mức đường huyết xuống ngưỡng bình thường, bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc khác để khắc phục tình trạng này. Các loại thuốc điều trị tiểu đường sẽ hoạt động theo nhiều cách khác nhau để giảm lượng đường trong máu, bao gồm:
- Làm chậm quá trình hấp thu đường đến từ các loại thực phẩm mà người bệnh tiêu thụ.
- Giúp giảm lượng đường thải ra từ gan.
- Cải thiện sự phản ứng của cơ thể đối với insulin.
- Kích thích tuyến tụy sản sinh ra nhiều insulin hơn.
- Ngăn chặn sự hấp thu đường từ ruột và sự tái hấp thu glucose từ máu được lọc qua thận.
Hiện nay, các loại thuốc tiểu đường type 2 thường được sử dụng phổ biến, bao gồm:
- Thuốc Metformin.
- Chất cô lập acid mật, chẳng hạn như colesevelam (Welchol).
- Chất ức chế alpha-glucosidase, ví dụ như miglitol (Glyset) và acarbose (Precose).
- Thuốc meglitinides (repaglinide).
- Thuốc ức chế DPP-4, ví dụ như saxagliptin (Onglyza), linagliptin (Tradjenta) và sitagliptin (Januvia).
- Thuốc ức chế SGLT2, ví dụ như dapagliflozin (Farxiga), canagliflozin (Invokana) và empagliflozin (Jardiance).
- Chất ức chế peptide tương tự như glucagon (GLP-1) đường uống, ví dụ như Rybelsus.
- Thuốc thiazolidinediones (pioglitazone).
- Thuốc sulfonylurea (glimepiride).
- Liệu pháp kết hợp bao gồm 2 hoặc nhiều loại thuốc điều trị tiểu đường ở trên.
2. Quên uống thuốc tiểu đường type 2 có ảnh hưởng gì không?
Nếu mức đường huyết của bạn gần đây nằm trong giới hạn bình thường, đồng thời bạn đang tuân thủ theo một chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh thì việc bỏ lỡ một liều thuốc điều trị tiểu đường sẽ không gây ảnh hưởng gì đến quá trình kiểm soát bệnh. Tuy nhiên, nếu bạn bỏ lỡ một vài liều thuốc hoặc không thực hiện đúng theo các khuyến cáo ăn uống và sinh hoạt của bác sĩ thì điều đó có thể dẫn đến nguy cơ tăng đường huyết.
Nhìn chung, chỉ số đường huyết của bạn có thể vượt quá 180mg / dL khoảng 2 giờ sau khi bắt đầu dùng bữa, hoặc trên 130mg / dL trước bữa ăn. Mức được huyết trên được coi là cao và có thể dẫn đến các triệu chứng tăng đường huyết như: Mờ mắt, mệt mỏi, đi tiểu thường xuyên, khát cực độ hoặc vết loét chậm lành.
Theo chuyên gia cho biết, việc thường xuyên bỏ lỡ liều thuốc tiểu đường type 2 có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí khiến người bệnh gặp nguy hiểm đến tính mạng. Một số biến chứng tiềm ẩn của bệnh tiểu đường loại 2 không được kiểm soát hiệu quả, bao gồm tổn thương thần kinh, thận, tim và mắt. Những tình trạng này có thể trở nên tồi tệ hơn nếu bệnh nhân tiếp tục bỏ liều thuốc trị tiểu đường.
3. Các bước cần thực hiện khi trót bỏ lỡ liều thuốc tiểu đường type 2
Nếu bạn trót bỏ lỡ một liều thuốc điều trị tiểu đường, hãy cố gắng dùng liều đó càng sớm càng tốt ngay sau khi nhận ra. Tuy nhiên, nếu đã quá một vài giờ kể từ thời điểm phải uống liều đã quên và thời gian dùng liều thuốc tiếp theo đã đến gần, tốt nhất bạn nên bỏ qua liều đó và uống thuốc theo đúng lịch trình bình thường. Tuyệt đối không tự ý tăng gấp đôi liều lượng, vì điều này có thể dẫn đến triệu chứng quá liều thuốc hoặc các tác dụng phụ ngoài ý muốn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể trao đổi với bác sĩ về loại thuốc điều trị tiểu đường cụ thể mà bạn đang sử dụng và cách dùng chúng sao cho hiệu quả nhất. Thông thường, hầu hết các loại thuốc điều trị cho bất kỳ tình trạng nào cũng kèm theo nhãn hiệu thuốc và những thông tin hướng dẫn cụ thể bệnh nhân nên làm gì khi trót bỏ lỡ liều. Do đó, trước khi sử dụng thuốc tiểu đường, bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tuân thủ theo đúng lịch điều trị mà bác sĩ đã chỉ định.
4. Khi nào cần báo cho bác sĩ biết?
Người bệnh cần báo cho bác sĩ biết nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc lo lắng nào về thuốc điều trị tiểu đường mà mình đang sử dụng, hay các triệu chứng nghi ngờ khác. Dưới đây là một số cảnh báo trong quá trình điều trị bệnh tiểu đường bằng thuốc mà mọi bệnh nhân nên chú ý:
Báo cho bác sĩ khi có triệu chứng tăng đường huyết
Sau khi quên uống thuốc tiểu đường loại 2 và nhận thấy bắt đầu có sự xuất hiện của các triệu chứng tăng đường huyết như giảm tầm nhìn, khát liên tục, tăng tần suất tiểu tiện,... người bệnh cần nhanh chóng liên hệ với bác sĩ để sắp xếp cuộc hẹn kiểm tra sức khoẻ. Việc phát hiện và điều trị chậm chễ các dấu hiệu tăng đường huyết có thể khiến bệnh tiểu đường type 2 diễn tiến trầm trọng hơn, từ đó kéo theo nhiều hệ luỵ sức khoẻ nguy hiểm sau này cho người bệnh.
Báo cho bác sĩ khi người bệnh cố tình bỏ qua liều thuốc
Trong một số trường hợp nhất định, bệnh nhân mắc tiểu đường loại 2 có thể cố tình bỏ quên liều thuốc do lo sợ về tác dụng phụ hoặc tiết kiệm chi phí chữa trị. Tốt nhất, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về vấn đề mà mình đang gặp phải để có các lựa chọn kiểm soát bệnh tiểu đường khác phù hợp hơn.
Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc điều trị tiểu đường khác nhau, trong đó một số loại thuốc có khả năng dung nạp vào cơ thể dễ dàng và nhanh chóng hơn so với những thuốc khác. Ngoài ra, cũng có một số lựa chọn về thuốc điều trị tiểu đường ít tốn kém hơn so với các loại thuốc đã được kê đơn khác cho người bệnh.
Bên cạnh đó, bệnh nhân mắc tiểu đường loại 2 cũng cần lưu ý rằng, các tác dụng phụ chỉ xảy ra trong một vài tuần đầu tiên sau khi bắt đầu sử dụng thuốc. Việc uống thuốc tiểu đường trong bữa ăn cũng có thể giúp giảm bớt các tác dụng phụ về đường tiêu hoá (GI) thường xảy ra trong vài tuần đầu điều trị.
Báo cho bác sĩ khi bạn trót quên liều do có quá nhiều thuốc phải uống trong ngày
Nếu tình trạng quên uống thuốc tiểu đường xuất phát từ lý do người bệnh phải uống quá nhiều thuốc khác trong ngày, tốt nhất hãy báo cho bác sĩ để lên kế hoạch và lịch trình dùng thuốc phù hợp hơn. Bác sĩ có thể đề xuất kê toa một loại thuốc đường uống có kết hợp giữa nhiều loại thuốc khác với nhau. Đây có thể là giải pháp phù hợp giúp bạn giảm số lượng thuốc phải uống mỗi ngày, đồng thời theo dõi lịch dùng thuốc dễ dàng hơn.
5. Một số mẹo giúp bạn nhớ lịch trình uống thuốc điều trị tiểu đường
Việc theo dõi lịch uống các loại thuốc có thể là điều khó khăn đối với nhiều người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân phải dùng kết hợp nhiều loại thuốc để kiểm soát tiểu đường loại 2 và một số tình trạng sức khoẻ khác. Dưới đây là một số mẹo giúp bạn hạn chế quên liều thuốc và ghi nhớ lịch uống thuốc hiệu quả hơn:
- Sắp xếp thuốc trong các hộp có ngăn riêng cho mỗi ngày thuốc trong một tuần.
- Đặt thông báo hoặc lời nhắc uống thuốc trên điện thoại hoặc thiết bị điện tử thông minh khác.
- Ghi lịch uống thuốc trên giấy nhớ gắn lên tường hoặc tủ lạnh.
- Uống thuốc điều trị tiểu đường vào cùng một thời điểm mỗi ngày trong khi thực hiện một thói quen khác như đánh răng, ăn sáng hoặc trước khi bắt đầu đi ngủ.
- Để hộp thuốc tại vị trí dễ nhìn thấy, giúp người bệnh nhắc nhở bản thân nhớ uống thuốc.
- Có thể nhờ bạn bè hoặc người thân trong gia đình nhắc nhở về lịch uống thuốc.
Ngoài ra, bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ về thời điểm uống thuốc tiểu đường type 2 giúp giảm các tác dụng phụ khó chịu. Khi ít gặp phải các tác dụng phụ hơn sẽ giúp bệnh nhân tuân thủ chặt chẽ hơn phác đồ điều trị của mình.
Nguồn tham khảo: healthline.com
- Bệnh nhân đái tháo đường tiêm insulin khi nào?
- Thuốc metformin: Lưu ý khi điều trị tiểu đường type 2
- Các hormone kiểm soát cân nặng của bạn