Mục lục
Trẻ sơ sinh nôn trớ kéo dài là tình trạng không quá hiếm gặp. Các bậc phụ huynh cần chú ý tìm hiểu về nguyên nhân gây triệu chứng này và biết cách xử trí khi bé bị nôn trớ.
1. Vì sao trẻ sơ sinh nôn trớ kéo dài?
Nôn là tình trạng các chất trong dạ dày (sữa, thức ăn và dịch dạ dày) bị đẩy ra ngoài qua miệng (dưới ảnh hưởng của sự co bóp của dạ dày và sự co thắt các cơ thành bụng). Trớ là tình trạng các chất trào ngược đi từ dạ dày qua hầu họng lên miệng, xảy ra do sự co bóp đơn thuần của dạ dày. Trớ thường gặp ở trẻ sơ sinh, hay đi kèm với ợ hơi.
Những nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh nôn trớ nhiều là:
1.1 Nguyên nhân sinh lý
Trẻ sơ sinh có hệ tiêu hóa vẫn còn non yếu. Nằm giữa thực quản và dạ dày là cơ thắt tâm vị, có nhiệm vụ co thắt giúp ngăn ngừa thức ăn trào ngược từ dạ dày lên thực quản. Ở trẻ sơ sinh, do các cơ thắt chưa hoàn thiện và dạ dày của bé thường nằm ngang so với người lớn, thể tích dạ dày nhỏ nên trẻ dễ bị trớ (đặc biệt là khi bé ăn quá no). Tình trạng này sẽ tự hết trong vòng 1 năm đầu đời.
1.2 Sai lầm về cách cho trẻ ăn uống và chăm sóc
- Cha mẹ cho bé ăn quá nhiều, bú quá no hoặc ép bé ăn quá ngưỡng
- Cho trẻ bú mẹ không đúng tư thế hoặc bú bình không đúng cách nên trẻ bị nuốt phải nhiều khí vào dạ dày và gây nôn trớ
- Trẻ vừa ăn no đã được đặt cho nằm ngay
- Trẻ cử động, chơi nhiều trong và sau khi ăn
- Quấn tã trẻ quá chặt hoặc băng rốn bé quá chặt
1.3 Do các bệnh nội khoa
- Trẻ mắc một số bệnh viêm đường hô hấp trên
- Bé bị nhiễm trùng thần kinh (viêm màng não mủ)
- Trẻ mắc bệnh tăng áp lực nội sọ (xuất huyết não do giảm tỷ lệ prothrombin)
- Bé mắc hội chứng sinh dục thượng thận
- Trẻ bị viêm ruột, không dung nạp sữa
- Trẻ bị rối loạn thần kinh thực vật (co thắt môn vị).
1.4 Do các bệnh ngoại khoa
- Dị tật đường tiêu hóa: Hẹp tá tràng bẩm sinh, thoát vị hoành, hẹp phì đại môn vị, theo thực quản (bé thường có biểu hiện nôn ngay trong những ngày đầu mới sinh)
- Tắc ruột, xoắn ruột: Thường đi kèm với nhiễm trùng toàn thân, bí trung - đại tiện, bụng trướng, đi ngoài phân có máu, dịch dạ dày nâu đen,...
2. Xử trí như thế nào khi trẻ sơ sinh nôn trớ?
Ngay khi trẻ nôn vọt hoặc nôn trớ, cha mẹ cần đặt bé nghiêng đầu sang một bên để bé không bị sặc chất nôn. Sau đó, cha mẹ nhanh chóng làm sạch chất nôn trong miệng, họng và mũi của bé (làm sạch miệng trước - mũi sau) bằng cách hút hoặc quấn gạc vào ngón tay và thấm hết chất nôn trong miệng, họng trẻ. Tiếp theo, cha mẹ khum bàn tay lại rồi vỗ nhẹ vào 2 bên lưng để trấn an bé và giúp bé ho bật nốt chất nôn còn trong họng ra ngoài.
Khi bé đã ho và nôn xong, cha mẹ lau cổ và người bé bằng nước ấm, thay quần áo có dính chất nôn cho bé. Sau đó, phụ huynh cho bé uống nước ấm hoặc oresol ấm (uống từng thìa nhỏ), cho bé bú mẹ và bú bình từ từ. Cuối cùng, cho trẻ ngủ, không dùng thuốc chống nôn nếu chưa có chỉ định của bác sĩ và theo dõi dấu hiệu nôn trớ tiếp theo của bé.
3. Xử trí thế nào nếu trẻ bị sặc chất nôn trớ - dị vật đường thở
Khi bé bị sặc chất nôn trớ - dị vật đường thở: Nếu bé hít phải chất nôn, cha mẹ không được cố dùng tay móc chất nôn mà cần làm ngay nghiệm pháp Heimlich để giúp tống dị vật ra khỏi đường thở. Sau khi tống chất nôn ra, nếu trẻ còn mệt thì nên đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.
2 phương pháp Heimlich được sử dụng là:
- Heimlich vỗ lưng: Phụ huynh đỡ trẻ nằm sấp trên 1 tay của mình, bàn tay nâng đầu - cổ trẻ thấp hơn thân của trẻ, dùng bàn tay kia vỗ 5 cái vào lưng trẻ (ở khoảng giữa 2 bả vai của bé)
- Heimlich ấn ngực: Phụ huynh đỡ trẻ nằm ngửa trên 1 tay của mình, bàn tay đỡ đầu - cổ trẻ thấp hơn thân của trẻ, nhanh chóng hút sạch sữa trào ra ở vùng mũi họng của bé (nếu có) rồi dùng 2 ngón tay của bàn tay kia ấn mạnh vào vùng giữa dưới ức của bé 5 lần. Sau đó, kiểm tra xem bé đã tống hết chấn nôn ra chưa, có thể kết hợp vỗ lưng - ấn ngực.
4. Chăm sóc trẻ sơ sinh nôn trớ kéo dài như thế nào?
Nếu trẻ sơ sinh nôn trớ do sai lầm về ăn uống và cách chăm sóc (nôn trớ cơ năng) thì phụ huynh cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống và chăm sóc bé rồi tiếp tục theo dõi tình trạng nôn trớ của trẻ ở nhà. Nếu trẻ bị nôn trớ bệnh lý thì cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả.
Với trường hợp trẻ bị nôn trớ do sai lầm về ăn uống và chăm sóc, cha mẹ nên chú ý chăm sóc trẻ đúng cách như sau:
- Bà mẹ cần cho trẻ bú với tư thế đúng, ngậm bắt vú đúng
- Cho bé bú từ từ và đủ cữ, không ép bé ăn quá no
- Nếu bé ăn hỗn hợp, bà mẹ nên nắm được cách pha sữa, cho bé bú bình
- Khi trẻ đã ăn no, bạn cần bế bé, vỗ ợ hơi và đặt trẻ đúng cách. Chú ý không bế xốc trẻ hoặc đùa với bé khi bé vừa ăn no
- Nên massage quanh rốn trẻ nhẹ nhàng để làm giảm co bóp dạ dày, hạn chế nôn trớ cho bé. Có thể massage bụng mạnh và sâu theo đường đi của khung đại tràng để tăng nhu động ruột, tăng tiết dịch, giúp bé bài tiết phân đều đặn hằng ngày và giảm trướng bụng, nôn trớ.
- Nếu sau khi đã điều chỉnh mà tình trạng nôn trớ không cải thiện, đi kèm các dấu hiệu bất thường như bé bị sốt, quấy khóc liên tục, co giật, lơ mơ, nôn liên tục, chất nôn có dịch mật (xanh, vàng) hoặc có máu,... thì cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Nhìn chung, cha mẹ nên theo dõi chặt chẽ, không được chủ quan khi thấy trẻ sơ sinh nôn trớ kéo dài. Nếu bé có những dấu hiệu lạ thì cha mẹ nên đưa bé đi khám sớm. Các bậc phụ huynh cũng nên áp dụng những bí quyết kể trên để hạn chế tình trạng bé bị nôn, trớ và tránh hậu quả đáng tiếc do sặc phải chất nôn.
- Cảnh giác nếu bạn thở nông, hay hụt hơi, mệt mỏi
- Tránh các sai lầm sau khi xử lý trẻ hóc dị vật
- Hướng dẫn xử trí cấp cứu hóc nghẹn