Mục lục
Tình trạng kiệt sức vì làm việc đang ngày càng phổ biến hơn trong cuộc sống hiện đại. Hầu hết chúng ta đều biết không nên làm việc đến kiệt sức nhưng nhiều khi lại không nhận ra bản thân đang kiệt sức vì công việc. Hãy cùng tìm hiểu làm thế nào để phát hiện kiệt sức vì công việc đang diễn ra với chúng ta.
1. Thế nào là kiệt sức vì công việc?
Kiệt sức vì công việc là một loại căng thẳng đặc biệt liên quan đến công việc - một trạng thái kiệt quệ về thể chất hoặc tinh thần, ví dụ cảm giác không đủ khả năng hoàn thành công việc và đánh mất bản sắc của cá nhân.
Kiệt sức vì công việc không phải là một chẩn đoán y tế nhưng là một vấn đề sức khỏe cần được chú ý bởi vì đây là một nguyên nhân phổ biến dẫn tới những căn bệnh như trầm cảm và nhiều ảnh hưởng xấu khác tới sức khỏe.
2. Tại sao không nên làm việc đến kiệt sức?
Có căng thẳng tốt (ngắn hạn) và căng thẳng xấu (dài hạn). Trong khi căng thẳng tốt giải phóng các chất hóa học giúp bạn hoạt động tốt hơn và tăng cường sức mạnh của não, thì căng thẳng xấu hay loại căng thẳng gây kiệt sức, khiến bạn có nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Cho dù có nhận ra hay không, điều này có thể tàn phá sức khỏe của của chúng ta gây ra các vấn đề khác nhau, bao gồm:
- Mệt mỏi, buồn bã, tức giận hoặc cáu kỉnh, phiền muộn,
- Mất ngủ, rối loạn giấc ngủ, căng thẳng quá mức, trầm cảm,
- Rối loạn ăn uống, tăng cân,
- Bệnh tim, cao huyết áp, tiểu đường type 2,
- Uống nhiều bia, lạm dụng rượu hoặc sử dụng chất kích thích,
- Suy giảm miễn dịch, dễ bị cảm lạnh,
3. Làm thế nào để phát hiện bản thân đang kiệt sức vì công việc?
Theo các chuyên gia về sức khỏe, có 5 dấu hiệu lớn cảnh báo tình trạng kiệt sức vì làm việc:
- Mất hứng thú, chán nản, thiếu năng lượng để làm việc: Khi hào hứng, mỗi ngày đều được đón nhận một cách nhiệt tình và lạc quan. Nhưng khi kiệt sức vì công việc, rất khó để có thể hứng thú với các cuộc họp, làm việc nhóm hay những việc liên quan khác. Bạn có thể cảm thấy những đóng góp của mình không được đánh giá cao và cảm thấy bị cô lập hay mắc kẹt trong công việc hiện tại.
- Cảm giác buông xuôi, mất động lực làm việc: Khi sự quan tâm đến công việc giảm xuống, hiệu suất công việc sẽ bị ảnh hưởng. Cơ thể khi kiệt sức vì công việc có thể dẫn tới sự bỏ bê như đi làm muộn, không tập trung, làm cho xong, tắc trách.
- Mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống: Bất kể vị trí làm việc là gì hoặc thu nhập kiếm được bao nhiêu cũng không nên để một công việc kiểm soát tất cả cuộc sống. Làm việc suốt ngày đêm hoàn toàn không giúp ích gì cho sự tỉnh táo và tinh thần sống. Nếu công việc quá bận rộn, mệt mỏi và căng thẳng làm bạn không thể nhớ lần cuối cùng ăn tối với gia đình thì nên thay đổi thật sớm để tránh kiệt sức vì công việc.
- Cảm giác ăn, ngủ và làm việc trong mơ: Nếu bạn thức dậy nghĩ về công việc, đi ngủ nghĩ về công việc, và mơ về những vấn đề liên quan đến công việc, tâm trí của sẽ không bao giờ được nghỉ ngơi và luôn ở chế độ làm việc.
- Thường xuyên cáu kỉnh: Khi không hài lòng và sắp kiệt sức vì công việc, sự bất an này có thể ngấm vào cuộc sống cá nhân làm cho bản thân trở nên nóng nảy hoặc cáu kỉnh với đồng nghiệp. Bên cạnh đó, kiệt sức vì công việc có nguy cơ khiến bạn trở thành một phiên bản kém thân thiện hơn của chính mình bên ngoài văn phòng dẫn đến mâu thuẫn với bạn bè và gia đình. Hãy nhớ rằng, không có công việc nào đáng làm tổn hại đến các mối quan hệ cá nhân quan trọng.
Ngoài ra, để phát hiện bản thân có đang rơi vào tình trạng kiệt sức vì công việc hay không, bạn có thể tự hỏi chính mình những câu hỏi sau:
- Bản thân có trở nên hoài nghi chính mình, không hài lòng với thành quả hay cảm thấy vỡ mộng trong công việc không?
- Bản thân có trở nên cáu kỉnh hoặc thiếu kiên nhẫn với đồng nghiệp, khách hàng hay người thân không?
- Bản thân có khó tập trung, thiếu năng lượng để luôn làm việc hiệu quả không?
- Bản thân đang sử dụng thức ăn, ma túy hoặc rượu để cảm thấy tốt hơn hay chỉ đơn giản để không cảm thấy gì?
- Bản thân có ngủ đủ giấc, giấc ngủ có ngon không?
- Bản thân có gặp rắc rối với những cơn đau đầu không rõ nguyên nhân, các vấn đề về dạ dày hoặc ruột hay những vấn đề về thể chất khác không?
Nếu câu trả lời là có cho một những câu hỏi trên, có thể nghi ngờ bản thân bạn đang gặp phải tình trạng kiệt sức vì công việc.
4. Nguyên nhân dẫn tới kiệt sức vì công việc?
Tình trạng kiệt sức có thể do nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm:
- Khối lượng công việc nặng nề và làm việc nhiều giờ,
- Không có khả năng tự quyết và kiểm soát được công việc của mình,
- Phạm vi công việc phân công không rõ ràng,
- Bị bắt nạt, cô lập ở nơi làm việc, thiếu sự hỗ trợ của đồng nghiệp,
- Mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
5. Làm gì khi rơi vào tình trạng kiệt sức vì công việc?
Vấn đề kiệt sức vì công việc không được phát hiện hoặc bỏ qua không được giải quyết dứt điểm có thể gây ra nhiều hậu quả tới sức khỏe và cuộc sống cá nhân, kể cả sự nghiệp. Dưới đây là một số cách đối phó với tình trạng kiệt sức vì công việc:
- Thảo luận với đồng nghiệp để có một kế hoạch làm việc khả thi,
- Tìm kiếm sự hỗ trợ trong công việc và trong đời sống hàng ngày,
- Thử thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng như yoga, thiền hoặc thái cực quyền,
- Dành thời gian hoạt động thể thao, hít thở không khí,
- Tập đi ngủ đúng giờ, tìm cách cải thiện giấc ngủ như dùng thay đổi không gian ngủ,
- Mỗi ngày hãy nhìn nhận cảm nhận của bản thân mà không cần giải thích hay phán xét,
- Giữ một tâm trí cởi mở,
- Tránh đòi hỏi cao, cầu tiến hay sự hoàn hảo quá làm bạn căng thẳng,...
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, healthline.com
- Tìm hiểu về Reiki
- Hiểu về các nhu cầu của con người trong chăm sóc sức khỏe
- Vinmec tạo giá trị khác biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam