Mục lục
Căng thẳng, tâm trạng bồn chồn, cảm giác bất an là những cảm xúc tiêu cực của con người xảy ra rất phổ biến. Trên thực tế, đây là một cảm xúc bình thường và bất cứ ai cũng sẽ trải qua. Tuy nhiên, nếu tâm trạng bồn chồn bất an kéo dài, bạn cần phải có những phương pháp điều trị cảm xúc trước khi chúng tiến triển thành hội chứng tâm thần, cụ thể là rối loạn lo âu.
1. Tìm hiểu về chứng rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu là một bệnh lý về tâm thần rất thường gặp, gây ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của con người. Khi mắc phải hội chứng này, bệnh nhân thường có các triệu chứng như:
- Cảm giác bất an, luôn trong tình trạng kích động, căng thẳng.
- Mệt mỏi, thiếu kiên nhẫn và không thể tập trung.
- Khó ngủ, ngủ chập chờn.
- Bồn chồn, buồn nôn, tiêu chảy...
Hội chứng rối loạn lo âu đem lại tâm trạng bồn chồn bất an mỗi ngày. Bệnh nhân sẽ luôn cảm thấy lo lắng về mọi mặt trong cuộc sống của họ, từ những chuyện lớn đến những chuyện rất nhỏ. Nhìn chung, hội chứng này sẽ khiến bệnh nhân không bao giờ cảm thấy thoải mái, hạnh phúc.
2. Nguyên nhân gây ra rối loạn lo âu
Cho đến nay, nguyên nhân cụ thể gây ra hội chứng rối loạn lo âu chưa được làm rõ. Một số nghiên cứu cho thấy hội chứng này có liên quan đến các loại chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, gamma-aminobutyric acid hay norepinephrine. Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ làm gia tăng khả năng mắc hội chứng rối loạn lo âu bao gồm:
- Bệnh tật: những đối tượng mắc phải các bệnh nghiêm trọng hay bệnh mãn tính đều có cảm giác bất an về chuyện tương lai, về điều trị, về tuổi thọ...
- Căng thẳng và lo lắng kéo dài: đối tượng thường xuyên phải đối mặt với căng thẳng trong cuộc sống, cũng có thể khởi phát sự lo âu vượt mức bình thường.
- Nhân cách: bẩm sinh một số dạng nhân cách đã dễ dàng phát sinh tâm trạng bồn chồn, bất an dẫn đến rối loạn lo âu...
3. Hậu quả của rối loạn lo âu là gì?
Không chỉ khiến cảm xúc tiêu cực mà rối loạn lo âu có khả năng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như:
- Lạm dụng chất gây nghiện.
- Trầm cảm.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Các vấn đề liên quan đến ruột và dạ dày.
4. Tâm trạng bồn chồn bất an kéo dài cần phải làm gì?
Cảm giác bất an và tâm trạng bồn chồn kéo dài không chỉ là một loại cảm xúc, mà nguy hiểm hơn, nó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn sắp hoặc đã mắc phải hội chứng rối loạn lo âu. Do đó, việc tìm kiếm và thực hiện tích cực các biện pháp cải thiện tâm trạng là một điều cần thiết.
4.1. Các bài tập thể dục
Tập thể dục là một trong những điều quan trọng nhất có thể làm để chống lại căng thẳng. Theo các chuyên gia, việc giảm căng thẳng về thể chất cho cơ thể bằng cách hoạt động cũng làm giảm căng thẳng về tinh thần. Cũng theo đó, các chuyên gia nhận thấy rằng, những người tập thể dục thường xuyên thường ít bị lo lắng hơn so với người không tập thể dục.
Cụ thể, việc tập thể dục đem lại một số lợi ích về tinh thần như:
- Giảm hormone căng thẳng (như cortisol) một cách bền vững, đồng thời kích thích giải phóng endorphin - một loại hormone giúp cải thiện tâm trạng, hoạt động như một loại thuốc giảm đau tự nhiên.
- Cải thiện giấc ngủ.
- Giúp bạn tự tin hơn về thể lực, thúc đẩy tinh thần khỏe mạnh.
Các hoạt động liên quan đến chuyển động của các nhóm cơ lớn như chạy bộ, bơi lội, tập yoga... đặc biệt có tác dụng giảm căng thẳng bất ngờ.
4.2. Bổ sung một số loại thực phẩm cần thiết
Một số nhóm chất có tác dụng cải thiện tâm trạng bồn chồn và lo lắng, giảm căng thẳng hiệu quả như:
- Acid béo omega 3: một nghiên cứu cho thấy omega-3 giảm được 20% các triệu chứng lo lắng.
- Trà xanh: trà xanh có chứa nhiều chất chống oxy hóa mang lại các lợi ích cho sức khỏe. Nó cũng làm giảm căng thẳng và cảm giác bất an bằng cách tăng nồng độ serotonin.
4.3. Hạn chế caffeine
Caffeine là một chất kích thích có nhiều trong cà phê, trà, socola và các loại nước tăng lực. Đây là một chất có thể làm gia tăng tâm trạng bồn chồn bất an khi sử dụng ở liều cao. Vì vậy, bạn chỉ nên sử dụng chúng với một lượng vừa phải.
4.4. Nụ cười
Nếu như bạn đang cảm thấy lo lắng và mệt mỏi, hãy nở một nụ cười. Nụ cười tốt cho sức khỏe, đồng thời giúp giảm căng thẳng nhanh chóng bằng cách thư giãn cơ bắp của cơ thể. Về lâu dài, tiếng cười có hỗ trợ cải thiện hoạt động của hệ miễn dịch, giúp bạn khỏe mạnh hơn, tâm trạng tích cực hơn.
Hãy thử tự tạo tiếng cười bằng một bộ phim hài, một chuyến đi chơi với những người hài hước, vui vẻ.
4.5. Yoga
Yoga là một phương pháp giảm stress và rèn luyện sức khỏe rất phổ biến ở nhiều lứa tuổi. Mặc dù, có rất nhiều loại yoga khác nhau, nhưng hầu hết đều có chung mục tiêu: kết hợp luyện tập cho cả cơ thể và tâm trí của bạn.
Việc thực hiện các bài tập yoga chủ yếu bằng cách tăng cường nhận thức về cơ thể và hơi thở. Nhờ đó nó hoạt động hiệu quả như một phương pháp trị liệu căng thẳng, trầm cảm lành mạnh.
Về khoa học, tập luyện yoga giảm hormone căng thẳng cortisol, điều hòa huyết áp và nhịp tim, đồng thời tăng nồng độ acid gamma-aminobutyric - một chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng giảm nhẹ rối loạn tâm trạng.
Có thể nói, tâm trạng bồn chồn bất an kéo dài hoàn toàn là dấu hiệu xấu cho thấy bạn cần phải ngay lập tức có chiến lược điều chỉnh, trước khi những cảm xúc này trở thành “mãn tính”, hay còn gọi là hội chứng rối loạn lo âu - một hội chứng tâm thần nguy hiểm và nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Bạn hãy đến các cơ sở y tế khi cần được tư vấn về sức khỏe.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Nguồn tham khảo: healthline.com
- Bạn có thể sử dụng phương pháp Ayurvedic để điều trị Hội chứng ruột kích thích thành công không?
- Các bài giãn cơ nên tập trước khi đi ngủ
- Tinh dầu sả chanh có tác dụng gì?