Mục lục
- 1. 1. Kiểm tra độ nhạy kháng sinh là gì?
- 2. 2. Kiểm tra độ nhạy kháng sinh thường được thực hiện khi nào?
- 3. 3. Vì sao bạn nên kiểm tra độ nhạy kháng sinh?
- 4. 4. Kiểm tra độ nhạy kháng sinh được thực hiện như thế nào?
- 5. 5. Các rủi ro có thể xảy ra của kiểm tra độ nhạy kháng sinh
- 6. 6. Ý nghĩa của kết quả kiểm tra độ nhạy kháng sinh
- 7. 7. Khi nào cần thực hiện xét nghiệm bổ sung?
- 8. Đánh giá
Kiểm tra độ nhạy kháng sinh là một loại xét nghiệm hữu ích, giúp xác định được độ nhạy của vi khuẩn đối với thuốc kháng sinh cũng như tìm ra loại thuốc điều trị bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn hiệu quả nhất. Xét nghiệm độ nhạy kháng sinh thường có rất ít rủi ro và đem lại hiệu quả cao.
1. Kiểm tra độ nhạy kháng sinh là gì?
Thuốc kháng sinh là một loại thuốc thường được sử dụng để chống lại tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Hiện nay có nhiều loại thuốc kháng sinh khác nhau và mỗi loại chỉ có tác dụng chống lại một số vi khuẩn nhất định.
Phân tích độ nhạy hay còn được gọi là kiểm tra độ nhạy kháng sinh, đây là một loại xét nghiệm giúp xác định độ nhạy cảm của vi khuẩn đối với thuốc kháng sinh. Test kháng sinh cũng giúp bác sĩ tìm ra loại kháng sinh hiệu quả nhất để tiêu diệt vi sinh vật lây nhiễm bệnh, chẳng hạn như vi khuẩn hoặc nấm xâm nhập vào cơ thể và dẫn đến nhiễm trùng.
Kết quả từ việc kiểm tra độ nhạy kháng sinh sẽ giúp bác sĩ xác định được loại thuốc nào có tác dụng hiệu quả nhất trong việc điều trị nhiễm trùng. Ngoài ra, bác sĩ cũng sử dụng xét nghiệm độ nhạy kháng sinh nhằm xác định được phương pháp điều trị bằng kháng sinh phù hợp cho tình trạng nhiễm trùng, đồng thời giúp theo dõi về khả năng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn.
Bên cạnh đó, kiểm tra độ nhạy kháng sinh cũng có thể hữu ích trong việc tìm ra phương pháp điều trị cho các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc kháng sinh. Tình trạng kháng thuốc kháng sinh thường xảy ra khi thuốc kháng sinh tiêu chuẩn trở nên kém hiệu quả hơn hoặc không có tác dụng đối với một số loại vi khuẩn nhất định. Điều này cũng có thể khiến cho các căn bệnh dễ điều trị trở nên nguy hiểm hơn, thậm chí đe dọa tới tính mạng của bạn.
2. Kiểm tra độ nhạy kháng sinh thường được thực hiện khi nào?
Có nhiều loại vi khuẩn có khả năng kháng lại một số loại thuốc kháng sinh thông thường. Điều này khiến cho thuốc kháng sinh không thể tiêu diệt được các vi khuẩn như mong đợi. Kiểm tra độ nhạy kháng sinh được xem là một công cụ hữu ích giúp nhanh chóng xác định xem liệu vi khuẩn có kháng với một số loại thuốc kháng sinh hay không.
Một số tình trạng nhiễm trùng kháng thuốc kháng sinh, bao gồm:
- Đau họng dai dẳng
- Bệnh viêm phổi không đáp ứng với phương pháp điều trị
- Bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát (UTI)
Kiểm tra độ nhạy kháng sinh thường được yêu cầu thực hiện nếu tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân không đáp ứng với điều trị. Điều này có thể giúp bác sĩ đánh giá xem liệu vi khuẩn gây nhiễm trùng đã phát triển sức đề kháng hay chưa, từ đó xác định được loại thuốc nào sẽ mang lại hiệu quả hơn trong việc điều trị nhiễm trùng.
3. Vì sao bạn nên kiểm tra độ nhạy kháng sinh?
Bạn có thể cần thực hiện xét nghiệm độ nhạy kháng sinh nếu tình trạng nhiễm trùng của bạn có khả năng kháng thuốc kháng sinh hoặc khó điều trị. Những tình trạng nhiễm trùng này thường bao gồm bệnh lao, nhiễm C.diff và tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA).
Ngoài ra, bạn cũng nên thực hiện kiểm tra độ nhạy kháng sinh nếu bị nhiễm trùng do nấm hoặc vi khuẩn không đáp ứng với các phương pháp điều trị tiêu chuẩn hiện có.
4. Kiểm tra độ nhạy kháng sinh được thực hiện như thế nào?
Test kháng sinh hoặc kiểm tra độ nhạy kháng sinh thường được bắt đầu với một mẫu vi khuẩn. Bác sĩ sẽ lấy mẫu vi khuẩn ngay tại khu vực bị nhiễm bệnh hoặc bất kỳ vị trí nhiễm trùng nào khác trên cơ thể, bao gồm:
- Máu
- Đờm
- Nước tiểu
- Bên trong cổ tử cung
- Vết thương có mủ
Sau đó, mẫu vi khuẩn sẽ được đưa đến phòng thí nghiệm và nuôi cấy trong môi trường đặc biệt để phát triển và nhân lên. Các vi khuẩn có thể tạo thành các khuẩn lạc hoặc các nhóm vi khuẩn lớn, trong đó mỗi nhóm sẽ được tiếp xúc với các loại kháng sinh khác nhau.
Các khuẩn lạc này có thể nhạy cảm, trung gian hoặc kháng thuốc để phản ứng lại với kháng sinh:
- Nhạy cảm với kháng sinh: Vi khuẩn không thể phát triển nếu có thuốc kháng sinh. Điều này cho thấy thuốc kháng sinh có hiệu quả chống lại vi khuẩn.
- Trung gian: Cần một liều lượng thuốc kháng sinh cao hơn để có thể ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.
- Kháng thuốc: Vi khuẩn có thể phát triển ngay cả khi tiếp xúc với thuốc kháng sinh. Dấu hiệu này cho thấy thuốc kháng sinh đang hoạt động không hiệu quả.
5. Các rủi ro có thể xảy ra của kiểm tra độ nhạy kháng sinh
Thông thường, xét nghiệm độ nhạy kháng sinh mang lại rất ít rủi ro cho bệnh nhân. Trong trường hợp lấy mẫu máu có thể kèm theo rủi ro không đáng kể, chẳng hạn như các triệu chứng đau nhẹ, cảm giác kim châm hoặc đau nhói sau khi rút kim. Một số rủi ro hiếm gặp khi lấy mẫu máu trong kiểm tra độ nhạy kháng sinh, bao gồm:
- Cảm thấy choáng váng
- Ngất xỉu
- Tụ máu (xuất hiện vết bầm nơi máu tích tụ lại ở dưới da)
- Nhiễm trùng, thường được ngăn ngừa bằng cách làm sạch vùng da trước khi đưa kim vào tĩnh mạch
- Chảy máu nhiều, nếu tình trạng này xảy ra trong một thời gian dài sau khi lấy mẫu máu, bạn nên báo ngay cho bác sĩ để được xử lý kịp thời.
6. Ý nghĩa của kết quả kiểm tra độ nhạy kháng sinh
Sau khi vi khuẩn được nuôi cấy và thử nghiệm với các loại thuốc kháng sinh khác nhau, bác sĩ sẽ tiến hành phân tích kết quả. Những kết quả của kiểm tra độ nhạy kháng sinh sẽ giúp xác định được loại thuốc tốt nhất để điều trị cho tình trạng nhiễm trùng của bạn.
Vi khuẩn nhạy cảm với kháng sinh: Bác sĩ sẽ chọn một loại thuốc kháng sinh phù hợp từ báo cáo của cuộc xét nghiệm cho thấy thuốc có thể chống lại vi khuẩn.
Vi khuẩn trung gian với kháng sinh: Bác sĩ sẽ kê cho bạn một loại thuốc kháng sinh liều cao hơn thuộc nhóm “trung gian” và sử dụng trong một thời gian dài. Tuy nhiên, điều này có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn do thuốc kháng sinh gây ra.
Vi khuẩn kháng kháng sinh: Không nên sử dụng thuốc kháng sinh đã bị vi khuẩn kháng để điều trị nhiễm trùng. Bác sĩ sẽ đưa ra quyết định lựa chọn loại thuốc kháng sinh tốt nhất và được chứng minh là có hiệu quả trong việc tiêu diệt vi sinh vật gây nhiễm trùng.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể được kê đơn kết hợp nhiều loại thuốc kháng sinh với nhau nếu vi khuẩn kháng tất cả các loại thuốc tiêu chuẩn được sử dụng trong điều trị nhiễm trùng. Sự kết hợp này có thể “hợp tác” cùng nhau để tiêu diệt cũng như chống lại vi khuẩn.
7. Khi nào cần thực hiện xét nghiệm bổ sung?
Một số căn bệnh nhiễm trùng có thể yêu cầu các xét nghiệm bổ sung vì đôi khi các loại thuốc kháng sinh thông thường được sử dụng để điều trị nấm hay vi khuẩn gây nhiễm trùng không phải lúc nào cũng hiệu quả.
Test kháng sinh có thể được sử dụng để tìm ra loại kháng sinh hoặc kết hợp kháng sinh nào sẽ mang lại hiệu quả nhất trong việc điều trị các loại vi khuẩn gây nhiễm trùng khác nhau.
- Cần làm gì khi bé trai 6 tháng tuổi bị tiểu buốt, tiểu rắt?
- Trắc nghiệm: Bạn biết bao nhiêu về vi khuẩn Listeria?
- Trẻ 1 tuổi bị nhiễm trùng máu có điều trị được không?