Mục lục
Giấc ngủ không chỉ quan trọng đối với mức nạp năng lượng mà còn rất quan trọng đối với sức khỏe tim mạch. Giấc ngủ giúp cơ thể bạn có thời gian chữa lành và nạp lại năng lượng sau một ngày hoạt động. Vì vậy, nếu giấc ngủ không được đảm bảo thì có thể dẫn tới các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trong đó có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
1. Giấc ngủ ảnh hưởng tới tình trạng sức khỏe nào?
Ngủ đủ giấc không chỉ quan trọng đối với mức nạp năng lượng mà còn rất quan trọng đối với sức khỏe tim mạch của bạn. Giấc ngủ giúp cơ thể tự sửa chữa và hoạt động bình thường trở lại trong ngày. Hầu hết người trưởng thành cần ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm. Tuy nhiên, một số người cho rằng họ không ngủ đủ giấc theo khuyến nghị. Mặc dù điều này có thể ổn định lại trong một hoặc hai ngày, nhưng không ngủ được nhiều ngày theo thời gian có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng bao gồm cơn đau tim, hen phế quản và trầm cảm. Một số vấn đề sức khỏe này làm tăng nguy cơ bệnh tim, đau tim và đột quỵ. Những vấn đề sức khỏe ảnh hưởng bởi tình trạng không ngủ được bao gồm:
- Huyết áp cao: Trong khi ngủ, huyết áp của con người sẽ giảm xuống. Nếu bạn không ngủ được và gặp những vấn đề về giấc ngủ có thể làm cho huyết áp của bạn sẽ cao hơn trong một thời gian dài. Huyết áp cao chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu đối với bệnh tim và đột quỵ.
- Bệnh tiểu đường type 2: Bệnh tiểu đường là một căn bệnh làm cho đường tích tụ trong máu của bạn, một tình trạng có thể làm hỏng các mạch máu. Một số nghiên cứu cho thấy rằng việc ngủ đủ giấc có thể giúp cho mọi người cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu.
- Béo phì: Thiếu ngủ có thể dẫn đến tình trạng tăng cân không kiểm soát. Điều này đặc biệt đúng đối với các đối tượng cần ngủ nhiều hơn người trưởng thành như ở trẻ em và thanh thiếu niên. Ngủ không đủ giấc có thể ảnh hưởng đến một phần não kiểm soát cơn đói.
2. Không ngủ được có thể làm tăng nguy cơ tim mạch?
Các vấn đề về giấc ngủ, đặc biệt là không ngủ được nhiều ngày có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch của bạn. Chứng ngưng thở khi ngủ xảy ra khi đường thở bị tắc nghẽn liên tục trong khi ngủ, khiến cho bạn bị ngừng thở trong một khoảng thời gian ngắn. Ngưng thở khi ngủ có thể xảy ra do một số vấn đề sức khỏe gây nên, ví dụ như béo phì và suy tim. Chứng ngưng thở khi ngủ ảnh hưởng đến lượng oxy mà cơ thể nhận được trong khi ngủ và làm tăng nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe tim mạch bao gồm huyết áp cao, đau tim và thậm chí cả đột quỵ. Ngưng thở khi ngủ thường gặp phổ biến hơn ở những người da đen, người gốc Tây Ban Nha và người Mỹ bản địa hơn là người da trắng.
Mất ngủ là tình trạng khó đi vào ngủ, không ngủ được hay ngủ không sâu giấc. Cứ 2 người trưởng thành thì có 1 người bị mất ngủ ngắn hạn vào một thời điểm nào đó và 1/10 có thể bị mất ngủ kéo dài. Mất ngủ có liên quan mật thiết đến huyết áp cao và bệnh tim. Theo thời gian, giấc ngủ không đảm bảo cũng có thể dẫn đến những thói quen không lành mạnh và có thể làm tổn thương tới tình trạng sức khỏe tim mạch của bạn, bao gồm mức độ căng thẳng cao hơn, ít có động lực để hoạt động thể chất và lựa chọn các loại thực phẩm không lành mạnh.
Xem ngay: Giấc ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch của bạn như thế nào?
3. Làm gì để có giấc ngủ ngon hơn?
Nếu bạn không ngủ được trong nhiều ngày, ngoài việc tìm ra nguyên nhân tại sao không ngủ được thì có thể áp dụng một số biện pháp có thể cải thiện giấc ngủ và phòng ngừa nguy cơ bệnh tim bao gồm:
- Hãy tuân thủ theo một lịch trình ngủ đều đặn bằng cách đi ngủ vào cùng một giờ ở mỗi đêm và đồng thời thức dậy vào cùng một giờ mỗi sáng, kể cả vào những ngày nghỉ hay ngày cuối tuần.
- Nhận đủ ánh sáng tự nhiên, đặc biệt là ánh sáng các buổi sáng sớm trong ngày. Hãy thử đi bộ buổi sáng sớm hoặc buổi trưa.
- Hoạt động thể chất đầy đủ trong ngày. Cố gắng từ bỏ thói quen tập thể dục trong vòng vài giờ trước khi đi ngủ, điều này có thể khiến cho bạn trở nên khó ngủ hơn.
- Hạn chế tiếp xúc ánh sáng nhân tạo, đặc biệt là trong vòng vài giờ trước khi đi ngủ. Nếu bạn cần phải làm việc hãy sử dụng bộ lọc ánh sáng xanh trên các thiết bị điện tử như máy tính hoặc điện thoại thông minh của bạn.
- Không ăn hoặc uống các chất kích thích trong vòng vài giờ trước khi đi ngủ, đặc biệt tránh uống rượu và thức ăn có nhiều đường hoặc chất béo.
- Luôn giữ cho phòng ngủ của bạn nhiệt độ phù hợp, tối và một không gian yên tĩnh.
Tóm lại, giấc ngủ không chỉ quan trọng đối với mức năng lượng của bạn mà còn rất quan trọng đối với sức khỏe tim mạch. Giấc ngủ giúp cơ thể bạn có thời gian chữa lành và nạp lại năng lượng sau một ngày hoạt động. Vì vậy, nếu giấc ngủ không được đảm bảo thì có thể dẫn tới các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trong đó có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nếu bạn không ngủ được nhiều ngày hãy tới ngay cơ sở y tế để được đánh giá và tìm ra nguyên nhân cũng như được tư vấn các biện pháp can thiệp giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Nguồn tham khảo: webmd.com, medicinenet.com, sleepfoundation.org, cdc.gov
- Không ngủ được, phải làm sao?
- Làm cách nào để hết buồn ngủ khi cần sự tỉnh táo?
- Ngủ nhiều hơn, cân nặng sẽ giảm?